LTS: Xin tiếp tục giới thiệu tham luận tại Hội thảo: “Doanh nhân với Truyện Kiều & Truyện Kiều với doanh nhân”. Bài 6
Nhà nghiên cứu Bùi Thiết phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TVS |
NNC BÙI THIẾT
Để có được những thẩm định
đầy đủ, chính xác và lý thú về ảnh hưởng và tương tác qua lại giữa Truyện Kiều với tầng lớp doanh nhân đất
nước, theo chúng tôi cần có những biểu biết khái quát về thực trạng doanh
nghiệp và doanh nhân đất nước thời Nguyễn Du, trong khoảng gần một thế kỷ, từ
giữa thế kỷ VXIII đến đầu thế kỷ XIX.
Như chúng ta biết, đây là
khoảng thời gian biến động nhất của lịch sử Trung đại nước ta: Là thời gian
cuối chót và chấm dứt của thế cục phân tranh Trịnh - Nguyễn, hai tập đoàn phong
kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều bị diệt vong; Là
thời gian xuất hiện của Vương triều Tây Sơn đầy bi hùng; Là thời điểm mà các
thế lực bành trướng phương Bắc rắp ranh đô hộ nước ta, sau hơn bốn thế kỷ chịu
thất bại thảm hại trước sức đề kháng của quân dân Đại Việt; Là khoảng thời gian
manh nha và hình thành của Vương triều
Nguyễn, như là một nối kéo bất khả kháng của chế độ phong kiến Trung
ương Tập quyền ở Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử chính
đó, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của toàn quốc,
như: sự thay đổi triền miên của các thế lực chính trị, chiến tranh triền miên,
dân lưu tán, kinh tế khủng hoảng…Nhưng kỳ lạ thay, mỗi thế lực trỗi dậy, đều
dựa trên tiềm năng cuả mình, mà trong đó tiềm năng kinh tế, như là xương sống
của các thế lực đó, mà trong đó doanh nghiệp –doanh nhân, đóng vai trò đầu tàu.
Thử xem xét các biểu hiện sau đây:
Để có được tri thức đầy đủ,
chính xác và có chứng cứ về hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân thời Nguyễn
Du (nửa cuối thế kỷ XVIII), chúng ta cần biết quá trình lịch sử hình thành và
phát triển của doanh nghiệp –doanh nhân Việt Nam, Lùi về hơn 300 năm trước,
cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, với Cải cách của Vương triều Hồ, mà người khởi
xướng là Hồ Quý Ly, một đại quý tộc có đầu óc đổi mới vĩ đại, nhằm hạn chế đi
đến thủ tiêu sự trì trệ của nền kinh tế bao cấp, nhằm xây dựng một nước Đại Ngu
giàu mạnh, những biện pháp hạn nô, hạn điền, cải cách tiền tệ - dùng tiền giấy
thay cho tiền kim loại… như là bà đỡ cho doanh nghiệp - doanh nhân ra đời.
Trong thời gian chưa đầy một thập kỷ, bộ mặt doanh nhân - doanh nghiệp khởi
sắc. Dự định của Hồ Quý Ly là muốn có một đội quân hùng mạnh với 100 vạn lính,
đều phải dựa trên một tiềm năng và cơ sở
kinh tế phát triển đến như thế nào đó mới được. Không có các ghi chép về
doanh nghiệp thời đó, nhưng từ tác động
của Cải cách, doanh nhân và doanh nghiệp đã xuất hiện, chẳng hạn các công xưởng
đúc vũ khí, như đúc súng Thần cơ, mà người sáng chế ra chính là Hồ Nguyên
Trừng, con của Hồ Quý Ly, là một trường hợp, có thể là doanh nghiệp nhà nước đã
và đang biến dạng tư hữu hóa? Tiếc rằng Vương triều Hồ không đứng vững được
trước sự hung bạo của quân xâm lược.
