Tưới rượu lên mộ Nguyễn Du tại Lễ giỗ lần thứ 199.
Năm nay dịch
viên phổi Vũ Hán (Covid -19) đã hoành hành tại Trung Quốc, Hàn Quốc, I ran và trên
100 nước trên thế giới, làm thế giới đảo lộn. Tính đến 10/3, bênh dịch quái ác này đã cướp đi trên 4000 sinh mạng trong
đó có nhiều người là những tài năng hiếm có của nhân loại. Từ sự kiện này ta
nhớ đến trận dịch tả kinh hoàng ở nước ta cách nay 200 năm (năm 1820), đã
cướp đi của đất nước ta một thiên tài: Đại thi hào Nguyễn Du.
Về sự kiện này, Đại Nam thực lục Chính biên tập 2 có ghi:
Năm 1820 (Minh Mạng năm đầu), tháng 6 dịch (tả) phát từ mùa thu sang mùa đông,
bắt đầu từ Hà Tiên, sau rốt đến Bắc Thành. Số hộ khẩu chết tất cả là 206.835
người, không kể số nam phụ lão ấu ở ngoài hộ tịch. Trước sau chẩn cấp tổng kê
hơn 73 vạn quan tiền.
Thực lục chép: "Hữu Tham tri
Lễ bộ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An rộng học giỏi thơ, càng giỏi về
quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói
gì. Vua từng dụ rằng : “Nhà nước dùng người, duy có tài là dùng, vốn không có
coi nam bắc khác nhau. Khanh cùng Ngô Vị đã được tri ngộ làm quan đến chức á
khanh, nên điều gì biết thì nói ra hết, dâng điều hay sửa điều dở, để hết chức
mình. Sao cứ rụt rè sợ hãi, chỉ việc vâng dạ !”. Đến bây giờ có mệnh sai sang
nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống.
Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền". Năm đó Đại thi hào Nguyễn Du
54 tuổi.
Nhà vua rất lo
về dịch lệ, từng ở trong cung trai giới và cầu đảo ngầm. Trấn thần Phú Yên là
Nguyễn Văn Quế đem tình hình bệnh dịch trong trấn dâng biểu xin chịu tội. Vua
bảo rằng : “Trẫm không có đức, trên can phạm hoà khí của trời, bốn phương có
dịch đều là lỗi trẫm”. Nhân sai Phạm Đăng Hưng theo ý ấy mà soạn dụ. Đăng Hưng
tâu rằng : Gặp tai vạ biết lo sợ, vốn là thịnh đức của đấng nhân quân. Nhưng
thần nghe bệnh dịch từ Tây dương sang, bệ hạ hà tất lấy làm tội của mình”.
Vua nói : “Nếu trẫm không thiếu
đức thì tai vạ ở nước ngoài vào làm sao được. Nguyễn Văn Quế chỉ là một mục thú
còn tự nhận là lỗi mình, huống trẫm là vua thiên hạ, có thể chối lỗi được sao
?”.
Lấy thuốc viên chữa dịch mới chế
chia cho bầy tôi. Xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Chiếu rằng : “Trẫm nghe đường
ngôn luận mở rộng thì nước mới trị… Trẫm thấy thân nhỏ bé, nối nghiệp lớn
lao... Nay bỗng gặp khí trời không hoà, nhân dân khó sống, có lẽ là chính sự có
điều gì thiếu sót chăng, ẩn tình của dân có chỗ chưa suốt đến chăng ? Người
muốn thấy hình của mình, tất nhờ ở gương sáng ; vua muốn nghe lỗi của mình, tất
phải đợi ở tôi ngay. Vậy cho các văn võ ở Kinh từ Tứ phẩm trở lên, các quan
thành dinh trấn ở ngoài đều lo cố gắng, đua nhau đối đáp rõ rệt, hoặc lỗi chính
ở trẫm, về kính đức nối sáng có thiếu, về nhân ân yêu giữ chưa tròn. Vậy lấy
chư thần làm bầy tôi pháp độ, làm kẻ sĩ giúp vầy, như đá để trị ngọc, như đá để
mài vàng, chớ như lời nói của mình quý như vàng ngọc mà giấu, cần phải chỉ ngay
vào điều lỗi không kiêng kỵ gì… may ra trên báo đáp được lòng trời, dưới chữa
sống được bệnh dân, để cùng hưởng phước thái bình”.
Có thể nói, từ quan địa phương
đến vua Minh Mạng đều tự xét lỗi của mình khi dịch bệnh xảy ra, ngoài niềm tin
về mệnh trời thời đó, còn cho thấy nhân cách của người lãnh đạo, dám nhận trách
nhiệm và tìm biện pháp khắc phục. Cách quản trị đất nước hồi xưa cũng có những
điều hay như thế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét