THUYẾT “INSTINCTIVEMENT” CỦA HOÀNG XUÂN HÃN VÀ NGÔN NGỮ TRUYỆN KIỀU

Học giả An Chi


                                                                                                                      AN CHI
Nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều qua bản Duy Minh Thị 1872, học giả Hoàng Xuân Hãn phát biểu:
“Cụ Nguyễn Du tuy ở Bắc nhiều - mẹ người Bắc - nhưng cái gốc Nghệ cũng không khỏi được. Cho nên tiếng Nghệ instinctivement tự nhiên Cụ viết ra, nhiều khi Cụ viết ra những tiếng dùng ở Nghệ chứ ở ngoài Bắc người ta ít dùng lắm. Tuy phần lớn văn Kiều là tiếng Bắc đấy, nhưng có những tiếng như thế, tôi là người Nghệ An tôi thấy rõ chuyện ấy hơn người khác nhiều”
(“Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều”, Tạp chí Văn học, số 3, 1997, tr.4)
Ban biên tập có chú thích cẩn thận rằng instinctivement là “tự nhiên, thuộc về bản năng”. Dĩ nhiên là lời chú thích này thì hoàn toàn đúng; chỉ có cái thuyết “instinctivement” thì mới phải bàn mà thôi.
Với tính cách là một phương tiện giao tiếp của xã hội, ngôn ngữ không phải là một hiện tượng sinh học; nó đến với từng cá nhân không phải bằng con đường di truyền. Ta sẽ không bao giờ có thể nói đến chuyện gene trong sự thụ đắc ngôn ngữ với tính cách là tiếng nói riêng của từng cộng đồng người cả. Đây là một sự thật hiển nhiên mà thật ra nhiều nhà ngữ học có uy tín trên thế giới đã khẳng định từ lâu, từ J.Vendryes (1), cho đến L.Bloomfield (2), E.Sapir (3) và nhiều người khác.
Nếu cái thuyết “instinctivement” của Hoàng Xuân Hãn mà đúng thì người Mỹ (Hoa Kỳ) da đen phải biết ngôn ngữ của các bộ lạc gốc ở châu Phi (tương ứng với từng cá nhân tùy theo họ vốn xuất thân từ bộ lạc nào). Thế nhưng họ chỉ biết có tiếng American English mà thôi (dĩ nhiên không kể đến việc học ngoại ngữ). Và con của cán bộ miền Nam cả vợ lẫn chồng tập kết ra Bắc hồi 1954 mà sinh trưởng ở miền Bắc đã không nói tiếng Bắc y chang như người Bắc. Đến nỗi khi trở về Nam sau 1975 mà muốn bắt chước giọng Nam thì cũng chỉ nói được lơ lớ.
Chào đời tại Thăng Long, mẹ là người Kinh Bắc, cha nuôi là người Thái Nguyên, vợ là người Thái Bình, Nguyễn Du hết sống ở Thăng Long lại kế nghiệp cha nuôi làm một chức quan võ ở Thái Nguyên rồi về ở nhờ nhà anh vợ ở Thái Bình. Từ lúc chào đời cho đến tuổi trưởng thành, Nguyễn đã sống ở đất Bắc. Khoảng thời gian đó đủ - thừa nữa là đằng khác! - để cho tiếng nói của ông định hình là ngôn ngữ của xứ Bắc.
Người ta có thể viện đến những từ ngữ xứ Nghệ trong hai bài “Thác lời trai phường nón” và “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu” để củng cố cho quan điểm về sự hiện diện có tiếng Nghệ trong Truyện Kiều. Rất tiếc rằng cái lý này lại quá hời hợt. Tác giả của hai bài này có đích thị là Nguyễn Du hay không thì cũng chưa lấy gì làm chắc chắn. Nhưng cứ cho rằng hai bài đó là của Nguyễn Du một trăm phần trăm thì sự hiện diện của tiếng Nghệ ở đây chẳng qua cũng chỉ là kết quả của một giải pháp mang tính chất tình thế: đi hát ví ở xứ Nghệ mà không dùng tiếng Nghệ thì thà trở về quê mẹ để đi hát quan họ còn hơn!
Vậy ta không thể căn cứ vào hai bài đã nói để “xâu chuỗi, bắt rễ” mà tìm ra cả tiếng Nghệ trong Truyện Kiều. Trương Chính đã đúng khi nhận định rằng tiếng Nghệ trong hai bài đã nói là một chuyện khác chứ trong Truyện Kiều thì:
“(…) nhiều lắm cũng chỉ tìm được dăm ba tiếng xứ Nghệ. Ngay những người xứ Nghệ khi viết văn cũng ít ai dùng tiếng xứ Nghệ, trái lại cố tránh đi, thỉnh thoảng tìm thấy vài ba tiếng xứ Nghệ là vì vô ý, chứ còn thì viết tiếng “Kinh” cho lời văn được nhã”.
(Hương hoa đất nước, Nxb Văn học Hà Nội, 1979, tr.203-204)
Rõ ràng cái thuyết “instinctivement” của Cụ Hoàng Xuân Hãn là một thuyết khó đứng vững. Lạ một điều là nó lại được một trong những nhà ngữ học hàng đầu của Việt Nam ủng hộ.
Trong Tư liệu Truyện Kiều-Bản Duy Minh Thị 1872 (Nxb ĐHQG Hà Nội, 2002), ngay sau khi dẫn lại lời của Hoàng Xuân Hãn nói về cái thuyết đó thì GS Nguyễn Tài Cẩn viết tiếp:
“Tuy đến đời Tự Đức, Truyện Kiều đã phổ biến rộng ra nhiều vùng, nhiều thế hệ đã tham gia nhuận sắc, riêng bản Duy Minh Thị lại còn được biên tập ở tận miền Nam, nhưng quả có một số từ ngữ vùng Nghệ Tĩnh vẫn còn lưu giữ lại được ở trong tác phẩm, ví dụ ở bản Duy Minh Thị: cáo, đích, trẹ, nen, mùi, nghỉ, đây, …”
(Sđd, “Phụ lục”, tr.546)
Chẳng những tìm thấy “một số từ ngữ vùng Nghệ Tĩnh”, Nguyễn Tài Cẩn còn tìm thấy cả “những trường hợp dùng từ phổ thông nhưng ghi Nôm theo cách phát âm Nghệ Tĩnh” và đặc biệt là “việc chọn lựa những lối ghi cổ, tuy có thể dùng ở nhiều vùng, nhưng dùng phù hợp nhất vẫn là ở vùng phương ngữ quê hương của tác giả” (Xin x. sđd, tr.547-8).
Trên đây là những gì mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã tìm thấy với dụng ý “góp phần ủng hộ thêm các kết luận cơ bản của Giáo sư (Hoàng Xuân Hãn - AC) về bản Kiều Duy Minh Thị mà Giáo sư đã suốt đời hết lòng quý trọng” (Sđd, tr.554).
Dĩ nhiên là ta không nên - vì cũng không thể - phủ nhận những trường hợp cụ thể mà GS Nguyễn Tài Cẩn đã trưng ra vì đó đều là những “thực chứng” hiển nhiên. Nhưng cũng hiển nhiên không kém là ta tuyệt đối không có bất cứ một căn cứ vững chắc nên khả tín nào để khẳng định rằng đó là những từ, ngữ viết ra từ ngòi bút của Nguyễn Du chứ không phải là hậu quả của một hoặc nhiều lần nhuận sắc hay sao chép theo đặc điểm ngữ âm và truyền thống văn tự của địa phương. Chính GS Nguyễn Tài Cẩn cũng đã phải thừa nhận:
“Truyện Kiều viết ra được bà con, bạn bè ở quê và ở Huế hâm mộ, sao chép nhân bản truyền tay nhau đọc. Do những lẽ đó có nhiều nét riêng của tiếng Nghệ Tĩnh và tiếng Huế đã lọt vào trong văn bản”.
(Sđd, tr.48-9)
Đã “lọt vào” thì chỉ là “nhập cư bất hợp pháp” nên dĩ nhiên không phải là “con đẻ” của Nguyễn Du. Huống chi trong những trường hợp mà GS Nguyễn Tài Cẩn quy về tiếng Nghệ thì có những từ thực chất cũng được dùng trong tiếng Bắc và tiếng Nam, đặc biệt là từ nghỉ.
Trong Thiên Nam ngữ lục, nó đã được dùng đến 25 lần, theo bản phiên âm và chú giải của Nguyễn Thị Lâm (Nxb Văn học & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001) và ta cũng chẳng có cơ sở nào để khẳng định rằng ở thời của Nguyễn Du thì nó đã tuyệt đối không còn được dùng ở xứ Bắc. Ngay trong Nam thì cho đến đầu thế kỷ XX nó cũng còn được dùng (song song với y, va) như có thể thấy trong lời ăn tiếng nói của ông già bà cả và như cũng đã được ghi nhận trong Đại nam quốc âm tự vị (cuối thế kỷ XIX) của Huỳnh Tịnh Paulus Của.
Vậy nghỉ chỉ trở thành một hiện tượng phương ngữ (của Nghệ Tĩnh) ở thời hiện đại mà thôi chứ ở thời của Nguyễn Du thì chưa. Đến như cái từ mùi https://www.facebook.com/images/emoji.php/v9/fa5/1.5/16/1f642.png(=màu) mà GS Nguyễn Tài Cẩn cũng cố quy vào tiếng Nghệ Tĩnh thì quả là hoàn toàn võ đoán. Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của A.de Rhodes (1651) lấy tiếng Đàng Ngoài làm nền tảng đã ghi nhận nó từ giữa thế kỷ XVII và nó vẫn còn được người Hà Nội dùng cho đến tận những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Rượu mùi trong tiếng Bắc chẳng phải là gì khác hơn là “rượu có màu”. Mà cũng chẳng riêng gì dân Bắc với dân Nghệ, dân Gia Định cũng dùng từ mùi với nghĩa là màu. Chẳng thế mà từ điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của lại ghi: “Mùi (...) màu sắc (...) Mùi sắc: màu sắc. Lụa mùi: lụa màu, lụa nhuộm (…) Phai mùi: phai màu”.
Thế là khi tìm cứ liệu ở bản Duy Minh Thị 1872 để ủng hộ cho thuyết “instinctivement” của Hoàng Xuân Hãn, GS Nguyễn Tài Cẩn cũng đã lấy một số từ toàn dân mà gán cho tiếng Nghệ để tăng cường “mùi sắc” Nghệ cho ngôn ngữ Truyện Kiều.
Ngoài ra, cái mà GS Nguyễn Tài Cẩn cho là vết tích của tiếng Huế qua việc “lẫn âm cuối -n/-t vào âm cuối -ng/-k” thì lại hoàn toàn có thể là biểu hiện sinh động của cách phát âm và ghi âm ở trong Nam nếu ta không quên rằng Duy Minh Thị 1872 chính là một bản Kiều do “Nam Việt Gia Định thành cư sĩ Duy Minh Thị trùng san”.
Tóm lại, ta có thể khẳng định rằng GS Nguyễn Tài Cẩn đã không thành công trong việc ủng hộ thuyết “instinctivement” của GS Hoàng Xuân Hãn. Thuyết này có hại cho việc nghiên cứu Truyện Kiều, trước nhất là ở chỗ nó làm cho ngôn từ nhuần nhã mà Nguyễn Du đã ra công trau chuốt trở nên thô lậu.
Để chứng minh cho lời khẳng định này, có lẽ không có gì thích hợp cho bằng việc phân tích cái thí dụ mà chính Hoàng Xuân Hãn lấy làm tâm đắc nhất nên mới đem ra để minh họa cho thuyết “instinctivement”. Đó là trường hợp của chữ ### - mà âm Hán Việt là đội - trong hai câu 28 và 628 mà Hoàng Xuân Hãn cho là bị “đọc sai từ lúc đầu, bây giờ vẫn đọc sai như thế, bởi vì không hiểu mà người sau cũng không biết chữ Nôm hay là cũng không dám đọc chữ Nôm” (Bđd, tr.13). Xưa nay các nhà phiên âm đều đọc nó thành “đòi” ở câu 28 và thành “nhụi” ở câu 628. Còn Hoàng Xuân Hãn thì khác. Ông nói:
“Tôi là người Nghệ, tôi biết tại sao Cụ (Nguyễn Du-AC) viết chữ đội ấy. Đội ấy là để ghi từ trụi, không phải nhụi đâu. Trụi như trụi lông: không có một tí lông nào hết cả. Mà tại sao đội lại đọc trụi? Bởi vì chữ đội ấy có hai âm, một âm đọc nó biến ra chữ trụy (...). Từ chữ trụy ấy, ra chữ trụi, có khi là trọi (...)”.
(Bđd, tr.13)
Vì lý luận như trên nên Hoàng Xuân Hãn đọc câu 28 thành:
Sắc đành trọi một, tài đành họa hai
Và câu 628 thành:
Mày râu nhẵn trụi, áo quần bảnh bao
Câu thơ trở nên ngô nghê, quê kệch. Thế nhưng Vũ Đức Phúc thì lại ra sức ca ngợi. Tác giả này viết:
“Ông Hãn phiên âm “Mày râu nhẵn trụi, áo quần bảnh bao” là đã vận dụng cả kiến thức về chữ Nôm và tiếng Nghệ Tĩnh (…) Nguyên là các cụ ta ngày xưa rất có thành kiến với người lớn không râu, cho là tướng bất nhân; “nam tu, nữ nhũ”. Bởi vậy viết “mày râu nhẵn trụi” tỏ ý khinh bỉ thực hay. Còn “nhẵn nhụi” chính là để chỉ cái gì bóng mượt trơn tru, tuyệt đối không có ý gì chê trách, khinh bỉ. Bởi vậy Hoàng Xuân Hãn phiên âm “nhẵn trụi”, là rất có lý”.
(“Phương pháp văn bản học chân chính và lối làm việc không có phương pháp”, Tạp chí Văn học, số 4, 1999, tr.19)
Ta thử xét xem, Hoàng Xuân Hãn có lý hay không. Chúng tôi sẵn sàng thừa nhận rằng trên lý thuyết thì chữ đội hoàn toàn có thể đọc thành trụi và trọi nhưng trong câu 28 và câu 628 thì không. Trong câu 628, đó phải là nhụi vì hai lý do.
Lý do thứ nhất: đ- hài thanh cho nh - là chuyện hoàn toàn bình thường như chúng tôi đã chứng minh ở mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức ngày nay, số 314 (1/5/1999): -nhãng trong sao nhãng ghi bằng đãng; -nhạo trong chế nhạo ghi bằng đạo; -nhẳng trong dai nhẳng ghi bằng đẳng; - nhoi trong nhỏ nhoi ghi bằng đôi; -nhói trong đau nhói ghi bằng đối... (Xin x. trong Đại từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính). Thành kính đến như Nguyễn Tài Cẩn trước các ý kiến của Hoàng Xuân Hãn mà cũng chỉ chịu phiên đội thành trọi ở câu 28 chứ ở câu 628 thì ông vẫn phiên thành nhụi.
Vậy chữ đội mà đọc Nôm thành nhụi là một chuyện mà bất cứ ai quen đọc chữ Nôm cũng đều có thể xem là một hiện tượng hoàn toàn bình thường.
Lý do thứ hai thì tế nhị hơn nhiều. Nó chẳng liên quan gì mấy đến “Kiến thức về chữ Nôm và tiếng Nghệ Tĩnh” mà lại phụ thuộc vào khả năng thưởng thức văn chương, chữ nghĩa. Vũ Đức Phúc tán tụng rằng viết “mày râu nhẵn trụi” (!) là tỏ ý khinh bỉ, thực hay vì “các cụ ta ngày xưa rất có thành kiến với người lớn không râu, cho là tướng bất nhân”.
Thực ra, khi các cụ ta ngày xưa chê đàn ông - chứ không phải “người lớn”, vì người lớn thì gồm có cả đàn bà! – không râu là họ muốn nói đến chuyện không râu bẩm sinh kia! Chứ Mã Giám Sinh thì có đủ cả râu lẫn lông mày vì nếu không có thì làm sao mà “nhẵn trụi” cho được? Khi ta nói, chẳng hạn, “thằng ấy đã thua nhẵn túi” thì có nghĩa là trước đó trong túi của hắn ta đã có tiền. Nói “thằng bé đã vét nhẵn rồi” thì có nghĩa là trước đó trong nồi đã có cơm, có cháo... Nói “cây đã trụi lá” thì có nghĩa là trước đó, cây từng có lá. Nói “con gà đã trụi lông” thì có nghĩa là trước đó, con gà này từng có lông…
Vậy nếu Mã Giám Sinh vốn không có râu thì lấy đâu mà “nhẵn trụi”? Thế thì họ Mã đâu có thuộc hạng đàn ông mà các cụ ta ngày xưa không ưa! Hoàng Xuân Hãn đã sai ngay từ đầu khi nói rằng trụi lông là “không có một tí lông nào hết cả”. Đáng lẽ phải hiểu từ ngữ cho đúng nghĩa mà chỉnh “có” thành “còn” (trụi lông là “không còn một tí lông nào hết cả”) thì Vũ Đức Phúc lại nói theo Hoàng Xuân Hãn nên tất nhiên là cũng sai theo luôn.
Vậy nếu ta phiên cái chữ đang xét thành “trụi” để đọc vế đầu của câu 628 thành “mày râu nhẵn trụi” rồi hiểu cho đúng nghĩa của từ ngữ là Mã Giám Sinh “không còn một tí râu và lông mày nào hết cả”. Ai có đọc kỹ Truyện Kiều cũng biết rằng Mã Giám Sinh là một tay bợm già giả danh đi cưới vợ lẻ để mua gái nhà lành đem về nơi buôn phấn bán hương. Để cho ra cái vẻ đàn ông đi hỏi vợ, hắn ta đã o bế ngoại hình của mình rất kỹ lưỡng, từ việc tỉa tót những nét đặc trưng của nam tính trên khuôn mặt là mày râu cho đến việc phô trương quần áo:
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
Nguyễn Du đã có công trau chuốt cho ta câu 628 với hai vế tiểu đối hài hòa và xứng đôi như thế để cực tả cái sự diện toàn diện của Mã Giám Sinh thì ta nỡ lòng nào biến hắn thành một gã đàn ông “mày râu nhẵn trụi”. Làm sao mà một tay bợm già như họ Mã lại có thể đi cạo trụi hết cả râu lẫn lông mày để tước đi những cái nét nam tính trời cho. “Mày râu nhẵn trụi” thì chỉ có nước ứng tuyển vào hậu cung làm thái giám chứ đi “mua ngọc đến Lam Kiều” sao được!
Rõ ràng cái âm “trụi” mà Hoàng Xuân Hãn đã phát hiện là một âm hoàn toàn không thích hợp với câu 628. Còn âm “trọi” ở câu 28 thì sao? Thì cũng chẳng may mắn gì hơn vì như đã nói, vấn đề đâu chỉ liên quan đến “Kiến thức về chữ Nôm và tiếng Nghệ Tĩnh”! Huống chi, cái chữ trọi cũng đâu có phải là “độc quyền” của tiếng Nghệ Tĩnh vì cho đến ngày hôm nay nó vẫn còn được dùng một cách bình thường ở trong Nam (4).
Hoàng Xuân Hãn nói rằng “ngày xưa mình học độc là trọi”. Nhưng đây chẳng qua chỉ là cách đối dịch một chữ Hán bằng một chữ Nôm giống như trong Tam thiên tự (5) nên có phải lúc nào cũng thật sát nghĩa đâu. Huống chi chỉ có một chữ độc thì đã nói lên được cái gì về công dụng thực tế của chữ trọi?
Trọi là rụng hết lông, chỉ còn mình không hoặc rụng hết lá chỉ còn trơ thân trơ cành. Cái nét nghĩa “chỉ còn mình không” hoặc “chỉ còn trơ thân trơ cành” chính là cơ sở để cho người ta dùng chữ trọi mà giảng chữ độc chứ dù có là tiếng Nghệ Tĩnh thì trọi cũng chẳng phải là “một”, là “độc nhất”, như Hoàng Xuân Hãn đã nói. Vậy giảng độc thành “trọi” là một cách dịch thực sự không sát nghĩa. Nhưng điều quan trọng nhất cần nói là chính cái chữ “trọi”, cũng hoàn toàn không thích hợp với câu Kiều thư 28 vì xưa nay bao giờ nó cũng chỉ được dùng trong những cấu trúc diễn đạt những trạng thái có ý nghĩa tiêu cực như: -trọi lông, trọi lá; - hết trọi, ráo trọi; - trơ trọi...
Không có bất cứ cấu trúc nào gây được cho ta cái ấn tượng về sự dễ chịu, sự vừa mắt hoặc sự vừa ý. Người có kinh nghiệm sử dụng từ ngữ sẽ không bao giờ đưa từ “trọi” vào trong một lời khen để tạo ra một sự phản cảm cả. “Sắc đành trọi một” không phải là một lời khen thành thật; đó chỉ có thể là một sự chê khéo mà thôi.
Thế là Hoàng Xuân Hãn đã không thành công khi ông đưa ra một thí dụ điển hình để minh họa cho thuyết “instinctivement”, một cái thuyết mà thực ra, chẳng cần phải là chuyên gia, mọi người bình thường cũng đều có thể quan sát để thấy là không đúng với thực tế. Vì vậy, cho nên người làm văn bản học về Truyện Kiều không thể nhẹ dạ cả tin ở Hoàng Xuân Hãn để làm hỏng cả ngôn ngữ của nó. Ta cứ thử tưởng tượng xem câu 1126 xưa nay vẫn đọc là:
“Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào”
mà bây giờ lại đọc thành:
“Sở Khanh đã trẹ dây cương lối nào”
thì có phải là nghe quê mùa, thô kệch đi không?
Dĩ nhiên là nếu ta phát hiện được bản thảo của Nguyễn Du trong đó ông đã dùng những lời lẽ thô kệch, quê mùa như thế thậm chí còn quê mùa và thô kệch hơn, thì ta vẫn không được quyền sửa chữa để làm “nhất tự sự” hoặc “sổ tự sự”! Đằng này ta đã thấy rằng cái cốt cách của Nguyễn Du lại là cốt cách của một nhân vật đất Thăng Long (6) thì cái phong cách ngôn ngữ của ông phải là của “người Tràng An” chứ sao lại có thể là của dân xứ Nghệ? Chính vì vậy nên văn bản học về Truyện Kiều phải luôn luôn “cảnh giác” trước mọi hiện tượng tiếng Nghệ nếu ta không muốn làm mất đi cái chất “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” của ngôn ngữ mà Nguyễn Du đã có công trau chuốt.
                                                                                           Trung tuần tháng 2/2004
________________________________________
(1) Xin x.J.Vendryes, Le 1angage-Introduction linguistique à l’histoire, Paris, 1921, tr.276.
(2) Xin x.L.Bloomfield, Language, reprint, Delhi, 1964, tr.43.
(3) Xin x.E.Sapir, Le langage, traduit par S.M.Guillemin, Paris, 1953, tr.12.
(4) Xin x.Nguyễn Văn Ái (chủ biên), Từ điển phương ngữ Nam bộ. Nxb TP.HCM, 1994, các mục “trọi”, “trọi lỏi”, “trọi trơn”.
(5) Chẳng hạn: thiên, trời - địa, đất - cử, cất - tồn, còn v.v...
(6) Xin x.Nguyễn Quảng Tuân, “Nguyễn Du - Nhân vật đất Thăng Long”, Người Hà Nội, Xuân Giáp Thân (số 1,2,3,4,5 năm 2004).


TRUYỆN KIỀU TRONG CUỘC ĐỜI TÔI

LTS: Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, xin tiếp tục giới thiệu tham luận tại Hội thảo: “Doanh nhân với Truyện Kiều & Truyện  Kiều với doanh nhân” của Tiến sĩ Phạm Văn Tuần - Tổng Giám đốc, Chủ tich Hội đồng quản trị Tổng công ty HANVICO . Bài 7
Tiến sĩ Phạm Văn Tuần, người thứ 2 phải sang. Ảnh PV

                                                                            TS. PHẠM VĂN TUẦN

1. Ảnh hưởng lúc còn nhỏ:
Miền Trung quê tôi - mảnh đất khói lửa trong thời kỳ chiến tranh, là mảnh đất khắc nghiệt  mà người đời thường mô tả là “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt”. Những trận gió Lào khô nóng trưa hè làm lá xanh rơi xuống và hình ảnh mẹ tôi gom những chiếc lá xanh ấy trên mặt đất đem về đun đến nay vẫn hằn sâu vào ký ức của tôi. Chúng tôi lớn lên trong cảnh túng đói về vật chất nhưng bù lại được mẹ ấp ủ bằng những câu Kiều thắm đượm tình yêu, những triết lý nhân tình sâu sắc về cuộc đời, về con người. Khi tôi lên 9 tuổi mẹ tôi sinh em gái, tôi thuộc lòng các câu Kiều trong lời ru ngọt ngào của mẹ.
Sau này tôi mới biết vào khoảng những năm 1938, sau khi Mặt trận Dân chủ ở Pháp thắng lợi đã ảnh hưởng lớn đến cách mạng Việt nam. Vì vậy, phong trào bình dân học vụ ở vùng quê tôi lúc ấy rất phát triển. Trong thời gian ấy, vì bà ngoại tôi mất sớm, ông ngoại lấy vợ, o dượng thương cảnh dì ghẻ con chồng đã đem mẹ tôi về nuôi. Ngày chăn trâu cắt cỏ, tối đến, mẹ tôi đến lớp bình dân học vụ do dượng tôi dạy. Sách giáo khoa môn văn là Truyện Kiều, tập viết và học thuộc lòng từng đoạn một, Ba năm ở với o dượng, mẹ tôi học hết lớp ba. Tài sản lớn nhất mà mẹ tôi có được là bà đã thuộc lòng tất cả Truyện Kiều để sau này, bà dạy dỗ anh chị em tôi bằng những câu Kiều tùy vào hoàn cảnh vui, buồn của cuộc sống mà ứng xử có lý, có tình. Tôi nhớ khi anh chị em tôi bất hòa, mẹ hay dùng câu Kiều "Cạn lòng chưa nghĩ được sâu" để anh chị em hòa giải nhẹ nhàng. Khi làm việc một mình mẹ tôi cũng thường vịnh Kiều, có câu Kiều mà bà hay nhắc đến là:
"Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách vấn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng la/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
Khi còn nhỏ, tôi cũng không hiểu được ý nghĩa của những câu thơ ấy. Sau này, khi đã trưởng thành, tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi Nghiệp là gì? Tại sao thiện căn ở tại lòng ta? Chữ Tâm chữ Tài là gì và tại sao chữ Tâm kia lại bằng ba chữ Tài?
2. Ảnh hưởng lúc trưởng thành.
Năm 1967, tôi tốt nghiệp cấp 3 và được cử sang Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên học tập. Năm 1972, tôi về nước, làm việc ở viện Hóa học Công nghiệp. Tôi tự hào là tác giả thiết kế ra quạt gió cao áp cho lò cao sản xuất phân bón lúc bấy giờ. Sản phẩm được viện đưa đi triển lãm và sau này, khi đứng cạnh lò cao trong tiếng quạt gió rền vang lòng tôi tràn ngập niềm vui nghĩ về một tương lai phơi phới...
Năm 1982, tôi sang Nga làm nghiên cứu sinh với tấm bằng tiến sỹ. Khi về nước, tôi lao vào công việc. Nhưng ở thời kỳ kinh tế đổi mới, làm việc trong cơ quan nhà nước với cơ chế sơ cứng, có câu "giàu người ta ghét, đói rét người ta khinh, thông minh người ta diệt" tôi quyết định ra ngoài làm việc. Thế là “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu”
Khỏi phải nói trong suốt từ 1986 đến 1999, cuộc sống của tôi đã thay đổi nhiều đến thế nào. Chỗ làm việc chuyển từ xây dựng lò sản xuất thiếc xuất khẩu, sang hướng dẫn lắp đặt dây chuyền sản xuất kính, đến làm trợ lý cho một công ty của Hàn Quốc rồi cùng một người Hàn Quốc thành lập một công ty sản xuất chăn ga gối đệm. Sau cùng, đến năm 1999, tôi đứng ra thành lập công ty HANVICO.
Trong bộn bề công việc, để có thể hình thành nhà xưởng sản xuất, nào lo vốn, nào tìm mặt bằng, tìm thiết bị máy móc, đào tạo công nhân, lo đầu vào, đầu ra, tôi nhận được tin mẹ tôi ốm nặng ở quê.
Những lúc như vậy, vợ tôi lo lắng chẳng may cơ nghiệp đổ bể thì sẽ ra sao nhưng tôi không hoang mang. Câu thơ trong Truyện Kiều như một niềm an ủi động viên tôi “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách vấn trời gần trời xa”. Thời điểm này, tôi vừa lo thành lập công ty, vừa lo chữa bệnh cho mẹ. Mỗi buổi đi làm về muộn, mẹ thường nắm tay tôi và xoa đầu tôi vì thương con vất vả. Tôi đọc được sự áy náy của mẹ khi bà trìu mến nhìn tôi. Bà cảm thấy như có lỗi vì bạo bệnh vào lúc này làm con vất vả thêm và bà đã khóc, bà ôm chặt tôi vào lòng. Một cảm giác ấm áp từ lòng mẹ lan tỏa trong tôi và câu Sologan “Ấm áp như lòng mẹ” đã ra đời từ đó. Sau đó không lâu, mẹ tôi từ giã cõi đời đi về chốn vĩnh hằng.
Giờ quê tôi đã no ấm nhờ hồ Kẻ Gỗ mà mùa hè không còn nóng rát như xưa. Sau gần hai mươi năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Hanvico đã đứng vững trên thương trường. Đó là thắng lợi của tư duy đúng đắn học được từ giá trị nhân văn của Truyện Kiều, là sự gạn đục khơi trong những điều tốt đẹp từ các nhân vật trong truyện và cả những bài học thất bại của những nhân vật ấy. Trong Truyện Kiều có hai loại người: một loại có Tâm, một loại vô Tâm. Doanh nhân cũng có doanh nhân có tâm và doanh nhân vô tâm. Tôi nghĩ rằng từ Tâm tốt sẽ chuyển đến ý thức tốt và sẽ có những hành động tốt.
Tôi có đến một vài vùng cao, vùng đồng bằng, khi ra về bạn bè có cho chè, cho gạo và nói rằng những sản phẩm này không có thuốc bảo vệ thực vật hoặc phun thuốc kích thích phát triển vì họ trồng riêng để dùng. Tôi không trách họ, nhưng cứ băn khoăn suy nghĩ mãi. Lẽ ra cái mình ăn đã sạch thì hàng hóa bán ra cho xã hội phải sạch hơn chứ. Nếu cả một xã hội đều làm như những người bạn ấy,  thì nòi giống ta rồi sẽ ra sao?
Nếu có chữ Tâm thì đã không bỏ kim loại hoặc vật lạ vào tôm cá để tăng cân bán ra thị trường trong và cả ngoài nước. Lũ Bạc Bà, Bạc Hạnh, Mã Giám Sinh, Tú Bà ngày nay chạy theo đồng tiền, họ còn bán cả danh dự người Việt, bán cả danh dự quốc gia. Tôi cũng như hàng triệu người dân bức xúc vì những chiếc tàu đánh cá chưa đưa vào sử dụng đã hỏng. Tại sao họ lại có thể đưa ống xả thải ngầm dưới đáy biển dẫn đến thảm họa môi trường formusa ở Hà Tĩnh quê tôi? Càng đau lòng hơn khi tôi đang hoàn chỉnh bài viết này thì truyền thông đưa tin về vụ án nhập khẩu thuốc giả để chữa bệnh ung thư của Công ty VN Pharma ở nước ta. Chúng ta khó lòng diễn đạt bằng lời cho những tội ác này, những tội ác mà trời không dung, đất không tha!
Người doanh nhân làm ra sản phẩm và sẽ coi sản phẩm là con đẻ của mình nếu họ có Tâm. Họ sẽ thổi hồn vào đó để nó được xã hội hà hơi, tiếp sức cho có sức sống lâu bền và giá trị tinh thần được thăng hoa, tâm hồn người doanh nhân thanh thản. Còn những doanh nhân đưa ra thị trường nhiều chiêu lừa đảo để xã hội nghi ngờ lẫn nhau, một xã hội trắng đen lẫn lộn, thật giả khó phân biệt thì trong hoàn cảnh đó, chữ Tâm trong Truyện Kiều lại cần hơn bao giờ hết, nó như một thước đo phẩm chất cho người doanh nhân.
Chữ Tâm soi sáng chữ Nghiệp và sinh ra nhân văn, có nhân văn ta giải quyết công việc thấu lý đạt tình, sống có Trời, có Đất, có luân thường đạo lý.
3 Những bài học từ Truyện Kiều đối với tôi.
Những bài học trong cuộc sống từ Truyện Kiều vô cùng phong phú. Tôi rất thích cách ứng xử thông minh của Thúy Kiều với từng hoàn cảnh và từng con người cụ thể. Cách ứng xử vừa tế nhị kiêu sa mà cũng rất thâm thúy, vừa công vừa nhẫn kể cả khi Kiều rơi vào vực thẳm của cuộc đời. Tôi cũng thích tính cách phóng khoáng của Thúc Sinh và từ câu chuyện của Thúc Sinh, tôi đã rút ra cho bản thân "Làm sao trong ấm thì ngoài mới êm". Người doanh nhân phải có một gia đình êm ấm là chỗ dựa vững chắc về tinh thần kể cả khi thành công hay thất bại. Trong công ty, người giám đốc phải là tấm gương sáng về mọi mặt, phải chăm lo cho công nhân cả về vật chất lẫn tinh thần. Một doanh nhân hướng công nhân làm ra những sản phẩm khuất tất nhất thiết sẽ không thể giấu giếm được, sớm muộn cũng sẽ bị xã hội lên án. Ngược lại, người giám đốc hướng công nhân làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận, được xã hội chắp cánh bay cao bay xa. Người giám đốc sẽ lấy đó làm niềm hạnh phúc lớn lao vì đã hoàn thành chữ Nghiệp trong cuộc đời mình. Ngược lại, chụp giật lừa đảo làm ra những sản phẩm bị xã hội lên án và cái kết không thể thoát khỏi là sự trừng phạt của lương tri, sự trừng phạt của luật nhân quả nữa. Nếu chạy theo đồng tiền để đồng tiền chà đạp lên lương tâm thì người doanh nhân không khác gì phường "giá áo túi cơm".
Người doanh nhân cũng cần có cái quyết liệt, cái hiên ngang của Từ Hải và cũng rút ra bài học thất bại của Từ Hải vì mỹ nhân. Trong kinh doanh, phải hài hòa giữa lý trí và tình cảm, nhưng lý trí phải luôn sáng suốt và ở trên tình cảm. Gây dựng cơ nghiệp, gây dựng thương hiệu vô cùng vất vả nhưng vì tình, vì tiền mà mù quáng có khi "buôn danh ba vạn bán danh ba hào" để cơ đồ sụp đổ.
Trong quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp của Hanvico, tôi dựa vào chữ Tâm trong Truyện Kiều. Chính nhờ chữ Tâm ấy mà ngọn lửa ấm áp như lòng mẹ đã dẫn đường cho tôi trong cuộc đời của một giám đốc. Người giám đốc phải có Tâm mới yêu quý công nhân, mới dẫn dụ  họ đồng tâm hiệp lực xây dựng công ty. Chữ Tâm trong ứng xử với bạn hàng ra sao, chữ Tâm với sản phẩm phải như thế nào? Chữ Tâm với đồng chí, đồng đội biết nhường cơm, sẻ áo cho những hoàn cảnh khó khăn trước hết ở trong công ty, và hơn tất cả là chữ Tâm với Trời, với Đất. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được gần 30 công trình văn hóa tâm linh để tri ân với các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ, tri ân với tổ tiên đã nuôi dưỡng mình để được như ngày hôm nay.
Những bài học rút ra từ Truyện Kiều để tôi áp dụng trong xử lý công việc hàng ngày thì nhiều vô kể. Ở đây tôi không kể hết, chỉ có một câu chuyện mà đã qua nhiều năm tôi vẫn còn nhớ như in:
Một buổi sáng, bảo vệ gọi điện cho tôi báo rằng đã bắt được một công nhân lấy trộm sản phẩm và vứt qua hàng rào. Nếu đơn giản thì bảo vệ gọi công an vào xử lý và cho người công nhân đó thôi việc là xong. Nhưng trong Kiều có câu đã ảnh hưởng tới tôi khi đưa ra quyết định lúc đó “Tha ra thì cũng may đời, làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen”. Tôi đã gọi và gặp người công nhân ấy, hỏi lý do vì sao lại làm như vậy. Tìm hiểu kỹ mới biết là cậu ta chơi bài và nợ. Sau một lúc phân tích, tôi cho cậu ta tiền sắm lại nồi niêu, bếp ga, gạo nước và cho thêm một ít tiền sinh hoạt. Sau buổi gặp ấy, người công nhân tỉnh ngộ, làm việc nghiêm túc, về sau lấy vợ, có con, có cuộc sống yên ổn. Giám đốc nhìn người khác ở mặt mạnh, mặt tốt không nhìn cái mặt xấu, cái chưa hoàn chỉnh, dùng công nhân cũng như dùng mộc.
Cũng có những thói hư của con người phải kiên trì giáo dục bởi vì “Rằng quen mất nết đi rồi, tẻ vui âu cũng tại trời vậy thôi”. Do vậy, chúng ta không nên vội vàng quy tội, hình sự hóa khuyết điểm mà hướng con người đến hoàn thiện dần như trong đạo Phật dạy "Cứu một người phúc đẳng hà sa".
Bây giờ công ty đã ổn định và lớn mạnh. Vợ chồng tôi luôn tìm về quá khứ, đền ơn, đáp nghĩa cho những người đã giúp đỡ chúng tôi trước đây. Đó là bạn bè, là thầy giáo, là ân nhân đã giúp đỡ mình lúc khó khăn và hoạn nạn.
“Vinh hoa bõ lúc phong trần, chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”.
HANVICO ẤM ÁP NHƯ LÒNG MẸ xin được kính cẩn biết ơn Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho con cháu Việt những giá trị nhân văn sâu sắc. Chúng tôi xin được cảm ơn các doanh nhân chân chính, những nhà nghiên cứu đã để lại những công trình vật chất và tinh thần cho đất nước ta ngày càng tươi đẹp.
                                      
 Hà Nội, tháng 8 năm 2017
***
Lời Biên tập.
Doanh nhân Phạm Văn Tuần là người yêu mến và thấm đẫm tinh thần nhân văn trong Truyện Kiều. Ông đã vận dụng linh hoạt và thiết thực những giá trị về Tâm, Đức, Hiếu, Nghĩa từ Truyện Kiều trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp Hanvico - Ấm áp như lòng mẹ thành một công ty lớn mạnh và giàu tình yêu thương. Bài viết trên đã thể hiện sự tri ân của ông với Đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng ông còn là một người con trọng chữ Hiếu. Tình cảm thiêng liêng ấy đã đọng lại trong những trang “Viết bên linh cữu cha” khi tiễn biệt Người về thế giới thiên thu. Chúng tôi xin đăng trọn vẹn những trang viết ấy của ông:

VIẾT BÊN LINH CỮU CHA
( thay lời cảm tạ )

    
Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, cho ta thêm một ngày nữa để yêu thương… Nhưng Cha tôi đã không thức dậy ba buổi sáng nay… Người đã chìm vào giấc ngủ thần tiên. Cha tôi đã ra đi nhẹ nhàng và thanh thản, giống như cuộc đời thoải mái vô tư và vui vẻ của Người.
Sinh thời, Cha chúng tôi thường đi trước thời đại và sống theo cách nghĩ của riêng mình. Ông đã sống và biết tạo ra một cuộc sống có nhiều dấu ấn riêng biệt mà người đời thường không theo kịp, điều đó lắm khi sinh ra sự đố kỵ và còn có cả đàm tiếu nữa.
Nhờ trí thông minh của bản thân và sự từng trải của cuộc sống, lại được đi nhiều nơi nên đã giúp Cha tôi tạo ra một cuộc sống vô cùng phong phú. Tính cha phóng khoáng và đôn hậu, ngay thẳng và trung thực. Ông ghét cay ghét đắng thói ích kỷ tham lam, cái nhỏ mọn tầm thường nên dễ sinh ra lắm kẻ yêu người ghét. Nhưng vượt lên tất cả, Ông vẫn dành tình yêu cho nhiều người, bất kể là kẻ sang hay người hèn mỗi lần gặp Ông là chén rượu thơm với nụ cười vô tư và hình ảnh ấy có lẽ họ còn nhắc mãi về sau. Và chính điều đó đã mang lại cho Cha sự quý mến và gần gũi của mọi người và đặc biệt là của phái yếu. Một người đàn ông có đôi mắt xanh với tính cách lãng tử đã được nhiều chị em yêu mến âu cũng là lẽ thường tình và suy cho cùng, tình yêu không hề có tội lỗi nhưng đôi khi cũng làm ông gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời. Khi ở trong rừng, con người thường để ý đến những cây khô, cây mục mà không quan sát cả một rừng cây xanh tốt bên ta. Khi ra khỏi rừng từ xa nhìn lại, ta chỉ thấy một màu xanh man mác giữa trời đất mênh mông và con thầm nghĩ cuộc đời Cha cũng tựa như cánh rừng bạt ngàn ấy.
Xa Cha rồi con mới thấm thía câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Sinh thời, Mẹ chúng con sống chắt chiu dành  dụm, trái lại, Cha thích rộng rãi và phóng khoáng, thích cái to lớn oai phong và con thấy rất đúng khi Mẹ vẫn thường nói: Cha các con như dòng nước chảy và  Mẹ là cái đó, cái đơm biết chặn lại chút tôm cá ít ỏi giữa dòng chảy cuộc đời. Cái tương phản ấy biết chắt lọc và hoà hợp lại đã làm nên tính cách của con: Vừa giản dị mà tinh túy kiêu sa, biết tiết kiệm mà vẫn tìm ra cái sang trọng, biết làm việc lớn mà không quên việc nhỏ, biết tôn trọng giá trị của vật chất và của cả tinh thần, biết chú ý cả nội dung lẫn hình thức, biết âm biết dương, biết phân biệt phải trái, biết yêu quý con người và yêu quý thiên nhiên… và Cha ơi! Những cống hiến của Cha, tính nhân hậu của Cha, nụ cười vô tư của Cha sẽ sống mãi trong lòng con cháu và mọi người. Chúng con nguyện gìn giữ ngọn lửa: ẤM ÁP NHƯ TÌNH MẸ và CAO RỘNG NHƯ TÌNH CHA để xây dựng cuộc sống này đầy tính nhân văn như cha đã sống. CUỘC ĐỜI VUÔNG TRÒN của cha đã khép lại, vẫn biết rằng Đức phật từ bi, thánh thần linh thiêng và tổ tiên sẽ đưa cha về với cõi Thiên thu, nơi bồng lai tiên cảnh, nhưng dẫu sao vẫn để lại trong lòng con một khoảng trống mênh mông. Và Cha ơi! Trong khoảng mênh mông ấy chúng con mới nhận ra rằng: Chúng con đã có một người cha tuyệt vời, với những phẩm chất tuyệt vời quí như ngọc càng mài càng sáng. Từ nay mỗi lần nhớ Cha, con xin Cha cho chúng con được ngửa mặt lên trời gọi thầm Cha ơi, Cha nhé!
Cuối cùng cho phép con được thay Cha nói lời cảm ơn với CUỘC ĐỜI, một cuộc đời bao dung và độ lượng đã mang đến cho gia đình và cho dòng tộc ta có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
*
Xin cảm ơn tất cả quí vị khách quí, bạn bè trong và ngoài nước đã đến phúng viếng, chia buồn với gia đình chúng tôi. Xin bày tỏ lòng biết ơn đến ban tổ chức tang lễ, đến bà con quê hương, họ hàng. Đặc biệt, xin cảm ơn tập thể cán bộ công nhân viên cùng hệ thống các nhà phân phối, đại lý trong mái nhà chung HANVICO - ẤM ÁP NHƯ LÒNG MẸ đã đồng lòng xây dựng Tổng công ty lớn mạnh, đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, trong đó có hội hiếu của Cha tôi ở tuổi chín mươi sáu được chu tất viên mãn.
Chúng con xin đội ơn thầy Thích Nhật Toàn và quí phật tử chùa Pháp Hải đã nhiều lần đến hộ niệm cho Cha chúng tôi để Người ra đi nhẹ tựa lông hồng. Trong tang gia bối rối chắc hẳn có nhiều sơ xuất, gia đình xin được lượng thứ. Xin được vĩnh biệt Cha… Xin kính chào tạm biệt quí vị và các bạn!

5h ngày 17/8 (4/7) 2015 ngày truy điệu Cha tôi.



PHÁC THẢO KINH TẾ DOANH NHÂN – DOANH NGHIỆP THỜI NGUYỄN DU

LTS: Xin tiếp tục giới thiệu tham luận tại Hội thảo: “Doanh nhân với Truyện Kiều & Truyện  Kiều với doanh nhân”. Bài 6

Nhà nghiên cứu Bùi Thiết phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TVS


                                                                          NNC BÙI THIẾT

Để có được những thẩm định đầy đủ, chính xác và lý thú về ảnh hưởng và tương tác qua lại giữa Truyện Kiều với tầng lớp doanh nhân đất nước, theo chúng tôi cần có những biểu biết khái quát về thực trạng doanh nghiệp và doanh nhân đất nước thời Nguyễn Du, trong khoảng gần một thế kỷ, từ giữa thế kỷ VXIII đến đầu thế kỷ XIX. 
Như chúng ta biết, đây là khoảng thời gian biến động nhất của lịch sử Trung đại nước ta: Là thời gian cuối chót và chấm dứt của thế cục phân tranh Trịnh - Nguyễn, hai tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều bị diệt vong; Là thời gian xuất hiện của Vương triều Tây Sơn đầy bi hùng; Là thời điểm mà các thế lực bành trướng phương Bắc rắp ranh đô hộ nước ta, sau hơn bốn thế kỷ chịu thất bại thảm hại trước sức đề kháng của quân dân Đại Việt; Là khoảng thời gian manh nha và hình thành của Vương triều  Nguyễn, như là một nối kéo bất khả kháng của chế độ phong kiến Trung ương  Tập quyền ở Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử chính đó, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của toàn quốc, như: sự thay đổi triền miên của các thế lực chính trị, chiến tranh triền miên, dân lưu tán, kinh tế khủng hoảng…Nhưng kỳ lạ thay, mỗi thế lực trỗi dậy, đều dựa trên tiềm năng cuả mình, mà trong đó tiềm năng kinh tế, như là xương sống của các thế lực đó, mà trong đó doanh nghiệp –doanh nhân, đóng vai trò đầu tàu. Thử xem xét các biểu hiện sau đây:
Để có được tri thức đầy đủ, chính xác và có chứng cứ về hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân thời Nguyễn Du (nửa cuối thế kỷ XVIII), chúng ta cần biết quá trình lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp –doanh nhân Việt Nam, Lùi về hơn 300 năm trước, cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, với Cải cách của Vương triều Hồ, mà người khởi xướng là Hồ Quý Ly, một đại quý tộc có đầu óc đổi mới vĩ đại, nhằm hạn chế đi đến thủ tiêu sự trì trệ của nền kinh tế bao cấp, nhằm xây dựng một nước Đại Ngu giàu mạnh, những biện pháp hạn nô, hạn điền, cải cách tiền tệ - dùng tiền giấy thay cho tiền kim loại… như là bà đỡ cho doanh nghiệp - doanh nhân ra đời. Trong thời gian chưa đầy một thập kỷ, bộ mặt doanh nhân - doanh nghiệp khởi sắc. Dự định của Hồ Quý Ly là muốn có một đội quân hùng mạnh với 100 vạn lính, đều phải dựa trên một tiềm năng và cơ sở  kinh tế phát triển đến như thế nào đó mới được. Không có các ghi chép về doanh nghiệp thời đó, nhưng  từ tác động của Cải cách, doanh nhân và doanh nghiệp đã xuất hiện, chẳng hạn các công xưởng đúc vũ khí, như đúc súng Thần cơ, mà người sáng chế ra chính là Hồ Nguyên Trừng, con của Hồ Quý Ly, là một trường hợp, có thể là doanh nghiệp nhà nước đã và đang biến dạng tư hữu hóa? Tiếc rằng Vương triều Hồ không đứng vững được trước sự hung bạo của quân xâm lược.  Theo đó là sự chấm hết của Cải Cách.
Lê Lợi phát động cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược ròng rã 10 năm, ngoài ông là một doanh nhân - trang chủ giàu có vùng Lam Sơn (Thanh Hóa), còn khá nhiều doanh nhân theo về.  Những Nguyễn  Chích, Nguyễn Xí…mà Nguyễn Xí là một doanh nhân phát triển với hàng nước mắm biển. Những doanh nhân, không những họ có nhiều sáng tạo trong nghề nghiệp, làm ra được nhiều sản phẩm có giá trị , mà khi họ tham gia vào đại sự Quốc gia họ cũng có nhiều quyết  sách mang lại nhiều thành công đáng kính nể.
Vương triều Lê, dưới thời Lê Thánh tông (1469-1497), một thời kỳ phát triển rực rỡ của Đại Việt, cũng nhờ có hoạt động của các doanh nghiệp - doanh nhân, mà xã hội bình an. Ngay trong ngành nông nghiệp truyền thống, những mầm mống của doanh nghiệp đã vượt trội hơn nông dân cá thể. Bằng chứng là Lê Thánh Tông, cho binh lính hết hạn nghĩa vụ, được mở đất, khai hoang thành lập các Đồn điền sản xuất lương thực. Tuy là do nhà nước quản lý, định kỳ nộp sản phẩm, nhưng các Đồn điền đó chẳng khác gì doanh nghiệp tư nhân. Cả nước từ Nghệ Tĩnh trở ra có đến hơn 50 Đồn điền do quân lính tự quản.
Sự hình thành và phát triển của kinh tế - xã hội thời các Chúa Nguyễn, từ Thuận Hóa trở vào, chú trọng phát triển doanh nghiệp doanh nhân. Trong vòng hơn 200 năm tồn tại của mình và sự đứng vững của thế lực Đàng Trong, chủ yếu là dựa vào sự phát triển của kinh tế, trong đó kinh tế doanh nghiệp là chủ đạo. Ngoài nông nghiệp truyền thống, thì nhiều ngành nghề khác đua nhau khởi sắc. Giữa thế kỷ XVIII, kinh tế Đàng Trong phát triển trội hơn kinh tế Đàng Ngoài. Ở Thuận Hóa, nghề đồng hồ đã rất phát triển, tuy nhiên nghệ nhân học hỏi từ Phương Tây; Nghề đóng thuyền đi biển - thuyền chiến đạt đến trình độ cao. Theo Lê Quý Đông, thì Phố Hiến (Hưng Yên) đã rất tấp nập (Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến), mà cũng chỉ có vài mặt hàng có giá trị, như cũ nâu, vậy mà ở Fai Fo –Hội An, có hơn 50 mặt hàng có giá trị, rất được thương nhân phương Tây và Nhật ưa chuộng.  Một Đàng Trong phát triển như vậy, góp phần lý giải vì sao các Chúa Nguyễn, liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công ra Bắc Hà, hòng tiêu diệt tập đoàn trị vì Trịnh. Chúa Nguyễn lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm chiến tuyến, không cho quân Trịnh  vượt quá vào trong, thậm chí ở trận cuối cùng, quân Nguyễn còn chiếm trọn đất Hà Tĩnh, vượt sông Lam, chiếm giữ một số huyện phía nam Nghệ An. 
          Sự hưng khởi của thế lực Ba anh em Tây Sơn (Bình Định), bắt đầu từ uy tín và tài năng tổ chức và phát triển cơ sở kinh tế trong vùng Thượng đạo; Về nông nghiệp, Nguyễn Nhạc đã có công tổ chức khai phá nhiều cánh đồng màu mỡ lúa tốt, như Cánh đồng cô Hầu, lấy tên vợ là người Ba Na làm tên cánh đồng; Đặc biệt là kinh dinh mở rộng nhiều ngành nghề thủ công, trong đó có nghề rèn sắt truyền thống phát triển rất mạnh, nhiều hàng hóa đã trở thành đặc sản có thương hiệu nổi tiếng khắp vùng, Nguyễn Nhạc nổi lên như một doanh nhân về mặt hàng buôn lá trầu không, và đã lập thành Trường Trầu nổi tiếng. Sau đó ông được Chúa Nguyễn giao cho cai quản một trạm thu thuế lớn, mà thu nhập hàng năm lên đến 1.500 quan tiền, đây là một trong những nguồn thu lớn ở Đàng Trong.
           Ở Đàng Ngoài, từ đầu thế kỷ XVIII, xã hội rối ren, Chúa Trịnh vơ vét của dân xây cất nhiều cung điện xa hoa lộng lẫy. Những thế lực địa phương nổi lên chống chế độ phong kiến Lê - Trịnh phát triển liên tục khắp tứ trần Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi một thế lực đều chiếm cứ những miền đất trù phú, tất cả họ không những được dân chúng trong vùng ảnh hưởng tham gia tích cực mà chủ yếu là có được một tiềm năng kinh tế dồi dào, chu cấp đầy đủ cho mọi hoạt động của mình.   Bức tranh toàn cảnh kinh tế nước ta vào nửa cuối thế kỷ XVIII phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ và tầm khống chế của cơ chế phong kiến trung ương tập quyền, nhà nước các cấp không đủ sức kìm hãm sự phát triển của doanh nhân, trên nền tảng của tư hữu. Chúng ta thấy sự nở rộ lên của bách nghệ, nhiều làng nghề  đua nhau mọc lên, một số ngành, như khai mỏ, đóng thuyền, gốm sứ, mộc và nhiều làng nghề thủ công truyền thống khôi phục và hưng khởi. Mỏ đồng Tụ Long ở Tuyên Quang (nay đã thuộc vào Trung Quốc), là cơ sở khai thác đồng lớn nhất nước ta, thế kỷ XVIII trở về trước, là miếng mồi ngon cho các thế lực bành trướng luôn luôn dòm ngó và rắp ranh chiếm đoạt; trong 28 vạn quan Thanh sang xâm chiếm nước ta năm 1798, do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, có rất nhiều phu thợ khai khoáng, với âm mưu, sau khi thôn tính Đại Việt xong, bọn chúng sẽ ở lại phân chia nhau đến các cơ sở khai khoáng, cướp bóc hết các mỏ quặng của nước ta. Cho đến nay các thư tịch không nói gì đến sự hưng khởi về kinh tế tư nhân thời đó; nhưng những biểu hiện bề nổi của xã hội, cho phép chúng ta đi đến nhận xét có cơ sở rằng, nếu kinh tế không phát triển, thì cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội, mà chủ yếu là từ trung lưu trở lên không thể có được như chúng ta thấy của họ trong những thời khắc lịch sử đó.
         Nền kinh tế Việt Nam, từ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, đã phát triển theo xu thế thị trường, nhưng dưới sự kìm chế liên tục của ý thức hệ phong kiến, cho nên mọi sự hưng khởi về kinh tế đều bị thui chột và đẩy xã hội vào khủng hoảng chính trị. Hồ Quý Ly có đủ quyền uy làm cách mạng Kinh tế - Xã hội, song ý thức hệ của ông và giai tầng quý tộc mà ông đại diện giết chết mọi ý tưởng của ông; cuối thời Trần chính ông đã xé toang bộ Hoàng bào phong kiến quý tộc ra từng mảnh tơi tả; nhưng khi ông ngồi vào Ngai vàng, đã tự tay khâu lại từng mảnh rách của Hoàng bào mà ông sắp vứt vào sọt rác lịch sử, rồi lại nâng niu nó như một tiếc nuối ngàn đời; kết cục của ông đã đẩy đất nước rơi vào vòng Bắc thuộc, vạn lần cay đắng hơn thời Tần Hán (xem Bùi Thiết. Đối thoại sử học). Đến Nguyễn Huệ cũng vậy, vốn là nhà Cách mạng Kinh tế - Xã hội, thanh toán được mọi cản trở cho đất nước phát triển; nhưng lại ngồi nhầm vào Ngai vàng, thì mọi chuyện lặp lại truyền thống hủ lậu của lịch sử đã từng trải qua và trả giá rất đắt.
          Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong bối cảnh kinh tế và xã hội của nửa cuối thế kỷ XVIII, một xã hội đòi hỏi giải phóng tất cả để phát triển, cái áo cũ nát kia không thể khoác mãi lên tấm thân vạm vỡ  của chàng trai Đại Việt đang đầy hoài bão này! Ông không nói gì về xã hội Việt Nam thời đại ông, mà mượn tích truyện thời nhà Minh bên Trung Quốc, với hàm ý xã hội Đại Việt lúc đó có thua kém gì về kinh tế xã hội Tàu. Xã hội Trung Quốc thời Gia Tĩnh. Kinh tế doanh nhân đã phát triển đến trình độ khá cao, cái đáng chú ý là sự phát triển của doanh nghiệp xa xỉ - ăn chơi; trong thực tế thì, có đủ cái ăn, cái mặc, cái ở, cái sinh hoạt thường nhật đã, thì khi đó mới phát triển và nâng lên cái thói -thú chơi bời. Nếu làm nông, làm nghề cơ khí, làm nhà buôn vất vả lắm mới có được doanh thu, và thường khi do rủi ro nghề nghiệp mà thua lỗ; còn những cái nghề như của Tú Bà, Bạc Bà…thì chỉ có thu về nhiều thứ nhất. Khách làng chơi, thường là kẻ giàu có và sang trọng. Thời Nguyễn Du đã là thế, sự hưng khởi của doanh nghiệp ăn chơi lên đến tột đỉnh như lời mụ Tú Bà nhắc nhở Thúy Kiều rằng:
          Nghề chơi cũng lắm công phu/ Làng chơi ta cũng biết cho đủ đều
          Muôn nghìn người thấy cũng yêu/ Xôn xao oanh yến, dập dìu trúc mai
           Tin nhạn vấn, lá thơ bài, Đưa ngườii cửa trước rước người cửa sau
           Thì chắc chắn rằng, có được cái bề nổi của công nghệ ăn chơi, là có toàn bộ sự phát triển của công nghệ thường nhật, xã hội đã lo đủ mọi thứ rồi, thì làm gì mà không ăn chơi thỏa thích. Xã hội ngày nay cũng vậy, những sân golf, những khách sạn 5 sao,…mọc lên như nấm, là có cơ sở kinh tế - xã hội rất phát triển, không ai nhịn ăn, nhịn mặc để đi chơi, no thân ấm cật, dậm dật hư thân là thế.  
           Nếu như trong Truyện Kiều, từ cảnh đến người, tuy mượn cái vỏ, cái tên vỏ ngoài của Tàu, nhưng thực chất đó là cảnh và người Việt đích thực, như chúng tôi đã từng chỉ ra, chẳng hạn như đoạn thơ sau đây:
          Buồn trông cửa biển chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
           Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu?
          Buồn trông ngọn cỏ nhàu nhàu/ Chân mây mặt đất một màu thênh thênh’
          Buồn trông gió cuốn mặt duyền/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
          Ai cũng tưởng đây là cảnh thật ở bên Tàu, Lầu Ngưng Bích tại thành Lâm Tri, nơi Kiều bị bán cho Lầu xanh Tú Bà. Nhưng thành Lâm Tri đâu phải nằm trên bờ biển, Lâm Tri ở về phía tây nam tỉnh Tô Châu, từ đây muốn đi ra biền phải theo hướng đông gần 100km nữa mới tới. Lâm Tri nằm trước cửa sông Tiền Đường, có sông nước mênh mang, nhưng không phải là biển. Theo chúng tôi thì cảnh này Nguyễn Du quay được ở cửa sông Mỹ Dương, một con sông lớn chảy vòng từ tây bắc Hồng Lĩnh, đổ về, sông đã cạn dòng từ hơn trăm năm nay, do rừng Hồng Lĩnh bị chặt phá. Cửa biển Mỹ Dương nằm tại Động Gián, nay thuộc xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, một cảng biển phát triển từ cuối thế kỷ XIV, với nhiều ngành nghề, mà nước mắm là chủ đạo. Tại đây, tổ tiên Nguyễn Xí (một danh tướng lừng lẫy thời Lê Lợi chống Minh) đã hưng khởi cơ nghiệp nước mắm của mình. Đến đời Nguyễn Xí, nghề nước mắm rất phát đạt, chính Nguyễn Xí là một doanh nhân của ngành mắm - muối, ông từng buôn bán mắm muối khắp vùng Thanh - Nghệ, thuộc đường đi lối lại miền ngược, và đã tổ chức cho nghĩa quân Lam Sơn, cuộc rút lui ngoạn mục về đất Thánh Nghệ An, tạo thế thượng phong cho công cuộc kháng chiến chống Minh đi đến thắng lợi vẻ vang. Cũng chính Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều tại Động Gián, như ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Mai, mà có dịp chúng tôi đã nói đến (xem: Bùi Thiết. Nguyễn Du viết Truyện Kiều tại Động Gián).
          Có thể tóm lược lại rằng: Trước Nguyễn Du ba trăm năm, kinh tế doanh nhân Việt Nam đã phát triển đến ngưỡng, đòi hỏi phải được giải phóng thoát khỏi mọi ràng buộc của chế độ phong kiến: nhưng tất cả đều là hy vọng và bị bóp chết bởi quyền lực và lợi ích của tập đoàn Quý tộc. Thời Nguyễn Du, chu kỳ khủng hoảng được lặp lại và ở mức độ nghiêm trọng hơn; nhưng lịch sử cố tình níu chặt lại cơ chế, làm cho Kinh tế - Xã hội Việt Nam không thể nào thoát khỏi vòng Kim cô cay độc. Hai ba trăm năm sau Nguyễn Du, chu kỳ khủng hoảng được lặp lại và nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, những lối thoát đã hé lộ, nhưng sự níu kéo của quyền lợi phe nhóm, là cản trở và thách thức lớn nhất, và cái giả phải trả là bao nhiêu cho đủ để đất nước phát triển?
          Chúng ta đang sống trong cơn lốc của Kinh tế - Xã hội, khác về thời điểm so với Nguyễn Du; nhưng không khác mấy về bản chất - tính chất thời cuộc. Nguyễn Du đã trăn trở, mới có được Đoạn trường Tân thanh bi ai và da diết đến như thế, làm đau lòng cho biết bao kiếp người, ông sợ người đời lãng quên ông và quên nốt cả Đoạn trường Tân thanh, cũng vì miếng cơm manh áo. Nhưng hậu thế đã tạo được những doanh nhân, tầm cỡ hơn nhiều những doanh nhân và doanh nghiệp thời ông, chắc rằng những tiếng khóc cho ông là những tiếng khóc chào đời cho một đất nước phồn thịnh và giàu lòng nhân ái./.            
                  