Theo đó là sự chấm hết của Cải Cách.
Lê Lợi phát động cuộc kháng
chiến chống Minh xâm lược ròng rã 10 năm, ngoài ông là một doanh nhân - trang
chủ giàu có vùng Lam Sơn (Thanh Hóa), còn khá nhiều doanh nhân theo về. Những Nguyễn
Chích, Nguyễn Xí…mà Nguyễn Xí là một doanh nhân phát triển với hàng nước
mắm biển. Những doanh nhân, không những họ có nhiều sáng tạo trong nghề nghiệp,
làm ra được nhiều sản phẩm có giá trị , mà khi họ tham gia vào đại sự Quốc gia
họ cũng có nhiều quyết sách mang lại nhiều
thành công đáng kính nể.
Vương triều Lê, dưới thời Lê
Thánh tông (1469-1497), một thời kỳ phát triển rực rỡ của Đại Việt, cũng nhờ có
hoạt động của các doanh nghiệp - doanh nhân, mà xã hội bình an. Ngay trong
ngành nông nghiệp truyền thống, những mầm mống của doanh nghiệp đã vượt trội
hơn nông dân cá thể. Bằng chứng là Lê Thánh Tông, cho binh lính hết hạn nghĩa
vụ, được mở đất, khai hoang thành lập các Đồn điền sản xuất lương thực. Tuy là
do nhà nước quản lý, định kỳ nộp sản phẩm, nhưng các Đồn điền đó chẳng khác gì
doanh nghiệp tư nhân. Cả nước từ Nghệ Tĩnh trở ra có đến hơn 50 Đồn điền do
quân lính tự quản.
Sự hình thành và phát triển
của kinh tế - xã hội thời các Chúa Nguyễn, từ Thuận Hóa trở vào, chú trọng phát
triển doanh nghiệp doanh nhân. Trong vòng hơn 200 năm tồn tại của mình và sự
đứng vững của thế lực Đàng Trong, chủ yếu là dựa vào sự phát triển của kinh tế,
trong đó kinh tế doanh nghiệp là chủ đạo. Ngoài nông nghiệp truyền thống, thì
nhiều ngành nghề khác đua nhau khởi sắc. Giữa thế kỷ XVIII, kinh tế Đàng Trong
phát triển trội hơn kinh tế Đàng Ngoài. Ở Thuận Hóa, nghề đồng hồ đã rất phát
triển, tuy nhiên nghệ nhân học hỏi từ Phương Tây; Nghề đóng thuyền đi biển - thuyền
chiến đạt đến trình độ cao. Theo Lê Quý Đông, thì Phố Hiến (Hưng Yên) đã rất
tấp nập (Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến), mà cũng chỉ có vài mặt hàng có giá trị,
như cũ nâu, vậy mà ở Fai Fo –Hội An, có hơn 50 mặt hàng có giá trị, rất được
thương nhân phương Tây và Nhật ưa chuộng.
Một Đàng Trong phát triển như vậy, góp phần lý giải vì sao các Chúa Nguyễn,
liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công ra Bắc Hà, hòng tiêu diệt tập đoàn trị vì
Trịnh. Chúa Nguyễn lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm chiến tuyến, không cho quân
Trịnh vượt quá vào trong, thậm chí ở
trận cuối cùng, quân Nguyễn còn chiếm trọn đất Hà Tĩnh, vượt sông Lam, chiếm
giữ một số huyện phía nam Nghệ An.
Sự hưng khởi của thế lực Ba
anh em Tây Sơn (Bình Định), bắt đầu từ uy tín và tài năng tổ chức và phát triển
cơ sở kinh tế trong vùng Thượng đạo; Về nông nghiệp, Nguyễn Nhạc đã có công tổ
chức khai phá nhiều cánh đồng màu mỡ lúa tốt, như Cánh đồng cô Hầu, lấy tên vợ là người Ba Na làm tên cánh đồng; Đặc
biệt là kinh dinh mở rộng nhiều ngành nghề thủ công, trong đó có nghề rèn sắt
truyền thống phát triển rất mạnh, nhiều hàng hóa đã trở thành đặc sản có thương
hiệu nổi tiếng khắp vùng, Nguyễn Nhạc nổi lên như một doanh nhân về mặt hàng
buôn lá trầu không, và đã lập thành Trường Trầu nổi tiếng. Sau đó ông được Chúa
Nguyễn giao cho cai quản một trạm thu thuế lớn, mà thu nhập hàng năm lên đến
1.500 quan tiền, đây là một trong những nguồn thu lớn ở Đàng Trong.
Ở Đàng Ngoài, từ đầu thế kỷ XVIII,
xã hội rối ren, Chúa Trịnh vơ vét của dân xây cất nhiều cung điện xa hoa lộng
lẫy. Những thế lực địa phương nổi lên chống chế độ phong kiến Lê - Trịnh phát
triển liên tục khắp tứ trần Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi một thế lực đều chiếm cứ
những miền đất trù phú, tất cả họ không những được dân chúng trong vùng ảnh
hưởng tham gia tích cực mà chủ yếu là có được một tiềm năng kinh tế dồi dào,
chu cấp đầy đủ cho mọi hoạt động của mình.
Bức tranh toàn cảnh kinh tế nước ta vào nửa cuối thế kỷ XVIII phát triển
vượt ra ngoài khuôn khổ và tầm khống chế của cơ chế phong kiến trung ương tập
quyền, nhà nước các cấp không đủ sức kìm hãm sự phát triển của doanh nhân, trên
nền tảng của tư hữu. Chúng ta thấy sự nở rộ lên của bách nghệ, nhiều làng
nghề đua nhau mọc lên, một số ngành, như
khai mỏ, đóng thuyền, gốm sứ, mộc và nhiều làng nghề thủ công truyền thống khôi
phục và hưng khởi. Mỏ đồng Tụ Long ở Tuyên Quang (nay đã thuộc vào Trung Quốc),
là cơ sở khai thác đồng lớn nhất nước ta, thế kỷ XVIII trở về trước, là miếng
mồi ngon cho các thế lực bành trướng luôn luôn dòm ngó và rắp ranh chiếm đoạt;
trong 28 vạn quan Thanh sang xâm chiếm nước ta năm 1798, do Tôn Sĩ Nghị cầm
đầu, có rất nhiều phu thợ khai khoáng, với âm mưu, sau khi thôn tính Đại Việt
xong, bọn chúng sẽ ở lại phân chia nhau đến các cơ sở khai khoáng, cướp bóc hết
các mỏ quặng của nước ta. Cho đến nay các thư tịch không nói gì đến sự hưng
khởi về kinh tế tư nhân thời đó; nhưng những biểu hiện bề nổi của xã hội, cho
phép chúng ta đi đến nhận xét có cơ sở rằng, nếu kinh tế không phát triển, thì
cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội, mà chủ yếu là từ trung lưu trở lên không thể
có được như chúng ta thấy của họ trong những thời khắc lịch sử đó.
Nền kinh tế Việt Nam , từ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ
XV, đã phát triển theo xu thế thị trường, nhưng dưới sự kìm chế liên tục của ý
thức hệ phong kiến, cho nên mọi sự hưng khởi về kinh tế đều bị thui chột và đẩy
xã hội vào khủng hoảng chính trị. Hồ Quý Ly có đủ quyền uy làm cách mạng Kinh
tế - Xã hội, song ý thức hệ của ông và giai tầng quý tộc mà ông đại diện giết
chết mọi ý tưởng của ông; cuối thời Trần chính ông đã xé toang bộ Hoàng bào
phong kiến quý tộc ra từng mảnh tơi tả; nhưng khi ông ngồi vào Ngai vàng, đã tự
tay khâu lại từng mảnh rách của Hoàng bào mà ông sắp vứt vào sọt rác lịch sử,
rồi lại nâng niu nó như một tiếc nuối ngàn đời; kết cục của ông đã đẩy đất nước
rơi vào vòng Bắc thuộc, vạn lần cay đắng hơn thời Tần Hán (xem Bùi Thiết. Đối thoại sử học). Đến Nguyễn Huệ cũng
vậy, vốn là nhà Cách mạng Kinh tế - Xã hội, thanh toán được mọi cản trở cho đất
nước phát triển; nhưng lại ngồi nhầm vào Ngai vàng, thì mọi chuyện lặp lại
truyền thống hủ lậu của lịch sử đã từng trải qua và trả giá rất đắt.
Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong bối cảnh kinh tế và xã hội của nửa cuối thế kỷ
XVIII, một xã hội đòi hỏi giải phóng tất cả để phát triển, cái áo cũ nát kia
không thể khoác mãi lên tấm thân vạm vỡ
của chàng trai Đại Việt đang đầy hoài bão này! Ông không nói gì về xã
hội Việt Nam thời đại ông, mà mượn tích truyện thời nhà Minh bên Trung Quốc,
với hàm ý xã hội Đại Việt lúc đó có thua kém gì về kinh tế xã hội Tàu. Xã hội
Trung Quốc thời Gia Tĩnh. Kinh tế doanh nhân đã phát triển đến trình độ khá
cao, cái đáng chú ý là sự phát triển của doanh nghiệp xa xỉ - ăn chơi; trong
thực tế thì, có đủ cái ăn, cái mặc, cái ở, cái sinh hoạt thường nhật đã, thì
khi đó mới phát triển và nâng lên cái thói -thú chơi bời. Nếu làm nông, làm
nghề cơ khí, làm nhà buôn vất vả lắm mới có được doanh thu, và thường khi do
rủi ro nghề nghiệp mà thua lỗ; còn những cái nghề như của Tú Bà, Bạc Bà…thì chỉ
có thu về nhiều thứ nhất. Khách làng chơi, thường là kẻ giàu có và sang trọng.
Thời Nguyễn Du đã là thế, sự hưng khởi của doanh nghiệp ăn chơi lên đến tột đỉnh
như lời mụ Tú Bà nhắc nhở Thúy Kiều rằng:
Nghề
chơi cũng lắm công phu/ Làng chơi ta cũng biết cho đủ đều
Muôn nghìn
người thấy cũng yêu/ Xôn xao oanh yến, dập dìu trúc mai
Tin nhạn vấn,
lá thơ bài, Đưa ngườii cửa trước rước người cửa sau
Thì chắc chắn rằng, có được cái bề
nổi của công nghệ ăn chơi, là có toàn
bộ sự phát triển của công nghệ thường
nhật, xã hội đã lo đủ mọi thứ rồi, thì làm gì mà không ăn chơi thỏa thích.
Xã hội ngày nay cũng vậy, những sân golf,
những khách sạn 5 sao,…mọc lên
như nấm, là có cơ sở kinh tế - xã hội rất phát triển, không ai nhịn ăn, nhịn
mặc để đi chơi, no thân ấm cật, dậm dật
hư thân là thế.
Nếu như trong Truyện Kiều, từ cảnh đến người, tuy mượn cái vỏ, cái tên vỏ ngoài
của Tàu, nhưng thực chất đó là cảnh và người Việt đích thực, như chúng tôi đã
từng chỉ ra, chẳng hạn như đoạn thơ sau đây:
Buồn trông
cửa biển chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông
ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông
ngọn cỏ nhàu nhàu/ Chân mây mặt đất một màu thênh thênh’
Buồn trông
gió cuốn mặt duyền/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Ai cũng tưởng đây là cảnh thật ở bên
Tàu, Lầu Ngưng Bích tại thành Lâm Tri, nơi Kiều bị bán cho Lầu xanh Tú Bà.
Nhưng thành Lâm Tri đâu phải nằm trên bờ biển, Lâm Tri ở về phía tây nam tỉnh
Tô Châu, từ đây muốn đi ra biền phải theo hướng đông gần 100km nữa mới tới. Lâm
Tri nằm trước cửa sông Tiền Đường, có sông nước mênh mang, nhưng không phải là
biển. Theo chúng tôi thì cảnh này Nguyễn Du quay được ở cửa sông Mỹ Dương, một
con sông lớn chảy vòng từ tây bắc Hồng Lĩnh, đổ về, sông đã cạn dòng từ hơn
trăm năm nay, do rừng Hồng Lĩnh bị chặt phá. Cửa biển Mỹ Dương nằm tại Động
Gián, nay thuộc xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, một cảng biển phát triển từ
cuối thế kỷ XIV, với nhiều ngành nghề, mà nước mắm là chủ đạo. Tại đây, tổ tiên
Nguyễn Xí (một danh tướng lừng lẫy thời Lê Lợi chống Minh) đã hưng khởi cơ
nghiệp nước mắm của mình. Đến đời Nguyễn Xí, nghề nước mắm rất phát đạt, chính
Nguyễn Xí là một doanh nhân của ngành mắm - muối, ông từng buôn bán mắm muối
khắp vùng Thanh - Nghệ, thuộc đường đi lối lại miền ngược, và đã tổ chức cho
nghĩa quân Lam Sơn, cuộc rút lui ngoạn mục về đất Thánh Nghệ An, tạo thế thượng
phong cho công cuộc kháng chiến chống Minh đi đến thắng lợi vẻ vang. Cũng chính
Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều tại
Động Gián, như ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Mai, mà có dịp chúng tôi đã nói đến
(xem: Bùi Thiết. Nguyễn Du viết Truyện Kiều
tại Động Gián).
Có thể tóm lược lại rằng: Trước
Nguyễn Du ba trăm năm, kinh tế doanh nhân Việt Nam đã phát triển đến ngưỡng,
đòi hỏi phải được giải phóng thoát khỏi mọi ràng buộc của chế độ phong kiến:
nhưng tất cả đều là hy vọng và bị bóp chết bởi quyền lực và lợi ích của tập
đoàn Quý tộc. Thời Nguyễn Du, chu kỳ khủng hoảng được lặp lại và ở mức độ
nghiêm trọng hơn; nhưng lịch sử cố tình níu chặt lại cơ chế, làm cho Kinh tế - Xã
hội Việt Nam
không thể nào thoát khỏi vòng Kim cô cay độc. Hai ba trăm năm sau Nguyễn Du,
chu kỳ khủng hoảng được lặp lại và nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, những lối thoát
đã hé lộ, nhưng sự níu kéo của quyền lợi phe nhóm, là cản trở và thách thức lớn
nhất, và cái giả phải trả là bao nhiêu cho đủ để đất nước phát triển?
Chúng ta đang sống trong cơn
lốc của Kinh tế - Xã hội, khác về thời điểm so với Nguyễn Du; nhưng không khác
mấy về bản chất - tính chất thời cuộc. Nguyễn Du đã trăn trở, mới có được Đoạn trường Tân thanh bi ai và da diết
đến như thế, làm đau lòng cho biết bao kiếp người, ông sợ người đời lãng quên
ông và quên nốt cả Đoạn trường Tân thanh,
cũng vì miếng cơm manh áo. Nhưng hậu thế đã tạo được những doanh nhân, tầm cỡ
hơn nhiều những doanh nhân và doanh nghiệp thời ông, chắc rằng những tiếng khóc
cho ông là những tiếng khóc chào đời cho một đất nước phồn thịnh và giàu lòng
nhân ái./.
Hà Nội,
Rằm tháng Bảy Đinh Dậu - 2017.
BT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét