“CHIẾC VÉ VỀ TUỔI THƠ” TRONG “DIỆU KHÚC THỜI GIAN” CỦA TRẦN HUYỀN TÂM



THÁI VĂN SINH

Cuối 1983, tại quán sách trước cửa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trên đường Nguyễn Trãi, tôi đã mua một tập thơ trong đó có một bài thơ đã đi theo tôi suốt cuộc đời. Đó là bài Vé đi tuổi thơ trong tập thơ Phép lạ hàng ngày của nhà thơ Nga Robert Rozhestvenski do NXB Tác phẩm mới ấn hành:

“Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ.
Vé hạng trung
Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp:
Hôm nay vé hết!  

Biết làm sao!
Vé hết, biết làm sao!
Đường tới Tuổi Thơ còn biết hỏi nơi nào?
                          (Thái Bá Tân dịch)

Và hôm nay, thật tuyệt vời, tôi đã có được một chiếc vé đi tuổi thơ khi đọc Những vần thơ thời niên thiếu trong Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm.

Gọn ghẽ 17 bài thơ được sáng tác từ 1975 đến 1981 Trần Huyền Tâm đã mang đến cho chúng ta một thế giới tuổi thơ ở làng quê xưa tuyệt đẹp:

“Con đê đất đỏ quê mình
Ngày mưa rả rích
Cả lũ đi học về trượt ngã lấm lem
Vẫn nhìn nhau cười khúc khích.
Cây ổi vườn nhà
Buổi trưa ôn bài, vòm cây rộng mở
Cánh hoa rơi đầy trang sách thơm…”
                                 (Tuổi mực tím)

Nếu Trần Đăng Khoa bắt đầu làm thơ từ Góc sân và khoảng trời thì có thể nói Trần Huyền Tâm lại bắt đầu đời viết của mình từ một Ngõ nhỏ. Một ngõ nhỏ sớm - trưa - chiều - tối  rộn rã bao âm thanh, bao hương sắc thân quen của tuổi thơ và chỉ tuổi thơ của những ai đã từng là người nhà quê xưa mới có:

Sớm, bà đi ra ngõ
Mùi hương trầu vấn vương
Bước chân em tới trường
In trong lòng ngõ nhỏ

Trưa, mặt trời thêm tỏ
Chân bố lấm bùn tươi
Ngõ thơm hương đất mới
Ngõ thấm giọt mồ hôi

Chiều, gặt về, tóc mẹ
Đựng đầy hương lúa đồng
Ngõ vang tiếng guốc ông
Ngõ tròn bao lỗ luyến

Khi hoàng hôn xa tím
Bộn bề tiếng chổi tre
Em lại cùng bạn bè
Đón trăng về ngõ nhỏ.
                      (Ngõ nhỏ)

Tuổi thơ trong thơ Trần Huyền Tâm ngát hương hoa lá, rộn ràng âm thanh mùa vụ và sống động bao sắc màu làng quê. Trong 17 bài thơ thời niên thiếu của Trần Huyền Tâm, tôi thích nhất Cây bàng trong vườn trẻ. Một bài thơ thể hiện con mắt thơ rất tinh tế của Tâm:
                                                                            
Cây bàng trong vườn trẻ
Vòm lá xanh xoè ô
Cái nắng lúc ban trưa
Thường chui vào đó ngủ.

Cây bàng trong vườn trẻ
Chứa bao lời ru êm
Buổi trưa chăm cái ngủ
Cây hát lời của đêm.    

Khi cây bàng trút lá
Khoác mùa đông trên cành
Là khi thương bé lạnh
Cây chịu rét một mình.

Cây bàng trong vườn trẻ
Búp lá non gọi mời
Cho màu xanh vòm lá
Ríu rít muôn tiếng cười.

Cho màu xanh mắt trẻ
Xanh trọn màu non tươi.
                (Cây bàng trong vườn trẻ)

Sự tinh tế đó còn được thể hiện khá nhiều trong thơ Trần Huyền Tâm:

Nghe thoảng thốt trong đêm
Tiếng những tàu cau trăn trở
Ánh trăng theo mơ vào giấc ngủ
Tóc mẹ lưu vết mòn thời gian.
                             (Bài ca đất)

Hay:

Gió sớm mai nhẹ đùa
Hoa rơi đầy vại nước
Con nhặt hoa tới trường
Hương cứ bay đi trước
                               ( Hương cau)

Trần Đăng Khoa từng có một phát hiện rất hay: “Tiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng”, nhưng với Trần Huyền Tâm lại có một khám phá thật mới mẻ: âm thanh không chỉ là âm thanh mà âm thanh còn có cả sắc màu:

Con sông say gió mát
Đã ngủ quên từ  lâu
Chỉ còn tiếng đập đất
Đang làm nên sắc màu.
                   (Tiếng đập đất)

Tuổi thơ xưa của Trần Huyền Tâm và rất nhiều người trong đó có tôi, không chỉ là một tuổi thơ thú vị, dung dị ở chốn làng quê mà còn là một tuổi thơ đầy vất vả, cam go do cuộc chiến tranh chống Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Trần Huyền Tâm phải quen với mũ rơm, hầm chữ A và người cha ra trận mãi mãi không về:

Mẹ chưa kịp dạy chữ A
Thì máy bay B52 ào tới
Mẹ dắt con chạy vội
Xuống căn hầm chữ A.

Máy bay đi rồi, mẹ bận dọn ngoài hiên
Bên gốc bưởi, một mình con tự học
Ơi mẹ ơi con đã thuộc
Chữ A - tên của căn hầm.
                               (Căn hầm chữ A)

Hay:

Chiến tranh chen vào ấu thơ
Con trú ẩn đạn bom
nhiều hơn chơi ú tim với bạn
Cha cứ đi xa, dài dài năm tháng
Lần gặp cuối cùng… con nhớ… nụ hôn!
Cái cảm giác xa xôi, dịu êm
Khi con hiểu thì cha không còn nữa
                                  (Nhớ nụ hôn đã xa)

Sẽ còn rất nhiều điều để nói về Những vần thơ thời niên thiếu trong  Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm nhưng tôi xin được dừng tại đây để nhường chỗ cho sự cảm thụ phong phú của bạn đọc. Cảm ơn Trần Huyền Tâm đã cho tôi và những bạn bè đồng lứa chiếc vé về tuổi thơ trong sáng, ngọt ngào.



Và trước khi kết thúc bài này, tôi xin nói thêm một điều là chỉ trong vòng 2 năm nay Trần Huyền Tâm đã xuất bản liên tục 4 tập sách: Giọt nắng vô thường - Tập thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018; Diệu khúc thời gian - Tập thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019; Tản mạn miền sương khói - Tập Tản văn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019; Diệu khúc Sen - Tập văn - thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019.

Thành quả này thật phi thường. Rõ ràng nó không phải là kết quả của 2 năm mà là kết quả của trên nửa thế kỷ sống, chiêm nghiệm của Trần Huyền Tâm trong cõi đời vô thường này. Nó khẳng định độ chín của Trần Huyền Tâm khi bước qua tuổi “tri thiên mệnh” đã biết mình là ai, mình phải làm gì, phải đi đường nào để TRỞ VỀ VỚI CHÍNH MÌNH.

Xin chúc mừng Trần Huyền Tâm.

Xin chúc mừng bạn đọc có thêm một thi phẩm để cảm nhận về sự vi diệu của THƠ và của THỜI GIAN./.




               Vườn vua resort & villas Thanh Thuỷ, Phú Thọ 13/7/2019
  TVS

MỘT CUỘC THI CÓ THÍ SINH LÀ “THẦY CỦA THẦY”


 
Toàn cảnh cuộc thi. Ảnh TVS
Để xem video nhấp chuột vào đây: https://www.youtube.com/channel/UCXhuA-LaCJXoWvyaGJqCr5g?view_as=subscriber

THÁI VĂN SINH 

Đó là phát biểu của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tại Cuộc thi bạn đọc thuộc  Kiều đợt 1, tổ chức tại Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày 8/6/2019. Cuộc thi do UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều học giả, nhà thơ tên tuổi như: Giáo Sư Phong Lê, Giáo sư Trần Đình Sử, Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Phó Giáo Sư Nguyễn Trường Lịch, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà Thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Vương Trọng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, …và đông đảo những người yêu quý Nguyễn Du và Truyện Kiều đến từ: Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thái Bình.

Ban Giám khảo cuộc thi. Ảnh TVS

      Ban Giám khảo cuộc thi gồm 5 người: Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Vương Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiều học Việt Nam; Nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và Nhà nghiên cứu Hằng Thanh, Chánh Văn phòng Hội Kiều học Việt Nam.

Các thí sinh nhận hoa. Ảnh TVS

       Tham gia Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều đợt 1 có 6 thí sinh của khu vực Hà Nội trong số 26 thí sinh đã đăng ký dự thi. Đó là các ông, bà:
Nguyễn Đình Cống, sinh năm 1937, thường trú tại Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội; Vũ Thị Ngọc Bích, sinh năm 1967, thường trú tại Chung cư Thanh Hà, Hà Nội; Kim Quang Phác, sinh năm 1960, thường trú tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội; Nguyễn Ngọc Căn, sinh năm 1943, thường trú tại  Đức Giang, Long Biên, Hà Nội; Nguyễn Văn Ấn, sinh năm 1943, thường trú tại Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội; Trần Trung Tiến, sinh năm 1941, thường trú tại Thanh Xuân, Hà Nội.
Hình thức thi của cuộc thi rất đặc biệt, các thí sinh không phải đọc thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều mà chỉ phải đọc các đoạn Kiều bất kỳ do ban giám khảo yêu cầu và ngoài ra, phải trả lời những câu hỏi của các cử tọa trong khán phòng, Theo quy định, mỗi thí sinh có thời gian 45 phút để hoàn thành phần thi của mình. Đây là hình thức thi hợp lý vì nếu đọc thuộc cả 3.254 câu trong Truyện Kiều thì phải có một quỹ thời gian từ 3 đến 4 giờ/một thí sinh, làm cho cuộc thi mất rất nhiều thời gian và nhàm chán. Tuy nhiên hình thức thi này lại đòi hỏi rất cao ở sự sắc sảo, linh hoạt và tinh tế của Ban giám khảo.
Thật tuyệt vời là cuộc thi đã diễn ra với thành công ngoài mong đợi của Ban tổ chức. Dù diễn ra suốt một ngày ròng rã trong cái oi bức của thời tiết Hà Nội, nhưng cuộc thi đã diễn ra sôi nổi, cuốn hút tất cả mọi người trong khán phòng ngay từ phần thi của thí sinh đầu tiên cho đến phần thi của thí sinh cuối cùng. Gần như mọi người chẳng ai đong đếm về thời gian và khi kết thúc cuộc thi thì hình như ai cũng có tâm trạng còn “thòm thèm”. Một không khí trình diễn, một không khí học thuật về Truyện Kiều đầy ắp không gian và thời gian cuộc thi, kể cả giờ nghỉ gải lao giữa mỗi buổi thi.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống tại cuộc thiẢnh TVS

 Thí sinh đầu tiên của cuộc thi là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Cống, nguyên giảng viên Đại học Xây dựng, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về bê tông. Với trí nhớ siêu phàm giáo sư đã đọc vanh vách bất cứ đoạn Kiều nào mà ban giám khảo và các cử tọa yêu cầu. Với một kiến thức uyên thâm, giáo sư đã trả lời chính xác từng điển cố trong Truyện Kiều, đến mức giáo sư văn học Trần Đình Sử, chuyên gia hàng đầu về Truyện Kiều phải thốt lên thán phục. Không chỉ có vậy giáo sư Nguyễn Đình Cống còn trình diễn đọc chậm, đọc nhanh và đọc ngược Truyện Kiều một cách điệu nghệ làm cử tọa cứ vỡ òa từng trận vỗ tay thán phục. Thuộc cả 3254 câu Kiều đã khó nhưng thuộc và đọc ngược Truyện Kiều thì quả là kỳ tài. Chuyện đọc ngược Truyện Kiều trong chúng ta đã nghe nói nhiều nhưng với tôi và gần như hầu hết cử tọa trong khán phòng cuộc thi thì đây là lần đầu tiên được chứng kiến việc đọc ngược Truyện Kiều. Phần thi của giáo sư Nguyễn Đình Cống đã thực sự mang lại một không khí hấp dẫn, một cảm xúc tràn trề về vẻ đẹp của Truyện Kiều.
Năm thí sinh còn lại đều “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. Họ không chỉ rất thuộc Truyện Kiều mà còn “thuộc” cả cái hay, cái đẹp của câu chữ trong Truyện Kiều. Năm thí sinh này tuy mỗi người có một nghề nghiệp khác nhau: nhà giáo về hưu, kỹ sư cơ khí, kỹ sư nông nghiệp, bác sĩ, doanh nhân nhưng họ đều có một điểm chung là đam mê Truyện Kiều và đều mong muốn truyền niềm đam mê đó đến với nhiều người. Là thí sinh nữ duy nhất trong cuộc thi, chị Vũ Thị Ngọc Bích, một doanh nhân tâm sự “là người yêu Kiều nhưng tôi chưa thuộc được cả Truyện Kiều. Cách đây 3 tháng, khi xem báo thấy có cuộc phát động Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều thì tôi mới dành thời gian học thuộc cả Truyện Kiều dự thi, mong gửi đến mọi người một thông điệp là dầu tôi đã nhiều tuổi nhưng nhờ có đam mê nên chỉ cần 3 tháng vẫn có thể thuộc cả Truyện Kiều”. Ông Trần Trung Tiến, một bác sỹ về hưu nhưng 10 năm nay đã luôn tìm cách quảng bá Truyện Kiều cho người nước ngoài và các em học sinh. Ông đã phô tô nhiều bản Truyện Kiều bằng tiếng Anh để phát và giới thiệu cho du khách nước ngoài vào các buổi chiều khi họ đi dạo tại ở Bờ Hồ, đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện về Truyện Kiều cho các em học sinh. 

Chụp ảnh lưu niện tại cuộc thi

          Sau một ngày thi sôi nổi, hào hứng, cuộc thi đã khép lại với kết quả rất đáng phấn khởi, cả 6 thí sinh đều đạt điểm vào dự vòng thi chung kết được tổ chức vào tháng 9/2020, nhân Đại lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Tĩnh. Theo kế hoạch của Ban tổ chức, các cuộc thi sơ khảo đợt tiếp theo sẽ được tổ chức tại các cụm thi Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và được kết thúc trong quý I năm 2020.
Đánh giá về cuộc thi, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng đây là một cuộc thi vô cùng độc đáo, thế giới chưa hề có cuộc thi như vậy. Thí sinh rất đa dạng, có người chỉ có học vấn phổ thông, nhưng lại có cả những người là Giáo sư, Tiến sỹ, là thầy của thầy. Cuộc thi này không chỉ có ý nghĩa tôn vinh tài năng của đại thi hào Nguyễn Du mà còn vinh danh những người yêu mến truyện Kiều, thuộc truyện Kiều./.
 TVS



















































THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...