TRUYỆN KIỀU TRONG CUỘC ĐỜI TÔI

LTS: Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, xin tiếp tục giới thiệu tham luận tại Hội thảo: “Doanh nhân với Truyện Kiều & Truyện  Kiều với doanh nhân” của Tiến sĩ Phạm Văn Tuần - Tổng Giám đốc, Chủ tich Hội đồng quản trị Tổng công ty HANVICO . Bài 7
Tiến sĩ Phạm Văn Tuần, người thứ 2 phải sang. Ảnh PV

                                                                            TS. PHẠM VĂN TUẦN

1. Ảnh hưởng lúc còn nhỏ:
Miền Trung quê tôi - mảnh đất khói lửa trong thời kỳ chiến tranh, là mảnh đất khắc nghiệt  mà người đời thường mô tả là “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt”. Những trận gió Lào khô nóng trưa hè làm lá xanh rơi xuống và hình ảnh mẹ tôi gom những chiếc lá xanh ấy trên mặt đất đem về đun đến nay vẫn hằn sâu vào ký ức của tôi. Chúng tôi lớn lên trong cảnh túng đói về vật chất nhưng bù lại được mẹ ấp ủ bằng những câu Kiều thắm đượm tình yêu, những triết lý nhân tình sâu sắc về cuộc đời, về con người. Khi tôi lên 9 tuổi mẹ tôi sinh em gái, tôi thuộc lòng các câu Kiều trong lời ru ngọt ngào của mẹ.
Sau này tôi mới biết vào khoảng những năm 1938, sau khi Mặt trận Dân chủ ở Pháp thắng lợi đã ảnh hưởng lớn đến cách mạng Việt nam. Vì vậy, phong trào bình dân học vụ ở vùng quê tôi lúc ấy rất phát triển. Trong thời gian ấy, vì bà ngoại tôi mất sớm, ông ngoại lấy vợ, o dượng thương cảnh dì ghẻ con chồng đã đem mẹ tôi về nuôi. Ngày chăn trâu cắt cỏ, tối đến, mẹ tôi đến lớp bình dân học vụ do dượng tôi dạy. Sách giáo khoa môn văn là Truyện Kiều, tập viết và học thuộc lòng từng đoạn một, Ba năm ở với o dượng, mẹ tôi học hết lớp ba. Tài sản lớn nhất mà mẹ tôi có được là bà đã thuộc lòng tất cả Truyện Kiều để sau này, bà dạy dỗ anh chị em tôi bằng những câu Kiều tùy vào hoàn cảnh vui, buồn của cuộc sống mà ứng xử có lý, có tình. Tôi nhớ khi anh chị em tôi bất hòa, mẹ hay dùng câu Kiều "Cạn lòng chưa nghĩ được sâu" để anh chị em hòa giải nhẹ nhàng. Khi làm việc một mình mẹ tôi cũng thường vịnh Kiều, có câu Kiều mà bà hay nhắc đến là:
"Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách vấn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng la/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
Khi còn nhỏ, tôi cũng không hiểu được ý nghĩa của những câu thơ ấy. Sau này, khi đã trưởng thành, tôi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi Nghiệp là gì? Tại sao thiện căn ở tại lòng ta? Chữ Tâm chữ Tài là gì và tại sao chữ Tâm kia lại bằng ba chữ Tài?
2. Ảnh hưởng lúc trưởng thành.
Năm 1967, tôi tốt nghiệp cấp 3 và được cử sang Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên học tập. Năm 1972, tôi về nước, làm việc ở viện Hóa học Công nghiệp. Tôi tự hào là tác giả thiết kế ra quạt gió cao áp cho lò cao sản xuất phân bón lúc bấy giờ. Sản phẩm được viện đưa đi triển lãm và sau này, khi đứng cạnh lò cao trong tiếng quạt gió rền vang lòng tôi tràn ngập niềm vui nghĩ về một tương lai phơi phới...
Năm 1982, tôi sang Nga làm nghiên cứu sinh với tấm bằng tiến sỹ. Khi về nước, tôi lao vào công việc. Nhưng ở thời kỳ kinh tế đổi mới, làm việc trong cơ quan nhà nước với cơ chế sơ cứng, có câu "giàu người ta ghét, đói rét người ta khinh, thông minh người ta diệt" tôi quyết định ra ngoài làm việc. Thế là “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu”
Khỏi phải nói trong suốt từ 1986 đến 1999, cuộc sống của tôi đã thay đổi nhiều đến thế nào. Chỗ làm việc chuyển từ xây dựng lò sản xuất thiếc xuất khẩu, sang hướng dẫn lắp đặt dây chuyền sản xuất kính, đến làm trợ lý cho một công ty của Hàn Quốc rồi cùng một người Hàn Quốc thành lập một công ty sản xuất chăn ga gối đệm. Sau cùng, đến năm 1999, tôi đứng ra thành lập công ty HANVICO.
Trong bộn bề công việc, để có thể hình thành nhà xưởng sản xuất, nào lo vốn, nào tìm mặt bằng, tìm thiết bị máy móc, đào tạo công nhân, lo đầu vào, đầu ra, tôi nhận được tin mẹ tôi ốm nặng ở quê.
Những lúc như vậy, vợ tôi lo lắng chẳng may cơ nghiệp đổ bể thì sẽ ra sao nhưng tôi không hoang mang. Câu thơ trong Truyện Kiều như một niềm an ủi động viên tôi “Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách vấn trời gần trời xa”. Thời điểm này, tôi vừa lo thành lập công ty, vừa lo chữa bệnh cho mẹ. Mỗi buổi đi làm về muộn, mẹ thường nắm tay tôi và xoa đầu tôi vì thương con vất vả. Tôi đọc được sự áy náy của mẹ khi bà trìu mến nhìn tôi. Bà cảm thấy như có lỗi vì bạo bệnh vào lúc này làm con vất vả thêm và bà đã khóc, bà ôm chặt tôi vào lòng. Một cảm giác ấm áp từ lòng mẹ lan tỏa trong tôi và câu Sologan “Ấm áp như lòng mẹ” đã ra đời từ đó. Sau đó không lâu, mẹ tôi từ giã cõi đời đi về chốn vĩnh hằng.
Giờ quê tôi đã no ấm nhờ hồ Kẻ Gỗ mà mùa hè không còn nóng rát như xưa. Sau gần hai mươi năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Hanvico đã đứng vững trên thương trường. Đó là thắng lợi của tư duy đúng đắn học được từ giá trị nhân văn của Truyện Kiều, là sự gạn đục khơi trong những điều tốt đẹp từ các nhân vật trong truyện và cả những bài học thất bại của những nhân vật ấy. Trong Truyện Kiều có hai loại người: một loại có Tâm, một loại vô Tâm. Doanh nhân cũng có doanh nhân có tâm và doanh nhân vô tâm. Tôi nghĩ rằng từ Tâm tốt sẽ chuyển đến ý thức tốt và sẽ có những hành động tốt.
Tôi có đến một vài vùng cao, vùng đồng bằng, khi ra về bạn bè có cho chè, cho gạo và nói rằng những sản phẩm này không có thuốc bảo vệ thực vật hoặc phun thuốc kích thích phát triển vì họ trồng riêng để dùng. Tôi không trách họ, nhưng cứ băn khoăn suy nghĩ mãi. Lẽ ra cái mình ăn đã sạch thì hàng hóa bán ra cho xã hội phải sạch hơn chứ. Nếu cả một xã hội đều làm như những người bạn ấy,  thì nòi giống ta rồi sẽ ra sao?
Nếu có chữ Tâm thì đã không bỏ kim loại hoặc vật lạ vào tôm cá để tăng cân bán ra thị trường trong và cả ngoài nước. Lũ Bạc Bà, Bạc Hạnh, Mã Giám Sinh, Tú Bà ngày nay chạy theo đồng tiền, họ còn bán cả danh dự người Việt, bán cả danh dự quốc gia. Tôi cũng như hàng triệu người dân bức xúc vì những chiếc tàu đánh cá chưa đưa vào sử dụng đã hỏng. Tại sao họ lại có thể đưa ống xả thải ngầm dưới đáy biển dẫn đến thảm họa môi trường formusa ở Hà Tĩnh quê tôi? Càng đau lòng hơn khi tôi đang hoàn chỉnh bài viết này thì truyền thông đưa tin về vụ án nhập khẩu thuốc giả để chữa bệnh ung thư của Công ty VN Pharma ở nước ta. Chúng ta khó lòng diễn đạt bằng lời cho những tội ác này, những tội ác mà trời không dung, đất không tha!
Người doanh nhân làm ra sản phẩm và sẽ coi sản phẩm là con đẻ của mình nếu họ có Tâm. Họ sẽ thổi hồn vào đó để nó được xã hội hà hơi, tiếp sức cho có sức sống lâu bền và giá trị tinh thần được thăng hoa, tâm hồn người doanh nhân thanh thản. Còn những doanh nhân đưa ra thị trường nhiều chiêu lừa đảo để xã hội nghi ngờ lẫn nhau, một xã hội trắng đen lẫn lộn, thật giả khó phân biệt thì trong hoàn cảnh đó, chữ Tâm trong Truyện Kiều lại cần hơn bao giờ hết, nó như một thước đo phẩm chất cho người doanh nhân.
Chữ Tâm soi sáng chữ Nghiệp và sinh ra nhân văn, có nhân văn ta giải quyết công việc thấu lý đạt tình, sống có Trời, có Đất, có luân thường đạo lý.
3 Những bài học từ Truyện Kiều đối với tôi.
Những bài học trong cuộc sống từ Truyện Kiều vô cùng phong phú. Tôi rất thích cách ứng xử thông minh của Thúy Kiều với từng hoàn cảnh và từng con người cụ thể. Cách ứng xử vừa tế nhị kiêu sa mà cũng rất thâm thúy, vừa công vừa nhẫn kể cả khi Kiều rơi vào vực thẳm của cuộc đời. Tôi cũng thích tính cách phóng khoáng của Thúc Sinh và từ câu chuyện của Thúc Sinh, tôi đã rút ra cho bản thân "Làm sao trong ấm thì ngoài mới êm". Người doanh nhân phải có một gia đình êm ấm là chỗ dựa vững chắc về tinh thần kể cả khi thành công hay thất bại. Trong công ty, người giám đốc phải là tấm gương sáng về mọi mặt, phải chăm lo cho công nhân cả về vật chất lẫn tinh thần. Một doanh nhân hướng công nhân làm ra những sản phẩm khuất tất nhất thiết sẽ không thể giấu giếm được, sớm muộn cũng sẽ bị xã hội lên án. Ngược lại, người giám đốc hướng công nhân làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận, được xã hội chắp cánh bay cao bay xa. Người giám đốc sẽ lấy đó làm niềm hạnh phúc lớn lao vì đã hoàn thành chữ Nghiệp trong cuộc đời mình. Ngược lại, chụp giật lừa đảo làm ra những sản phẩm bị xã hội lên án và cái kết không thể thoát khỏi là sự trừng phạt của lương tri, sự trừng phạt của luật nhân quả nữa. Nếu chạy theo đồng tiền để đồng tiền chà đạp lên lương tâm thì người doanh nhân không khác gì phường "giá áo túi cơm".
Người doanh nhân cũng cần có cái quyết liệt, cái hiên ngang của Từ Hải và cũng rút ra bài học thất bại của Từ Hải vì mỹ nhân. Trong kinh doanh, phải hài hòa giữa lý trí và tình cảm, nhưng lý trí phải luôn sáng suốt và ở trên tình cảm. Gây dựng cơ nghiệp, gây dựng thương hiệu vô cùng vất vả nhưng vì tình, vì tiền mà mù quáng có khi "buôn danh ba vạn bán danh ba hào" để cơ đồ sụp đổ.
Trong quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp của Hanvico, tôi dựa vào chữ Tâm trong Truyện Kiều. Chính nhờ chữ Tâm ấy mà ngọn lửa ấm áp như lòng mẹ đã dẫn đường cho tôi trong cuộc đời của một giám đốc. Người giám đốc phải có Tâm mới yêu quý công nhân, mới dẫn dụ  họ đồng tâm hiệp lực xây dựng công ty. Chữ Tâm trong ứng xử với bạn hàng ra sao, chữ Tâm với sản phẩm phải như thế nào? Chữ Tâm với đồng chí, đồng đội biết nhường cơm, sẻ áo cho những hoàn cảnh khó khăn trước hết ở trong công ty, và hơn tất cả là chữ Tâm với Trời, với Đất. Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được gần 30 công trình văn hóa tâm linh để tri ân với các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ, tri ân với tổ tiên đã nuôi dưỡng mình để được như ngày hôm nay.
Những bài học rút ra từ Truyện Kiều để tôi áp dụng trong xử lý công việc hàng ngày thì nhiều vô kể. Ở đây tôi không kể hết, chỉ có một câu chuyện mà đã qua nhiều năm tôi vẫn còn nhớ như in:
Một buổi sáng, bảo vệ gọi điện cho tôi báo rằng đã bắt được một công nhân lấy trộm sản phẩm và vứt qua hàng rào. Nếu đơn giản thì bảo vệ gọi công an vào xử lý và cho người công nhân đó thôi việc là xong. Nhưng trong Kiều có câu đã ảnh hưởng tới tôi khi đưa ra quyết định lúc đó “Tha ra thì cũng may đời, làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen”. Tôi đã gọi và gặp người công nhân ấy, hỏi lý do vì sao lại làm như vậy. Tìm hiểu kỹ mới biết là cậu ta chơi bài và nợ. Sau một lúc phân tích, tôi cho cậu ta tiền sắm lại nồi niêu, bếp ga, gạo nước và cho thêm một ít tiền sinh hoạt. Sau buổi gặp ấy, người công nhân tỉnh ngộ, làm việc nghiêm túc, về sau lấy vợ, có con, có cuộc sống yên ổn. Giám đốc nhìn người khác ở mặt mạnh, mặt tốt không nhìn cái mặt xấu, cái chưa hoàn chỉnh, dùng công nhân cũng như dùng mộc.
Cũng có những thói hư của con người phải kiên trì giáo dục bởi vì “Rằng quen mất nết đi rồi, tẻ vui âu cũng tại trời vậy thôi”. Do vậy, chúng ta không nên vội vàng quy tội, hình sự hóa khuyết điểm mà hướng con người đến hoàn thiện dần như trong đạo Phật dạy "Cứu một người phúc đẳng hà sa".
Bây giờ công ty đã ổn định và lớn mạnh. Vợ chồng tôi luôn tìm về quá khứ, đền ơn, đáp nghĩa cho những người đã giúp đỡ chúng tôi trước đây. Đó là bạn bè, là thầy giáo, là ân nhân đã giúp đỡ mình lúc khó khăn và hoạn nạn.
“Vinh hoa bõ lúc phong trần, chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”.
HANVICO ẤM ÁP NHƯ LÒNG MẸ xin được kính cẩn biết ơn Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho con cháu Việt những giá trị nhân văn sâu sắc. Chúng tôi xin được cảm ơn các doanh nhân chân chính, những nhà nghiên cứu đã để lại những công trình vật chất và tinh thần cho đất nước ta ngày càng tươi đẹp.
                                      
 Hà Nội, tháng 8 năm 2017
***
Lời Biên tập.
Doanh nhân Phạm Văn Tuần là người yêu mến và thấm đẫm tinh thần nhân văn trong Truyện Kiều. Ông đã vận dụng linh hoạt và thiết thực những giá trị về Tâm, Đức, Hiếu, Nghĩa từ Truyện Kiều trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp Hanvico - Ấm áp như lòng mẹ thành một công ty lớn mạnh và giàu tình yêu thương. Bài viết trên đã thể hiện sự tri ân của ông với Đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng ông còn là một người con trọng chữ Hiếu. Tình cảm thiêng liêng ấy đã đọng lại trong những trang “Viết bên linh cữu cha” khi tiễn biệt Người về thế giới thiên thu. Chúng tôi xin đăng trọn vẹn những trang viết ấy của ông:

VIẾT BÊN LINH CỮU CHA
( thay lời cảm tạ )

    
Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy, cho ta thêm một ngày nữa để yêu thương… Nhưng Cha tôi đã không thức dậy ba buổi sáng nay… Người đã chìm vào giấc ngủ thần tiên. Cha tôi đã ra đi nhẹ nhàng và thanh thản, giống như cuộc đời thoải mái vô tư và vui vẻ của Người.
Sinh thời, Cha chúng tôi thường đi trước thời đại và sống theo cách nghĩ của riêng mình. Ông đã sống và biết tạo ra một cuộc sống có nhiều dấu ấn riêng biệt mà người đời thường không theo kịp, điều đó lắm khi sinh ra sự đố kỵ và còn có cả đàm tiếu nữa.
Nhờ trí thông minh của bản thân và sự từng trải của cuộc sống, lại được đi nhiều nơi nên đã giúp Cha tôi tạo ra một cuộc sống vô cùng phong phú. Tính cha phóng khoáng và đôn hậu, ngay thẳng và trung thực. Ông ghét cay ghét đắng thói ích kỷ tham lam, cái nhỏ mọn tầm thường nên dễ sinh ra lắm kẻ yêu người ghét. Nhưng vượt lên tất cả, Ông vẫn dành tình yêu cho nhiều người, bất kể là kẻ sang hay người hèn mỗi lần gặp Ông là chén rượu thơm với nụ cười vô tư và hình ảnh ấy có lẽ họ còn nhắc mãi về sau. Và chính điều đó đã mang lại cho Cha sự quý mến và gần gũi của mọi người và đặc biệt là của phái yếu. Một người đàn ông có đôi mắt xanh với tính cách lãng tử đã được nhiều chị em yêu mến âu cũng là lẽ thường tình và suy cho cùng, tình yêu không hề có tội lỗi nhưng đôi khi cũng làm ông gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời. Khi ở trong rừng, con người thường để ý đến những cây khô, cây mục mà không quan sát cả một rừng cây xanh tốt bên ta. Khi ra khỏi rừng từ xa nhìn lại, ta chỉ thấy một màu xanh man mác giữa trời đất mênh mông và con thầm nghĩ cuộc đời Cha cũng tựa như cánh rừng bạt ngàn ấy.
Xa Cha rồi con mới thấm thía câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Sinh thời, Mẹ chúng con sống chắt chiu dành  dụm, trái lại, Cha thích rộng rãi và phóng khoáng, thích cái to lớn oai phong và con thấy rất đúng khi Mẹ vẫn thường nói: Cha các con như dòng nước chảy và  Mẹ là cái đó, cái đơm biết chặn lại chút tôm cá ít ỏi giữa dòng chảy cuộc đời. Cái tương phản ấy biết chắt lọc và hoà hợp lại đã làm nên tính cách của con: Vừa giản dị mà tinh túy kiêu sa, biết tiết kiệm mà vẫn tìm ra cái sang trọng, biết làm việc lớn mà không quên việc nhỏ, biết tôn trọng giá trị của vật chất và của cả tinh thần, biết chú ý cả nội dung lẫn hình thức, biết âm biết dương, biết phân biệt phải trái, biết yêu quý con người và yêu quý thiên nhiên… và Cha ơi! Những cống hiến của Cha, tính nhân hậu của Cha, nụ cười vô tư của Cha sẽ sống mãi trong lòng con cháu và mọi người. Chúng con nguyện gìn giữ ngọn lửa: ẤM ÁP NHƯ TÌNH MẸ và CAO RỘNG NHƯ TÌNH CHA để xây dựng cuộc sống này đầy tính nhân văn như cha đã sống. CUỘC ĐỜI VUÔNG TRÒN của cha đã khép lại, vẫn biết rằng Đức phật từ bi, thánh thần linh thiêng và tổ tiên sẽ đưa cha về với cõi Thiên thu, nơi bồng lai tiên cảnh, nhưng dẫu sao vẫn để lại trong lòng con một khoảng trống mênh mông. Và Cha ơi! Trong khoảng mênh mông ấy chúng con mới nhận ra rằng: Chúng con đã có một người cha tuyệt vời, với những phẩm chất tuyệt vời quí như ngọc càng mài càng sáng. Từ nay mỗi lần nhớ Cha, con xin Cha cho chúng con được ngửa mặt lên trời gọi thầm Cha ơi, Cha nhé!
Cuối cùng cho phép con được thay Cha nói lời cảm ơn với CUỘC ĐỜI, một cuộc đời bao dung và độ lượng đã mang đến cho gia đình và cho dòng tộc ta có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
*
Xin cảm ơn tất cả quí vị khách quí, bạn bè trong và ngoài nước đã đến phúng viếng, chia buồn với gia đình chúng tôi. Xin bày tỏ lòng biết ơn đến ban tổ chức tang lễ, đến bà con quê hương, họ hàng. Đặc biệt, xin cảm ơn tập thể cán bộ công nhân viên cùng hệ thống các nhà phân phối, đại lý trong mái nhà chung HANVICO - ẤM ÁP NHƯ LÒNG MẸ đã đồng lòng xây dựng Tổng công ty lớn mạnh, đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, trong đó có hội hiếu của Cha tôi ở tuổi chín mươi sáu được chu tất viên mãn.
Chúng con xin đội ơn thầy Thích Nhật Toàn và quí phật tử chùa Pháp Hải đã nhiều lần đến hộ niệm cho Cha chúng tôi để Người ra đi nhẹ tựa lông hồng. Trong tang gia bối rối chắc hẳn có nhiều sơ xuất, gia đình xin được lượng thứ. Xin được vĩnh biệt Cha… Xin kính chào tạm biệt quí vị và các bạn!

5h ngày 17/8 (4/7) 2015 ngày truy điệu Cha tôi.



Không có nhận xét nào:

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...