GIÁO SƯ HOÀNG XUÂN HÃN VỚI NGUYỄN DU VÀ “TRUYỆN KIỀU”

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn 
GS Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 08/3/1908, quê thôn Yên Phúc, làng Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Thuở nhỏ Ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà với cụ thân sinh và thầy đồ người họ ngoại.
Sinh ra và lớn lên trong một vùng ”Địa linh nhân kiệt” nên ngay từ nhỏ Ông đã được hấp thụ và say mê văn hóa dân tộc, yêu mến sự nghiệp và các tác phẩm của các danh nhân như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp…vv.
Chính GS Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên nghiên cứu và đề xuất ý kiến cho rằng đã từng hình thành một “Hồng Sơn văn phái” ở các huyện vùng Đông Bắc Hà Tĩnh.
Mặc dù được đào tạo bài bản thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật như toán học, cơ học, thiên văn học, khoa học quân sự, cả tin học và vật lý nguyên tử (1958) và cũng đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu trong các lĩnh vực trên, nhưng Ông vẫn giành nhiều thời gian  nhất cho việc nghiên cứu văn hóa dân tộc như ngôn ngữ giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường, lịch và lịch Việt Nam, lịch sử và văn hóa Việt Nam thời trung đại. Đặc biệt Ông đã dành hơn 50 năm cuối đời để khảo cứu Truyện Kiều và các tác phẩm khác của Nguyễn Du. GS Hoàng Xuân Hãn thưởng thức và khảo cứu Truyện Kiều không chỉ với thái độ cẩn trọng, nghiêm túc của một nhà văn bản học, của một nhà nghiên cứu lịch sử, với tâm hồn của một nhà thơ, mà còn với tư duy của một nhà toán học và thiên văn học.
Tôi xin kể sau đây một vài câu chuyện về GS Hoàng Xuân Hãn với việc nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du.
Câu chuyện thứ nhất: Đó là câu chuyện vui về bài báo Cô Kiều bị bắt đăng trên báo khoa học số 10 tháng 10/1942. GS Hoàng Xuân Hãn và GS Nguyễn Xiển cùng nhiều nhà khoa học đã khai trương tờ báo Khoa học vào những năm đầu của thập kỷ 40 của thế kỷ trước nhằm truyền bá những kiến thức và tư tưởng khoa học cho giới trẻ và quần chúng nhân dân nói chung. GS Hoàng Xuân Hãn chịu trách nhiệm chính viết các bài về toán học, lý học, hóa học, cơ học và thiên văn học trên tờ báo này.
Năm 1942, nhân kỷ niệm ngày giỗ của thi hào Nguyễn Du, các tờ báo ở Việt Nam đều có nhiều bài viết về thi hào. Báo Khoa học có vẻ “ngoại đạo” với văn chương. GS Nguyễn Xiển đề nghị GS Hoàng Xuân Hãn viết cho báo Khoa học một bài để hưởng ứng kỷ niệm thi hào Nguyễn Du nhân ngày giỗ của thi hào và GS Hãn đã nhận lời. Giáo sư viết. “Trong khi các báo đang lo bài để kỷ niệm cụ Nguyễn Du, báo Khoa học không lẽ vì 2 tiếng Khoa học mà quên một bậc văn hào, nên tôi đã trộm phép các bạn làng văn đem hai câu Kiều ra bàn để đoán ngày giờ lúc Cô Kiều bị bọn Khuyển Ưng bắt”. Trong số báo Khoa học ngày 10/10/2015, Giáo sư viết bài đố Kiều với nội dung xin được trích nguyên văn như sau:
Đêm thu gió lọt song đào
Nửa vừng trăng khuyết, ba sao giữa trời.
Đó là hai câu thơ tuyệt diệu của cụ Nguyễn Du tả cái đêm, chồng vắng, Cô Kiều ra trước phật đài, rồi bị bầy côn quang “bắt cóc”.
Tôi nay mạn phép Cụ Tiên Điền đem câu văn của cụ mà đặt nên một câu đố trinh thám rằng: Cô Kiều bị bắt chừng vào ngày, tháng, giờ nào ? Cửa sổ phòng Cô Kiều quay về hướng nào ?.....”
Bài báo của Giáo sư đã gây nên một cuộc trao đổi, bàn luận và tranh luận sôi nổi, hào hứng vui vẻ trong giới khoa học và học sinh, sinh viên hồi đó và không chỉ thu hút được giới khoa học tự nhiên, mà còn hấp dẫn các học giả về khoa học xã hội. Cụ Hoàng U Mai, Cụ Đào Duy Anh cũng tham gia tranh luận trên các báo Thanh nghị và báo Văn Lang. Gần 6 tháng sau, trên tờ báo Khoa học số 15 ra vào tháng 9/1943, bằng kiến thức toán học, thiên văn học và với tâm hồn của một nhà thơ, Giáo sư đã lý giải một cách chính xác, đơn giản, dễ hiểu lời giải của mình về hình ảnh trăng sao trên bầu trời đêm thu mà Nguyễn Du đã mô tả trong hai câu Kiều nói trên để cho biết Cô Kiều bị bắt vào ngày, giờ, tháng nào, và cửa sổ phòng Cô Kiều quay về hướng nào. Cuộc tranh luận chủ yếu xoay quanh việc coi " ba sao giữa trời " (Tam tinh tại thiên) là sao gì ? Sao Sâm hay sao Tâm? Cụ Hoàng U Mai và Cụ Đào Duy Anh đã chọn sao Sâm theo sách Từ Nguyên (Từ điển Trung Hoa), còn GS Hãn chọn sao Tâm (theo sách Chu Hy). Nếu chọn sao Sâm thì cũng có thể đoán ra ngày, giờ, tháng nhưng không phù hợp với văn cảnh của câu chuyện lúc đó. Còn chọn sao Tâm thì GS Hãn đã chứng minh rằng Cô Kiều bị bắt vào giờ Tuất, ngày 4 tháng 9. Ở thời điểm đó, sao Tâm ở bán cầu tây nam nên cửa sổ phòng Cô Kiều cũng quay về hướng tây nam. Trong lời bình, Giáo sư nói “ Có lẽ vào thời khắc đó Thúy Kiều nghĩ và nhớ tới Thúc Sinh nên nhìn hình ảnh “ Nửa vừng trăng khuyết ba sao giữa trời” thành chữ Tâm(     ) là tên của Thúc Sinh (Kỳ Tâm Họ Thúc) và cũng vì vậy coi "ba sao giữa trời" là sao Tâm theo sách Chu Hy có phần phù hợp”.
Có lẽ cũng chẳng nên phân định ai thắng, ai thua, ai đúng, ai sai giữa các cụ trong cuộc tranh luận này vì đây chỉ là một chuyện vui tưởng tượng mà thôi. Nhưng rõ ràng hai câu thơ của thi hào và câu đố vui của GS Hoàng Xuân Hãn đã gây ấn tượng sâu sắc trong giới học sinh và sinh viên thời đó. Trong số các học sinh thời đó, có nhiều người sau này thành đạt và trở thành những nhà thiên văn nổi tiếng thế giới như GS Nguyễn Xuân Vinh, đã từng là một chuyên gia hàng đầu làm việc tại Trung tâm nghiên cứu vũ trụ Nasa của Hoa kỳ; hay GS Nguyễn Quang Riệu Giám đốc Đài Thiên văn PARIS nước Cộng hòa Pháp.
  Câu chuyện thứ 2: Đó là câu chuyện về mối tình giữa nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương và thi hào Nguyễn Du.
Từ 1951 - 1954 GS Hoàng Xuân Hãn đã được Thư viện Quốc gia Pháp và các Thư viện Dòng Tên ở Italia và Tòa Thánh Vatican mời dịch và làm thư mục cho các sách Hán Nôm, đồng thời Bộ văn hóa Pháp mời GS làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Pháp tại PARIS. Trong dịp này, GS đã có điều kiện tiếp cận nhiều tư liệu văn học và lịch sử quý giá của Việt Nam do người Pháp và các Giáo sỹ mang từ Việt Nam về. Trong số các tư liệu đó, GS đã phát hiện 5 bài thơ bằng Hán văn thể Đường luật trong tập sách chép tay nhan đề Đại Nam dư địa chí ước biên có ghi tên tác giả Hồ Xuân Hương. Các bài thơ này được sáng tác trong thời gian nữ sỹ làm vợ lẽ quan Hiệp trấn Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay) Trần Thúc Hiển. Sử dụng các tài liệu còn lưu trữ trong nước như Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương do Tốn Phong đề tựa và các tư liệu tìm được ở Pháp và Italia, GS đã viết khảo luận Thiên tình sử của Hồ Xuân Hương và đã được Nhà xuất bản Văn học in vào năm 1995.
Trong khảo luận về Hồ Xuân Hương, GS đã kể lại những mối tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương xinh đẹp, tài hoa với nhiều bạn thơ nổi tiếng đương thời như Tốn Phong và Nguyễn Du. GS viết "Một tài tử cũng đa tình như Nguyễn Du cũng vướng vào mạng lưới hấp trường của tài danh nữ sỹ. Trong Lưu Hương ký, Xuân Hương còn chép lại bài thơ của nàng với đầu đề “Cảm tình cũ và trình quan Cần chánh học sỹ họ nguyễn”, với cước chú "Quan là người Tiên Điền, huyện Nghi Xuân". (Bài dịch sau của T.T.Mại, H.T.Niêm và Nguyễn Lộc)
 (Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền Nhân)
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siu mấy (với)
Lầu Nguyệt  năm canh chiếc bóng chong.

Trong đề mục, gọi Nguyễn Du bằng "Hầu Cần Chánh", vậy thơ này làm sau tháng 2 năm Quý Dậu (1813). Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cho biết rõ rằng mùa đông năm trước, Nguyễn Du được triệu từ Quảng Bình về Huế; tháng 2 năm sau, được thăng Cần Chánh Điện Học Sỹ, rồi được chọn làm Chánh sứ đi tuế cống triều Thanh. Có lẽ tin này đồn ra đến Thăng Long đã nhắc cho Xuân Hương nhớ đến chàng xưa đã từng dan díu với mình trong ba năm, rồi vào kinh, tuyệt không tin tức; nay được vinh dự ra đi sứ; mà mình, số phận vẫn long đong. Nàng mừng cho Hầu, và có lẽ ước thầm Hầu còn nhớ tình xưa và khi trên đường đi sứ qua Thăng Long, Hầu ghé bước lại nhà thăm hỏi, kẻo ở Cổ Nguyệt Đường, nàng vẫn "năm canh chiếc bóng chong". Cuối xuân năm ấy Hầu qua Thăng Long, các quan Bắc Thành đặt tiệc tiễn Sứ ở nhà Tiên Vũ, Hầu chợt nghe tiếng đàn nguyệt quen tai từ một cô đầu già trong bóng tối gẩy bay ra, mà Hầu như đã nghe hai mươi năm về trước tại nhà anh, bên Giám Hồ, đời Tây Sơn. Hầu hỏi thì cô đầu ấy chính là người mà Hầu đã thấy trộm khi trẻ, mà là một nhạc nữ cũ trong cung vua Lê. Hầu lòng trữ tình vẫn nặng; cho nên, ngày nay ta còn có được kiệt tác “Bài ca người gẩy đàn đất Long Thành” bằng chữ Hán của Nguyễn Du. Với tính tình và trường hợp như thế, Nguyễn Du lúc ấy khó mà quên được Xuân Hương. Nhưng bấy giờ Hầu là một quan to phụng sứ; vả lại bấy giờ Hầu đã 48 tuổi, đã có gia thất. Ra làm quan triều Nguyễn, Hầu lại giữ thái độ rất cẩn thận dè dặt. Vậy không thể đáp mộng Xuân Hương. Nhưng biết đâu Hầu không nghĩ tới? Trong tập thơ của Hầu làm sau khi lìa Bắc Hà, có năm bài, thể bốn câu năm chữ, dưới đầu đề “Mộng thấy hái sen” hình như nhắc nhở đến hồi dan díu với Xuân Hương. Sau đây là lời dịch của cụ Phạm Khắc Khoan và cụ Lê Thước:

Xắn gọn quần cánh bướm,
Chèo thuyền con hái sen.
Nước hồ đầy lai láng,
Dưới nước bóng người in.

Tây Hồ hái hoa sen,
Hoa gương bỏ lên thuyền.
Hoa tặng người mình sợ,
Gương tặng người mình quen.


         Sáng nay đi hái sen,
         Hẹn cô kia đi với.
         Chẳng biết đến lúc nào,
         Cách hoa nghe cười nói.

         Hoa sen ai cũng ưa,
         Cuống sen chẳng ai thích.
         Trong cuống có tơ mành,
         Vấn vương không thể dứt.

           Lá sen màu xanh xanh,
           Hoa sen dáng xinh xinh.
          Hái sen chớ đụng ngó,
         Năm sau hoa chẳng sinh.

Bài này chứng rằng Nguyễn Du, ở Quảng Bình hay ở Huế có lúc nhớ đến một bạn gái xưa ở cạnh Hồ Tây tại Thăng Long, đã từng hẹn hò nhau đi hái sen trên hồ, người con gái mà Hầu "thương xót" chắc vì gặp cảnh ngộ không may. Hầu mượn chuyện sen để kín đáo nhắc lại tình quyến luyến giữa đôi bên để luận người ta yêu cô nàng vì xinh , vì sắc, chứ không phải vì lòng nàng, bởi lòng nàng nhiều tình cảm, như ngó sen có nhiều tơ vướng víu. Còn Hầu: (Kiều gốc vế 2241-2242)
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
Trong những bài thơ Hán văn của Nguyễn Du còn lại, chỉ có hai bài ghi tình đối với hai người con gái mà Hầu đã từng gặp: một người là nhạc nữ già gảy đàn nguyệt, một người là cô gái Hồ Tây. Tuy bút chứng không muốn trỏ là ai, nhưng lấy mọi bằng chứng mà suy, thì tôi đoán đó là Xuân Hương, có lẽ là hợp lý".
Câu chuyện thứ 3: Ngày nay, trong khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du có ngôi nhà năm gian rất đẹp bằng gỗ quý với nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo. Không nhiều người biết lai lịch đặc biệt của ngôi nhà này.
Theo Ông Nguyễn Xuân Bách, cán bộ phụ trách nhà lưu niệm Nguyễn Du kể lại trong bài báo Đình chợ trộ đăng trên tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 75 - tháng 10 năm 2014 như sau: "Năm 1963, để chuẩn bị cho kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, Bộ văn hóa và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cử một đoàn cán bộ đi khắp vùng Nghệ - Tĩnh tìm mua một ngôi nhà với yêu cầu: ngôi nhà phải có kiến trúc đẹp, cùng thời với cụ Nguyễn Du và có mặt bằng rộng rãi, thông thoáng đủ để trưng bày các hiện vật và tài liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du. Gần hai tháng  trời tìm kiếm ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh không thành công. GS Lê Thước lúc đó là trưởng đoàn đành viết thư sang Pháp tham khảo GS Hoàng Xuân Hãn (người rất say mê và có nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du). Chỉ một thời gian sau, GS Hoàng Xuân Hãn đã gợi ý cho đoàn về xin mua lại ngôi đình Chợ Trổ của làng mình (xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ ngày nay). Ngôi đình này đảm bảo đủ các yêu cầu trên. Khi đoàn đến xin nhượng lại, các già làng không đồng tình. Nhưng rồi có thư của GS Hoàng Xuân Hãn gửi từ bên Pháp về, làng mới đồng tình. Từ đó, phòng trưng bày các hiện vật, tài liệu về dòng họ Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Du trong khu lưu niệm được ra đời". Ngôi đình Chợ Trổ trước khi làm lớp học và làm chợ (sau năm 1945) là đình làng thờ thần hoàng làng là ông Hoàng Trừng, đậu Hoàng Giáp khoa Kỷ Tỵ (1499), làm quan dưới triều Lê Thánh Tông đến chức Đông Các Đại Học Sỹ, Lễ bộ Tả Thị Lang là chắt ngoại cụ Nguyễn Biểu. GS Hoàng Xuân Hãn là cháu đời thứ 14 của Ông Hoàng Trừng. Một điều thú vị và hy hữu là cháu đời thứ 14 của thành hoàng làng đã giới thiệu và thuyết phục dân làng đem ngôi đình vốn là nơi thờ cụ tổ mình hiến cho nhà nước làm nhà lưu niệm Nguyễn Du. Điều này chứng tỏ GS Hoàng Xuân Hãn đã yêu quý và kính trọng Nguyễn Du đến mức nào. Và phải chăng, GS cũng muốn một công trình kiến trúc đẹp như vậy xứng đáng để thờ hoặc lưu niệm các danh nhân văn hóa của dân tộc chứ không phải để họp chợ?
Câu chuyện thứ tư:
 Khoảng từ năm 1943 -1945, để tránh máy bay Nhật ném bom Hà Nội, GS Hoàng Xuân Hãn đã theo trường Đại học Hà Nội vào giảng dạy ở  Thanh Hóa. Vào thời kỳ này GS đã tranh thủ đi khảo cứu khắp vùng Thanh - Nghệ -Tĩnh, và đã phát hiện được nhiều di tích lịch sử quý báu.
Cuối năm 1946, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, một làn sóng người tản cư và việc tiêu thổ kháng chiến diễn ra rầm rộ ở các đô thị, nhất là ở Hà Nội. Nhiều sách báo được bán làm giấy loại khắp đường phố Hà Nội và các tỉnh thành, trong đó có nhiều sách quý. GS Hoàng Xuân Hãn đã dành nhiều thời gian để tìm mua lại và cứu vớt được nhiều sách quý về lịch sử và văn học Việt Nam thời trung đại.
GS Hoàng Xuân Hãn khảo cứu và hiệu đính Truyện Kiều với quan điểm "tầm nguyên", nghĩa là cố gắng tái tạo lại Truyện Kiều gần với bản gốc của Nguyễn Du đã bị thất lạc. Sách Kiều tầm nguyên của GS gồm có 5 phần:
- Phần thơ Kiều phiên âm ra quốc ngữ từ bản Kiều Nôm mà GS đã dựng lại.
- Phần hiệu đính, chú thích và khảo dị viết dưới các câu thơ.
- Phần dịch ra Quốc ngữ bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
- Phần bảng chỉ vần Kiều.
- Phần so sánh 8 bản Kiều mà GS đã dùng để hiệu đính, sau khi đánh giá các bản còn lại đều chép ra từ các bản đó.

 8 bản đó là:
1. Bản Nôm Duy Minh Thị -1872.
2. Bản Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký -1875.
3. Bản Nôm Kiều Oánh Mậu - 1902.
4. Bản Quốc ngữ  của Phạm Kim Chi -1917.
5. Bản Nôm Huế ( Microfilm của EFEO)
6. Bản Nôm Liễu Văn Đường - 1871.
7. Bản Nôm Thịnh Mỹ Đường - 1879.
8. Bản Nôm Thịnh Văn Đường -1882.
Trong 8 bản trên, trong Kiều tầm nguyên, sẽ chỉ in một bản duy nhất là bản Duy Minh Thị (1872), vì GS đánh giá nó gần bản gốc nhất.
Với một thái độ nghiêm túc, tỉ mỉ, khách quan; bằng phương pháp thống kê và văn bản học; với vốn chữ Hán Nôm uyên thâm; với những hiểu biết về tiếng Việt và đặc biệt tiếng Nghệ Tĩnh cách đây hơn 250 năm, GS đã khảo cứu hiệu chỉnh bản Kiều Nôm và bản Kiều Quốc Ngữ theo ngôn ngữ người Việt thời Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều. Vì vậy, khi đọc Kiều tầm nguyên bằng quốc ngữ ta thấy nhiều từ khác xa với bản quốc ngữ của nhiều tác giả hiện nay. Tôi xin dẫn chứng một số trường hợp:
- Câu 28 : "Sắc đành Trọi một, tài đành họa hai". Chữ Trọi ở đây có nghĩa là duy nhất, một mình. Đây là một từ cổ mà ngày nay ta chỉ còn dùng trong từ ghép Trơ trọi.
- Câu 77 :" Sắm sanh Níp tử xe châu". Chữ Níp là từ cổ ở vùng Nghệ Tĩnh chỉ cái rương, cái hòm làm bằng gỗ. Ở Nghệ Tĩnh thì cái quan tài được gọi là cái hòm, tức là cái Níp. Còn chữ Nếp trong các bản quốc ngữ hiện nay thì không có nghĩa là cái hòm hay cái quan tài mà chỉ có 3 nghĩa : gạo Nếp, Nếp gấp của giấy hoặc vải và nề Nếp gia phong mà thôi.
- Câu 636 :" Ngưng hoa Bụng thẹn, trông gương mặt dày". GS đã thay chữ Bóng trong các bản Quốc ngữ hiện nay bởi chữ Bụng đúng nghĩa và đúng văn cảnh hơn; và đó cũng là hai cách đọc của cùng một chữ Nôm.
- Câu 1265 :" Búi tình đòi đoạn vò tơ". GS đã  thay chữ Mối tình bởi Búi tình, phản ảnh đúng tâm trạng của Thúy Kiểu hơn và cũng là hai cách phiên âm của một chữ Nôm.
- Câu 1951 : Quản chi Trên gác dưới duềnh. GS đã thay cụm từ Lên thác xuống ghềnh bởi cụm từ Trên các dưới duềnh hợp với văn cảnh và tâm trạng của Thúc Sinh lúc chia tay Thúy Kiều và cũng phù hợp với cách phiên âm của chữ Nôm. Nhà thơ Vương Trọng đã phân tích vì sao Ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam đã chọn câu 1951 là Quản chi Trên gác dưới duềnh được đăng trên báo Văn nghệ số 34, ngày 22 tháng 8 năm 2015. Tôi không thể kể hết hàng trăm ví dụ như trên trong Kiều tầm nguyên của GS Hoàng Xuân Hãn.
Khoảng năm 1995-1996, nhà báo Thụy Khuê ở Pháp đã phỏng vấn GS Hoàng Xuân Hãn về Kiều tầm nguyên. Trong một thời gian dài, trên đài phát thanh RFI của Pháp, cứ vào các buổi tối cuối tuần , GS Hoàng Xuân Hãn lại trả lời phỏng vấn và nói chuyện về Kiều tầm nguyên với thính giả.
 Rất tiếc là trong khi GS chưa hoàn tất bản thảo và in ấn Kiều tầm nguyên thì GS đã đột ngột ra đi vào ngày 10 tháng 3 năm 1996 tại Paris. Bản thảo Kiều tầm nguyên của GS Hoàng Xuân Hãn với hơn 500 trang viết tay của GS, kết quả của hơn 50 năm nghiên cứu Truyện Kiều của GS chưa được ra mắt giới nghiên cứu và bạn đọc trong dịp Việt Nam và toàn thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du  theo nghị quyết của UNESCO.
Chúng tôi mong muốn Bộ Văn hóa, Viện Văn học, viện Hán Nôm và Hội Kiều Học Việt Nam giúp đỡ gia đình GS Hoàng Xuân Hãn ở Paris sớm cho Kiều tầm nguyên được ra mắt giới nghiên cứu và độc giả trong và ngoài nước./.

HOÀNG XUÂN KHÓA

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...