VẦNG TRĂNG VỚI THÚY KIỀU


    Theo quy luật tự nhiên, số đêm có trăng cũng chỉ xấp xỉ với đêm tối trời, thế nhưng trong Truyện Kiều, phần lớn các đêm đều có trăng. Nếu như tôi thống kê không nhầm, thì chỉ có ba đêm không trăng, đấy là đêm Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân, đêm cùng Mã Giám Sinh ở trú phường và đêm Hoạn Thư đánh ghen bắt hầu đàn. Trường hợp thứ nhất và thứ ba, có thể do  chuyện xẩy ra trong đêm khuya, lại ở trong nhà, nên vầng trăng không xuất hiện. Trường hợp thứ hai, là đêm Thúy Kiều bị lão Mã hại đời trinh tiết, tác giả muốn mô tả một đêm kinh hoàng, tăm tối “ Trời hôm mây kéo tối sầm/ Dàu dàu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương” dẫn đến “ Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”, và “ Đời người thôi thế là xong một đời” nên không cho vầng trăng nào xuất hiện?
  Trong Truyện Kiều, với Thúy Kiều đêm đầu tiên là đêm sau ngày mấy chị em đi chơi thanh minh. Đêm đó Thúy Kiều ám ảnh bởi Đạm Tiên, manh nha  mối tình với chàng Kim và vầng trăng đã mấy lần xuất hiện với các tên gọi khác nhau, khi thì “Gương nga chênh chếch dòm song”, “Một mình tựa ngắm bóng nga”; khi thì “Chênh chênh bóng nguyệt xế mành”…với chức năng chủ yếu là dẫn dắt Thúy Kiều vào cõi mộng.
  Thứ hai là khi cả nhà đi dự “sinh nhật ngoại gia”, Thúy Kiều tận dụng cơ hội lẻn sang thăm chàng Kim hai lần. Đi lần thứ nhất không thấy có trăng, vì ban ngày, nhưng lần thứ hai thì “Nhặt thưa gương giọi cầu cành” khi nàng “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Và vầng sáng nhất, quan trọng nhất trong đêm ấy là vầng trăng chứng kiến thề bồi: “ Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song”.
   Một tháng ròng theo Mã Giám Sinh đi từ Bắc Kinh về Lâm Tri, tất nhiên thế nào cũng có đêm có trăng, và tác giả đã dành cho một câu tả cảnh, tả tình hay vào loại bậc nhất của Truyện Kiều:
Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Khuya, ngồi trên xe ngựa đi đường nhìn lên trời, mây mù như tan ra cho vầng trăng hiển hiện.Ôi, vầng trăng thề thốt vẫn còn kia, mà mình đã phụ lời với người tình, mắt gặp lại trăng mà lòng thẹn với lòng!
 Ở Lâm Tri nàng buồn, chiều hôm ra ngồi trước lầu Ngưng Bích, nhìn ngang màn trời chợt nhận ra “ Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung”. Trong tự nhiên thì trăng xa hơn núi, nhưng trong khoảnh khắc ấy, núi non như đẩy xa ra, vầng trăng như kéo gần lại, để cả hai thứ ấy  cùng nằm trong một bình diện.
    Rồi nàng mắc lừa Sở Khanh, trốn đi trong “Đêm thu khắc lậu, canh tàn/ Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương”, hình như cảnh ấy muốn báo một chuyện hãi hùng sắp diễn ra, là Sở Khanh trốn đi, Tú Bà bắt nàng về, đánh đập, buộc nàng phải chịu tiếp khách. Nhưng, “nghề chơi cũng lắm công phu”, Thúy Kiều phải học nghề như bao cô gái khác, điều oái oăm là cái mụ Tú Bà “nhờn nhợt màu da”ấy lại chọn đêm trăng sáng để dạy nghề lầu xanh! Nàng đã thực sự trở thành gái lầu xanh, dù có “vui gượng kẻo là” thì cũng phải tiếp khách, cũng phải biết “cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa” để chiều khách làng chơi, kể cả khi với Thúc Sinh “nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng”, chuốc rượu, nối thơ “ khi gió gác, khi trăng sân”…Rồi cũng vào một đêm trăng “ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương”, Thúc Sinh đã đánh lừa Tú Bà để hoàn lương Thúy Kiều. Sắc, tài đã cho nàng Kiều thắng kiện, dẹp cơn thịnh nộ của Thúc Ông, về chung sống “huệ lan sực nức một nhà” với Thúc Sinh. Thúy Kiều khuyên chồng về Vô Tích thăm vợ cả là Hoạn Thư, Thúc Sinh lên đường, nàng Kiều đưa tiễn, “ Vầng trăng ai xẻ làm đôi” một nửa ở lại với gối chiếc Thúy Kiều, một nửa theo dặm trường chàng Thúc!
   Một năm xa, một năm chờ đợi, vào một đêm thu, nàng nhìn lên bầu trời thấy vầng trăng khuyết và ba ngôi sao, tưởng ai tạc lên giữa không gian chữ TÂM, là chữ cuối của Thúc Kỳ Tâm, tên của Thúc Sinh, để nàng thêm nhớ chàng. Nhưng chính đêm trăng đó bọn Khuyển Ưng đã đến đánh thuốc mê bắt nàng đưa về Vô Tích theo mưu đồ đánh ghen của Hoạn Thư. Kể chi chuyện nàng bị Hoạn Thư hành hạ bắt hầu đàn, kể chi chuyện nàng ra ở Quan Âm Các, chỉ nhớ chuyện nàng trốn khỏi Quan Âm Các cũng vào một đêm trăng “ Cất mình qua ngọn tường hoa/ Lần đường theo ánh trăng tà về tây”.Trăng cứu Thúy Kiều ra khỏi Quan Âm Các thì “cữ cuối xuân / bóng hoa rợp đất, vẻ ngân ngang trời” lại đưa Bạc bà đến Chiêu Ẩn Am để mang tai họa cho nàng, bắt nàng trở lại lầu xanh, chỉ có khác là không phải ở Lâm Tri mà ở Châu Thai.
    Một đêm “gió mát trăng thanh” thật đẹp là đêm vị anh hùng Từ Hải xuất hiện, sau đó cứu nàng ra khỏi vũng lầy lầu xanh, nhưng rồi chính Từ mắc mưu Hồ Tôn Hiến, phải chết đứng. Bị ép gả cho thổ quan, nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn khi “mảnh trăng đã gác non đoài”…Nhưng rồi chính Thúy Kiều được hai ngư phủ cứu, đưa về Thảo Am sống cùng Giác Duyên, “ Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng” chờ ngày đoàn viên “ trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”. Như thế, vầng trăng đã hành trình theo cuộc đời của Thúy Kiều. Và ta chắp lại thành thơ:

                         TRĂNG TRONG KIỀU

Phải chăng người đẹp trên trời
Kết thân người đẹp cõi đời từ lâu
Mà Kiều, đêm ở nơi đâu
Chị Hằng tìm đến bên nhau tự tình?

Vui buồn sau hội thanh minh
Gương nga, bóng nguyệt hiện hình sẻ chia
Thương nàng giấc mộng não nề
Cớ sao trăng lại đưa về Đạm Tiên?

Đầu cành trăng dọi nhà bên
Xăm xăm băng lối, chàng Kim sững sờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ
Vầng trăng chứng kiến tóc tơ thề bồi.

Chưa sum họp, đã chia phôi
"Thấy trăng mà thẹn những lời non sông"
Theo xe đi một tháng ròng
Vầng trăng thương cảm nỗi lòng Kiều nhi.

Gặp trăng mấy độ Lâm Tri
Trăng gần Ngưng Bích, xa gì lầu xanh
" Bóng nga thấp thoáng dưới mành"
Trăng ơi sao để Sở Khanh hiện về?
Lừa nàng lẩn trốn canh khuya
Gió cây trút lá thảm thê trăng ngàn
Tú Bà đã đắt mưu gian
Chọn khi nguyệt sáng dạy nàng nghề chơi!
Bẽ bàng chi bấy người ơi
Nửa rèm tuyết ngậm, trăng soi bốn bề
Câu thơ, nét vẽ não nề
Chiều người trong nguyệt tái tê cung đàn.

“Khi gió gác, khi trăng sân”
Với chàng Thúc biết bao lần hàn huyên
Dưới trăng hè vẳng tiếng quyên
Thang lan rủ trướng rõ thêm ngọc ngà
Biệt ly đau dặm đường xa
Vầng trăng xẻ nửa, quan hà chia hai.
“Tóc thề đã chấm ngang vai”
Ba sao, trăng khuyết tên ai giữa trời
Trốn Quan Âm các ra ngoài
Trăng tà soi bóng dẫn người về tây.

Khách biên đình bỗng một ngày
Trăng thanh gió mát sang đây thăm Kiều
Ngờ đâu oan nghiệt còn theo
Non đoài trăng gác đêm gieo Tiền Đường
Giác Duyên nhà cỏ đón nàng
Chay lòng dưa muối, gió trăng cõi thiền
Để rồi đón cảnh đoàn viên
Trăng tàn mà lại sáng lên không ngờ.

Trăng trời khi tỏ, khi mờ
Trăng Kiều tròn, khuyết - bao giờ cũng trong
Như nàng nước đẩy theo dòng
Mà nguồn trinh bạch giữ lòng vẹn nguyên
Trăng, người hội ngộ bao phen
Nỗi niềm trần thế thấu lên cõi trời!
 VƯƠNG TRỌNG

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...