Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN TỨC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TIN TỨC. Hiển thị tất cả bài đăng

QUỸ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HOÁ NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU TÀI TRỢ TOÀN BỘ GIẢI THƯỞNG CÁ NHÂN CỦA CUỘC THI ĐỌC THUỘC TRUYỆN KIỀU HUYỆN NGHI XUÂN

     Ngày 18/4/2023, tại Nhà văn hóa Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân đã tổ chức chung kết Cuộc thi đọc thuộc Truyện Kiều gắn với chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa Nguyễn Du năm 2023.

    Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi là nhà thơ Vương Trọng, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Kiều học Việt Nam. Tham gia vòng chung kết có 66 thí sinh, trong đó có 16 cán bộ, giáo viên và 50 học sinh các cấp. Đây là những thí sinh đã vượt qua hàng ngàn thí sinh tại vòng sơ khảo của trường trước đó.

Các thí sinh dự thi là học sinh phải đọc thuộc, trôi chảy tối thiểu 3 trích đoạn nhỏ (đối với học sinh tiểu học) và 3 trích đoạn vừa (đối với học sinh THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX) mà mình yêu thích trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.


Trao giải cho các cá nhân đạt giải Nhất.


    Thí sinh dự thi là cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học phải đọc thuộc, trôi chảy tối thiểu 3 trích đoạn vừa bất kỳ mà mình yêu thích trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Cuộc thi nhằm quảng bá, tôn vinh, góp phần gìn giữ, nâng tầm giá trị của kiệt tác Truyện Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du, đồng thời thúc đẩy phong trào đọc thuộc kiệt tác Truyện Kiều trong các nhà trường trên địa bàn huyện Nghi Xuân.

    Cuộc thi cũng đã tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh nhằm xây dựng môi trường học đường thân thiện, tích cực; là dịp để các đơn vị có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc đa dạng hóa các hình thức học tập, vui chơi phù hợp với hoạt động giáo dục học sinh trong các nhà trường.

    Tại cuộc thi, các thí sinh đã thể hiện xuất sắc phần thi của mình về phong thái, giọng đọc mềm mại, trôi chảy, truyền cảm hứng cho người nghe về những câu thơ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.

Sau một ngày tranh tài, Ban tổ chức đã trao giấy chứng nhận và giải thưởng với 9 giải tập thể và 40 giải cá nhân.

Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Nguyễn Du và Truyện Kiều tài trợ toàn bộ giải thưởng cá nhân của Cuộc thi đọc thuộc Truyện Kiều huyện Nghi Xuân với trị giá 18.900.000đ./.

TUẦN VĂN HOÁ DU LỊCH NGUYỄN DU

 

Một cảnh tại lễ khai mạc

        Từ ngày 15/4 đến 19/4/2023 tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh diễn ra “Tuần Văn hoá - Du lịch Nguyễn Du”. Đây là một hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa, con người địa phương, nhất là sự lan tỏa những giá trị của Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng các tác phẩm của ông trong đời sống. Từ đó, làm tiền đề để phát huy thế mạnh du lịch đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là chuỗi sự kiện chuẩn bị cho Lễ khai trương mùa du lịch biển Hà Tĩnh năm 2023  diễn ra vào tối 22/4 tại Khu du lịch Xuân Thành (Nghi Xuân). Tuần Van hoá Du lịch Nguyễn Du được diễn ra như sau:

Tối 15/4 diễn ra Lễ khai mạc Tuần Văn hoá Nguyễn Du tại quảng trường Nguyễn Du với chương trình nghệ thuật “Truyện Kiều với không gian diễn xướng”. Tại chương trình này, người dân, du khách được thưởng thức và hòa mình vào các làn điệu trò Kiều; dân ca ví, giặm; ca trù; ngâm Kiều, lẩy Kiều, xẩm Kiều, ru Kiều...

Tối 16/4, vở kịch “Hoạn Thư ghen” sẽ được các nghệ sĩ, diễn viên CLB Sân khấu “Biển hẹn” trực thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng biểu diễn tại Quảng trường Nguyễn Du. Sau đó sẽ diễn tiếp tại các địa phương Thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Lộc Hà.

Tối 17/4 chiếu phim tài liệu nghệ thuật về Nguyễn Du và Truyện Kiều;

        Ngày 18/4, Chung kết cuộc thi “Đọc thuộc Truyện Kiều” tại Nhà văn hóa Nguyễn Du;

        Tối 18/4 chiếu phim “Kiều” của Đạo diễn Mai Thu Huyền.

        Tối 19/4, chiếu phim “ Kiều @“ của đạo diễn Đỗ Thành An


Cảnh diễn "Từ Hải chết đứng"

    Để chuẩn bị cho Tuần văn hoá Nguyễn Du thành công, huyện Nghi Xuân đã chuẩn bị hết sức chu đáo cho các sự kiện. Chương trình nghệ thuật “Truyện Kiều với không gian diễn xướng”. Ngoài các nghệ nhân và các diễn viên quần chúng, đêm khai mạc có sự góp mặt của ca sĩ Phan Thị Quỳnh Anh - á quân Sao Mai 2019, là một người con quê hương Nghi Xuân. Các câu lạc bộ trò Kiều, ca trù, hát văn… không kể ngày, đêm tích cực tập luyện với những trích đoạn “Gia đình viên ngoại”, “chị em Kiều viếng mộ Đạm Tiên”; “Kim Kiều giao ước” hay “Kiều rơi vào lầu xanh bị ép làm kỹ nữ” , “Kim - Kiều đoàn viên” bằng các làn điệu dân ca ví, giặm; các nghệ nhân hăng say tập luyện “Tiếng đàn Thuý Kiều qua 8 lần gảy” qua các làn điệu ru, lẩy, ví, ngâm kiều, ca trù, tiết mục “Khép lại thiên Truyện Kiều” bằng những làn điệu hát văn… Các trường học, giáo viên và học sinh cũng đang hào hứng chuẩn bị cho cuộc thi Chung kết “Đọc thuộc Truyện Kiều” sắp được diễn ra trong Tuần Văn hoá - du lịch Nguyễn Du. Công ty CP Không gian Văn hóa Việt Media, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cũng chuẩn bị tốt các điều kiện để chuẩn bị công chiếu phim tài liệu nghệ thuật về Nguyễn Du và Truyện Kiều tại Nhà văn hóa Nguyễn Du; phim “Kiều” của đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền; “ “ Kiều @“ của đạo diễn Đỗ Thành An. 

    Sự kiện Tuần Văn hoá - du lịch Nguyễn Du gắn với lễ khai trương du lịch biển năm 2023 có quy mô cấp tỉnh ở Khu du lịch biển Xuân Thành là chuỗi hoạt động có ý nghĩa, góp phần khẳng định giá trị trường tồn của Truyện Kiều và lưu giữ, phổ biến các loại hình văn nghệ dân gian trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đặc biệt, sự kiện sẽ tạo điểm nhấn nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người nơi đây, thu hút du khách thập phương đến với Nghi Xuân ngày càng nhiều thêm./.




GIÁO SƯ ĐẠI HỌC HARVARD THAM QUAN VÀ TRAO TẶNG KỶ VẬT CHO KHU DI TÍCH NGUYỄN DU


         Được biết Đoàn công tác của Đại học Harvard (Mỹ) được mời đến Hà Nội để gặp gỡ với Ban chỉ đạo 515, Bộ quốc phòng, Bộ Lao động Thương Binh Xã Hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các ban ngành liên quan để thúc đẩy sự hợp tác đào tạo, trong đó có Dự án “Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá”nhằm giúp chính phủ và nhân dân Việt Nam xác định danh tính và tìm hài cốt liệt sĩ dựa vào các nguồn tư liệu lịch sử của Mỹ, trong đó co hàng triệu tài liệu của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam  phía Mỹ thu giữ trên chiến trường, có nhiều tư liệu viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Dự án “Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá” được tiến hành trên cơ sở bản ghi nhớ của hai chính phủ Việt Nam và Mỹ thực hiện “Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh” được ký kết tháng 7/2021.         

