PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CỦA THÚY KIỀU



    Nàng Kiều sống vào những năm Gia Tĩnh Triều Minh bên Trung Quốc, tính ra cách đây ngót 500 năm. Thời đó chưa có tàu hoả, chưa có ô tô, còn máy bay chưa xuất hiện trong ý tưởng của các nhà khoa học. Tất nhiên phượng tiện giao thông ngày đó nghèo hơn và tốc độ chậm hơn rất nhiều so với các phương tiện đi lại ngày nay.Vấn đề đặt ra: Thuý Kiều đã sử dụng các loại phương tiện giao thông nào, và mỗi loại sử dụng bao nhiêu lần.
   Dọc theo cuộc đời lưu lạc mười lăm năm của Thuý Kiều, nếu để ý nhận xét, ta sẽ thấy được nàng sử dụng các phương tiện sau đây:
A – Đi Xe.
 Đó là loại xe do ngựa kéo khi Mã Giám Sinh đưa nàng đi từ Bắc Kinh về Lâm Tri, suốt một tháng trời. Chúng ta kết luận được như vậy là nhờ các câu: “Đoạn trường thay, lúc phân kỳ. Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” là nói khi chia tay, còn trên đường thì: “Đùng đùng gió giục, mây vần. Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Và “Lâm Tri vừa một tháng tròn tới nơi” . Đây là loại xe dùng để đón dâu, chắc là sang trọng, nên được gọi là “xe châu”: “xe châu dừng bánh cửa ngoài . Phía trong bỗng có một người bước ra”. Là nàng Kiều gặp mụ Tú Bà đấy. Trong mười lăm năm lưu lạc, đây là lần duy nhất nàng Kiều đi xe.
B – Đi Ngựa:
Nàng Kiều đi ngựa hai lần. Lần đầu tiên là lẩn trốn theo Sở Khanh:
 “ Cùng nhau lẻn bước xuống lầu. Song song ngựa trước, ngựa sau một đàn”.Tất nhiên cuộc lẻn trốn không thành, bị Tú Bà bắt về tiếp khách. Lần thứ hai nàng đi ngựa sau khi bị bọn Khuyển Ưng đánh thuốc mê ; “Vực ngay lên ngựa tức thì. Phòng đào, viện sách bốn bề lửa dong”.
 C - Đi kiệu.
Theo thứ tự thời gian, ta có:
1 - Đi kiệu về nhà trọ (trú phường) với Mã Giám Sinh: “Kiệu hoa đâu đã đến ngoài. Quản huyền đâu đã giục người sinh li”.
2 - Đi kiệu về với Thúc Sinh sau khi thắng kiện và được Thúc Ông chấp nhận: “ Kíp truyền sắm sử lễ công. Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao”.
3 - Bạc Hạnh thuê kiệu rước vào lầu xanh ở Châu Thai: “Mượn người thuê kiệu rước nàng. Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa”.
4 - Đi kiệu về đại bản doanh Từ Hải: “Dựng cờ, nổi nhạc lên đàng. Trúc tơ trổi trước, kiệu vàng cất sau”.
5 - Đi kiệu xuống thuyền Thổ Quan: “Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rũ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
6 - Đi kiệu cùng cả nhà sau khi gặp nhau ở thảo am bên sông Tiền Đường:
“ Kiệu hoa giục giã tức thì. Vương ông dạy rước cùng về một nơi”.
D- Đi thuyền:
1- Đi thuyền theo bọn Khuyển, Ưng từ Lâm Tri về Vô Tích: “ Khuyển , Ưng đã đắt mưu gian/ Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền/ Buồm cao lèo thẳng cánh suyền/ Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang…”.
2 – Đi thuyền cùng Bạc Hạnh đến Châu Thai: “ Thuyền vừa áp thẳng tới nơi. Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày”.
3 – Đi thuyền xuống sông Tiền Đường cùng Thổ quan: “ Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
4 – Đi thuyền khi được ngư phủ cùng Giác Duyên vớt lên: “ Trên mui lướt mướt áo là. Tuy dầm hơi nước chưa loà bóng gương” .
  Trong mười lăm năm lưu lạc, Thuý Kiều có một chuyến đi bộ dài nhất là đêm trốn khỏi Quan Âm Các đi  về Chiêu Ẩn Am gặp Giác Duyên.
  Để dễ nhớ nội dung này, ta diễn ra thơ lục bát:

                    Người ta xe, ngựa thì vui
                    Thuý Kiều xe, ngựa ngậm ngùi, gian truân
Nổi chìm trong cuộc trầm luân
Kiệu hoa sáu chuyến, ba lần lệ rơi.

- Biệt quê, thương chửa hết lời
"Kiệu hoa đâu đã đến ngoài", giục đi
- Sắc, tài thắng kiện Lâm Tri
"Kiệu hoa cất gió" ai bì xênh xang.
 - "Mượn người thuê kiệu rước nàng"
Châu Thai, Bạc Hạnh tìm đàng trốn mau.
 - Trúc tơ trước, kiệu vàng sau
Chờ Từ Công chỉ ít lâu, phỉ nguyền.
 - Mất chồng, Tôn Hiến ép duyên
"Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền" thổ quan
 - Gặp nàng nương chốn thảo am
"Kiệu hoa giục giã" cả đoàn về mau
 - Sở Khanh kế hiểm, mưu sâu
"Song song ngựa trước ngựa sau " lừa nàng
 - "Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian"
"Vực ngay lên ngựa" mơ màng thuốc mê
 - Bán mình, nàng phải theo xe
Giám Sinh họ Mã dẫn về Lâm Tri
Thuyền thì bốn lượt từng đi:
Lần đầu mê thuốc biết gì Kiều ơi
Lần hai Bạc Hạnh nuốt lời
“Thuyền vừa áp thẳng tới nơi” bán nàng.
Lần ba, lần bốn Tiền Đường
Một thuyền oan nghiệt, cưu mang một thuyền.

VƯƠNG TRỌNG

ĐỐ KIỀU

LTS: Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa xuất bản tập sách khảo luận, trao đổi: "Truyện Kiều, Nguyễn Du, ở trong còn lắm điều hay" của nhà thơ Vương Trọng. Đây là một tập sách rất đáng để những người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều tìm đọc. Xin giới thiệu với bạn đọc bài " Đố Kiều" đăng trong tập sách này để thưởng lãm.

Nhà thơ Vương Trọng đọc thơ tại Khu di tích Nguyễn Du
 trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ Nhất (2003) ở Nghi Xuân-Hà Tĩnh  Ảnh: Thái Văn Sinh

        Trong lịch sử văn học Việt Nam, không có một tác phẩm nào có tính phổ cập rộng lớn như "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du. Không thể thống kê hết số người thuộc toàn bộ 3254 câu, và khó tìm được một người dân Việt Nam mà không thuộc một vài đoạn, một vài câu Kiều. Thế kỷ này qua thế kỷ khác, dân ta mê rồi nghĩ ra các cách thưởng thức "Truyện Kiều". Nếu như Vịnh Kiều, Bình Kiều là công việc của giới nhà Nho, trí thức, thì Ngâm Kiều, Lẩy Kiều, Bói Kiều... và đặc biệt là Đố Kiều được quần chúng bình dân tham gia rộng rãi.
    Đố Kiều là một trò chơi văn nghệ dân gian dưới hình thức đối đáp, nghĩa là một bên hỏi, một bên trả lời, mỗi bên thường là một nhóm, một đội...Có điều đặc biệt là khi chơi trò Đố Kiều, cả người ra đố và giải đố thường dùng thơ, chủ yếu là thể lục bát, để chuyển tải ý của mình. Trò chơi Đố Kiều xẩy ra nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng ở vùng quê Nghệ Tĩnh trước đây chủ yếu diễn ra trong các cuộc hát Phường vải. Hát Phường vải là hình thức hát đối đáp gồm hai nhóm người, một bên là các cô gái địa phương ngồi quay xa dệt vải, một bên là các chàng trai tứ chiếng tụ tập lại. Nội dung hát đố, giải trong hát Phường vải gồm nhiều đề tài khác nhau, nhưng Đố Kiều luôn luôn chiếm một vị trí quan trọng. Điều khó của người giải đố là sau khi nghe đố xong, chỉ một thời gian thật ngắn phải có lời đáp. Bởi vậy trò chơi này đòi hỏi những người tham gia không những thuộc, hiểu "Truyện Kiều", mà phải có phản ứng nhanh trong việc diễn tả ý của mình dưới thể thơ lục bát, đồng thời cần có giọng ngâm, giọng hát hay. Sự thật khó tìm được một người toàn tài như vậy, mà trong các bên dự thi Đố Kiều phải phân công nhau, để cho từng người thể hiện sở trường của mình. Thông thường trong thành viên mỗi đội, ngoài số nam thanh nữ tú ra, mỗi bên còn mời một vài người không phân biệt tuổi tác, thường là cụ đồ Nho hoặc cậu tú, cậu cử...thông thuộc "Truyện Kiều", gánh vác nhiệm vụ mách lời, các chàng trai, cô gái tốt giọng có khi chỉ là người "phát ngôn"!
  Nội dung đầu tiên các câu hát Đố Kiều quan tâm là thử thách sự thông thuộc, hiểu biết của người giải đố về "Truyện Kiều". Loại câu đó ấy thường ngắn gọn buộc người giải đố phải tìm một câu, một đoạn nào đó có ý theo yêu cầu của người đố. Có khi bản thân câu đố không khó nhưng vì phải trả lời ngay nên đến cả những nhà "Kiều học" cũng phải lúng túng. Sau đây là một số ví dụ.
            Đố:        "Truyện Kiều" anh đã thuộc lòng
                          Chỗ nào tơ liễu mà không buông mành?
        Ở câu này, người ra đố đi từ nhận xét rằng, không ai mê Truyện Kiều mà không thuộc câu "Lơ thơ tơ liễu buông mành/ Con oanh học nói trên cành mỉa mai", nên hễ nhắc hai chữ tơ liễu là thế nào buông mành cũng hiện lên. Vả lại, trong "Truyện Kiều" có rất nhiều từ liễu, từ nhưng tơ liễu thì chỉ xuất hiện ba lần, "tơ liễu mà không buông mành" chỉ có hai lời giải:                
Dưới cầu nước chảy trong veo
Trên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha!
Và:    Chừng xuân tơ liễu còn xanh
          Nghĩ mình chưa thoát khỏi vành ái ân.
Trong trò chơi đố Kiều, loại câu đố mà lời giải là một câu Kiều là rất phổ biến:
          Đố:  "Truyện Kiều" anh đã thuộc làu
                  Đố anh kể được một câu năm người?
          Giải: "Này chồng, này mẹ, này cha
                   Này là em ruột, này là em dâu"!
          Đố:  "Truyện Kiều" anh đã thuộc lòng
                  Đố anh đọc được một dòng toàn Nho?
         Giải: "Hồ công quyết kế thừa cơ
                 Lễ tiên, binh hậu khắc cờ tập công"!...
    Nhưng có nhiều câu đố đòi hỏi lời giải không phải là một câu Kiều, mà là sự tổng hợp của những câu, những đoạn khác nhau. Cái khó của lời giải loại này là không chỉ thống kê các câu Kiều, mà phải xử lý vần để lời giải là một đoạn thơ:
       Đố:   Nàng Kiều lưu lạc gian truân
               Với người tình, đã mấy lần chia tay?
      Giải:
              "Dùng dằng một bước một xa"
               Chia tay Kim Trọng châu sa đẫm ngày
              "Chén đưa nhớ buổi hôm nay" 
               Chia tay chàng Thúc hẹn ngày năm sau
               "Đành rằng chờ đó ít lâu"
               Chia tay Từ Hải, lòng đau nhớ nhà
               Chiếc thân bèo nổi, sóng sa
               Ba lần ly biệt xót xa, tội tình!
  Cũng có khi người ra đố không chỉ dùng một vài lời ngắn gọn, mà dùng nhiều câu dắt dẫn, đưa đẩy để giới thiệu mình hoặc để tỏ tình, trước khi vào nội dung cần đố:
       Nữ:
 "Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông"
Phải đâu mèo mả, gà đồng
Thuyền quyên muốn hỏi anh hùng trước sau:
"Ba quân chỉ ngọn cờ đào
Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri"
Thế còn một đạo làm chi?
Trai anh hùng giải được, gái nữ nhi chịu tài.
      Nam:
Vì ai chiếc lá lìa cành
Khi săn như chỉ, khi mành như tơ
Trót công rày đợi mai chờ
"Phải người trăng gió vật vờ hay sao"
"Ba quân chỉ ngọn cờ đào
Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri"
Ắt còn một đạo binh uy
Ở nhà giữ chốn biên thuỳ cho nghiêm
Anh hùng tỏ với thuyền quyên
"Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng"!
      Trong loại câu đố này, người ra đố và giải đố dùng những câu Kiều nguyên vẹn hoặc lẩy Kiều để chuyển tải ý mình, và hình như đây không chỉ là đố giải Kiều mà là còn là đối đáp tỏ tình. Một đặc điểm cũng cần lưu ý, là cả người đố và giải đều đùa với ngôn ngữ trong Truyện Kiều, cụ thể ở đây là chữ Ba quân. Họ đều thừa hiểu rằng ba quân là tiếng chỉ quân đội nói chung, thế mà giả vờ như không hiểu để mà đố, mà giải! Chúng ta biết rằng, trong các câu đố về Truyện Kiều, những câu đố vui đùa theo kiểu chơi chữ chiếm một tỷ lệ rất lớn. Loại câu đố này chỉ mượn "Truyện Kiều" để mang lại tiếng cười sảng khoái như nghe chuyện tiếu lâm. Đó là "Truyện Kiều" của những người thích đùa"!
          Hỏi:  Tiện đây hỏi một hai điều
         Thiếp tôi chưa rõ nàng Kiều ai sinh?
         Đáp:
"Hổ sinh ra phận thơ đào
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong"
Khái ( hổ) sinh Kiều, thật lạ lùng
Trả lời như rứa thoả lòng em chưa?
       Hỏi:
                  Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Nghe đâu Kiều có làm nghề tráng gương?
        Đáp:
"Mười lăm năm, bấy nhiêu lần
Làm gương cho khách hồng quần thử soi!"
        
         Hỏi:  Nổi danh tài sắc đủ điều
                Tại sao lại bảo nàng Kiều sứt răng?
        Đáp:
"Hở môi ra những thẹn thùng"
Sứt răng nàng sợ chúng trông, bạn cười!
   Hỏi:
"Song thu đã khép cánh ngoài"
Nàng Kiều chung chạ có thai bao giờ?
   Đáp:
"Lỡ từ lạc bước bước ra"
"Thất kinh nàng chửa biết là làm sao!"
    Hỏi:
Đến đây hỏi khách cựu giao
Chàng Kim đau bụng thế nào chàng ơi?
    Đáp:
"Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày!"
     Hỏi:      
                   Sinh ra thời buổi chiến chinh
Thuý Kiều có lấy thương binh không chàng?
     Đáp:
Một tay trời bể ngang tàng
Chồng Kiều, Từ Hải rõ ràng thương binh!
      Hỏi:
Thời Kiều đã có ngân hàng
Em đây chưa tỏ nhờ chàng chỉ cho?
      Đáp:
"Nhà băng đưa mối rước vào..."
Tiền nong thanh toán việc nào chẳng xong!
        Còn một nội dung đố Kiều khác nữa, là người đố dùng những câu Kiều hoặc lẩy Kiều để đố xem ý câu đó nói gì. Với nội dung này, người giải phải có óc suy xét, phán đoán mới giải được. Và lạ thay, có nhiều câu có lời giải có vẻ thật chính xác! Và ở loại này, người ta thường trả lời trực diện mà ít dùng thơ.
      Đố:
"Trên vì nước, dưới vì nhà"
"Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng".
                   (Là cái gì?)
     Giải:      Cái máng nước (nằm giữa hai mái nhà)
      Đố:       " Vầng trăng vằng vặc giữa trời
                   Đinh ninh hai miệng một lời song song".
                                      (Là cái gì?)

      Giải:    Sáo diều đêm trăng!
       Đố:  "Trăm năm tính cuộc vuông tròn
               Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông?"
                                       (Là nghề gì?)
      Giải: Người đan bồ! (khi đan bồ, phải đan đáy hình vuông trước, rồi sau đó mới đan tròn phía trên và vật liệu đan bồ là nưá phải lầy từ rừng về).
       Đố Kiều là một trò chơi tao nhã có từ lâu đời, nhưng  tiếc rằng hơn nửa thế kỷ qua hầu như ít xuất hiện trong đời sống tinh thần của công chúng. Đó là một thiếu sót trong công việc bảo tồn vốn cổ của ngành văn hoá.Trong hai năm 2002 – 2009,  Đài Tiếng nói Việt Nam có một chương trình khá hoành tráng về việc đưa "Truyện Kiều" đến với thính giả bằng cách giới thiệu toàn bộ "Truyện Kiều", từ đầu đến cuối qua giọng ngâm của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất, đồng thời trong mỗi đoạn có sự phân tích, giảng giải của các chuyện gia về "Truyện Kiều". Cũng trong chương trình này, Đài còn tổ chức mỗi tháng một câu Đố Kiều với thính giả rộng rãi trong cả nước. Việc làm này của Đài Tiếng nói Việt Nam không những đem lại hứng thú cho người nghe mà còn làm sống lại một trò chơi văn hoá có nguy cơ mai một.
   V.T

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...