LTS: Xin trân trọng giới thiệu với độc giả phát biểu khai mạc Hội thảo của Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam tại Hội thảo "Doanh nhân với Truyện Kiều, Truyện Kiều với doanh nhân"
Giáo sư Phong Lê , TS Võ Hồng Hải, TS Phạm Văn Tuần chủ trì Hội thảo. Ảnh TVS |
GIÁO SƯ PHONG LÊ
Ở phát biểu khai mạc này, tôi muốn có một hình dung về một gắn kết giữa
hai vế, đó là vế Doanh nhân, và vế Truyện
Kiều.
Về Doanh nhân, tôi nghĩ rất cần ôn lại một lịch sử dài với những biến đổi
và thăng trầm của nó.
Nhiều nghìn năm trong xã hội phong kiến, dựa trên hệ ý thức Nho giáo và
nền kinh tế tiểu nông, trật tự gần như không thay đổi của các thành phần cư dân
- đó là Sỹ, Nông, Công, Thương. Chính sự coi nhẹ và kìm hãm hai thành phần Công
và Thương tạo nên sự đình trệ của xã hội. Thời hiện đại dựa trên năng lực kiến
tạo của giai cấp tư sản đã được thực hiện sớm ở phương Tây, và đưa các doanh
nhân lên vị trí hàng đầu, tạo nên một chuyển động nhảy vọt làm nên gương mặt thế
giới hôm nay. Việt Nam ta, sau Cách mạng tháng Tám, do hoàn cảnh chiến tranh và
chịu áp lực của cuộc chiến giữa hai phe, trong một thời gian dài giai cấp tư
sản và vị trí của các doanh nhân hoàn toàn bị lu mờ, thậm chí còn là đối tượng
của cách mạng. Phải đến thời Đổi mới, trước áp lực của kinh tế thị trường và
hội nhập quốc tế thì tình thế mới có sự thay đổi, nhưng vẫn còn rất chậm chạp
vì trăm thứ khó khăn bủa vây, trong đó có nguyên nhân chủ quan nằm trong thiết
chế thượng tầng khiến cho thành phần kinh tế tư nhân không thể phát triển. Phải
sang thế kỷ XXI thì một tháo gỡ và khởi sắc cho tình thế trên mới xuất hiện
trong các Nghị quyết mới của Đảng và hoạt động của chính quyền, chuyển từ chính
quyền là công cụ chuyên chính sang chính quyền kiến tạo và phục vụ. Con số 60
vạn doanh nghiệp hiện có hôm nay, cùng với ao ước 1 triệu doanh nghiệp sẽ có
năm 2020 cho ta một hy vọng tình thế đất nước sẽ thay đổi với vai trò của các
doanh nhân, khi mọi khó khăn của họ dần dần và từng bước được tháo gỡ. Nếu tính
trung bình mỗi doanh nghiệp tạo được công ăn việc làm cho ít nhất 50 người thì
đất nước trên dưới 100 triệu dân của chúng ta sẽ có 50 triệu người có việc làm.
Và khái niệm giàu có cùng mục tiêu làm giàu sẽ là một cái đích hấp dẫn, chung
cho cá nhân và cộng đồng, thay cho sự kỳ thị người giàu và mục tiêu chia đều
cái đói cho mọi người, trong một thời dài còn chưa xa.
Về Truyện Kiều. Trước khi nói
đến Truyện Kiều cần phải nói qua về
Nguyễn Du.
Đối với dân tộc Việt Nam ,
Nguyễn Du là một tác gia lớn, với một sự nghiệp viết không thực đồ sộ nhưng có
giá trị kết tinh rất cao. Trước hết đó là ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam Trung tạp ngâm (34 bài), Bắc hành tạp lục (131 bài) in rất đậm
bản sắc và bản lĩnh cá nhân của một hồn thơ rất giàu tình thương đời, tình yêu
nước và yêu dân. Cùng với thơ chữ Hán là thơ Nôm, với Văn tế thập loại chúng sinh, 184 câu song thất lục bát, dồn chứa
một cảm thông cùng tận với tất cả những thân phận khổ đau, bất hạnh. Trước đó
là hai tác phẩm ngắn ở tuổi hoa niên: Thác
lời trai phường nón và Sinh tế Trường
Lưu nhị nữ…
Nếu chỉ bấy nhiêu thôi, Nguyễn Du cũng đã đủ tư cách một tác gia tiêu
biểu, ở hàng đầu của văn chương Việt trung đại như nhiều tên tuổi khác trước và
sau ông. Thế nhưng Nguyễn Du còn là tác giả của Truyện Kiều; và đây mới thực là một sự kiện làm thay đổi tầm vóc,
khiến cho Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt; và với
tầm vóc đó, rất dễ dàng và nhanh chóng, không chỉ công chúng Việt mà về sau là
cả nhân loại nhận ra ngay một tương đồng giữa Nguyễn Du với nhiều danh nhân
khác trên thế giới như Đantê (1265-1321) với Thần khúc của Ý; như Xecvăngtet (1547 – 1616) với Đông ki sốt của Tây Ban Nha; như Gớt
(1749-1832) với Phaux của Đức; như
Puskin (1799-1837) với Épghênhi Ônêghin
của Nga… Có nghĩa là, cũng như Thần khúc,
Đông ki sốt, Phaux, Épghênhi Ônêghin, Truyện Kiều là kết quả một thăng hoa đột xuất của Nguyễn Du, khiến
cho chỉ cần nói đến Truyện Kiều là đủ
để nói Nguyễn Du - người đã đem lại một giá trị tinh thần rất tươi mới và đặc trưng cho văn chương Việt, ngôn ngữ
Việt, bản sắc Việt, hồn Việt…
Trên dưới 35 văn bản dịch Truyện
Kiều của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua, và vẫn còn
đang được tiếp tục - đó là đường biên rộng nhất cho sức lan tỏa của một tác
phẩm.
Cũng cần lưu ý là nhân loại hôm nay có trên 200 quốc gia và vùng lãnh
thổ. Chắc là văn học dân gian và văn học thành văn ở mỗi nơi đều có; nhưng để
có những tác gia gắn với những kiệt tác mang giá trị nhân loại, được cả thế
giới tôn vinh thì chắc là không nhiều, chỉ ở con số chục. Và Truyện Kiều của Nguyễn Du ở Việt Nam ta
là một trong số đó.
Truyện Kiều có sự sống bền vững
như thế nào thì đã có một lịch sử ngót 200 năm minh chứng, với bao nhiêu bộ
tuyển hàng nghìn trang do nhiều trăm tác giả thành danh viết ra, nếu tính từ
bài viết đầu tiên, năm 1820 của Mộng Liên Đường chủ nhân: “… nếu không có con
mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì không thể có cái bút
lực đó”.
200 năm không lúc nào nhân dân ta ngừng nghỉ việc đọc Kiều, lẩy Kiều,
vịnh Kiều, tập Kiều, xướng hoạ về Kiều, dựng sân khấu Kiều… Và bói Kiều. Bởi
lòng tin Kiều trả lời được tất cả mọi tình huống sống ở đời; và con người ở bất
cứ hoàn cảnh nào, đứng trước câu hỏi nào cũng có thể tìm được lời giải đáp cho
mình sau lời khấn: “Lạy ông Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thuý Kiều…”
3254 câu Kiều, đó là bộ bách khoa
toàn thư của đời sống Việt trong hơn 200 năm qua. 3254 câu, câu nào cũng có
thể in sâu vào bộ nhớ con người, để cho những bà mẹ mù chữ có thể thuộc lòng hàng
trăm câu, hoặc đọc ngược từng đoạn mà vận vào mọi tình huống sống của đời mình;
để cùng với ca dao, dân ca khắp các vùng miền mà tạo nên hồn cốt Việt, tâm linh
Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt…
*
Trở lại mối quan hệ giữa Doanh nhân với Truyện Kiều, và Truyện Kiều
với Doanh nhân ở thời điểm hôm nay.
Nói Nguyễn Du trước hết là nói sự kết đọng nỗi đau nhân sinh trong hai
câu thơ bất hủ:
Đau đớn thay
phận đàn bà
Lời rằng bạc
mệnh cũng là lời chung
(Truyện Kiều)
Đau đớn thay
phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế
biết là tại đâu
(Văn chiêu hồn)
Truyện Kiều không phải là bài
ca chống lễ giáo như tất cả các truyện thơ nôm ra đời cùng thời, và về sau. Mà
là một chủ nghĩa nhân đạo rộng lớn ôm hết mọi khổ đau trong kiếp sống nhân sinh
của một nửa nhân loại.
Và nói thế giới nhân sinh Nguyễn Du còn là nói “thập loại chúng sinh”.
Mười loại chứ không phải ba, bốn hoặc bảy, tám…
Chị Lành, con gái Thầy Tú Nghệ, một người được tôn vinh là cây từ điển sống về Truyện Kiều của vùng Nghệ tĩnh những năm 60, 70 thế kỷ trước phát biểu tại Hội thảo. Ảnh TVS |
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
(B.Clinton
- 2000)
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
(J.Biden
- 2015)
Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi
(B.Obama -
2016)
Vận Kiều vào mọi tình huống cụ thể của đời sống, đó là thói quen, gần như
là tín ngưỡng của người dân Việt thuộc mọi tầng lớp, suốt hai trăm năm qua.
Trước đây là trí thức và nông dân, kể từ một ông vua tự nhận mình là hay chữ
như Tự Đức đến bất cứ ai thuộc trong số nhân quần mù chữ. Còn bây giờ là mọi
tầng lớp cư dân, xét theo xã hội học hiện đại (chứ không phải xã hội học tư
sản) là gồm 5 bộ phận: giới hoạt động chính trị, giới quản lý hành chính, giới
doanh nhân, giới trí thức, và những người lao động có kỹ năng nghề nghiệp. Năm
thành phần cư dân, chứ không phải là cách chẻ nhỏ ra thành bần, cố, trung nông
và phú nông, địa chủ; là vô sản và tư sản hoặc tiểu tư sản (trong đó có giới
trí thức)… Hai lần kỷ niệm năm sinh, vào năm 1965 và năm 2015 là hai lần Nguyễn
Du bước ra đại lộ văn minh nhân loại. Sau lần thứ hai, kỷ niệm 250 năm sinh -
năm 2015, chúng ta đang xích lại gần tới kỷ niệm 200 năm mất của Đại thi hào,
năm 2020. Đó là ngày giỗ lớn của dân tộc Việt. Xét theo tâm linh phương Đông và
Việt Nam
ta thì đó là ngày thiêng. Cuộc toạ đàm và giao lưu hôm nay là nhằm hướng tới
ngày giỗ lớn đó, khi đất nước đang chuyển vào một vận hội lớn, nhằm tạo nên sự
phát triển nhanh chóng và bền vững cho đất nước; sứ mệnh đó trước hết đặt lên
vai giới Doanh nhân và nền kinh tế Tư nhân, như trong các Nghị quyết của Đảng,
và mọi bàn thảo của các Đoàn thể và Quốc hội gần đây.
Hy vọng những phát biểu dưới hình thức giao lưu và toạ đàm hôm nay sẽ là
minh chứng cho các giá trị tinh thần mang tính nhân loại và vĩnh cửu được kết
tinh từ những đỉnh cao kiệt xuất của văn hoá dân tộc - như Nguyễn Du.
Tiếp đây là bài phát biểu của TS. Phạm Văn Tuần – Tổng Giám đốc Hanvico
Ấm áp như lòng mẹ; người con của quê hương Hà Tĩnh; người bạn rất thân thiết
của Hội Kiều học Việt Nam; người đồng tổ chức cuộc giao lưu tọa đàm rất có ý
nghĩa này.
Thảo 29/5/2017
Chữa tháng 9/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét