LTS: Xin giới thiệu tiếp Hội thảo" Doanh nhân với Truyện Kiều và Truyện Kiều với doanh nhân" để những người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều tham khảo (Bài 5)
Các doanh nhân nhận Cúp tri ân của Hội Kiều học Việt Nam. Ảnh:TVS |
Với đồng tiền, người ta cũng gắn với nhiều hệ luỵ xấu bởi tiền có thể mua
được nhiều điều (Trong tay đã sẵn đồng
tiền/ Dầu rằng đổi trắng thay đen khó gì – Truyện Kiều), nhiều người thấy
tiền thì mờ mắt (Máu tham hễ thấy hơi
đồng là mê – Truyện Kiều). Nhưng người ta cũng phải công nhận sức mạnh của
đồng tiền, khả năng khuynh loát của đồng tiền có thể cứu khốn phò nguy khi cần
thiết (Tiền lưng đã có việc gì chẳng xong
– Truyện Kiều). Đồng tiền có thể được xem là một thứ quyền lực mềm rất hiệu
quả trong đời sống xưa đến nay.
Trong thực tế, thương nhân là lớp người sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất
và là người có nhiều khả năng xoay chuyển tình thế để có lợi nhất về mặt kinh
tế. Điều này được phản ánh khá rõ trong Truyện
Kiều của Nguyễn Du.
Chúng ta đều biết Truyện Kiều
của Nguyễn Du là một tập đại thành về văn hoá Việt, tác phẩm này gần gũi với
người Việt đến độ được tin cậy khi vận dụng trong xử thế, thậm chí để xây dựng
cả những niềm tin tâm linh, được chuyển hoá thành những hình thức sinh hoạt văn
nghệ phổ biến trong cộng đồng như vịnh Kiều, đố Kiều, lẩy Kiều… Nhiều chính
khách trong và ngoài nước cũng hay vận dụng Kiều trong các ứng xử đối nội, đối
ngoại và tạo được những hoà đồng rất hiệu quả cho công việc. Tầng lớp thương
nhân cũng không phải là một ngoại lệ. Có thể thấy, Truyện Kiều có rất nhiều câu thơ, nhiều chi tiết gợi ý để doanh
nhân mọi thời suy nghĩ, vận dụng. Chẳng hạn như câu thơ vừa dẫn ở trên: Trong tay sẵn có đồng tiền có thể là một
gợi ý về tư duy trong giao lưu thương mại là sử dụng thế nào cho đồng tiền có
hiệu quả cao nhất. Câu thơ: “Thoắt mua về
thoắt bán đi” là một gợi ý về bài học kinh doanh. Buôn bán phải chớp
nhoáng, phải kịp thời và biến hoá vì để lâu sẽ đọng vốn. Rồi câu thơ “Chung lưng mở một ngôi hàng” có thể là
một gợi mở về việc liên kết thương mại chăng? Góp vốn, chung cổ phần thì trường
vốn, chung trách nhiệm, nhiều tiếng nói, sáng kiến, tạo uy tín lớn, giảm thiểu
rủi ro… Hoặc câu thơ “Chữ tâm kia mới
bằng ba chữ Tài” là đề cập tới nhân cách và việc làm của doanh nhân, là sự
cảnh báo cần thiết về trách nhiệm của doanh nhân trước xã hội.
Trong Truyện Kiều còn đề cập
đến những thương nhân thành công trong công việc của mình. Hãy thử tìm hiểu về
cách họ đạt được.
Có hai loại thương nhân được phản ánh trong Truyện Kiều.
* Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Hà, Bạc Hạnh kinh doanh nhan sắc phụ nữ,
thường gọi là buôn hương bán phấn.
* Cha con Thúc Ông, Thúc Sinh.
Cách làm của nhóm thứ nhất là đi nhiều nơi để săn tìm nguồn hàng, cố gắng
mua được hàng tốt, giá rẻ. Khi đã có hàng thì tìm đủ mọi cách trau chuốt, làm
đẹp, nâng giá trị nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho đối tác sử dụng. Khi mua, khi
bán luôn tìm mọi cách để chào hàng, giữ hàng, tăng giá hàng, miễn là có thể mua
với giá thấp nhất và bán với giá cao nhất, đồng thời tính toán mọi rủi ro thiệt
hơn.
Rõ ràng đây là những cách thức mang tính chủ động phổ biến và rất có hiệu
quả. Thử phân tích một chi tiết: Tú Bà với Mã Giám Sinh đã biết góp vốn “Chung lưng mở một ngôi hàng” để buôn
phấn bán hương. Có thể thuở ấy cái vốn của Tú Bà là tiền của và kinh nghiệm
nghề nghiệp, còn của Mã Giám Sinh là cái vị thế Giám Sinh cùng với khả năng “Dạo tìm khắp chợ thì quê” và “Cò kè bớt một thêm hai”. Mã Giám Sinh
với vẻ ngoài lịch duyệt, có vị thế nhất định trong xã hội bấy giờ rõ ràng đã
tạo được niềm tin cần thiết với đối tác. Gã đi cùng một đám kẻ hầu người hạ ồn
ào và rất chủ động, tự tin. Điều này có khả năng áp đảo đối tác. Ngôn ngữ của
họ Mã cũng khá mềm dẻo linh hoạt để tỏ ra trân trọng món hàng được xem như một
báu vật: Rằng mua ngọc đến Lam Kiều/ Sính
nghi xin dạy bao nhiêu cho tường. Tuy nhiên không phải gã không biết mặc cả
và một khi đã ngã giá xong xuôi thì phải có biên bản giao kèo ràng buộc “Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao”.
Xin chưa bàn tới đạo đức kinh doanh, mà chỉ xem xét về cách thức. Xét
nhân vật Mã Giám Sinh còn có thể chú ý thêm rằng món hàng khi ngã giá là “Ngoài bốn trăm” lạng, song không rõ
cách nào Mã Giám Sinh chỉ thực trả có ba trăm cho người bán bởi chính gã thừa
nhận “Hẳn ba trăm lạng kém đâu”. Như
vậy món hàng nghìn vàng họ Mã chỉ mua giá chưa đầy một phần ba. Rõ ràng họ Mã
là một cao thủ trong chuyện bán mua cùng đối tác. Món hàng ấy khi mua chỉ được
mụ mối “vén tóc bắt tay” “Ép cung cầm
nguyệt, thử bài quạt thơ” (tức là cũng có gia công, trau chuốt thêm) nhưng
về với họ Mã thì hắn tranh thủ hưởng lợi trước rồi sau đó tân trang lại “Nước vỏ lựu máu mào gà/ Mượn màu chiêu tập
lại là còn nguyên”, và song đến tay Tú Bà còn được mụ “tô lục, chuốt hồng” để: “Càng
treo giá ngọc, càng cao phẩm người”. Làm kinh doanh trước hết phải nghĩ trước là vừa vốn, còn sau thì lời, cho
nên có thể nói cách làm của Tú Bà, Mã Giám Sinh là một cách làm phổ biến trong
thương trường. Người ta thấy ngay hiệu quả khi mẫu mã hấp dẫn đối tác. Ở đây
xin không đề cập lối mua bán của cô cháu Bạc Bà, Bạc Hạnh bởi bọn này hoàn toàn
sử dụng mánh lối gian thương, thuyết phục lừa đảo và sẵn sàng lật mặt miễn “Mối hàng một đã ra mười thì buông”, tuy
nhiên cũng phải hiểu những thủ đoạn mà một bộ phận xấu gian thương vẫn sử dụng
và vẫn phải xem đó cũng là một cách trong hành xử bán mua.
Với cha con Thúc Ông, Thúc Sinh. Họ cũng là thương nhân. Không biết họ
buôn bán gì, chỉ biết Thúc Sinh “Theo
nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri” và chắc chắn họ có của ăn của để. Thúc
Sinh được miêu tả là người “cũng nòi thư
hương” song không thấy học hành thơ phú, chỉ là một tay ăn chơi có cỡ “miệt mài trong cuộc truy hoan” và “quen thói bốc rời/ Trăm nghìn đổ một trận
cười như không”. Ấy thế nhưng Thúc Sinh toàn thu về mình những món lợi mà không
phải ai cũng có được.
Nhân vật Thúc Sinh, ở góc độ là một thương nhân, rất cần phải nghiên cứu
kỹ lưỡng. Có thể nói anh này tầm thường nếu chỉ nhìn vẻ bên ngoài. Song, tìm kỹ
hơn sẽ thấy: là một thương nhân ở cái thời xã hội vẫn chưa có sự trân trọng
đúng mức, là người trong mạch thư hương nhưng cũng chẳng thể hiện gì nhiều, thế
mà Thúc Sinh lại lấy được vợ con quan, mà là quan đầu triều thì phải có một vị
thế nào đó? Chơi bời có cỡ, Thúc Sinh kiếm thêm được vợ ngoài luồng mà cô vợ
này lại tài sắc nhất nhì lúc bấy giờ là Thuý Kiều “sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai”. Bị vợ cả ghen nhưng danh dự
vẫn bảo toàn, vẫn được Hoạn Thư bảo vệ, vì “chồng
tao nào phải như ai” và sẵn sàng vả miệng bẻ răng những kẻ ra vào ton hót. Dù
bảo vệ không nổi Thuý Kiều khiến nàng phải cao chạy xa bay thế nhưng khi Kiều
tổ chức báo ân thì Thúc Sinh lại được tặng một khoản bất ngờ “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân/ Tạ lòng dễ
xứng báo ân gọi là”. Lâu nay người ta chê Thúc Sinh và kể cả tác giả cuốn
sách, cụ Nguyễn Du cũng có ý rằng “Nghĩ
tình chàng Thúc mà thương” bởi hầu như lúc nào anh này cũng có vẻ thụ động,
ngơ ngác, song tôi nghĩ có khác. Thúc Sinh có cái may mắn, có số đào hoa, số
giàu sang chiếu mệnh? Rất có thể. Nhưng lý giải như thế thì chưa thật thoả mãn.
Tìm những đánh giá về nhân vật này trong Truyện
Kiều, tôi lưu ý tới nhận xét của Thuý Kiều. Trong buổi báo ân, Thuý Kiều đã
có một đánh giá rất đáng suy nghĩ: “Nàng
rằng nghĩa trọng ngàn non”. Kiều dùng chữ nghĩa để chỉ bản chất Thúc Sinh. Nghĩa tức là tuân theo lối phải, là mang tính đúng đắn, rõ ràng. Có
thể nhiều người không thấy điều này như Kiều, hoặc chỉ cảm nhận được mà không
nói ra được. Có thể cái cách ứng xử “quen thói bốc rời” của Thúc Sinh khiến
người ta tưởng anh này vung tay áo xô đốt nhà táng giấy. Thúc Sinh “bốc rời”
nhưng anh ta là kẻ “mộ tiếng Kiều nhi”
biết nàng có tài có sắc lại cảm thông với hoàn cảnh nàng nên đã chuộc nàng ra
khỏi lầu xanh. Thúc Sinh bị cha mắng mỏ, bị quan xử án quy tội “dại nết chơi bời” nhưng chàng chỉ tìm mọi
cách nói đỡ cho Thuý Kiều. Thúc Sinh bị vợ ghen và hành hạ Thuý Kiều khiến họ “nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đày đoạ cất
đầu chẳng lên” buộc chàng phải nói Kiều bỏ trốn nhưng vẫn bày tỏ với Kiều và
nàng cũng hiểu được lòng chàng như “Con tằm
đến chết cũng còn vương tơ” ứng xử ấy phải chăng là biểu hiện của tinh thần
nghĩa. Chỉ duy nhất Thuý Kiều phát hiện ở Thúc Sinh có cái tinh thần nghĩa ấy
và nàng không chỉ nói điều này một lần khi báo ân. Ngay khi phải buộc trốn khỏi
nhà Hoạn Thư, Kiều đã nói với Thúc Sinh điều đó: Xót thay chút nghĩa cũ càng. Nàng thấy Thúc Sinh có nghĩa và nàng
đối xử với chàng cũng theo nghĩa. Có lẽ cái ứng xử mang nét nghĩa một cách âm
thầm của Thúc Sinh khiến chàng có một kết thúc có hậu? Cái chữ nghĩa mà Thuý Kiều dùng chỉ Thúc Sinh
cũng như ứng xử của nàng mang đậm tinh thần của dân gian như câu ca dao nhiều
người biết:
Nghĩa người ta
để lên cân
Bên vàng nặng ít
bên ân nặng nhiều
và điều này giải thích nguyên nhân đắc lợi ở nhân vật Thúc Sinh.
Trở lại với hai nhóm doanh nhân và phương pháp làm việc của họ, có thể
thấy đại đa số doanh nhân có cách nghĩ, cách làm như nhóm thứ nhất. Việc làm đó
trong mua bán là có hiệu quả. Nhưng có thể khẳng định cách làm có hiệu quả cao
hơn trong ứng xử doanh nhân là sự trung thực, tình nghĩa, mà phải là chừng mực
tạo được niềm tin cho đối tác. Nói cách khác, trọng nghĩa phải là một tiêu chí
quan trọng hàng đầu của ứng xử doanh nhân. Điều này đòi hỏi nhiều ở sự hiểu
biết, ở phẩm chất văn hoá và tấm lòng của từng con người cụ thể. Vì thế, trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du cũng đã nhắc ta
rằng: chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét