|
Vợ chồng giáo sư Nguyễn Đình Chú. |
GS.TS NGUYỄN ĐÌNH CHÚ
Tôi muốn mở đầu bài viết này từ những câu nói sau đây về tiếng Việt của Truyện Kiều:
“Nam âm tuyệt xướng” (Truyện Kiều là tiếng nói tuyệt hay của nước Nam) Đào Nguyên Phổ.
“Truyện Kiều” là quốc hoa quốc túy quốc hồn của ta đó. “Truyện Kiều” còn tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” - Phạm Quỳnh.
“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” - Chế Lan Viên
Ta nghĩ gì về những câu nói của các bậc tiền nhân trứ danh này?
Rõ ràng mỗi người một cách phát ngôn, nhưng chung nhau một ý tưởng coi tiếng Việt của Truyện Kiều là hay nhất, đẹp nhất, tuyệt diệu nhất của tiếng Việt Nam ta. Trong ý kiến của Phạm Quỳnh và Chế Lan Viên lại còn nói đến vai trò của tiếng Việt Truyện Kiều trong sự tồn vong của đất nước.Với Chế Lan Viên là nhà thơ trứ danh của cách mạng thì chỉ rặt được sự tán thưởng. Nhưng với ông chủ bút Tạp chí Nam Phong tôn vinh Truyện Kiều vào năm 1924 trong dịp Hội Khai Trí Tiến Đức kỷ niệm Nguyễn Du là buổi đất nước còn bị thực dân Pháp đô hộ. Do đó, câu nói của ông chủ bút về tiếng Việt Truyện Kiều hẳn đã không thoát khỏi đòn bút của hai chí sĩ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, sau 13 năm tù Côn Đảo được thả ra, kết tội Phạm Quỳnh đã gây ra phong trào sùng bái Truyện Kiều để ru ngủ thanh niên quên nhiệm vụ cứu nước. Còn trên văn đàn công khai thì Nam Phong và vị chủ bút vẫn được ca ngợi hết lời.Như thế thì cũng chẳng có ai đụng đến hai câu nói đó của Chủ bút. Chỉ sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trừ các vùng như Hà Nội trước 1954, miền Nam trước 1975, còn nữa thì một thời Tạp chí Nam Phong bị coi là văn học nô dịch, đặc biệt với chủ bút đã bị qui tội bồi bút thực dân. Hai câu nói của Chủ bút về tiếng Việt của Truyện Kiều thì bị coi là viên đạn bọc đường. Ý cho rằng lời nói này hay nhưng đó là nguy hiểm cho đất nước trong hoàn cảnh mất nước. Một cái tội tày trời (?!) Sự thể từng là thế. Hôm nay ta sẽ nghĩ thế nào nhỉ?
Trước hết phải thấy qui luật cộng hưởng trong tiếp nhận văn bản nói chung văn bản nghệ thuật nói riêng vốn là thiên hình vạn trạng và mang dấu ấn cá nhân và thời đại, kể cả chính thể. Với hai câu nói như thế mà có nhiều ý kiến khác nhau là điều dễ hiểu. Còn với chúng ta hôm nay, liệu có ai coi hai câu nói đó là viên đạn bọc đường nữa không. Có lẽ là không trong khi có nhiều người thích thú , coi đó là thuộc loại những câu nói hay nhất, đích đáng nhất về Truyện Kiều. Sau đây tôi thử dựa theo lý thuyết diễn ngôn đang ăn khách trên thế giới, kể cả ở nước ta là lý thuyết tôn trọng sự tồn tại khách quan của ngữ nghĩa của ngôn từ để giải mã nội dung của nó xem sao.
