Hẳn không cần phải chứng minh rằng: thật hiếm
có một nhân vật văn học, văn hóa nào, không chỉ của Việt Nam, còn của thế giới
mà tên tuổi và trước tác có tầm ảnh hưởng lớn, rộng như Nguyễn Du (1765-1820). Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), đỉnh
cô sơn chót vót của nền thi ca dân tộc đã có mặt trong Từ điển các tác phẩm của mọi thời
đại và của mọi xứ sở xuất bản tại Pa ri năm 1953 do Viện sỹ AndréMaurois của Viện hàn lâm Pháp giới thiệu. Truyện
Kiều của Nguyễn Du, đứng bên những kiệt tác văn chương của nhân loại nằm
trong chương trình học đường, dĩ nhiên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số quốc
gia khác đã đi vào sân khấu, điện ảnh từ những năm XX của thế kỉ trước. Đã có
không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, bình phẩm Truyện Kiều từ buổi mới
ra đời cho đến hôm nay và chắc chắn còn nhiều ở mai sau, không chỉ trong nước
mà cả phạm vi quốc tế.
Thế mà, Tiểu thuyết về đề tài Nguyễn Du - con
người lịch sử về phương diện văn hóa - chưa được khai thác đáng kể. Thật đáng mừng
và tự hào, ở Nghệ An - Hà Tĩnh, xứ Nghệ, cho đến nay, theo chúng tôi biết, đã
có ba cuốn Tiểu thuyết về đề tài Nguyễn Du.
1. Cuốn thứ nhất: BA TRĂM NĂM LẺ
(Tác
giả: Vũ Ngọc Khánh - NXB Văn hóa,
H.1988)
Tiểu thuyết Ba
trăm năm lẻ mở ra với chương dẫn
đầu: Đối thoại lặng yên. Tác giả thuật
kể: “Đêm đã xuống sâu. Sương phủ khắp trời. Trong nhà lưu niệm mênh mông, ngoài
ngọn đèn dầu đặt trên bàn thờ, dập dờn soi khắp chung quanh chỗ tỏ, chỗ mờ những
bức tranh đậm nhạt trên tường, những di vật tài liệu bày trong tủ nhỏ, không
còn một ánh sáng nào khác nữa. Tất cả là một sự im lặng trọng thể trong không
khí u tịch mơ màng. Nén hương hoài niệm này, xin được dâng lên để tỏ tấm lòng
trân trọng của kẻ hậu sinh đầu bạc đồng quân, đồng hương đối với bậc Thi hào
dân tộc…”. Trong khói hương chập chờn, tác giả tưởng tượng Nguyễn Du hiện về với
tấm áo màu xanh, xanh khá nhạt, đối thoại cùng bao trăn trở của mình, chỉ với
trước sau một từ “Được”! Chúng tôi nghĩ, chi tiết hư ảo mở màn này không đơn
thuần là bút pháp viết truyện, nó thể hiện sự trăn trở trong tâm thức tác giả về
con người và sáng tác Nguyễn Du đặng làm một “chuyến đi tìm Nguyễn Du” của
mình.
Tiếp đó, tiểu thuyết “Ba trăm năm lẻ” trải ra 8 chương:
Chương
I. Bao
giờ ngàn hống hết cây
Ở chương I, tác giả hư cấu khá hấp dẫn: Nguyễn
Nễ (khoảng 14 tuổi), Nguyễn Du (khoảng 10 tuổi) lần đầu về quê vì thân phụ Nguyễn
Nghiễm ốm nặng, sắp mất. Hai cậu ấm con quan đại tư đồ ngồi quán tranh quê, mãi
hỏi chuyện các lão làng về đất ngàn năm văn vật Tiên Điền, Nghi xuân. Cái gì
cũng mới lạ, ngạc nhiên nhưng rất tự hào. Hai cậu - Nguyễn Nễ giữ gìn, ít nói;
Nguyễn Du hiếu động, tò mò hơn - muốn mở hết những bí mật quê cha. Cuối chương
là cảnh đám tang lớn, như quốc tang, quan tể tướng Nguyễn Nghiễm… Nguyễn Du đau
đớn…, bà Trần Thị Tần lo lắng cho con thơ dại đã mất cha…
Chương
II. Áo
xanh đi giữa bụi hồng
Phần đầu, tác giả đã hóa thân thâm nhập vào cậu
bé Nguyễn Du mồ côi, rồi cậu Chiêu Bảy ở độ tuổi thanh niên sống trong phủ Bích
Câu với anh cả khác mẹ Nguyễn Khản, ở vùng Kinh Bắc bên sông Hồng, ở quê vợ
Đoàn Thị, ngày ngày chất đầy vào vốn văn
hóa, văn chương chữ nghĩa, vốn cảm nhận về thân phận khổ đau, hẩm hiu của lớp
người dưới đáy, nhất là “phận đàn bà”. Ý chỉ của Vũ Ngọc Khánh, theo chúng tôi
hiểu là tìm phần Kiến văn ngồn ngộn giúp Tố Như “suy nghĩ bằng trái tim và cảm
xúc bằng bộ óc” (chữ của L.Tônxtôi). Phần còn
lại của chương, dù vẫn lấy con người Nguyễn Du làm điểm nhìn tự sự nhưng thiên
vào thuật kể những biến động lịch sử ở Thăng Long…
Chương
III. Cỏ bồng long rễ trước luồng gió tây
Nhiều chương trong truyện, Vũ Ngọc Khánh thường
lấy ý một câu thơ trong Thanh Hiên thi tập, Nam
trung tạp ngâm, Truyện Kiều…
làm tiêu mục chương. “Đoạn đồng nhất phiến Tây phong cấp” trong Thanh Hiên thi tập như là câu đề từ chương
III.
Hầu như toàn chương III, tác giả dành kể bước
chân lận đận của Nguyễn Du (ở quê vợ - Thái Bình, lên Thăng Long, đến vùng Kinh
Bắc, lang thang hàng năm, càng đi càng thấy bế tắc, chất chứa buồn phiền; trở về
Thái Bình rồi giã từ mẹ con bà Đoàn Thị, trở lên Thăng Long, cuối cùng khăn gói
dặm trường về lại quê cha Nghi Xuân, Hà Tĩnh; bị bắt vì không có tín bài, bị nhốt
vào ngục mười tuần nhưng được trấn thủ Nguyễn Thận tha, cùng anh trai Nguyễn Nễ
từ Phú Xuân qua, về Tiên Điền). Giọng điệu lời kể của tác giả bộc lộ nỗi thông
cảm, xót xa nhân vật Nguyễn Du.
Chương
IV. Quê
nhà nắng sớm, mưa mai
Ngôn ngữ
tự sự ở chương IV đã có thêm sắc thái: Đối thoại giữa Nguyễn Du với cháu Nguyễn
Hành, miêu tả cảnh núi rừng, biển cả Nghi xuân, khắc họa tâm trạng hồ hởi của
Nguyễn Du trong thú vui săn bắn và kéo lưới. Tác giả tưởng tượng và hư cấu chuyện
Nguyễn Du vượt đò Cài sang Trường Lưu hát, viết bài văn tế sống hai O Uy, O Sạ
vừa bỏ đi lấy chồng… Tố Như giã bạn Trường Lưu vội về
Tiên Điền bởi mờ sáng trong mơ gặp vợ nơi quê xa..
Chương V. Mối sầu cuộc thế mông mênh
Tác giả theo diễn biến tâm trạng của
nhân vật Nguyễn Du khi tận mắt chứng kiến những tình cảnh con người ở vùng quê
xứ Nghệ, lắng nghe biến động của triều Tây Sơn và thế lực Nguyễn Ánh ngày càng
mạnh; đi viếng mộ cô Nguyệt kĩ nữ ở Cổ Đạm, có tài đức, mất trong nghèo đói, ốm
đau không người chăm sóc; nghe tin dữ từ Thái Bình: bà Đoàn Thị vừa mất; Nguyễn
Tứ đang được gửi cho một người bên ngoại nuôi hộ. Phần còn lại của chương, độc
giả thực sự bị cuốn hút bởi câu chuyện Nguyễn Du vãn cảnh chùa Uyên Trình ở quê
vào ngày Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan theo lời mời của vị sư trụ trì Huyền Hư Tử.
Phần thành công nhất của chương và có lẽ cả tác phẩm chính là tác giả diễn tả
những nguồn cảm xúc, cảm hứng trào dâng đầu ngọn bút thi hào; một mình một bóng
bên ngọn bạch lạp thai nghén từng ý, từng chữ sáng tạo nên Văn tế thập loại chúng sinh bất hủ, chúng tôi nghĩ: chỉ có thể so sánh với Thần Khúc vĩ đại của
Đang-tơ (Ý). Ở đây, cụ Vũ Ngọc Khánh đã rất thành công - nói theo ngôn ngữ lý
luận - căn cứ vào tâm lý sáng tạo, hình dung lại quá trình nhà thơ sáng tác nên tác
phẩm của chính mình (xin xem trang 95;96;97;98;99;100;101). Đây là cảnh kết:
“Huyền Hư Tử đẩy cửa bước vào, vội vàng quì xuống bên cạnh nhà thơ:
-
Tố Như! Tố
Như tiên sinh! Xin Tiên sinh lai tỉnh.
Nguyễn Du mở to đôi mắt. Chỉ một phút, ông lại nhắm nghiền lại, bàn tay lần
lần trên mặt án thư, tìm những trang giấy viết, thều thào nói với người bạn :
-
Huyền
Hư Tử sư huynh ! Bài Văn tế thập loại
chúng sinh, tiểu đệ đã viết xong rồi !’’
Chương VI. Danh lợi còn mang lụy khóc cười
Chương này, ngòi bút của tác giả lược kể chuyện đời
Nguyễn Du qua chặng dài từ lúc vào Phú Xuân làm quan triều Gia Long, nhận mệnh
đi sứ Bắc quốc qua Thăng Long gặp lại người hầu gái của Nguyễn Ức, em
ông ; gặp cô Cầm, người hát cũ hai mươi năm trước, nhận bài thơ ‘‘Cảm cựu
Kiên trình Cần Chánh, học sĩ Nguyễn Hầu’’, Xuân Hương gửi. Theo chúng tôi hiểu,
chủ ý của tác giả, qua lược kể làm rõ nỗi thương đời, cảm quan ‘‘cổ kim hậu sự’’, kho ký ức từ ‘‘những điều trông thấy’’ và nỗi niềm nhớ
về Hồng Lĩnh quê nhà của Thi hào : Đấy là ‘‘kho báu’’ làm nên con người ‘‘Nghệ
sỹ lớn, Trái tim lớn’’ (Hoài Thanh) ở Nguyễn Du.
Chương VII. Lần giở trước đèn
‘‘Cảo
thơm lần giở trước đèn’’
là lời kể của tác giả khi nhập thân
vào Nguyễn Du suốt quá trình từ lúc có trong tay Kim Vân Kiều truyện của
Thanh Tâm Tài Nhân, trăn trở, đối thoại với chính mình, với mỗi nhân vật rồi lựa
chọn, vật lộn với từng câu chữ…Ở chương này, cũng là hình dung quá trình sáng tạo
Truyện Kiều của Nguyễn Du trên cơ sở
tác giả am hiểu qui luật, tâm lý sáng tạo của người nghệ sỹ nhưng không được thật
tự nhiên, ám gợi như ở chương V - Nguyễn Du sáng tạo Văn chiêu hồn.
Chương VIII. Của tin gọi có chút này
Thành công của tác giả ở chương VIII chính là tưởng
tượng, hư cấu hấp dẫn cuộc đàm đạo của một ông bõ già hầu hạ trong nhà Nguyễn
Thiện, cháu gọi Nguyễn Du là chú ruột với chủ và Nguyễn Huy Hổ từ Trường Lưu
sang viếng Nguyễn Nễ, là con trai Nguyễn Huy Tự, gọi Nguyễn Du là chú vợ, tác
giả Hoa Tiên. Độc giả đọc chương này
còn bị cuốn hút câu chuyện sử trình Bắc quốc của Nguyễn Du từ lời kể của Nguyễn
Tứ, con trai cả Nguyễn Du cùng đi. Cái chết của Thi hào, tác giả chỉ thuật qua
theo tài liệu lưu hành, nhưng với dụng ý : Người ra đi để lại ‘‘Của tin gọi có chút này’’ cho muôn đời.
Khái quát lại, chúng tôi có mấy ý kiến chung về Ba trăm năm lẻ :
1. Về Nghệ thuật thể loại tiểu thuyết: tác phẩm
thiên giọng thuật kể, ít ngôn ngữ đối thoại, tả cảnh, diễn tả tâm trạng có chiều
sâu của nhân vật. Những đoạn như chương V (Nguyễn Du hoài thai Văn tế thập loại chúng sinh) rất hiếm. Cảm nhận chung của người đọc
là tác giả đang tự đứng ra trình bày, phân tích, giới thiệu… về Nguyễn Du hơn
là để Nguyễn Du tự hiện ra - yêu cầu cốt yếu Tiểu thuyết viết về nhân vật lịch
sử.
2. Viết về nguyễn Du, tác giả có giọng văn thương
cảm, sẻ chia và hết sức tôn quí. Tác phẩm đã giúp người đọc, nhất là những ai
muốn tìm hiểu sâu hơn về tác giả Truyện
Kiều, Văn chiêu hồn, thơ chữ Hán nhiều tư liệu, nhất là cảm nhận, cảm nghĩ
về cuộc đời, con người và sáng tác của đại Thi hào Nguyễn Du.
2. Cuốn thứ hai : NGUYỄN
DU - TRÊN ĐƯỜNG GIÓ BỤI
Tác giả : Hoàng khôi
(NXB Văn học - Công ty cổ phần
sách Thái Hà)
Đọc Lời nói đầu của tác giả, ‘‘Cuộc đời Nguyễn
Du có nhiều chỗ ‘‘mờ’’! Mười năm gió bụi là cả một khoảng thời gian dài Nguyễn
Du ở Thái Bình làm gì, hay còn ở đâu nữa? Nguyễn Du có chống Tây Sơn không và
chống như thế nào? Mối tình Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương kéo dài ba năm là lúc
ông ở độ tuổi bao nhiêu? Nguyễn Du theo Gia Long có phải là tự nguyện? Rồi Truyện Kiều sáng tác ở thời điểm nào? Tại
sao nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về cảnh vật, con người Trung Hoa lại
không trùng với con đường mà ông đi sứ ?...’’ và dòng in trên bìa gấp ‘‘Cuốn sách bạn đang cầm trên tay sẽ giải
đáp một phần thắc mắc trên !’’. Chúng tôi hiểu dụng ý sáng tác của
Hoàng Khôi khi viết Tiểu thuyết Nguyễn Du
- Trên đường gió bụi chính là
hay chủ yếu là ‘‘giải mờ’’ những đoạn
đời của Thi hào mặc dầu anh có đưa ra ý kiến về nguyên tắc sáng tác Tiểu thuyết
lịch sử của Alexandre Dumas: Lịch sử chỉ
là chiếc đinh để tôi treo bức tranh của mình. Dựng truyện và tái hiện nhân
vật Nguyễn Du của tác giả trong khoảng thời gian thơ ấu đến ngoài ba mươi tuổi
(khoảng 1793), theo chúng tôi hiểu, chủ yếu nhằm ý tưởng ấy.
Tác phẩm
được phân chia từng phần theo đoạn đời nói trên của thi hào :
Mở
đầu Những
ngày thơ bé, từ những chi tiết liên quan chặng đời thơ bé của Nguyễn
Du, tác giả khai thác, phát hiện khá hấp dẫn tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật.
Phần Mối
tình đầu, người đọc bị hấp dẫn mạnh về câu chuyện mối tình đầu của
Chiêu Bảy với cô Nhợt chèo đò ngang trong những ngày cậu theo học cụ đồ bên kia
sông Hồng vẫn đi nhờ. Tác giả dùng ngôn ngữ tự sự khá đa dạng: lời kể, hồi ức,
đối thoại, bộc lộ tâm trạng nhân vật... làm hiện lên một trái tim Chiêu Bảy
thanh xuân khát khao, táo bạo trong tình yêu với nụ hôn đầu đời của cô gái trẻ
đẹp trên sông.
Phần Anh cả
Nguyễn Khản, tập trung thuật
kể về con đường giữ chức trọng yếu trong phủ Chúa Trịnh Sâm, rồi Trịnh Khải đầy quyền uy nhưng cũng lắm gian truân của
Nguyễn Khản. Nguyễn Du được nhắc đến ngắn việc tập ấm chức võ quan nhỏ của ông bố nuôi họ Hà trên
Thái Nguyên. Bên Nguyễn Du, có viên quyền trấn thủ Thái Nguyên tên Việt là Nguyễn
Đăng Tiến, vốn người Việt Đông, Quảng Tây, Trung Quốc, tên Cai Gia thân tình
như người mẹ thứ hai luôn giúp rập Nguyễn Du, về sau sẽ mở ra một chặng mới lạ
trong đời nhà thơ được Hoàng Khôi tập trung mô tả kĩ ở mấy phần sau :
Phần Thái Nguyên những ngày buồn.
Phần này kể lại tâm trạng chán nản, ảm đạm của Nguyễn Du về chuyện làm quan
và dành phần lớn thuật những biến động xã hội của Thăng Long, Chúa Trịnh bị Nguyễn Huệ diệt. Trên
cái nền xã hội biến động ấy, Hoàng Khôi diễn tả nỗi niềm tâm lý Nguyễn Du, bởi
vậy một khao khát từ mơ hồ rồi rõ nét: làm
một lữ khách giang hồ !
Phần Thất thủ Thái Nguyên.
Phần truyện trải ra với những biến động lịch sử Việt Nam sau khi Chiêu Thống
lên ngôi, bị Tây Sơn uy hiếp, Chiêu Thống chạy về kinh Bắc, bị lột áo bào...
Tình tiết mới mẻ trên trong truyện của Hoàng Khôi là việc ba anh em Nguyễn Đăng
Tiến (Cai Gia): Nguyễn
Quýnh, Nguyễn Du dấy binh, những muốn ‘‘Sẵn sàng để khi cần có
thể phò vua, giúp nước’’ nhưng ‘‘chỉ
cầm cự được có hai ngày, họ đã rơi vào tay quân Tây Sơn’’ (Tr 85). Rồi được
tha chết. Theo y Cai Gia, cả ba lên đường tạm lánh sang Vân Nam, mở ra chặng đường
lưu lạc của thi hào.
Phần Tâm sự trước ngày lưu lạc.
Đến Vân Nam. Một ngày uống cùng nhau chén rượu chia tay, Nguyễn Quýnh về lại
Tiên Điền, Nghi Xuân. Nguyễn Du nhận bộ kim châm cứu Cai Gia tặng, đi sâu vào
Trung Nguyên, hẹn ba năm sau gặp lại Cai Gia ở Trung Châu (Hàng Châu).
Phần Cất bước
hành trình.
Hoàng Khôi ủng hộ ý kiến của Phạm Trọng Chánh, cho rằng Nguyễn Du đã có một
chuyến đi riêng, một mình trước khi đi sứ Trung Quốc. Chúng tôi đã được đọc đầy
đủ giả thuyết của Phạm Trọng Chánh trên tạp chí Thơ, số 11 ;12/2014. Đây mới
chỉ là một phán đoán, dù đã có nhà nghiên cứu như Đỗ Lai Thúy chia sẻ. Tác giả
Hoàng Khôi có quyền tin và từ đó hư cấu hành trình Nguyễn Du gặp cảnh, người,
làm thơ, ốm đau, trở thành nhà sư tu tập trên đất Trung Hoa. Mười bốn trang
truyện ở phần này mở giúp người đọc một bí mật, một chỗ ‘‘mờ’’, như cách nói của tác giả.
Phần Cô
đơn tại Trường An.
Với vốn hiểu biết lịch sử, văn hóa, văn học dồi dào, tác giả Hoàng Khôi tưởng
tượng để vẽ ra mỗi bước chân của Nguyễn Du ở Trường An. Người đọc thú vị những trang tác giả nhập thân chia sẻ những phản biện,
đối diện đàm tâm của Nguyễn Du với các dấu tích kim cổ và các sáng tác của các
nhà thơ, nhà văn Trung Quốc, để từ đó xuất thần các bài thơ gắn với bối cảnh.
Phần Thành phố Hàng Châu và sách Kim
Vân Kiều truyện.
Nguyễn Du sung sướng, cảm động gặp Cai Gia (Nguyễn Đăng Tiến) ở Hàng
Châu. Hoàng Khôi lại vẽ ra sinh động cảnh hai người thăm thú các chùa, sông
núi. Nguyễn Du đọc những bài thơ tức cảnh về đất, người (không nằm trên sứ
trình năm 1813) cho Cai Gia nghe và nhà thơ nghĩ nhiều đến các nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện đọc kỹ ở nơi đây.
Phần Gặp Đoàn Nguyễn Tuấn.
Mạch truyện tiếp tục hư cấu bước chân nơi quê người xa xôi. Nguyễn Du gặp
đoàn sứ bộ Tây Sơn do Phan Huy Ích làm chánh sứ, có anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn
trong đoàn. Cuộc trao đổi giữa hai người được tác giả diễn tả sinh động; biết về
Quang Trung hào hùng, về Chiêu Thống hèn hạ, khiến Nguyễn Du đổi ý không lên Bắc
Kinh mà lên cỗ xe song mã Cai Gia mua
cho để về Nam.
Phần Nỗi niềm khi về lại Thăng Long.
Ngòi bút tác giả thuật kể trên cơ sở tưởng tượng, hư cấu chuyện Nguyễn
Du gặp lại Vũ Trinh, anh rể ở Bắc Giang, trở về Thăng Long buồn, vui lẫn lộn, dự
buổi đàn hát của các tướng lĩnh Tây Sơn, nghe giọng đàn ca tuyệt kỹ của một ca nương
Phần Thêm một mối tình (với Hồ Xuân
hương).
Vẫn là tưởng tượng, hư cấu, tác giả dựng mối tình trai tài, gái sắc hy hữu
trong làng thơ Việt Nam :
Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương. Giá như Hoàng Khôi ‘‘náu mình’’ thêm ít nữa để cho cặp tình nhân ‘‘tự diễn’’ nhiều hơn thì đoạn truyện sẽ hấp dẫn hơn.
Phần Đất Nghi Xuân.
Lần theo chuyến hồi hương quê nội của Nguyễn Du, Tiểu thuyết Nguyễn Du - Trên đường gió bụi miêu tả cuộc đàm đạo giữa chú cháu Nguyễn Du,
Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành, kể việc Tố Như xây lại mộ phần, từ đường, dự tính du
ngoạn quanh vùng; bị bắt vì không có tín bài, rồi được thả; chuyện thú săn bắn,
kéo lưới,… Điều thú vị, như một độc giả sành điệu, tác giả Hoàng Khôi đã dựng lại
đoạn văn của thân phụ anh - Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, miêu tả sinh động, ám gợi
giờ phút Nguyễn Du đắm chìm trong cơn mê sáng tạo Văn chỉêu hồn.
Phần Cuốn sách đoạn trường.
Từ hiểu biết sâu về Truyện Kiều, cả về ý tứ và câu chữ, tác giả hư cấu
cuộc đối thoại rất tâm đầu, ý hợp giữa Thi hào Nguyễn Du và người anh vợ Đoàn
Nguyễn Tuấn, người đọc và viết đề từ đầu tiên bằng bài thơ chữ Hán chỉ tám câu
súc tích cho kiệt tác Đoạn trường tân
thanh vừa viết xong đang đặt
trên giá.
* Về cuốn Tiểu thuyết Nguyễn Du - Trên đường gió bụi của tác giả Hoàng Khôi (Vũ Ngọc Khôi), chúng tôi xin có mấy ý kiến khái
quát:
1. Bằng năng lực tưởng tượng, tái tạo, tác giả đã thực hiện được khá đầy
đủ dụng ý của mình ở Lời nói đầu. Vốn
tư liệu về cuộc đời (và cả một số sáng tác) của Nguyễn Du ở Tiểu thuyết là mới,
trong đó có những tư liệu đang còn là phán đoán, song với tư cách người viết Tiểu
thuyết, nhà văn có thể sử dụng. Với người đọc, tác phẩm đã cung cấp, có thể nói
dồi dào những tư liệu, hiểu biết về con người và sáng tác của Thi hào.
2. Về phẩm chất, xét ở góc độ thể loại Tiểu thuyết, tác phẩm đã có những
trang hư cấu, tưởng tượng khá sinh động, hấp dẫn. Nếu tác giả giảm bớt giọng kể,
đi sâu vào nội tâm nhân vật bằng ngôn ngữ độc thoại, độc thoại nội tâm, khắc họa
ngoại hình… thì hình tượng nhân vật Nguyễn Du sẽ hiển hiện, sống động hơn.
3. Có lẽ do dụng ý sáng tác được nói ở Lời nói đầu nên Tiểu thuyết của Hoàng Khôi chưa dụng công đề xuất
những nội tư tưởng - thẩm mỹ, điều rất cần có ở cây bút văn xuôi vốn giàu vốn sống,
vốn văn hóa, văn học như anh.
3. Cuốn thứ ba: NGUYỄN DU - TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ
Tác giả: Nguyễn Thế Quang
(NXB Hội Nhà văn và Công
ty Sách Phương Nam
- 2010; Tái bản 2012 và NXB Trẻ 2015)
Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du khá bề thế, dày 420 trang. Tôi đã có bài
phê bình ‘‘Nguyễn Du - Từ cuộc đời đến Tiểu
thuyết’’ đăng ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 316, tháng
10/2010; Trong lần tái bản, tác giả đã đưa vào sách ở phần Phụ lục. Ở đây,
chúng tôi xin chỉ nêu n hững ý nhận xét khái quát.
1. Vốn sống, vốn đời, vốn văn hóa, văn học của Nguyễn Thế Quang khá dồi
dào, sâu sắc. Từ đó, với năng lực hư cấu nghệ thuật có chiều sâu, tác giả đã dựng
lên một hình tượng Nguyễn Du rõ nét, sống động qua năm phần của tác phẩm trên
nhiều mối quan hệ xã hội, tập trung nhất ở đối trọng với bộ máy cường quyền mấy
triều đại phong kiến Việt Nam (và cả Trung Quốc) cả về đời tư, gia cảnh, sở
thích, không gian, thời gian bao quanh nhân vật.
2. Về nghệ thuật viết Tiểu thuyết lịch sử, điều rất đáng trân trọng là
khả năng tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật khá mạnh của Nguyễn Thế Quang để lại những
trang sống động, hấp dẫn người đọc (như cảnh Nguyễn Du cùng Hoàng đế Gia Long
khét tiếng bạo quyền đối đầu rất văn hóa trong Tử Cấm thành Phú Xuân trong đêm
trăng; cuộc gặp gỡ sau mười chín năm xa cách, chốn cũ Dâm Đàm gặp lại, Nguyễn
Du và Hồ Xuân Hương, cả hai giằng co bản thân giữ sợi tơ mong manh giữa tình ái
và lý trí; Cảnh thi hào Việt Nam lập đàn bên sông Mịch La cầu hồn tác giả Li Tao - Khuất Nguyên v.v…). tả cảnh, tả
người, đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm, đi sâu vào ngõ ngách tâm lý
nhân vật… đã được khai thác tốt. Chúng tôi chia sẻ và nhận ra dụng ý nhà văn
Nguyễn Thế Quang khi vật lộn với câu chữ, chi tiết, bố cục, kết cấu trong tác
phẩm nhằm dựng lên hình tượng văn học Nguyễn Du.
3. Là tác phẩm văn học, nhất là Tiểu thuyết có giá trị, phải đề xuất được
triết lý, tư tưởng - thẩm mỹ riêng của mình. Tiểu thuyết Nguyễn Du, theo chúng tôi ít nhất đã gửi đến người đọc
ba thông điệp:
3.1. Từ nhân vật chính Nguyễn Du cùng các trí giả, nhân giả khác có mặt
trong truyện, tiểu thuyết đã tô đậm thân
phận, bi kịch thảm khốc và vĩ đạicủa người nghệ sỹ, trí thức lớn trong xã hội
thiếu vắng công lý xưa – nay.
3.2. Khát vọng to lớn, cháy bỏng của Nguyễn Du và của mỗi con người chân
chính vươn tới xã hội Tự do - Bình đẳng - Bác ái.
3.3. Niềm say mê cháy bỏng nung nấu trào sôi của Nguyễn Du, cũng là của
mọi nghệ sỹ vĩ đại trên con đường và lao động sáng tạo cái đẹp cho xã hội, cho
muôn đời.
4. Về hệ hình Tiểu thuyết, ‘‘Nguyễn
Du’’ còn nằm trong vạch kéo dài tiểu thuyết truyền thống. chúng tôi đã trao
đổi ý kiến này với tác giả. Anh Nguyễn Thế Quang đồng ý nhưng sự thay đổi hệ
hình Tiểu thuyết từ truyền thống sang hiện đại không dễ. Anh sẽ thực hiện ở những
tiểu thuyết nối tiếp, bởi sức sáng tạo ở Nguyễn Thế Quang còn rất trẻ, rất dồi
dào.
Nghệ An, ngày 06/11/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét