18 TUỔI, DỊCH THÀNH CÔNG TRUYỆN KIỀU RA TIẾNG ANH


LTS: Hai tháng trước, báo chí rầm rộ đưa tin về sự ra mắt cuốn "Kiều in Dương Tường’s version" của nhà thơ, dịch giả Dương Tường khi ông đã gần 90 tuổi.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: "đây là một đóng góp giới thiệu Kiều ra thế giới và nỗ lực của Dương Tường có giá trị khích lệ rất lớn đối với lớp trẻ, những người rất giỏi ngoại ngữ và có nhiều điều kiện thuận lợi, nên tích cực dịch, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài".
Được biết trước đây, khi làm NCS ở Hungaria, nhà nghiên cứu, nhà thơ Trương Đăng Dung cũng đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Hung khi ông 29 tuổi.
Và những ngày này, một du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng đã dịch xong Truyện Kiều khi anh mới 18 tuổi 6 tháng.
Cũng xin nói thêm, anh vốn là cựu học sinh chuyên ĐHSPHN vừa mới sang Mỹ được ít lâu.
Nghe anh trả lời phỏng vấn, không ai nghĩ anh vừa bước qua tuổi 18 nửa năm.
Sự uyên bác, phương pháp làm việc khoa học trong chuyên môn hẹp (nghề chuyển ngữ) như một nhà ngữ học ở anh luôn khiến ta ngạc nhiên cho dù chuyên môn anh đang theo học ở Hoa Kỳ là thiên văn học.
Người đó là ai?
Xin mọi người xem bài trả lời phỏng vấn của anh dưới đây:

 

“TÔI DỊCH TRUYỆN KIỀU CẢ VÌ TRUYỆN KIỀU VÀ VÌ BẢN THÂN TÔI”
                                (Viết & Đọc - Chuyên đề mùa Hạ năm 2020)

 

Viết & Đọc: Trong lá thư trao đổi mới đây giữa biên tập viên Viết & Đọc, thi sĩ trẻ Nguyễn Bình thông báo vừa hoàn thành bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Đây là một tin đặc biệt và gây ấn tượng mạnh mẽ. Một sinh viên Việt Nam 18 tuổi đã dịch trọn vẹn Truyện Kiều với tình yêu thơ ca, với một sự tự tin đầy thán phục, một tư duy rất sâu sắc và một cách làm vô cùng khoa học nhưng lại tràn đầy cảm hứng là một câu chuyện lớn về nhiều mặt. Viết & Đọc chuyên đề mùa Hạ 2020 rất hân hạnh được giới thiệu cuộc đối thoại giữa biên tập viên và thi sĩ Nguyễn Bình. Qua cuộc đối thoại này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về một người Việt Nam thế hệ mới và những vấn đề của Truyện Kiều trong một thời đại công nghệ, cũng như của sự sáng tạo.

VIẾT&ĐỌC (V&Đ): Thay mặt những người yêu tiếng Việt, yêu Truyện Kiều, xin chúc mừng anh đã hoàn thành bản dịch Truyện Kiều. Cảm xúc lúc này trong anh như thế nào khi câu cuối cùng của Truyện Kiều đã dịch xong?

NGUYỄN BÌNH (NB): Tôi vừa nhẹ nhõm, lại vừa hồi hộp. Nhẹ nhõm vì một dự án mình đã ấp ủ bấy lâu nay cuối cùng cũng xong, nhưng cũng hồi hộp vì cách làm của mình chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nghĩa là có thể mọi người sẽ phản ứng theo cách tôi chưa bao giờ lường trước được.
V&Đ: Anh bắt đầu đọc Truyện Kiều từ khi nào? Những thay đổi gì đã diễn ra trong anh từ khi anh bắt đầu đọc Truyện Kiều cho đến khi bắt tay vào dịch tác phẩm này và khi dịch xong?
NB: Tôi bắt đầu đọc các trích đoạn của Kiều hồi học cấp Hai, cái hồi mà nói đến Kiều là tôi sẽ lè lưỡi ngán ngẩm vì phải học thuộc. Tôi từng ghét Kiều, ghét thơ ca, nhưng đến một lúc cảm thấy cần những điều đó, tôi lại tìm đường về như chim nhạn về phương Nam tránh rét. Tôi đọc toàn bộ Kiều đầu lớp 10, và trong khoảng thời gian giữa lúc ấy và lúc bắt tay vào dịch, tôi đã bắt đầu làm thơ. Tôi thử nghiệm với các thể thơ và đọc thơ bằng đủ các ngôn ngữ. Chính trong quá trình đọc ấy mà tôi nảy ra ý tưởng: “Hay mình thử làm cầu nối xem sao?” Tôi thử dịch thơ T.S. Eliot, thơ Xuân Diệu, rồi dấn thân sâu hơn vào quá khứ, để rồi một ngày bắt đầu ảo tưởng mình dịch Kiều.
Khi bắt tay vào dịch Kiều, tôi cố gắng truyền tải được mọi thứ sang tiếng Anh theo cách mình ưng nhất. Ý tưởng của tôi là dịch Kiều sang tiếng Anh theo thể “anh hùng song cú” (heroic couplet) mà các nhà thơ trung đại Anh như Alexander Pope, John Dryden,… đã sử dụng khi dịch sử thi Hy Lạp, La Mã sang tiếng Anh. Tôi mượn từ vựng của thơ ca Anh thế kỉ XVIII để bảo tồn được ít nhiều cái vầng hào quang trung đại của Kiều. Dù tôi thích ý tưởng đó thật, song ban đầu tôi dốt lắm. Tôi cứ thấy thuận tai thì nghĩ là vần nên rất dễ vần lung tung. Thế rồi, trong lúc dịch Kiều, tôi tiếp tục học đại học và trở nên thích thú với bộ môn Ngôn ngữ học. Tôi biết đến ngữ âm học, cú pháp học và lịch sử ngôn ngữ. Tự dưng, cách tiếp cận của tôi khác đi. Tôi không giới hạn các yếu tố thế kỉ XVIII ở từ vựng, mà cả cú pháp, cả cách gieo vần nữa. Nhìn từ một phía, tôi bắt đầu bó buộc mình vào khuôn khổ, nhưng nhìn từ góc khác, tôi trao cho mình nhiều lựa chọn hơn.

V&Đ: Trước khi dịch Truyện Kiều, anh đã từng đọc một bản dịch Truyện Kiều nào trước đó chưa? Lý do gì thúc đấy anh dịch một tác phẩm lớn và khó như vậy?

NB: Hồi lớp 11, tôi từng đọc lướt qua bản dịch Kiều sang tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông. Sau này, tôi nhận ra bản dịch của ông Thông là bản ổn nhất hiện giờ, song khi mới đọc, tôi buồn vì ông ấy không giữ được sự uyển chuyển ngôn từ hay là tính dân gian của Kiều. Vì đã tiếp xúc với thơ trung đại tiếng Anh, tôi cho rằng những yếu tố mà ông Thông bỏ sót đều khôi phục lại được. Tôi tự nhủ rằng chắc sẽ có ngày mình tự làm được điều đó, song không biết là ngày nào vì với một kẻ non dại như tôi, dịch Kiều là một ước mơ ngoài tầm với.
Đến hè 2019, tôi biết thêm một bản dịch khác của một người Anh/Mỹ nào đó. Tôi nhớ ông ta tự hào nói trên báo chí rằng ông ta dịch Kiều trong lúc thử học và chơi đùa với câu chữ tiếng Việt. Có lẽ vì thế mà bản dịch của ông ta nông cạn như một vũng nước mưa ngoài phố. Tôi nghĩ đó là điều không thể tránh khỏi khi một người vừa bắt đầu học một ngôn ngữ, vừa thử dịch quốc hồn, quốc tuý của dân tộc nói ngôn ngữ ấy. Thử nghĩ xem, nếu năm lớp Ba, tôi biết đến Shakespeare và thử dịch Hamlet sang tiếng Việt, chắc kết cục cũng vậy thôi. Tôi tự nhìn lại mình và nói: người không biết gì về tiếng Việt còn dám dịch Kiều, sao mày đẻ ra ở nước Việt, lớn lên nói tiếng Việt mà lại không dám? Bất công trước sự tự ti của chính mình, tôi lại ngồi mơ dịch Kiều tiếp.
Tuy nhiên, lý do cuối cùng lại là một lý do cá nhân. Tháng 8 năm 2019, lần đầu tôi phải xa nhà để đi du học. Ở nơi lạ nước lạ cái, những câu lục bát của Kiều mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nhớ bỗng vang vọng trở lại. Tôi nhớ một lần ngồi trên xe trở về từ đài thiên văn trên núi, nhìn ánh trăng đêm rọi qua rừng rậm bên đường mòn, tôi chợt nhớ hai câu: “Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi / Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”. Tôi thấy mình trong câu chuyện của Kiều, cũng cô đơn, xa bạn bè người thân, cũng bất an về tương lai như Kiều ngày ấy. Sự nhận thức ấy trở thành giọt nước tràn ly, bởi ngay lập tức, tôi thấy sự tự ti của mình chẳng còn nghĩa lý gì cả. Tôi bắt đầu dịch Truyện Kiều, cả vì Truyện Kiều và vì bản thân tôi.

V&Đ: Hầu hết khi bàn tới dịch Truyện Kiều, lâu nay người ta đều đưa ra một thách thức và nghĩ rằng sẽ không một dịch giả nào vượt qua được. Đó là hình thức thơ lục bát và nhạc tính của tiếng Việt. Đấy cũng là một số những yếu tố làm nên Truyện Kiều. Anh thấy điều đó thế nào và anh sẽ xử lý thách thức này bằng cách nào để bạn đọc nước ngoài tiếp cận một cách gần nhất với vẻ đẹp của Truyền Kiều?

NB: Đối với tôi, điều này có thể được xử lý nếu chúng ta không chỉ nhìn chăm chăm vào bản thân thể lục bát, mà nhìn vào những gì thể lục bát đã thừa hưởng từ tiếng Việt. Lục bát sử dụng các yếu tố như sự trầm bổng, sự đa dạng vần của tiếng Việt, rồi đưa những yếu tố này lên một tầm cao mới. Cố gắng dịch Kiều sang một “thể lục bát tiếng Anh” chẳng khác gì tự đưa mình vào ngõ cụt, vì lục bát hoạt động dựa trên các yếu tố mà tiếng Anh không có.
Vậy nên trong bản dịch, tôi trút bỏ thể lục bát và chọn thể anh hùng song cú, bởi anh hùng song cú có mối quan hệ với tiếng Anh hệt như lục bát với tiếng Việt. Nếu lục bát vận dụng thanh điệu và vần của tiếng Việt, anh hùng song cú sử dụng tối ưu các yếu tố về trọng âm, nhịp điệu và vần của tiếng Anh. Gọi là anh hùng song cú (heroic couplet) vì thể này phổ biến trong các anh hùng ca, và về cơ bản nó là hai dòng liên tiếp vần với nhau ở cuối, “night” vần với “light” hay là “sea” với “tree”. Mỗi dòng của thể anh hùng song cú thường dùng nhịp “iambic pentameter” (đến đây tôi bó tay, chẳng dịch sang tiếng Việt được), chia 1 dòng thơ 10 âm tiết thành 5 cước có 2 âm tiết, mỗi cước đánh trọng âm vào âm tiết thứ hai. Một ví dụ điển hình của iambic pentameter là thơ Shakespeare: “Shall I compare thee to a summer’s day?” (Liệu ta nên ví chàng với ngày hè không đây?) Khi đọc lên, trọng âm thường rơi vào âm tiết chẵn: “shall-I/com-PARE/thee-TO/a-SUM/mer’s DAY?”. Loại cước này phổ biến trong thơ Anh qua hàng thế kỷ vì nó sử dụng rất tốt yếu tố trọng âm và nhịp điệu của tiếng Anh, hệt như lục bát sử dụng thanh điệu tiếng Việt. Muốn chuyển ngữ thơ - một loại hình nghệ thuật gắn với âm thanh - sang một thứ tiếng khác mà vẫn khiến người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của bản gốc, tôi nghĩ trước tiên phải nắm được thứ tiếng khác ấy, rồi nắm được các quy tắc về âm thanh ở đó để uốn nắn vẻ đẹp của bản gốc cho khớp. Tính nhạc ở ngôn ngữ nào cũng có (nếu không thì ngôn ngữ đó đào đâu ra thơ?), chỉ khác là ở mỗi ngôn ngữ, tính nhạc được thể hiện dựa trên các nguyên lý khác nhau. Người đọc tiếng Anh có thể mù tịt về sự giàu thanh điệu của tiếng Việt, song họ sẽ phản ứng trước luật thơ Anh hệt như người đọc tiếng Việt phản ứng trước luật thơ Việt thôi, vì ở đó họ thấy được từng con chữ của thứ tiếng mình nói hòa vào nhau thành một bản nhạc, một tác phẩm nghệ thuật mang tầm cao mới.

V&Đ: Lâu nay, người ta quan niệm dịch thơ sẽ làm mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ gốc, như thế sẽ làm giảm đi chất lượng của tác phẩm gốc. Khi dịch xong Truyện Kiều, anh nghĩ mình có mang đến điều gì mới mẻ cho Truyện Kiều và có đánh mất gì ở Truyện Kiều trong một ngôn ngữ khác?

NB: Với cá nhân tôi, tôi thích tự chỉ trích rằng mình cũng làm giảm đi chất lượng của tác phẩm gốc. Đọc bản Anh, “Chém cha cái số hoa đào” sẽ không mang sự đay nghiến như bản Việt đối với một người sinh ra nói tiếng Việt như tôi. Tuy nhiên, người đọc thơ tiếng Anh là người nói tiếng Anh, nên tôi cố gắng bù đắp cho những thiếu sót của mình bằng cách vay mượn thi liệu tiếng Anh, để chí ít nếu tôi không phục dựng được trực tiếp tính biểu cảm của bản gốc, tôi cũng sẽ làm được điều đó một cách gián tiếp. Như hai câu “Còn non, còn nước, còn dài / Còn về, còn nhớ đến người hôm nay”, tôi dịch là “So long as mountains stand or rivers sway / So long live you, remember me to-day” để gợi lại lối nói trong hai câu thơ của Shakespeare mà những người học văn tiếng Anh sẽ thuộc nằm lòng: “So long as men can breathe or eyes can see / So long lives this, and this gives life to thee.” Hay khi Tú bà chuyển sang gọi Kiều là “mày”, tôi sử dụng đại từ ngôi thứ hai “thou” trong tiếng Anh thế kỉ XVII - VIII, vì “thou” được coi là suồng sã, thô lỗ hơn. Những điều tôi phải đánh đổi khi dịch Kiều, tôi luôn cố bù đắp lại theo các cách khác nhau. Kết quả là, tôi thấy mình mang đến một diện mạo mới cho Kiều, một diện mạo tiếng Anh thế kỉ XVIII, và tôi không tiếc lắm những yếu tố tiếng Việt mình phải trút bỏ. Vì thơ ca đẹp ở phần ngôn ngữ, nhưng cái đẹp ấy có thể được truyền tải lại ít nhiều thông qua một ngôn ngữ khác, nếu mình đủ hiểu về thơ ca ngôn ngữ này.

V&Đ: Công việc tiếp theo đối với bản dịch Truyện Kiều sẽ là những gì? Anh có cần một nhà thơ Mỹ hay Anh đọc và ‘nhuận sắc’ bản dịch không?

NB: Dịch xong Kiều, tôi còn phải chú thích nốt nữa. Về cuối, cụ Du dùng ngôn từ đơn giản hơn thì còn đỡ, chứ đoạn đầu điển tích chằng chịt, nhìn ba chục cái chú thích liên tiếp nhau mà tôi chỉ muốn đóng máy đi ngủ.
Tôi không chắc mình thực sự cần một nhà thơ Mỹ / Anh đọc và “nhuận sắc” bản dịch. Theo tôi, thơ ca xoá nhoà ranh giới tuổi tác, địa vị hay là nguồn gốc xuất thân. Bất kì ai thích đọc thơ và phóng khoáng với thơ cũng là một độc giả mà tôi trân trọng. Người đó không nhất thiết phải là một nhà thơ đã xuất bản mà có thể là một sinh viên học Tài chính mà lại thích văn, học Thiên văn mà lại mê sonnet như điếu đổ (là tôi đây này). Chỉ cần người đó nói tiếng Anh, am hiểu thơ ca tiếng Anh là tôi sẽ phấn khởi đưa họ xem qua bản dịch ngay. Vì xét cho cùng, bản thân Kiều thành kinh điển chẳng phải vì được hội đồng văn học của vua Tự Đức trao giải Cành chuối vàng, mà vì Kiều gần gũi với mọi người, được cả thường dân lẫn giới tri thức bao đời nay đọc và yêu quý.

V&Đ: Việc dịch Truyền Kiều của anh thực sự là một công trình. Và tất nhiên anh muốn bạn đọc trên thế giới biết đến và cảm nhận được một trong những tác phẩm văn học cổ điển vĩ đại nhất của Việt Nam. Vậy bản dịch của anh có những điểm nào khác biệt hay nổi trội nào so với những bản dịch Truyện Kiều khác mà anh từng biết?

NB: Tôi tin rằng bản dịch của mình khác các bản dịch trước ở chỗ tôi cố gắng tái hiện lại vẻ đẹp thi ca của Truyện Kiều bằng tiếng Anh. Tôi không đơn giản hoá các thành ngữ, tục ngữ, càng không tìm cái tương xứng trong tiếng Anh mà chỉ bê nguyên sang ngôn ngữ khác. Tôi dịch những từ cổ trong Kiều bằng những từ tiếng Anh cổ tôi cóp nhặt từ thơ Anh thế kỉ XVIII, vì tại sao phải hiện đại hoá chúng lên để rồi đánh mất cái không khí của bản gốc? Nói tóm lại, tôi dịch Kiều sang tiếng Anh sao cho cảm giác của từ ngữ, sự phong phú về tính dân gian, hay thậm chí là các biện pháp tu từ cũng được bê nguyên sang. Tiếng Anh không có thanh điệu, tôi dùng trọng âm để tạo nhịp. Tiếng Anh thiếu từ láy, tôi dùng phép điệp âm đầu (alliteration). Mục đích của tôi là mang lại cho độc giả tiếng Anh thế kỉ XXI một cảm giác hệt như của một độc giả tiếng Việt thế kỉ XXI khi đọc Truyện Kiều.
Bên cạnh những yếu tố nghệ thuật, tôi còn viết một loạt các chú thích. Ở những chỗ mà bản thân học giả Việt Nam còn tranh cãi như “mày ngài” của Từ Hải, tôi dịch theo cách hiểu mà tôi ưng nhất, rồi ở phần chú thích lý giải cách hiểu mà tôi ưng bên cạnh những cách hiểu khác. Bản thân việc dịch thuật đã định hình lại tác phẩm qua con mắt của dịch giả rồi, và tôi cố gắng khắc phục việc đó thông qua chú thích. Vì đúng, tôi là dịch giả, nhưng cách hiểu của tôi về một dòng này nào có siêu phàm hơn cách hiểu của Đào Duy Anh hay Cao Xuân Hạo? Học Thiên văn, tôi được biết mình không nên thiên về một cách hiểu và phủ nhận sạch trơn các cách còn lại nếu như tất cả đều thiếu hoặc có một lượng lập luận xác đáng như nhau. Tôi áp dụng tư tưởng ấy vào việc dịch Kiều, mong rằng điều đó sẽ khiến bản dịch này khách quan và gợi suy nghĩ nhiều hơn các bản trước.

V&Đ: Anh là một dịch giả mà tôi hy vọng nhất với nhiều lý do. Vậy sau công trình này, anh có dự định dịch và giới thiệu được những tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc ra thế giới không? Nếu có, quan điểm lựa chọn tác phẩm dịch của anh thế nào?

NB: Hiện giờ, tôi chưa có ý tưởng dịch gì thêm. Trước Kiều, tôi có dịch Chinh phụ ngâm, và bản dịch ấy là một cuộc thử nghiệm không có hướng đi cụ thể nên lủng củng lắm. Có lẽ một lúc nào đấy, tôi sẽ dịch lại một cách cẩn thận hơn. Giờ tôi muốn dành thời gian cho thơ của riêng mình. Còn về tiêu chí lựa chọn, những tác phẩm tôi dịch bấy lâu nay đều được chọn chỉ vì chúng có ý nghĩa đối với cá nhân tôi, nên tôi cũng chưa thể nói được gì.

V&Đ: Anh có kế hoạch gì để truyền bá Truyện Kiều bản tiếng Anh của mình tới bạn đọc thế giới? Xuất bản hay tổ chức những buổi thuyết trình về Truyện Kiều trước mắt là với bạn đọc Mỹ hiện nay?

NB: Tôi là du học sinh, sang đây bằng visa sinh viên nên có nhiều trở ngại khi xuất bản bên này. Hiện giờ, xuất bản được cũng là một ước mơ đối với tôi rồi, và tôi cần phải đạt được nó đã. Tôi chưa nghĩ đến sau này sẽ làm gì để giới thiệu với độc giả nói tiếng Anh về Kiều, song hướng hành động của tôi chắc chắn sẽ là xua tan màn sương mù lịch sử khỏi Kiều, hệt như tôi muốn làm với độc giả Việt Nam.

V&Đ: Không ít những người trẻ Việt Nam không đọc Truyện Kiều ngoại trừ họ phải học theo chương trình giáo dục trong nhà trường. Truyện Kiều có ý nghĩa gì với một xã hội hiện đại? Nó là một di sản để ngắm nhìn hay nó cần thiết cho đời sống đương đại ở một phía nào đó?

NB: Tôi tin rằng giống nhiều khái niệm bao quát khác như màu sắc hay bản dạng giới, ý nghĩa của một tác phẩm văn học không phải là một hệ nhị phân. Hiếm có tác phẩm nào thuần túy là một di sản từ quá khứ, cũng hiếm có tác phẩm nào thuần túy là một bài học cho đời sống đương đại. Hầu hết các tác phẩm thường nằm ở giữa hai cực, bao hàm hai tính chất nói trên ở các mức độ khác nhau. Với Truyện Kiều, tính di sản nằm ở mối quan hệ của nó với lịch sử triều Nguyễn, với những bất công thời trung đại. Song nếu chỉ chú ý đến chỗ đó thì sẽ bỏ sót những thứ vượt thời gian, tiêu biểu là quan sát của Nguyễn Du về những khía cạnh xã hội đã theo gót con người bấy lâu nay. Như đoạn trong trại Hồ Tôn Hiến, những cử chỉ, lời nói của Hồ Tôn Hiến và Kiều thể hiện một mối quan hệ không cân xứng về quyền lực, với Hồ Tôn Hiến đóng vai gã đàn ông áp bức, còn Kiều là người phụ nữ bị áp bức, phải liên tục cảnh giác trước Hồ Tôn Hiến và nhắc tới một người đàn ông khác là Từ Hải để từ chối sự ve vãn của gã. Đặt vào bối cảnh đương đại, khi các sự kiện như phong trào #MeToo năm 2015 đã lật tẩy những gã đạo diễn, diễn viên, nhà khoa học,… lợi dụng quyền lực để xâm hại những người phụ nữ ít quyền lực hơn mình, phân tích cuộc đối thoại Kiều - Hồ Tôn Hiến cũng giúp ta hiểu thêm được về những sự việc như thế.
Ấy là mới chỉ nói tới tầm quan trọng ngoài xã hội thôi, vì Kiều còn là một nỗ lực khắc hoạ tâm trí con người nữa. Một học sinh, một người trẻ hoàn toàn có thể tìm đọc Kiều dưới góc nhìn cảm xúc mà vẫn phải lòng được tác phẩm này, để rồi quan tâm tới những khía cạnh lịch sử, văn hoá hay không là việc của họ. Tôi nói điều này từ trải nghiệm cá nhân, bởi ban đầu chính tôi đã đồng cảm được với Kiều khi mới sang đây, dù trải nghiệm của một du học sinh lần đầu xa nhà khác hẳn với một người phụ nữ “phải bước lưu ly” trong xã hội phong kiến. Chúng ta nên để mọi người bước đầu tiếp cận các tác phẩm kinh điển từ góc nhìn cảm xúc như thế, đừng cứ trưng ra phía trước cái ám ảnh thời đại, cái tầm quan trọng trong văn học, vì những thứ đao to búa lớn ấy sẽ chỉ khiến người ta thấy bị xa cách, giống như khi tôi mới học Kiều hồi cấp Hai. Nếu ta gác lại phía sau ba cái trò thảo luận về “ngôn ngữ bình dân và bác học”, về “ý nghĩa lịch sử”, và trước tiên chú trọng vào việc Kiều là một trường ca về con người, có lẽ nhiều người trẻ sẽ quan tâm hơn. Tôi đã thích Truyện Kiều nhờ tự mình làm việc đó. Bên các nước nói tiếng Anh, họ cũng đang làm vậy với các tác phẩm kinh điển của họ và gặt hái được kết quả khá ưng ý. Năm 2019, có một người Anh làm YouTube lấy tên là Philosophy Tube đã tụ tập bạn bè, cả người thường lẫn diễn viên, rồi cùng nhau đọc toàn bộ các vở kịch của Shakespeare để gây quỹ cho một tổ chức về sức khoẻ tâm thần. Vì cả kịch Shakespeare và Kiều đều được tả là chứa đựng mọi cảm xúc con người, nghe họ đọc và nhìn mọi người phản ứng, tôi nghĩ đến Kiều và tin rằng một ngày mình cũng sẽ làm được như thế.

V&Đ: Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện mà tôi nghĩ nó sẽ gợi mở một cách phong phú và sâu sắc không chỉ với những ai yêu Truyện Kiều, tới những vấn đề của dịch thuật văn học hiện nay mà còn tới những vấn đề của học thuật, sáng tạo và xác lập nguyên tắc trong con đường sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ.

( Theo facebook  Nguyễn Phượng)


Không có nhận xét nào:

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...