Một câu hỏi có thể đặt ra: Sao lại chỉ Truyện Kiều là “Quốc hoa quốc túy quốc hồn”? Và sao lại chỉ “Nguyễn Du viết Kiều” đất nước mới “hóa thành văn”? Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập, Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm, Tú Xương - bậc Thần thơ Thánh chữ… đâu mà không có tên, kể cả ngôn ngữ của ca dao thuộc văn học dân gian sao không được nói đến? Đâu chỉ ngôn ngữ văn chương mới làm nên “quốc hoa quốc túy quốc hồn” trong khi quốc hoa quốc túy quốc hồn là sự thăng hoa kết tinh từ nhiều phương diện trong sự sống của đất nước. Thiết nghĩ câu hỏi trên cần đặt ra như thế nhưng là thừa. Bởi vị chủ bút và nhà thơ đã thừa biết thế nhưng đây là muốn nói về vị trí số một ở độ kết tinh thăng hoa tuyệt đỉnh của tiếng Việt Truyện Kiều mà không một thi tài văn tài nào của đất nước ngang tầm. Vả chăng đây là câu nói trong Diễn văn đọc tại buổi lễ Kỷ niệm Nguyễn Du, chứ đâu là chuyện bàn về quốc hoa quốc túy quốc hồn Việt Nam nói chung.
Như đã nói trong ý kiến của ông chủ bút và nhà thơ còn nói đến vai trò của tiếng Việt Truyện Kiều trong sự tồn vong của đất nước. Trong thực tế, phải chăng đang có tình trạng là khi nghĩ đến sự tồn vong và phát triển của đất nước vốn bao phen bị ngoại xâm đặc biệt từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1979 lại phải đương đầu với bốn cuộc chiến tranh vệ quốc mà vẫn giữ được đất nước nên trong cảm hứng tôn vinh thiên về công lao của võ công hơn là văn nghiệp. Do đó mà khi nói đến vai trò lịch sử, nói đến lòng yêu nước thường chỉ nói nhiều đến nhân dân anh hùng, các bậc anh hùng cứu quốc. Tình trạng đó là cần thiết có lý do nhưng chưa đủ độ hoàn chỉnh… Bởi lẽ Nguyễn Du viết Kiều làm nên “quốc hoa quốc túy quốc hồn”và “đất nước hóa thành văn”như thế sao lại không phải là nhà ái quốc vĩ đại. Trong các sách viết về nội dung yêu nước của văn thơ Việt Nam từ trước đến nay hình như chưa thấy đâu nói làm đẹp tiếng Việt, làm đẹp văn chương của đất nước như Nguyễn Du viết Kiều cũng là yêu nước vĩ đại và Truyện Kiều chính là sản phẩm của lòng yêu nước vĩ đại đó...
Để rõ hơn điều này, cần nói đến vị trí của ngôn ngữ, của tiếng nói trong sự tồn vong của đất nước. Đất nước bị xâm lăng thì mất lãnh thổ, mất chủ quyền, mất chế độ, mất quyền sống. Nhưng với tinh thần quật cường của nhân dân trong các phong trào cứu nước dưới sự lãnh đạo của các bậc anh hùng một khi đã đại thắng như lịch sử Việt Nam ta đã bao phen chứng minh thì lãnh thổ, chủ quyền quyền sống đều lại còn kể cả chế độ nếu muốn. Nhưng mất nước mà mất đến cả văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là mất tiếng nói thì ôi thôi là mất vĩnh viễn. Hiện thực đó đâu khó thấy. Vả chăng với đất nước đâu chỉ có chuyện chống xâm lăng mà quan trọng hơn còn phải là phát triển với đủ lãnh vực của cuộc sống mà nhất định không thể thiếu văn chương mà ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên. Nói qua một chút như thế là đủ để chúng ta thấy mấy câu nói của hai ông, đặc biệt là câu nói của ông chủ bút Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn; tiếng ta còn nước ta còn” là tuyệt đối đúng với qui luật khách quan của sự sống với bất cứ quốc gia dân tộc nào.
Để hiểu sâu hơn giá trị của mấy câu nói của ông chủ bút và nhà thơ trong việc đề cao tiếng Việt Truyện Kiều, thiết tưởng lại cần có cách hiểu khái niệm thiên tài là thế nào. Trong thực tế, để tôn vinh giá trị người, trong tiếng Việt đã có không biết bao nhiêu thuật ngữ. Nào là: anh hùng, hào kiệt, vĩ đại, vĩ nhân, thánh nhân... Trong lãnh vực văn chương cũng có nhiều thuật ngữ. Nào là: văn tài, thi hào, thi bá, thần thơ thánh chữ… Riêng thuật ngữ “thiên tài” thì được dành chung cho nhiều lãnh vực của cuộc sống. Việc sử dụng thuật ngữ này thì cũng tùy ai thích dùng thế nào thì dùng. Xin kể một trường hơp: ngày
Đặng Thái Sơn đạt giải nhất quốc tế Piano về nước, báo chí nhiều chỗ coi đó là thiên tài. Truyền hình Việt Nam giới thiệu về Đặng Thái Sơn. Một ông chủ nhiệm của Nhạc viện quốc gia Hà Nội phát biểu: “Đặng Thái Sơn là thiên tài. Rồi đây dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt của chúng ta sẽ có hàng chục thiên tài”. Không dấu gì quí vị, nghe câu nói này tôi bảo con tắt ngay tivi và buột ra một câu: nói phét. Nếu nói phét thì tôi còn nói gấp trăm đấy. Chuyện đời là thế. Còn với văn chương Việt Nam thì thuật ngữ thiên tài cũng đã dùng cho Nguyễn Du nhiều hơn nhưng còn là với một vài tác gia tác phẩm khác. Có trường hợp không dùng thuật ngữ thiên tài mà dùng từ tố “người trời viết”. Đó là trường hợp thần đồng thơ Trần Đăng Khoa… Riêng tôi, trong bài viết Nguyễn Du thiên tài, vấn đề đã quen mà còn lạ(1) thì đã vận dụng thuật ngữ “thiên tài” với quan niệm nghiêm ngặt của Goeth (Gớt): “Không phải nước nào cũng có thiên tài. Chỉ một số nước nào đó mới có thiên tài. Mà nước có thiên tài thì không phải ai cũng thành thiên tài. Chỉ một vài người nào đó có khả năng thành thiên tài. Mà người có khả năng thiên tài đó không phải ở tình huống nào cũng thành thiên tài. Phải có một tình huống nào đó mới thành thiên tài”. Tôi cũng dựa thêm ý của Mác:” Chủ nghĩa xã hội không thể tạo ra thiên tài. Nhưng nếu cuộc sống có mầm mống thiên tài thì chủ nghĩa xã hội đảm bảo cho mầm mống ấy trở thành thiên tài”. Từ quan niệm nghiêm ngặt về thiên tài như thế, tôi nghĩ rằng: Việt Nam ta là nước có thiên tài. Ở các lãnh vực nào khác thì xin để vị nào đó cho ý kiến. Riêng tôi thấy ở lãnh vực văn chương là có thiên tài, mà về tác phẩm thì không gì khác ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tôi đã từ một cách nghĩ ít nhiều khác với những gì thường có xưa nay trong việc chứng minh Truyện Kiều là tác phẩm thiên tài thể hiện trong bài viết đó. Mong được quí vị đọc cho...
Sau đây xin nói về cội nguồn và sự hiện diện của thiên tài tiếng Việt Truyện Kiều với những luận điểm gốc chứ không phải là việc miêu tả chi li cụ thể:
Trước hết, ngôn ngữ tiếng Việt đã được văn bản hóa là yếu tố đầu tiên không thể thiếu khi nói Truyện Kiều là kiệt tác thiên tài. Bởi các sách lý luận văn chương đều nói: Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên tạo ra tác phẩm, dù kiệt tác hay không kiệt tác. Tiếng Việt của Truyện Kiều đã kết tinh ở độ thiên tài. Nhưng sau Truyện Kiều, tiếng Việt văn chương vẫn phát triển và mang tính chất lịch sử cụ thể, đặc biệt một khi văn chương Việt Nam chuyển từ phạm trù trung đại sang phạm trù hiện đại với hai thành tựu tiêu biểu là sự hình thành và phát triển nền văn xuôi hiện đại và sự xuất hiện phong trào Thơ mới thì về mặt tiếng Việt cũng không ít thành tựu xuất sắc nhưng vẫn chưa có tác phẩm nào đạt được độ kết tinh thiên tài như Truyện Kiều. Ngược lại trong thời đại mới, tiếng Việt ở Truyện Kiều dù đã ở độ thiên tài vẫn có bộ phận phải để lại quá khứ. Đó là qui luật.
Tiếng Việt của Truyện Kiều là sự kết tinh ở mức độ thiên tài của quá trình vận động phát triển của tiếng Việt nói chung trong đó có tiếng Việt văn chương bao gồm hai luồng cơ bản là ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ dân gian. Ở Truyện Kiều là sự giao thoa của hai luồng ngôn ngữ đó nên vừa có tính chất dân gian do nguồn gốc thuộc ngôn ngữ dân gian (Follorique), ví như “mạt cưa mướp đắng”, “rằng không thì cũng vâng lời rằng không”…, vừa có khả năng dân gian hóa nghĩa là từ ngôn ngữ Truyện Kiều mà gia nhập ngôn ngữ dân gian (Folkloriser) ví như “đồ Sở Khanh”, “ghen Hoạn Thư”...
Tiếng Việt của Truyện Kiều là sự kết tinh của văn chương Việt Nam nói chung, trực tiếp là văn học Nôm mở đầu từ Phi sa tập và Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên đến Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Thiên Nam ngữ lục (khuyết danh) Hồng Đức quốc âm thi tập và Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông, thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đặc biệt đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX thì đã có sự phát triển rực rỡ với nhiều thành tựu xuất sắc: Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, dịch phẩm Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm (?), thơ của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, thơ của Bà Huyện Thanh Quan… Trên cái nền đó, Truyện Kiều của Nguyễn Du là đỉnh cao nhất.
Tiếng Việt của Truyện Kiều cũng là sự kết tinh của quá trình vận động và phát triển thể tài thuộc văn học Nôm từ chỗ là thơ Đường luật, văn tế đến diễn ca lịch sử, đến truyện thơ là thể loại tiền thân của thể loại tiểu thuyết vốn có khả năng dung chứa nội dung cuộc sống và đời sống tâm lý tình cảm con người lớn hơn. Chưa bao giờ thể loại truyện Nôm phát triển phong phú như ở thế kỷ XVIII mà Truyện Kiều cũng là đỉnh cao nhất do có quan điểm nghệ thuật mới vượt ra khỏi quan niệm thi ngôn chí là viết để tỏ rõ ý chí của mình và khuyên răn đời, còn đây là viết về “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Khác nhau khá cơ bản trong văn chương. Về bút pháp, ở đây, đã có sự vượt khỏi tính chất truyện kể khá lớn để ít nhiều có tính chất tiểu thuyết hiện đại trong đó về mặt miêu tả nội tâm tâm lý nhân vật tài giỏi đến mức tác giả được mệnh danh là bậc thánh thiên tử về tâm lý trong văn chương. Học giả Phan Ngọc còn cho rằng văn chương phản ảnh tâm lý con người thì Truyện Kiều là vô địch đối với văn chương thế giới (?). Hiện tượng tập Kiều, lẩy Kiều, đặc biệt là bói Kiều là do Truyện Kiều đã hầu như ôm hết mọi cảnh ngộ, mọi tâm trạng trong cuộc sống con người...
Tiếng Việt của Truyện Kiều kết tinh ở độ thiên tài còn thể hiện trong phương pháp sáng tác vừa hiện thực vừa lãng mạn và trong việc xây dựng nhân vật chính diện và phản diện. Về hiện thực thì thiên về ngôn ngữ dân gian. Về lãng mạn thì thiên về ngôn ngữ bác học. Với nhân vật chính diện thì thiên về ngôn ngữ bác học. Với nhân vật phản diện thì thiên về ngôn ngữ dân gian. Một chút so sánh ngôn ngữ tả hình hài mặt mũi của chị em Thúy Kiều và Thúy Vân với Tú Bà và Hồ Tôn Hiến thì rõ, một bên thiên về bác học một bên thiên về dân gian như thế.
Để kết thúc bài viết, tôi có ba ý kiến như sau:
Đề cao tiếng Việt của Truyện Kiều như thế là cần thiết nhưng chỉ coi đó là yếu tố đầu tiên không thể thiếu. Chứ để có được Truyện Kiều thiên tài thì cơ bản vẫn là nội dung tư tưởng tình cảm và khả năng sáng tạo đa diện, toàn diện của tác giả. Mà nền tảng chính là tình thương con người ở mức bao la, bát ngát . So với những tác gia thiên tài của nhân loại, về triết lý, có thể Nguyễn Du không bằng, nhưng về tình thương con người thì có lẽ là hơn bất cứ thiên tài nào trong phạm vi tôi biết. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã dựa vào Nho giáo và Phật giáo và từng có ý kiến coi Phật giáo là triết lý, Nho giáo là đạo đức, hoặc cả hai vừa là triết lý vừa là đạo đức. Riêng tôi thì cho rằng ở Truyện Kiều, Nho giáo là hình hài, Phật giáo là hồn cốt. Bởi về hình hài, Truyện Kiều là sự minh họa cho triết lý của Nho giáo “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Nhưng đó chưa đủ để tạo nên hồn cốt của tác phẩm. Hồn cốt của tác phẩm phải là từ nỗi “Đau đớn thay phận đàn bà”trong muôn nơi muôn thuở chứ không riêng gì của đàn bà Việt Nam thời Nguyễn Du, bởi như Mộng Liên Đường đã nói: “Nguyễn Du có con mắt trông thấu sáu cõi. Có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”. Nỗi đau này có gốc rễ từ truyền thống đạo đức dân tộc được nâng cao nhờ có Phật giáo vốn là một tôn giáo có tình thương con người mênh mông thăm thẳm hơn bất cứ tôn giáo nào.
Dù giá trị thiên tài Truyện Kiều nhìn chung là thế nhưng vẫn phải nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của ngôn ngữ ở đây là tiếng Việt của Truyện Kiều trong việc tạo ra sức sống phi thường của Truyện Kiều đã bất chấp thời gian, bất chấp chính kiến của các giai tầng xã hội, bất chấp trình độ của người đọc, đặc biệt là với cả người không biết chữ, vượt biên giới quốc gia vươn ra thế giới, tuy thanh danh chưa bằng một số kiệt tác thiên tài nào đó của quốc gia nào đó bởi tùy thuộc vào vị trí tầm vóc thanh danh văn hóa Việt Nam ta trên trường quốc tế chưa ngang tầm so với vị trí của một số quốc gia đó có kiệt tác thiên tài. Dù vậy, trong chừng mực hiểu biết của tôi có tham khảo ý kiến nhiều bạn là chuyên gia văn học nước ngoài thì không đâu như Truyện Kiều của Việt Nam, đã tạo ra một hiện tượng văn hóa Kiều với không biết bao nhiều loại hình mà chúng ta đã biết.
Bài viết này chủ yếu là nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc hơn, tường minh hơn về độ kết tinh thiên tài của tiếng Việt Truyện Kiều. Mà nội dung là bằng tư duy phân tích lịch sử kết hợp với tư duy phân tích logic để nêu lên những luận điểm cơ bản ở cấp độ vĩ mô bao quát khi nói đến giá trị thiên tài của tiếng Việt Truyện Kiều.. Còn việc khám phá cụ thể về tiếng Việt Truyện Kiều trên các phương diện văn bản học, giá trị văn chương, giá trị ngôn ngữ học, tu từ học, cách hiểu từ này từ khác, tính chất địa phương của từ ngữ… thì khoa Kiều học đã có không biết bao nhiêu là thành tựu với rất nhiều cách thức khám phá. Có thể kể một vài công trình công phu như Tự điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều của Lê Xuân Lít, Tự điển âm từ cổ Truyện Kiều của Bùi Thiết… Riêng tôi, ngoại cửu tuần rồi, không làm được gì hơn nữa. Chứ nếu còn làm được việc đào tạo thì ở bậc thạc sĩ, mỗi luận điểm nêu lên đó sẽ là một đề tài luận văn. Ở bậc tiến sĩ thì đề tài sẽ là vấn đề chung: Tiếng Việt của Truyện Kiều.
N.Đ.C
1. Xem: Nguyễn Đình Chú :Văn hóa Văn học Giáo dục (Tuyển chọn những bài nghiên cứu sau 1975). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2017.