Nhân dịp này Quỹ Bảo tồn phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều mời đoàn về thăm Khu di tích Nguyễn Du và trao tặng kỷ vật về Truyện Kiều của bộ đội ta mà phía Mỹ thu được. 

Chiều ngày 9/4/2-23, đoàn Đại học Harvard do Tiến sĩ Anthony James Saich - Giáo sư quan hệ quốc tế, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu châu Á thuộc Trung tâm Quản lý nhà nước, Trường Quản lý nhà nước và chính sách công Kennedy (HKS), Đại học Harvard, Chủ nhiệm Dự án “Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá” dẫn đầu đã đến tham quan và trao kỷ vật cho Khu di tích Nguyễn Du. Đi cùng đoàn có Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Chương trình nghiên cứu chiến tranh Việt Nam và Thế giới và  Dự án Di sản chiến tranh Việt Nam chưa dươc khám phá Đại học Harvard; Tiến sĩ Phạm Hồng Hà (Viên sử học Việt Nam) và ông Trịnh Giang; Ông Ngô Đình Quỳnh, Quản lý Dự án Di Sản Chiến Tranh Viêt Nam Chưa Được Khám Phá.

Đoàn đã tham quan khu di tích, bảo tàng - nơi trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào như: nghiên bút của Nguyễn Du, bản Kiều in từ bản khắc năm 1866, cuốn Truyện Kiều viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp Truyện Kiều dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du...


Sau khi tham quan, đoàn công tác Đại học Harvard đã trao bản sao cuốn nhật ký của một chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam do Trung tâm Khai thác tài liệu tổng hợp về chiến tranh Việt Nam (CDEC) thu thập cho BQL Khu di tích Nguyễn Du để lưu giữ, trưng bày.


Qua trao đổi, Tiến sỹ Anthony James Saich bày tỏ ấn tượng với Khu di tích và Đại thi hào Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều. Cuốn sổ tay của chiến sỹ Việt Nam có bút tích về truyện Kiều - Nguyễn Du là sự khởi đầu cho sự hợp tác lâu dài giữa hai bên trong việc sưu tầm những kỷ vật có liên quan đến Truyện Kiều của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam mà phía mỹ thu được./.

“KIM VÂN KIỀU TÂN TRUYỆN” MỘT BẢN KIỀU ĐỘC ĐÁO, QUÝ HIẾM VÀ SANG TRỌNG



THÁI VĂN SINH


Tháng 9/2022, sách “Kim Vân Kiều Tân truyện” (hay còn gọi là “Kim Vân Kiều Tân truyện hội bản”, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn năm 1894) đã ra mắt bạn đọc Việt Nam. Sách do ông Dương Trung Dũng, một người yêu quý Nguyễn Du và Truyện Kiều đã mua bản quyền từ Thư viện Anh quốc (The British Library) và phối hợp với Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Có thể nói đây là một trong những cuốn Truyện Kiều được in ấn công phu, đẹp nhất từ trước tới nay với khổ 25x35cm trên giấy Nhật HC100.

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu Truyện Kiều, cho đến nay chúng ta đã sưu tầm được 63 bản Truyện Kiều cổ khác nhau. Trong bộ sưu tập các văn bản Truyện Kiều cổ ấy, bản “Kim Vân Kiều Tân truyện” là một bản Kiều cổ, độc đáo và quý hiếm. Độc đáo bởi sách làm rất kỳ công, bìa trước sau đều vẽ rồng năm móng màu vàng, bìa lót đầu và cuối sách màu đỏ sậm, tranh rồng mây màu vàng in chìm, thể hiện những dấu hiệu của Hoàng triều. Hơn nữa bản Kiều này được chép tay rất đẹp, nét chữ tinh xảo, mỗi trang đều có một tranh minh hoạ đi kèm. Trong các bản Kiều thông thường, người ta chỉ vẽ minh họa một vài cảnh, còn đây vẽ đầy đủ mọi sự kiện chi tiết của truyện, gần như là một cuốn truyện tranh. Người đọc có thể chỉ xem tranh với lời chỉ dẫn cũng nắm được truyện. Quý hiếm bởi đây là sách làm thủ công độc bản không có bản thứ hai và hiện nay chỉ Thư viện nước Anh mới có bản gốc.

Tuy nhiên cuốn sách này giá trị không chỉ ở sự độc đáo và quý hiếm mà còn ở những yếu tố mang tính học thuật và mỹ thuật. Bản Truyện Kiều này có nội dung chú thích, chú giải phong phú, đa dạng, nhiều chú giải rất độc đáo. Cụ thể có 705 chú giải, trong đó, có 513 lời chú giải về xuất xứ, 127 lời chú thích giảng giải về chữ nghĩa câu Kiều, 01 lời khảo dị và 64 lời phê (nguyên phê, cổ phê, phê vân). Về hội hoạ, đây là phần cực kỳ xuất sắc, có thể nói là độc nhất vô nhị trong các bản Kiều mà ta từng thấy. Chưa thể xác định chính xác nhưng nhiều giả thuyết cho rằng tranh được vẽ bằng bút lông đầu siêu nhỏ theo lối vẽ công bút tuyệt kỹ kiểu liên hoàn truyện. Nét các nhân vật ở đây lại có cái nửa quê, nửa quý tộc. Đây là những điểm đặc sắc, bổ ích, thú vị cho giới nghiên cứu Truyện Kiều.

Người Việt ta yêu quý và lưu giữ Truyện Kiều đã có truyền thống từ bao đời nay, nhưng làm một cuốn Kiều đẹp để chơi thì quả là hiếm có và cũng chỉ Hoàng gia mới làm được điều đó. Giáo sư Trần Đình Sử, một trong những người uyên thâm nhất về Truyện Kiều ở nước ta hiện nay đã đánh giá rất cao về bản Kiều này: “Đây là bản Kiều tuy không có tên người biên soạn, người vẽ tranh nhưng người biên soạn công phu, mỹ thuật, đáp ứng nhu cầu chơi sách của người trong hoàng tộc. Cầm một cuốn sách như thế trên tay ta có thể cảm thấy được say mê, trân trọng của cổ nhân đối với một tác phẩm kinh điển của dân tộc.” Và xin cũng nói thêm là thật đáng trân quý tấm lòng của Dương Trung Dũng, một người đương đại trong việc bảo tồn, quảng bá một giá trị di sản của dân tộc đã lưu lạc gần một thế kỷ ở nước ngoài. Được biết Dương Trung Dũng vốn là một bác sỹ, một luật sư nhưng lại say mê văn chương. Để xuất bản cuốn sách này Dũng đã bỏ ra gần 100 triệu để mua bản quyền và bỏ ra gần 5 năm để làm cuốn sách này. Theo anh, bản Kiều này đã có trên mạng và cũng được ông Nguyễn Khắc Bảo in và chú giải nhưng chất lượng các bản này không cao. Các bản Kiều cổ khác thì cơ bản được in bằng bản khắc gỗ, chữ không được nét, nhiều chữ khó đọc. Vì vậy bản Kiều này sẽ là bản chuẩn giống gần 100% bản gốc chép tay tinh xảo rõ ràng lưu ở Thu viện nước Anh và lại được in ấn đẹp, sang trọng, giúp cho các nhà nghiên cứu đọc chính xác phần chữ Nôm và chữ Hán. Đây chính là sự khác biệt cơ bản, làm nên giá trị của bản “Kin Vân Kiều tân truyện” được in lần này này so với 62 bản Kiều cổ mà chúng ta từng được biết./.

T.V.S



 



SỰ KIỆN CHÀO MỪNG NGÀY TIẾNG VIỆT ĐÃ THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Để góp một tiếng nói chào mừng Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9, Văn phòng Đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ Nguyễn Du và Công ty cổ phần thương mại dịch vụ du lịch Vạn Chài tổ chức Chương trình Toạ đàm về việc lưu giữ những làn điệu ru, ví, hát lẩy Kiều ( Chiều 16/8) và Chương trình diễn hát thơ Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều (Tối 16/8). Sự kiện thành công ngoài mong đợi, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân từ TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Nghệ An và những người yêu quý Nguyễn Du và Truyện Kiều trên địa bàn Hà Tĩnh tham gia.

Và như vậy, có thể nói, Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc tổ chức sự kiện để hưởng ứng ngày Ngày Tôn vinh tiếng Việt.
Cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người để có được sự thành côngh này.


Mời vào các bạn nhấp vào 4 đường Link sau để xem các nội dung của sự kiện.

CHỦ TỊCH NƯỚC TRÍCH TRUYỆN KIỀU ĐỂ NÓI VỀ THỜI CƠ, TRIỂN VỌNG LỚN CHƯA BAO GIỜ CÓ CỦA HÀ TĨNH

 

Tiếp tục chuyến công tác tại Hà Tĩnh, sáng 13/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình, kết quả sau một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Văn Thành - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Khánh Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Về phía Hà Tĩnh có các đồng chí: Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.Trích 2 câu trong tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du: “Cửa trời rộng mở đường mây/ Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần” , Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hà Tĩnh đang đứng trước thời cơ, triển vọng lớn chưa bao giờ có. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà cần tiếp tục quán triệt và thực hiện sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”.

 





PHIM 'KIỀU' THẮNG LỚN TẠI LHP THẾ GIỚI CHÂU Á

 Nhiều khán giả không khỏi bất ngờ trước chiến thắng mà phim "Kiều" đạt được tại LHP Thế giới châu Á lần thứ 7.


Mới đây, NSX Mai Thu Huyền bất ngờ chia sẻ thông tin bộ phim Kiều do cô "cầm trịch" đã thắng lớn tại sự kiện Once Upon Vietnam, thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Thế giới châu Á lần thứ 7. Theo đó, bộ phim đã vượt qua hàng loạt đối thủ nặng ký để đoạt giải "Bộ phim của năm".

Phim 'Kiều' bị chê tơi tả tại quê nhà nhưng lại vượt mặt 'Bố già' thắng lớn tại LHP Thế giới Châu Á

Trên trang cá nhân của mình, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Mai Thu Huyền thông giấu nổi cảm xúc: "Bất ngờ ... Hạnh phúc ... Tự hào ... là cảm xúc của Mai Thu Huyền khi lên sân khấu nhận giải "Bộ phim của năm" dành cho Phim Kiều trong sự kiện "Once upon Vietnam", thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Thế giới Châu Á lần thứ 7, trước sự chứng kiến của rất nhiều khách mời đặc biệt đến từ khắp nơi trên toàn cầu".

Mai Thu Huyền vinh dự thay mặt ekip lên nhận giải.

Kèm theo đó, nữ nghệ sĩ gửi lời cảm ơn đến ban tổ chức sự kiện cùng nữ diễn viên Kiều Chinh đã trao phần thưởng này cho Kiều:"Đây là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho #MTH và êkip đoàn phim để có thêm động lực tiếp tục cống hiến và thực hiện sứ mệnh giới thiệu đất nước, văn hoá, con người Việt Nam ra thế giới thông qua những tác phẩm điện ảnh".

Xem thêm: Nữ chính 'One The Woman' Honey Lee xác nhận hẹn hò, bạn trai không trong ngành giải trí

Thành công của phim Kiều tại một sự kiện trao giải tại nước ngoài khiến công chúng không khỏi bất ngờ. Tại Việt Nam, tác phẩm từng có màn ra mắt thất bại khi không chiếm được thiện cảm của khán giả, thậm chí bị coi là một trong những thảm họa của điện ảnh Việt.

Bộ phim từng bị đánh giá tệ khi ra mắt ở Việt Nam.

Không những vậy, phim Kiều còn nỗ nặng với 2,7 tỷ đồng doanh thu sau 18 ngày đầu ra mắt và buộc phải hạ xuất chiếu, rút sớm khỏi các rạp phim trong nước. Thế nhưng, Kiều lại vượt qua hàng loạt các tác phẩm đình đám trong năm qua như Bố già, Tiệc trăng máu, Thiên thần hộ mệnh, Lật mặt: 48H,... để đại diện Việt Nam tham gia và đoạt giải tại lễ trao giải này.

Nhưng lại vượt qua loạt tên tuổi đình đám để chiến thắng giải thưởng.

Bên cạnh Kiều, hai cái tên nữa được vinh danh tại sự kiện là đạo diễn tai tiếng Huỳnh Tuấn Anh với giải Đạo diễn xuất sắc nhất và nam diễn viên Andy Lê với giải Diễn viên có tầm ảnh hưởng nhất năm. Huỳnh Tuấn Anh là đạo diễn của Phượng khấu, trong khi Andy Lê được biết đến với vai phản diện trong bộ phim Shang-Chi của Disney.

Andy Lê (giữa) đoạt giải Diễn viên có tầm ảnh hưởng nhất năm.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (bên phải) đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất năm.

GIỖ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU NGUYỄN DU (1765 – 1820) LẦN THỨ 201


PHẠM XUÂN NGUYÊN



Hôm nay (10/8 Tân Sửu) là ngày giỗ đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, sau 201 năm mất. Đọc FB của bạn bè ở quê tôi được biết sáng nay lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đến thắp hương tại nhà lưu niệm Nguyễn Du và dâng hương hoa lên mộ Cụ ở Tiên Điền (Nghi Xuân). Đặc biệt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có “gửi dâng lễ tại nhà thờ và hoa tại khu mộ”, một nghĩa cử văn hóa của người đứng đầu nhà nước, ít thấy lâu nay.



Tôi mỗi lần về quê có dịp ghé vào mộ Cụ thắp hương đều có đem theo một chai rượu để rưới lên mộ thi hào vì nhớ câu thơ Cụ viết hồi trai trẻ “Sinh tiền bất tận tôn trung tửu / Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi” (Sống không cạn chén trên đời / Chết rồi xuống mộ ai người rưới cho.) Rất vui là sáng nay lãnh đạo tỉnh nhà cũng vẫn nhớ tưới rượu lên mộ Cụ.
Năm nay đại dịch Covid 19 đang ngăn đường về quê. Thay nén hương thắp trên mộ Cụ, tôi xin đưa lên đây bài thơ tứ tuyệt “Ngẫu hứng” Nguyễn Du viết trên đường đi sứ Trung Quốc (1813) nói nỗi lòng mình ở quê người nhớ quê nhà.
偶興 
信陽城上動悲笳,
秋滿河南百姓家。
萬里鄉心回首處,
白雲南下不勝多。
Ngẫu hứng
Tín Dương thành thượng động bi già,
Thu mãn Hà Nam bách tính gia.
Vạn lý hương tâm hồi thủ xứ,
Bạch vân nam hạ bất thăng đa!
Dịch nghĩa
Trên thành Tín Dương vang lên tiếng kèn buồn thảm
Hơi thu tràn ngập nhà (trăm họ) dân Hà Nam
Lòng nhớ quê nhà xa cách vạn dặm, quay đầu lại
Chỉ thấy phía nam mây trắng nhiều không kể xiết.
(Theo các bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du)
Hai câu cuối bài này cứ mỗi lần đọc lại gợi tôi nhớ tới hai câu tuyệt hay của Nguyễn Bính trong bài “Hành phương Nam”: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Cứ như “thi sĩ chân quê” cảm tác từ ý thơ của Nguyễn Tiên Điền vậy. Cũng có khi là những ý thơ lớn gặp nhau.
 

CHUỖI CÁC SỰ KIỆN KỶ NIỆM 255 NĂM NGÀY SINH (1765 - 2020), TƯỞNG NIỆM 200 NĂM NGÀY MẤT (1820 - 2020) ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU



Ngày 23/9/2020

- Tổ chức Công diễn Kịch thơ “Hoạn Thư ghen” vào tối 23/9/2020 tại Tp. Hà Tĩnh.

- Tổ chức Công chiếu phần 1 phim Tài liệu nghệ thuật “Đại Thi hào Nguyễn Du”  tại Nghi Xuân vào tối 23/9/2020.

Ngày 24/9/2020

- Tổ chức Trưng bày, triển lãm Tranh minh họa Truyện Kiều và các di sản văn chương của Nguyễn Du vào sáng 24/9/2020 tại Khu di tích Nguyễn Du.

- Tổ chức Tổng kết, trao giải cuộc thi “Tìm hiểu về Đại Thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều” vào chiều 24/9/2020 tại TP. Hà Tĩnh.

- Tổ chức Công diễn Kịch thơ “Hoạn Thư ghen” vào tối 24/9/2020 tại Nghi Xuân.

Ngày 25/9/2020

- Tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều” vào sáng 25/9/2020 tại TP. Hà Tĩnh.

- Tổ chức Tổng kết và trao giải các cuộc thi: “Bạn đọc thuộc Kiều”, “Viết văn tế Nguyễn Du” và  “Giải Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ VII” vào chiều 25/9/2020 tại Nghi Xuân.

- Tổ chức Công chiếu phần 1 phim Tài liệu nghệ thuật “Đại Thi hào Nguyễn Du” tại Nghi Xuân vào tối 25/9/2020.

Ngày 26/9/2020

- Tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 200 Đại Thi hào Nguyễn Du tại Thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân vào sáng 26/9/2020

- Tổ chức Kỷ niệm 255 năm ngày sinh, Tưởng niệm 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du tại  Tp. Hà Tĩnh vào tối 26/9/2020.

 

MỘT CUỘC THI NHIỀU ẤN TƯỢNG



THÁI VĂN SINH

 

Trong ba ngày từ 26 đến 28 tháng 6 năm 2020, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Kiều học Việt Nam - UBND tỉnh Hà Tĩnh – Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đã đồng tổ chức cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” đợt 3, khu vực phía Nam. Như vậy cho đến nay, sau 16 tháng phát động, cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” đã diễn ra trọn vẹn trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Cuộc thi đợt 1 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 8 tháng 6 năm 2019, có 6 thí sinh đạt giải; Cuộc thi đợt 2 diễn ra tại Hà Tĩnh vào các ngày 24 và 25 tháng 8 năm 2019, có 9 thí sinh đạt giải. Và cuộc thi đợt 3 này có 11 thí sinh đạt giải. Nhằm động viên khuyến khích cuộc thi, Ông Hà Văn Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều đã tài trợ cho thí sinh và Ban giám khảo cuộc thi 22.000.000 đồng.

“Bạn đọc thuộc Kiều” là cuộc thi chưa từng có trong lịch sử nhưng đã nhận được sự ủng hộ rất đông đảo của những người yêu Truyện Kiều trong cả nước. Cuộc thi được tổ chức không phải để kiểm tra một người thuộc Kiều như thế nào, mà là cuộc kiểm định có bao nhiêu người Việt Nam thuộc trọn vẹn Truyện Kiều. Đây là một cuộc thi vô cùng ý nghĩa, không chỉ nhằm tôn vinh tài năng của đại thi hào Nguyễn Du mà còn vinh danh những người yêu mến truyện Kiều, thuộc truyện Kiều.


                                   Giáo sư Phong Lê tặng hoa cho Tiến sỹ Jaipal Tuttle 


Cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” đợt 3 thực sự có nhiều cái nhất so với hai đợt thi trước: Đông nhất về thí sinh dự thi (24 thí sinh đăng ký); Phong phú nhất về vùng miền tham gia (có 6 tỉnh thành: TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ); Có thí sinh dự thi cao tuổi nhất đạt giải (Cụ Nguyễn Xuân An, quê Trảng Bom, Đồng Nai, 94 tuổi). Đó là chưa kể một thí sinh được rất nhiều người biết đến: doanh nhân Phạm Văn Khoát, ông chủ “Vườn Kiều” nổi tiếng ở Đồng Nai.

Trong số 11 thí sinh đạt giải lần này thì có thể nói bác Nguyễn Văn Hiếu, 82 tuổi ở thôn 7, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng là người để lại nhiều ấn tượng nhất. Bác Hiếu là một nông dân, đã cao tuổi nhưng có một tình yêu với Truyện Kiều rất sâu sắc. Bác đọc Truyện Kiều từ lúc 13 tuổi và đến 18 tuổi thì gần như thuộc toàn bộ Truyện Kiều. Từ đó đến nay, Truyện Kiều trở thành niềm đam mê của bác Hiếu. Bác thuộc đến mức chỉ cần bạn hỏi câu Kiều số mấy là bác có thể đọc ngay được câu đó. Như vậy trong số 26 thí sinh đạt giải qua 3 đợt thi thì chỉ có 02 người làm được điều này là bác nông dân Nguyễn Văn Hiếu và GS.TSKH Nguyễn Đình Cống.


                                             Bác Nguyễn Văn Hiếu tại cuộc thi


Dù không đạt được giải đặc biệt nhưng ông chủ “Vườn Kiều” Phạm Văn Khoát cũng đã để lại cho cuộc thi một dấu ấn khó quên. Đã ở tuổi 87, sức khỏe không được tốt nhưng cụ vẫn lặn lội từ Đồng Nai lên tham dự cuộc thi. Và đáng trân quý là ngay sau khi cuộc thi kết thúc, cụ đã mời tất cả các thí sinh, đại biểu và Ban giám khảo về tham quan “Vườn Kiều” ở Biên Hòa và Đường Kim Vân Kiều ở Trảng Bom rồi chiêu đãi một bữa ngay trong khuôn viên “Vườn Kiều”. “Vườn Kiều” của cụ Khoát có Lầu Ngưng Bích, có tượng các nhân vật và các cây cảnh trong Truyện Kiều. Đặc biệt có bức tường dài 30m trang trí phù điêu minh họa 20 chương của Truyện Kiều, từ cảnh Kiều gặp Kim Trọng lần đầu tiên đến sau này, nàng được báo ân báo oán và trở về với tình xưa. Không chỉ dừng lại ở đây, cụ Khoát đang cho triển khai xây dựng “Đường Kim Vân Kiều” tại khu du lịch sinh thái của mình ở huyện Trảng  Bom. Con đường này dài 4,5 km, hai bên đường cứ cách khoảng 10m lại dựng các tấm đá Granit khắc các câu Kiều. Với cụ Khoát, Truyện Kiều quả là niềm đam mê vô hạn.

Cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” đợt 3 còn cuốn hút khán giả bởi một người khách đặc biệt: Tiến sỹ Jaipal Tuttle người Mỹ, dạy Đại học ở Calyphonia, hội viên Hội Kiều học thành phố Hồ Chí Minh. Không thuộc nhiều nhưng anh có thể vận được một số câu Kiều để giao lưu cùng mọi người. Đặc biệt là anh hát được các làn điệu dân ca Nam bộ rất hay. Cũng không kém phần hấp dẫn, dù không đạt giải, nhưng thí sinh Lê Thị Thuỳ Trang, một giáo viên ở Bình Dương đã biểu diễn tài năng của mình khi vừa luận bàn vừa viết thư pháp Chân – Thiện – Nhẫn trong cuộc đời Kiều.

Cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” đợt 3 đã khép lại với những cảm xúc khó quên. Nó là tiền đề cho Cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” đợt 4 tại Hà Nội vào tháng 8 và Lễ Tổng kết, trao giải cuộc thi vào tháng 9 vào dịp Kỷ niệm 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Tĩnh./.

T.V.S

 

 

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...