        Hà Nội, Rằm tháng Bảy Đinh Dậu - 2017.
                                    BT


NẶNG NGHĨA - MỘT ỨNG XỬ HIỆU QUẢ CỦA DOANH NHÂN

LTS: Xin giới thiệu tiếp Hội thảo" Doanh nhân với Truyện Kiều và Truyện Kiều với doanh nhân" để những người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều tham khảo (Bài 5)

Các doanh nhân nhận Cúp tri ân của Hội Kiều học Việt Nam. Ảnh:TVS
                                                                                                                                NNC HOÀNG KHÔI
 Quan niệm xưa không trọng thương nhân và xem con buôn, thói con buôn là hạng người, là lối xử thế đáng ngờ vực. Khi thừa nhận “phi thương bất phú” tức là đồng nghĩa với việc làm giàu bằng những việc tráo trở, không chính đáng!
Với đồng tiền, người ta cũng gắn với nhiều hệ luỵ xấu bởi tiền có thể mua được nhiều điều (Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dầu rằng đổi trắng thay đen khó gì – Truyện Kiều), nhiều người thấy tiền thì mờ mắt (Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê – Truyện Kiều). Nhưng người ta cũng phải công nhận sức mạnh của đồng tiền, khả năng khuynh loát của đồng tiền có thể cứu khốn phò nguy khi cần thiết (Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong – Truyện Kiều). Đồng tiền có thể được xem là một thứ quyền lực mềm rất hiệu quả trong đời sống xưa đến nay.
Trong thực tế, thương nhân là lớp người sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất và là người có nhiều khả năng xoay chuyển tình thế để có lợi nhất về mặt kinh tế. Điều này được phản ánh khá rõ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Chúng ta đều biết Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tập đại thành về văn hoá Việt, tác phẩm này gần gũi với người Việt đến độ được tin cậy khi vận dụng trong xử thế, thậm chí để xây dựng cả những niềm tin tâm linh, được chuyển hoá thành những hình thức sinh hoạt văn nghệ phổ biến trong cộng đồng như vịnh Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều… Nhiều chính khách trong và ngoài nước cũng hay vận dụng Kiều trong các ứng xử đối nội, đối ngoại và tạo được những hoà đồng rất hiệu quả cho công việc. Tầng lớp thương nhân cũng không phải là một ngoại lệ. Có thể thấy, Truyện Kiều có rất nhiều câu thơ, nhiều chi tiết gợi ý để doanh nhân mọi thời suy nghĩ, vận dụng. Chẳng hạn như câu thơ vừa dẫn ở trên: Trong tay sẵn có đồng tiền có thể là một gợi ý về tư duy trong giao lưu thương mại là sử dụng thế nào cho đồng tiền có hiệu quả cao nhất. Câu thơ: “Thoắt mua về thoắt bán đi” là một gợi ý về bài học kinh doanh. Buôn bán phải chớp nhoáng, phải kịp thời và biến hoá vì để lâu sẽ đọng vốn. Rồi câu thơ “Chung lưng mở một ngôi hàng” có thể là một gợi mở về việc liên kết thương mại chăng? Góp vốn, chung cổ phần thì trường vốn, chung trách nhiệm, nhiều tiếng nói, sáng kiến, tạo uy tín lớn, giảm thiểu rủi ro… Hoặc câu thơ “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ Tài” là đề cập tới nhân cách và việc làm của doanh nhân, là sự cảnh báo cần thiết về trách nhiệm của doanh nhân trước xã hội.
Trong Truyện Kiều còn đề cập đến những thương nhân thành công trong công việc của mình. Hãy thử tìm hiểu về cách họ đạt được.
Có hai loại thương nhân được phản ánh trong Truyện Kiều.
* Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Hà, Bạc Hạnh kinh doanh nhan sắc phụ nữ, thường gọi là buôn hương bán phấn.
* Cha con Thúc Ông, Thúc Sinh.
Cách làm của nhóm thứ nhất là đi nhiều nơi để săn tìm nguồn hàng, cố gắng mua được hàng tốt, giá rẻ. Khi đã có hàng thì tìm đủ mọi cách trau chuốt, làm đẹp, nâng giá trị nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho đối tác sử dụng. Khi mua, khi bán luôn tìm mọi cách để chào hàng, giữ hàng, tăng giá hàng, miễn là có thể mua với giá thấp nhất và bán với giá cao nhất, đồng thời tính toán mọi rủi ro thiệt hơn.
Rõ ràng đây là những cách thức mang tính chủ động phổ biến và rất có hiệu quả. Thử phân tích một chi tiết: Tú Bà với Mã Giám Sinh đã biết góp vốn “Chung lưng mở một ngôi hàng” để buôn phấn bán hương. Có thể thuở ấy cái vốn của Tú Bà là tiền của và kinh nghiệm nghề nghiệp, còn của Mã Giám Sinh là cái vị thế Giám Sinh cùng với khả năng “Dạo tìm khắp chợ thì quê” “Cò kè bớt một thêm hai”. Mã Giám Sinh với vẻ ngoài lịch duyệt, có vị thế nhất định trong xã hội bấy giờ rõ ràng đã tạo được niềm tin cần thiết với đối tác. Gã đi cùng một đám kẻ hầu người hạ ồn ào và rất chủ động, tự tin. Điều này có khả năng áp đảo đối tác. Ngôn ngữ của họ Mã cũng khá mềm dẻo linh hoạt để tỏ ra trân trọng món hàng được xem như một báu vật: Rằng mua ngọc đến Lam Kiều/ Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường. Tuy nhiên không phải gã không biết mặc cả và một khi đã ngã giá xong xuôi thì phải có biên bản giao kèo ràng buộc “Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao”.
Xin chưa bàn tới đạo đức kinh doanh, mà chỉ xem xét về cách thức. Xét nhân vật Mã Giám Sinh còn có thể chú ý thêm rằng món hàng khi ngã giá là “Ngoài bốn trăm” lạng, song không rõ cách nào Mã Giám Sinh chỉ thực trả có ba trăm cho người bán bởi chính gã thừa nhận “Hẳn ba trăm lạng kém đâu”. Như vậy món hàng nghìn vàng họ Mã chỉ mua giá chưa đầy một phần ba. Rõ ràng họ Mã là một cao thủ trong chuyện bán mua cùng đối tác. Món hàng ấy khi mua chỉ được mụ mối “vén tóc bắt tay” “Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ” (tức là cũng có gia công, trau chuốt thêm) nhưng về với họ Mã thì hắn tranh thủ hưởng lợi trước rồi sau đó tân trang lại “Nước vỏ lựu máu mào gà/ Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên”, và song đến tay Tú Bà còn được mụ “tô lục, chuốt hồng” để: “Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người”. Làm kinh doanh trước hết phải nghĩ trước là vừa vốn, còn sau thì lời, cho nên có thể nói cách làm của Tú Bà, Mã Giám Sinh là một cách làm phổ biến trong thương trường. Người ta thấy ngay hiệu quả khi mẫu mã hấp dẫn đối tác. Ở đây xin không đề cập lối mua bán của cô cháu Bạc Bà, Bạc Hạnh bởi bọn này hoàn toàn sử dụng mánh lối gian thương, thuyết phục lừa đảo và sẵn sàng lật mặt miễn “Mối hàng một đã ra mười thì buông”, tuy nhiên cũng phải hiểu những thủ đoạn mà một bộ phận xấu gian thương vẫn sử dụng và vẫn phải xem đó cũng là một cách trong hành xử bán mua.
Với cha con Thúc Ông, Thúc Sinh. Họ cũng là thương nhân. Không biết họ buôn bán gì, chỉ biết Thúc Sinh “Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri” và chắc chắn họ có của ăn của để. Thúc Sinh được miêu tả là người “cũng nòi thư hương” song không thấy học hành thơ phú, chỉ là một tay ăn chơi có cỡ “miệt mài trong cuộc truy hoan” “quen thói bốc rời/ Trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Ấy thế nhưng Thúc Sinh toàn thu về mình những món lợi mà không phải ai cũng có được.
Nhân vật Thúc Sinh, ở góc độ là một thương nhân, rất cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Có thể nói anh này tầm thường nếu chỉ nhìn vẻ bên ngoài. Song, tìm kỹ hơn sẽ thấy: là một thương nhân ở cái thời xã hội vẫn chưa có sự trân trọng đúng mức, là người trong mạch thư hương nhưng cũng chẳng thể hiện gì nhiều, thế mà Thúc Sinh lại lấy được vợ con quan, mà là quan đầu triều thì phải có một vị thế nào đó? Chơi bời có cỡ, Thúc Sinh kiếm thêm được vợ ngoài luồng mà cô vợ này lại tài sắc nhất nhì lúc bấy giờ là Thuý Kiều “sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai”. Bị vợ cả ghen nhưng danh dự vẫn bảo toàn, vẫn được Hoạn Thư bảo vệ, vì “chồng tao nào phải như ai” và sẵn sàng vả miệng bẻ răng những kẻ ra vào ton hót. Dù bảo vệ không nổi Thuý Kiều khiến nàng phải cao chạy xa bay thế nhưng khi Kiều tổ chức báo ân thì Thúc Sinh lại được tặng một khoản bất ngờ “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân/ Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”. Lâu nay người ta chê Thúc Sinh và kể cả tác giả cuốn sách, cụ Nguyễn Du cũng có ý rằng “Nghĩ tình chàng Thúc mà thương” bởi hầu như lúc nào anh này cũng có vẻ thụ động, ngơ ngác, song tôi nghĩ có khác. Thúc Sinh có cái may mắn, có số đào hoa, số giàu sang chiếu mệnh? Rất có thể. Nhưng lý giải như thế thì chưa thật thoả mãn. Tìm những đánh giá về nhân vật này trong Truyện Kiều, tôi lưu ý tới nhận xét của Thuý Kiều. Trong buổi báo ân, Thuý Kiều đã có một đánh giá rất đáng suy nghĩ: “Nàng rằng nghĩa trọng ngàn non”. Kiều dùng chữ nghĩa để chỉ bản chất Thúc Sinh. Nghĩa tức là tuân theo lối phải, là mang tính đúng đắn, rõ ràng. Có thể nhiều người không thấy điều này như Kiều, hoặc chỉ cảm nhận được mà không nói ra được. Có thể cái cách ứng xử “quen thói bốc rời” của Thúc Sinh khiến người ta tưởng anh này vung tay áo xô đốt nhà táng giấy. Thúc Sinh “bốc rời” nhưng anh ta là kẻ “mộ tiếng Kiều nhi” biết nàng có tài có sắc lại cảm thông với hoàn cảnh nàng nên đã chuộc nàng ra khỏi lầu xanh. Thúc Sinh bị cha mắng mỏ, bị quan xử án quy tội “dại nết chơi bời” nhưng chàng chỉ tìm mọi cách nói đỡ cho Thuý Kiều. Thúc Sinh bị vợ ghen và hành hạ Thuý Kiều khiến họ “nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đày đoạ cất đầu chẳng lên” buộc chàng phải nói Kiều bỏ trốn nhưng vẫn bày tỏ với Kiều và nàng cũng hiểu được lòng chàng như “Con tằm đến chết cũng còn vương tơ” ứng xử ấy phải chăng là biểu hiện của tinh thần nghĩa. Chỉ duy nhất Thuý Kiều phát hiện ở Thúc Sinh có cái tinh thần nghĩa ấy và nàng không chỉ nói điều này một lần khi báo ân. Ngay khi phải buộc trốn khỏi nhà Hoạn Thư, Kiều đã nói với Thúc Sinh điều đó: Xót thay chút nghĩa cũ càng. Nàng thấy Thúc Sinh có nghĩa và nàng đối xử với chàng cũng theo nghĩa. Có lẽ cái ứng xử mang nét nghĩa một cách âm thầm của Thúc Sinh khiến chàng có một kết thúc có hậu? Cái chữ nghĩa mà Thuý Kiều dùng chỉ Thúc Sinh cũng như ứng xử của nàng mang đậm tinh thần của dân gian như câu ca dao nhiều người biết:
Nghĩa người ta để lên cân
Bên vàng nặng ít bên ân nặng nhiều
và điều này giải thích nguyên nhân đắc lợi ở nhân vật Thúc Sinh.
Trở lại với hai nhóm doanh nhân và phương pháp làm việc của họ, có thể thấy đại đa số doanh nhân có cách nghĩ, cách làm như nhóm thứ nhất. Việc làm đó trong mua bán là có hiệu quả. Nhưng có thể khẳng định cách làm có hiệu quả cao hơn trong ứng xử doanh nhân là sự trung thực, tình nghĩa, mà phải là chừng mực tạo được niềm tin cho đối tác. Nói cách khác, trọng nghĩa phải là một tiêu chí quan trọng hàng đầu của ứng xử doanh nhân. Điều này đòi hỏi nhiều ở sự hiểu biết, ở phẩm chất văn hoá và tấm lòng của từng con người cụ thể. Vì thế, trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du cũng đã nhắc ta rằng: chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.


THƯƠNG GIA VÀ CON BUÔN TRONG TRUYỆN KIỀU

LTS: Xin tiếp tục giới thiệu tham luận tại Hội thảo: “Doanh nhân với Truyện Kiều & Truyện Kiều với doanh nhân”. Bài 4
Nhà thơ Vương Trọng tham luạn tại Hội thảo. Ảnh TVS
      NHÀ THƠ VƯƠNG TRỌNG

Cùng kinh doanh bằng cách mua bán hàng hóa, cụ thể là mua rẻ bán đắt để ăn giá chênh lệch, nhưng người Việt mình nói chung cũng như cụ Nguyễn Du nói riêng đã phân biệt hai loại người làm nghề đó. Một loại làm ăn đàng hoàng, thường là có vốn lớn, được gọi là thương gia, còn loại kia gian dối trong mua bán, có khi lừa đảo, thường làm ăn manh mún, chụp giật…được gọi là con buôn. Thương gia và con buôn cái chính không phải khác nhau về quy mô kinh doanh, mà là đạo đức kinh doanh. Nhân dân ta dành những từ tốt đẹp cho giới thương gia, và coi khinh phẩm giá của con buôn.
Thương gia trong Truyện Kiều chỉ có hai nhân vật phụ, lướt qua rất nhanh, Nguyễn Du vẫn đủ thời gian thể hiện lòng trân trọng và có khi là nỗi cảm thông. Nhân vật thương gia thứ nhất không rõ tên gọi là gì, chỉ biết ngôi nhà của người ấy nằm sát ngôi nhà của Thúy Kiều, được Nguyễn Du giới thiệu:
Là nhà Ngô Việt thương gia
Buồng không để đó, người xa chưa về
Cặp lục bát này ngoài việc thể hiện cơ hội cho Kim Trọng có thể thuê ở, làm nơi đọc sách, thì hình như bộc bạch cảm thông của Nguyễn Du với người thương gia mải buôn bán xa xôi, chưa trở lại nhà mình. Câu thơ đượm vẻ buồn thương. Bằng cách nào đó thương lượng đã xong, Kim Trọng “Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang” ngôi nhà vừa thuê đươc! “Túi đàn cặp sách” là “tài sản văn hóa” của chàng Kim, thì cảnh nhà thương gia này cũng rất tương xứng:
Có cây, có đá sẵn sàng
Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai
Tức là vị thương gia này đã tạo phong cảnh cho nhà mình bằng cây cảnh và hòn non bộ, lại có cả cái hiên ngồi để thưởng ngoạn cảnh đẹp, có biển đề “Lãm Thúy” màu vàng rõ nét. Chàng Kim tỏ ra thật hài lòng với nơi ở này, đâu chỉ vì hai chữ Lãm Thúy nét vàng kia một phần trùng với tên Thúy Kiều là người đẹp chàng đang đeo đuổi, mà quan trọng là quang cảnh được tạo dựng ở đây. Miêu tả cảnh nhà vị “Ngô Việt thương gia” này khác xa cơ ngơi những kẻ nhiều tiền nhưng thiếu văn hóa, là một cách Nguyễn Du thể hiện cảm tình và lòng trân trọng của mình.
Vị thương gia thứ hai trong Truyện Kiều đề cập tới là Thúc Ông, bố của Thúc Sinh. Ta biết được nghề nghiệp, gia cảnh của ông này qua lời giới thiệu về Thúc Sinh:
Khách du bỗng có một người
Kỳ Tâm, họ Thúc cũng nòi thư hương
Vốn người huyện Tích, châu Thường
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Truy.
Như thế, Thúc Ông, bố của Thúc Sinh là người làm nghề buôn bán, quê ở châu Thường, huyện Vô Tích, hiện mở ngôi hàng ở Lâm Tri. Bản thân Thúc Ông hoặc thế hệ trước ông được học hành tử tế, thì Thúc Sinh mới mang danh “nòi thư hương” được. Chắc chắn gia đình Thúc Ông giàu có, được mọi người nể trọng…thì Thúc Sinh mới được kết duyên cùng Hoạn Thư, con gái Thượng thư bộ Lại. Thời phong kiến, nhất là phong kiến Trung Quốc, “môn đăng hộ đối” được tuân thủ nghiêm ngặt, qua gia thế của Thượng thư bộ Lại “Ngước trông tòa rộng, dãy dài/ Thiên Quan Trủng Tể có bài treo trên”, ta hiểu được gia cảnh của Thúc ông: giàu có, sang trọng.
Thúc Ông xuất hiện trong Truyện Kiều không nhiều, nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Du, ta thấy ông có vẻ đàng hoàng của một vị quan hơn là người buôn bán:
Giậu thu vừa nẩy giò sương
Gối yên đã thấy xuân đường tới nơi
Đây là hình ảnh Thúc Ông sau thời gian về thăm quê trở lại Lâm Tri. Cảnh thì đẹp mà người thì ung dung, khoan thai. Đặc biệt là thái độ của Thúc Ông khi nghe Thúc Sinh cưới Thúy Kiều. Đó cũng là phản ứng của các nhà nho truyền thống, không thể cho con trai lấy gái lầu xanh làm vợ, nên “Phong lôi nổi trận tơi bời” với ý định “Dạy cho má phấn trở về lầu xanh” là chuyện đúng đạo lý. Nhưng Thúc Sinh cương quyết không chịu bỏ Thúy Kiều, Thúc Ông cư xử cũng hết sức đàng hoàng, không hề mắng chửi, mà “cáo quỳ cửa công” tức là đem kiện con trai ra tòa. Đây cũng là hành động của một người có văn hóa, hiểu pháp lý, không đem cái thế của bậc cha mẹ áp đặt cho con. Nhờ tài thơ đã cứu Thúy Kiều, vị quan “mặt sắt đen sì” đã bị khuất phục, đem tình thay lý khi tuyên bố “ Dâu con trong đạo gia đình/ Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong” thì “Thúc Ông thôi cũng dẹp lời phong ba” mà tuân thủ kết quả xử kiện không có lợi cho mình. Kết quả này một phần do tài năng của Thúy Kiều, nhưng một phần quan trọng là thái độ cầu thị của Thúc Ông, biết đổi thay thái độ theo tình thế mới.
Lòng tốt của Thúc Ông còn thể hiện trong một năm ông sống gần Thúy Kiều ở Lâm Tri khi Thúc Sinh về với Hoạn Thư ở Vô Tích. Rồi khi bọn Khuyển Ưng đốt nhà, bắt Thúy Kiều, lập hiện trường giả, tưởng Thúy Kiều bị chết cháy, Thúc Ông vô cùng thương xót, đã thu gom di hài về nhà cúng tế. Tóm lại, dưới ngòi bút của Nguyễn Du, Thúc Ông là một thương gia đáng kính.
Người buôn bán đàng hoàng, được gọi là thương gia chỉ có hai nhân vật rất phụ ấy. Hầu hết kẻ làm nghề buôn bán trong Truyện Kiều là bọn làm ăn bất chính, phi pháp, gian dối, lừa đảo, vô văn hóa được xếp vào loại con buôn. Nguyễn Du đã định nghĩa về con buôn như sau:
Khác màu kẻ quý người thanh
Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn
Như vậy, con buôn là loại người có phẩm chất thấp kém, khác hẳn những người có văn hóa.
Ta hãy lần lượt điểm mặt, chỉ tên bọn chúng.
Đầu tiên là Mã Giám Sinh. Tay này bất hảo từ lý lịch. Y là một kẻ phong tình , trác táng. Địa bàn quen thuộc là chốn lầu xanh. Khi có tiền thì chơi cho nhẵn túi, rồi lại hành nghề ngay mảnh đất đó, giống như thời nay một số tay anh chị thường tuyên bố “ngã xuống nơi nào thì đứng lên từ nơi đó”! Nghề của y là buôn người, “Đem về tiếp khách kiếm lời mà ăn” như Tú Bà đã đúc kết. Y có đầy đủ thuộc tính bất hảo của con buôn, vô văn hóa trong ứng xử, “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” khi y đến để mua Kiều. Mặc cả là chuyện thường tình của việc mua bán, nhưng “Cò kè bớt một thêm hai” thì chỉ việc làm của con buôn. Một trong những đặc trưng của bọn buôn là gian dối. Gian dối trong hành động và lới nói. Trước hết, y che giấu chuyện đi mua Thúy Kiều bằng việc đóng vai một phú ông “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” đi tìm vợ thiếp. Sự thật mua Kiều về để tiếp khách ở Lâm Tri, nhưng y nói đưa về quê y ở Lâm Thanh, với mục đích gây khó khăn nếu sau này gia đình tìm kiếm nàng. Gian dối trong lời nói, gian dối trong tính toán. Ta hãy xét xem cách suy nghĩ, tính toán của y trong nhà trọ với Thúy Kiều, trước khi khởi hành về Lâm Tri. Máu con buôn trước hết xem lời lãi ra sao của món hàng mình vừa mua được:
Về đây nước trước bẻ hoa
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau
Hẳn ba trăm lạng kém đâu
Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời.
Sao lại ba trăm lạng đã vừa vốn, khi giá mua Thúy Kiều là “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”? Chắc Mã Giám Sinh không nhầm mà tác giả Truyện Kiều đã nhầm lẫn giữa giá bán nàng Kiều với cái giá mà gia đình Vương Ông phải nạp cho bọn sai nha “ Tính bài lót đó, luồn đây/ Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Cảm hứng đầu tiên đến với Mã là tiền lãi do món hàng hời là Thúy Kiều đem về. Cảm hứng thứ hai trỗi dậy xuất phát từ hắn là “một đứa phong tình”, muốn chiếm đoạt nàng Kiều. Nàng Kiều trước khi bán mình thì cân nhắc “ bên tình bên hiếu”, còn gã Mã trước khi hành động thì phân vân giữa “vốn nhà” và “của trời”: “Vốn nhà cũng tiếc, của trời cũng ham”!. Nếu gã hành động, chiếm được “của trời” này thì ảnh hưởng đến “vốn nhà”, tức món hàng bị mất giá. Nhưng sau đó mọi lập luận của gã đều khuyến khích gã hành động. Thứ nhất, cái đáng lo nhất là nàng Kiều mất trinh, thì giải quyết được để lừa khách làng chơi theo thủ pháp “nước vỏ lựu, máu mào gà” để hoàn trinh, lúc đó giá món hàng vẫn như cũ “Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi”. Thứ hai, Mã Giám Sinh biết biện pháp đó có thể không lừa được Tú Bà, khi đó nếu mụ trị tội thì cùng lắm chịu hèn “Liều công mất một buổi quỳ mà thôi”! Lập luận thứ ba của Mã mới thật lưu manh và đê tiện:
“Vả đây đường sá xa xôi
Mà ta bất động nữa người sinh nghi”.
Có người giải thích như sau: Chữ người trong câu này chỉ Thúy Kiều, Mã nghĩ nếu mình không làm tình thì Thúy Kiều sẽ nghi (chắc là nghi không phải mua về làm vợ thiếp). Tôi không nghĩ như thế, vì cái nghi đó nếu có của Thúy Kiều thì lúc này, khi đã bắt đầu lên đường về Lâm Tri thì Mã không có gì đáng ngại nữa. Theo tôi, chữ “người” trong câu này chỉ Tú Bà. Ý của Mã là: Vì đường sá xa xôi, một tháng ròng chung xe với Thúy Kiều, điều kiện hết sức thuận lợi để chung chạ, nếu như mình không làm gì thì Tú Bà vẫn nghi mình làm, thế thì chẳng dại gì mà mình không làm! Lập luận tiểu nhân, con buôn đã đưa Mã đến hành động, một kiểu làm tình đầy thú tính: “ Một cơn mưa gió nặng nề/ Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương”!
Con buôn thứ hai là mụ Tú Bà, chung lưng mở ngôi nhà chứa cùng Mã Giám Sinh ở Lâm Tri. Mụ này cũng mang lý lịch bất hảo : “ Làng chơi đã trở về già hết duyên”, nghĩa là thời trẻ thì mụ làm gái lầu xanh, về già thì làm chủ chứa. Nguyễn Du khắc họa mụ con buôn này từ hình thức đến đến hành động thật đáng ghét:
Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao
Trước xe lơi lả han chào…
Da cớm nắng, béo phệ, to lớn khác thường thế không biết mụ “ăn gì”.? Và chính hai chữ “ăn gì” ấy đã nói được thái độ của tác giả Truyện Kiều đối với mụ chủ chứa này. Mụ thao tác các công việc điều hành lầu xanh này khá thành thạo, từ bài học nhập môn cho “món hàng” mới đưa về, đến việc xử lý bị ế khách. Gian dối là thuộc tính của con buôn, Tú Bà không thiếu. Khi Tú Bà sắp hành hung vì tội đã chung chạ với Mã Giám Sinh, Thúy Kiều toan tự tử bằng cách dùng dao cắt cổ, thì điều sợ nhất của Tú Bà là mất vốn. Với thái độ dỗ dành, mụ đã thuyết phục được Thúy Kiều từ lời nói dối:
Lỡ chân trót đã vào đây
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non
Người còn thì của hãy còn
Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà…
Mụ sẵn sàng thề thốt gian dối, dù trong thâm tâm mụ không mảy may nghĩ tới nội dung của lời thề đó:
Mai sau dẫu chẳng như lời
Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.
Mụ chủ chứa nói với cô gái được mua về để tiếp khách rằng cứ ở đây chờ đợi xem có chỗ nào xứng đáng thì sẽ chọn gả chồng! Lời nói dối trơ trẽn này chắc đã lừa được nhiều cô gái nhà lành rồi, nay mụ lại thành công với Thúy Kiều. Một đặc tính con buôn của mụ Tú Bà là lắm âm mưu và nhiều tráo trở. Hình như tình huống nào mụ cũng có phương án dự phòng để giải quyết và thái độ của mụ nhanh chóng biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác trái ngược ngay trong nháy mắt. Bản thân Thúy Kiều cũng nhận ra đặc tính con buôn của Tú Bà là luôn lo sợ mất vốn, chứ không phải có lòng nhân ái biết yêu thương người khác. Bởi vậy, sau khi bỏ trốn theo Sở Khanh bị Tú Bà bắt được đánh cho một trận tơi bời, Thúy Kiều chỉ cần nói một câu là Tú Bà không dám đánh nữa. Câu đó là:
Nhưng tôi có sá chi tôi
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?
Nói nôm na ra rằng tôi chả là gì đâu, tôi chả mong chờ gì tình thương của bà đâu, nhưng bà cẩn thận đấy, nếu đánh tôi chết là bà mất vốn! Chữ “vốn” đã thức tỉnh mụ dừng tay hành hạ, dẹp cơn thịnh nộ mà nhớ lại ý định chỉ “cho một bài học” để Kiều biết phận sự của cô gái lầu xanh mà thôi!
Con buôn thứ ba được Truyện Kiều đề cập là Bạc Bà, Bạc Hạnh. Đây là loại con buôn không có cửa hàng, mà chỉ là một loại “cộng tác viên” cung cấp gái điếm cho nhà chứa. Bề ngoài Bạc Hạnh là một Phật tử, từng đến Chiêu Ẩn Am của Giác Duyên và Quan Âm Các của gia đình Hoạn Thư nhiều lần. Thế nhưng việc làm của Bạc Hà hoàn toàn ngược lại điều răn dạy của Phật, không hề có ý giúp người trong cảnh hoạn nạn, mà lợi dụng tình thế khó khăn của Thúy Kiều để kiếm tiền. Mụ làm bài bản từng bước, từ vu oan cho Kiều nhiều tội, để bảo rằng không ai còn dám chứa chấp, chỉ có cách tìm người để gả chồng cho nàng. Dù Thúy Kiều đã cảnh giác, nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy, theo sự sắp đặt, nàng phải lấy Bạc Hạnh, cháu Bạc Hà, và được mụ giới thiệu như sau:
Này chàng Bạc Hạnh cháu nhà
Cùng trong thân thích ruột rà chẳng ai
Cửa nhà buôn bán Châu Thai
Thật thà có một đơn sai chẳng hề.
Người đàn bà đội lốt Phật tử Bạc Bà, đích thị con buôn, đã nói dối hết sức trơ tráo, làm cho người nghe tưởng Bạc Hạnh cháu mụ là “người chồng lý tưởng”, nhưng thực chất nó là thằng dắt gái chuyện nghiệp cho nhà chứa Châu Thai! Thằng này vô liêm sỉ không kém khi trong lễ thành hôn giả vờ với Thúy Kiều, nó ra vẻ chân thành “Quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công”, thực ra là chuẩn bị đưa Kiều đi bán. Không phải chỉ đối với Thúy Kiều, mà trước đây chính hắn đã dẫn bán nhiều cô gái cho nhà chứa:
Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi
Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày
Ba chữ “nơi mọi ngày” nói đầy đủ rằng công việc này, địa bàn này quá quen thuộc đối với hắn, nên chỉ cần thỏa thuận giá cả là xong:
Xem người định giá vừa rồi
Mối hàng một đã ra mười thì buông.
Phải chăng trong phi vụ “một vốn mười lời” này, tiền vốn mua Kiều, Bạc Hạnh bỏ ra thì đưa cho Bạc Bà, vì Giác Duyên không hề dính dáng? Một điều chắc chắn rằng, chỉ vì những đồng tiền bẩn thỉu mà bọn con buôn Bạc Bà, Bạc Hạnh đã đưa nàng Kiều trở lại vũng lầy lầu xanh!
Con buôn thứ năm trong Truyện Kiều là mụ chủ chứa ở lầu xanh Châu Thai. Nguyễn Du không cần nhắc tên mụ, mà chỉ gợi bằng bốn câu:
Kiệu hoa đặt trước thềm hoa
Bên trong thấy một mụ ra vội vàng
Đưa nàng vào lạy gia đường
Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh
Bạn đọc sẽ tự hình dung ra hình dáng cũng như đức tính con buôn của mụ chủ chứa này từ Tú Bà ở Lâm Tri. Và có điều đáng nói, có lẽ mụ ta đã “trúng quả đậm”,  khi được Từ Hải mua lại nàng Kiều:
Ngỏ lời nói với băng nhân
Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn
Lợi nhuận mụ chủ chứa này thu được chắc hơn hẳn món Tú Bà đã hưởng lợi, vì “tiền trăm nguyên ngân” của Từ Hải chắc vượt xa số tiền chàng Thúc mê gái  “quen thói bốc rời”!
Những con buôn ta vừa điểm tới là những kẻ buôn người. Trong Truyện Kiều có một con buôn (trong Kim Vân Kiều Truyện thì hai) không buôn người mà buôn…tơ. Con buôn này được Nguyễn Du gọi là “thằng bán tơ”. Ở thằng này, Truyện Kiều khai thác tính cách gian dối của con buôn là có thể bịa đặt đổ tội cho người khác, để hòng làm nhẹ tội cho mình. Và tác hại của điều đó thì tất cả chúng ta đã tỏ: gây nên cảnh gia biến của Vương Ông, khiến Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha!
Buôn bán là một khâu hết sức quan trọng trong dịch vụ phân phối sản phẩm, có tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống cộng đồng. Dân ta từ xưa đến nay luôn coi trọng việc kinh doanh này, thể hiện trong câu thành ngữ “Phi thương bất phú”. Theo tôi, câu này có hai ý. Thứ nhất người không kinh doanh, buôn bán thì khó giàu. Thứ hai, một đất nước, một nền kinh tế mà kinh doanh, buôn bán không phát triển thì khó mà giàu có được. Buôn bán quan trọng là vậy, nhưng nhân dân, đất nước cần những người buôn bán đàng hoàng, và không chấp nhận bọn lừa đảo, buôn gian bán lậu, thiếu hẳn văn hóa kinh doanh. Đọc lại Truyện Kiều thấy rằng cụ Nguyễn Du còn muốn nhắn lời với những người làm nghề này không chỉ trong thời đại của Cụ: Muốn được xã hội nể trọng thì buôn bán phải đàng hoàng xứng với hai chữ THƯƠNG GIA, còn nếu vì đồng tiền bẩn thỉu che mất tầm nhìn, lừa đảo, buôn gian bán lận…thì muôn đời mang theo lời chê trách, phỉ nhổ cùng hai chữ CON BUÔN!


                                                                                                        8 - 2017

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...