CÙNG TÌM HIỂU MỘT CÂU KIỀU

Vương Trọng
Nhà thơ Vương Trọng
Sau khi bị Mã Giám Sinh cướp đời con gái, Thúy Kiều “ Giận duyên tủi phận bời bời/ Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh”. Nhưng rồi nàng không liều, vì:
Nghĩ đi nghĩ lại một mình
Một mình thì chớ, hai tình thì sao?
Các bản Kiều hầu như không chú giải câu này, coi như mọi người đều hiểu được. Nhưng hiểu như thế nào với “Một mình thì chớ”?
Trong Từ điển Tiếng Việt, chữ CHỚ có hai nghĩa chính: 1: Từ biểu thị ý khuyên ngăn dứt khoát: Chớ dại mà nghe theo nó.2: Từ phủ định dứt khoát điều chưa xẩy ra bao giờ: Chớ hề thấy nó đến bao giờ.
Ngoài ra, Chớ còn có nghiã như Chứ…
Đem các nghĩa các chữ Chớ này, ta không hiểu được “ Một mình thì chớ” trên kia nói gì!
Trong Từ Điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, ngoài giải nghĩa chữ Chớ có nghĩa là Đừng, Chẳng…như Từ Điển iếng Việt, còn có thêm nghĩa "Chẳng hề gì" với ví dụ câu 860 trong Truyện Kiều “Một mình thì chớ, hai tình thì sao”?
Như vậy chữ Chớ mang ý nghĩa "Chẳng hề gì" chỉ trong câu Kiều này hay sao? Thật ra, đây không phải là nghĩa của chữ Chớ vốn có, mà do câu Kiều này mà cụ Đào ghép cho chữ Chớ thêm một nghĩa mới!
Thế thì câu Kiều này nên hiểu thế nào?
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, nghe mẹ tôi thường dùng hai chữ THÌ CHỚ để dạy con cái, với nghĩa đã đành, còn tạm chấp nhận được…so với một điều nguy hại hơn nhiều, không thể chấp nhận được. Một đứa trẻ giận dỗi, đến bữa cơm không ăn, còn đổ bát cơm của mình đi, bị mẹ vừa đánh vừa giảng giải; “ Đến bữa, bảo mày ăn, mày không ăn thì chớ, lại còn dám đổ cả bát cơm đi”! Hay hai anh em đi chơi, em bị bon bạn trêu chọc, mẹ mắng thằng anh : “ Mày đã không làm thinh thì chớ, lại còn hùa với chúng nó trêu em…”. Qua hai ví dụ này ta hiểu được nghĩa hai chữ THÌ CHỚ… người Nghệ vẫn dùng.
Trở lại câu Kiều trên: “ Một mình thì chớ, hai tình thì sao”, nghĩa là Thúy Kiều đã suy nghĩ cẩn thận, nếu mình dùng dao quyên sinh thì chuyện mình chết đã đành, có thể chấp nhận được, nhưng còn chuyện bố mẹ thì sao, có bị liên lụy vì cái chết của mình không?
Phải chăng THÌ CHỚ ở đây Nguyễn Du dụng tiếng Nghệ Tĩnh?
VT.

RẤT ĐÁNG NỂ CỦA TÓM TẮT TRUYỆN KIỀU CỦA 1 BẠN HỌC TOÁN.

Lãnh đạo Hà Tĩnh và các nhà Kiều học thắp hương tại lễ giỗ lần thứ 196 của Đại thi hào

Bài được đọc trong buổi thảo luận về Truyện Kiều của HS lớp 10. Tác giả là Phạm Quốc Đạt, lớp 11 chuyên Toán (Trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn - Vũng Tàu.)
Trước đó, "thi sĩ" cũng vừa giành huy chương bạc cuộc thi Olympic Toán học 30/4 diễn ra tại TP.HCM.
Xin giới thiệu:
"Mình xin thay mặt tổ hai,
Bàn về tác phẩm của ngài Nguyễn Du.
Đời Kiều sóng gió cầm tù,
Giờ đây hồn đã ngàn thu giấc tròn.
Sắc, tài sánh với nước non,
Khách hồng nhan vốn chẳng còn điểm chê.
Gặp Kim, như trúng bùa mê,
Cùng nhau ước hẹn quên thề Đạm Tiên.
Bỗng đâu oan lớn ập liền,
Thuý Kiều buộc phải kiếm tiền chuộc cha.
Chẳng may mắc bẫy Tú Bà,
Biến Kiều bỗng chốc thành quà thanh lâu.
Đương cơn nhục nhã tủi sầu,
Thúc Sinh xuất hiện, phép mầu nhuộm lên.
Tưởng rằng Kiều đã gặp hên,
Hoạn Thư đày đoạ như tên ngục tù.
Nàng đau trong nỗi căm thù,
Phận đời sóng gió mây mù xa trông.
Bạc Bà giết những kiếp hồng,
Lầu xanh Kiều lại vào tròng lần hai.
Chẳng còn nhờ vả được ai,
Kể như nàng đã tương lai mịt mù.
Từ Hải khí phách trời thu,
Kiều được giúp đỡ trả thù bấy lâu.
Ngỡ là chấm dứt nỗi sầu,
Lại Hồ Tôn Hiến hiểm sâu đánh lừa.
Từ Hải chết đứng không thưa,
Thuý Kiều lại kiếp ngày xưa quay về.
Đớn đau, nhục nhã ê chề,
Nàng nay chẳng muốn quay về nhân gian.
Tiền Đường kết liễu kiếp oan,
Giác Duyên giăng lưới nhặt khoan sẵn chờ.
Rời xa nhân thế bẩn dơ,
Nàng nương cửa Phật - cõi mơ nâu sồng.
Ngày kia hết kiếp long đong
Tái duyên Kim Trọng, thong dong sắt cầm.
Đến đây xin phép được ngừng,
Cảm ơn cả lớp chẳng ngừng lắng nghe!"

“TIẾC THAY CHÚT NGHĨA CŨ CÀNG…” PHẢI CHĂNG LÀ NÓI VỀ KIM TRỌNG?


                                                                                                                                                                Mai Văn Hoan

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản
Trong những tháng ngày ở Châu Thai chờ đợi Từ Hải, sau khi diễn tả nỗi nhớ của Kiều đối với quê nhà, cha mẹ, Nguyễn Du viết: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Hầu hết các nhà nghiên cứu phê bình, những người quan tâm đến Truyện Kiều xưa nay, khi đề cập đến hai câu này đều cho rằng Kiều đang nhớ và nghĩ về chàng Kim. Nhà thơ Xuân Diệu và nhà văn Vũ Hạnh cũng cho như vậy nhưng mỗi người lại có những cách lý giải, phân tích, cảm nhận khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Nhà thơ Xuân Diệu bình một cách say sưa: “Đôi ta (Kim - Kiều) như cái ngó sen, cái cuống sen, chúng ta bị chia ra như cái ngó sen bị bẻ làm hai đoạn, nhưng khi ngó sen bị bẻ đôi và khẽ nứt ra thì ở giữa hai đoạn vẫn còn có những sợi tơ lòng của ngó sen níu lấy hai đoạn mãi thôi. Đây là một hình ảnh rất Á Đông, tôi cho là tác giả chọn hình tượng rất giỏi, đứt mà vẫn nối, xa nhau chúng ta vẫn yêu nhau, càng bị đời chia rẽ trái tim chúng ta càng níu lấy nhau” (Nhà thơ thiên tài dân tộc Nguyễn Du). Trong khi đó nhà văn Vũ Hạnh lại cho rằng: “Gặp được Từ Hải, thấy đời mình đã có phần ổn định, thì nói về người tình cũ, Kiều đành chua xót bảo với lòng mình: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Như thế sau gần 10 năm lưu lạc mối tình đối với Kim Trọng đã biến thành nghĩa và là chút nghĩa nhỏ nhoi giờ đã xa xôi cũ kỹ lắm rồi, như vài sợi tơ mong manh vương vấn nơi lòng, thứ hoài niệm về một dĩ vãng tươi đẹp đã vỡ tan tành” (Những khuôn mặt tình yêu trong Truyện Kiều). Xuân Diệu thì cho rằng Kim - Kiều vẫn yêu nhau, càng bị đời chia rẽ trái tim càng níu lấy nhau. Còn nhà văn Vũ Hạnh lại khẳng định mối tình của Kiều đối với Kim Trọng trong khi sống hạnh phúc với Từ Hải đã biến thành “nghĩa” và chỉ là “chút nghĩa nhỏ nhoi như vài sợi tơ mong manh vương vấn nơi lòng” mà thôi. Tôi cứ băn khoăn: Tại sao lại có cách hiểu, cách cảm, cách phân tích trái ngược nhau như thế? Xét trên phương diện logic tình cảm, tôi nghiêng về lời bình của nhà thơ Xuân Diệu. Nhưng xét trên phương diện hình thức diễn đạt thì tôi lại nghiêng về lời phân tích của nhà văn Vũ Hạnh. 
Tình cảm của Kiều đối với chàng Kim không thể biến thành “chút nghĩa cũ càng” như nhà văn Vũ Hạnh nói được dù là đã gần 10 năm họ xa nhau, dù là Kiều đang sống hạnh phúc bên cạnh Từ Hải. Mối tình đầu bao giờ cũng hết sức sâu nặng - đặc biệt là mối tình giữa Kim Trọng và Thúy Kiều! Hai người đã từng “Đinh ninh hai miệng một lời song song”. Giữa hai người đã có bao nhiêu kỷ niệm “Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”. Khi buộc phải bán mình chuộc cha, Kiều đã từng nói với lòng mình: “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” kia mà! Vậy nên không thể có chuyện vì đang sống hạnh phúc với Từ Hải, Kiều xem Kim Trọng chỉ là “chút nghĩa cũ càng”. Tôi nhận thấy bao giờ nhắc đến mối quan hệ Kim - Kiều, Nguyễn Du đều dùng chữ “tình”: Từ khi đá biết tuổi vàng/ Tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ; Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung... Và sau mười lăm năm lưu lạc, gặp lại Kim Trọng, Nguyễn Du cũng viết: “Tình nhân lại gặp tình nhân”. Kiều đã từng khẳng định “tấm son gọt rửa bao giờ cho phai” thì cớ làm sao mối tình với Kim Trọng biến thành “chút nghĩa cũ càng”? Vì đã từng thề ước với chàng Kim nên Kiều tự xem mình như vợ chưa cưới của chàng “Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi”. Trong tiếng Việt “tình” thường đi đôi với “nghĩa”: tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa anh em, tình nghĩa bạn bè… Nhưng khi nhắc đến Kim Trọng bao giờ Kiều cũng nhấn mạnh chữ “tình”. Đó phải chăng là chủ ý của Nguyễn Du? Chẳng hạn: “Tình sâu mong trả nghĩa dày”, hoặc “Nghĩ chàng nghĩa cũ, tình ghi”. “Nghĩa cũ” khác xa với “chút nghĩa cũ càng”. Đã “chút nghĩa” là rất nhỏ nhoi rồi lại “cũ càng” nữa thì làm sao kết thành “khối tình” được!? “Vương tơ lòng”, đúng như nhà văn Vũ Hạnh phân tích “chỉ vài sợi tơ rất mỏng manh” làm sao mà “mang xuống tuyền đài chưa tan”? Theo tôi, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào Kiều cũng không thể coi Kim Trọng chỉ là “chút nghĩa cũ càng”. Song về khía cạnh chữ nghĩa và cách diễn đạt tôi thấy lời bình của Xuân Diệu vẫn có chỗ chưa thật hợp lý. Nếu phân tích như nhà thơ thì “còn vương tơ lòng” sẽ mâu thuẫn với “chút nghĩa cũ càng”. Đã biến thành “chút nghĩa cũ càng” rồi thì níu lấy nhau đã khó, làm gì có chuyện “càng níu lấy nhau”! Vài sợi tơ “mỏng manh” ấy làm sao còn đủ sức níu lấy nhau như nhà thơ Xuân Diệu bình? Bởi vậy, xét về phương diện hình thức diễn đạt tôi thấy nhà văn Vũ Hạnh phân tích có lý hơn. 
Nhân đây, tôi mạnh dạn đưa ra một cách hiểu khác để mọi người cùng tham khảo, trao đổi, bàn luận.
Trong suốt tác phẩm Truyện Kiều, tôi thấy Nguyễn Du sử dụng từ ngữ hết sức nhất quán. Chưa bao giờ nhà thơ dùng mỗi từ “nghĩa” mà không có chữ “tình” kèm theo để nói về mối quan hệ Kim - Kiều như tôi đã dẫn ra ở trên. Bởi vậy, tôi đồ rằng hai câu: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng là nàng Kiều đang nghĩ về Thúc Sinh chứ không phải là đang nghĩ về Kim Trọng. Bời vì những khi đề cập đến mối quan hệ giữa Kiều và Thúc Sinh, Nguyễn Du vẫn thường nhấn mạnh chữ “nghĩa” và “chút nghĩa”. Chẳng hạn như: “Đôi ta chút nghĩa đèo bòng” hay “Lâm Tri chút nghĩa đèo bòng”... Chưa bao giờ nàng Kiều dùng “chút nghĩa” để nói với chàng Kim cả. Thúc Sinh cứu Kiều ra khỏi lầu xanh là “nghĩa”. Thúc Sinh bất chấp thân phận gái lầu xanh cưới Kiều làm vợ lẽ là “nghĩa”. Vì thế, theo tôi hai câu: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng rất có thể là Kiều đang nhớ và nghĩ về Thúc Sinh. Điều đó vừa hợp với logic tình cảm vừa hợp với logic hình thức diễn đạt. Kiều là một người nặng ơn nghĩa. Mặc dù đang sống với Từ Hải nhưng nàng vẫn không quên “chút nghĩa cũ càng” với chàng Thúc. Nàng vẫn lấy làm tiếc với chút “chút nghĩa cũ càng” ấy. “Còn vương tơ lòng” cũng chính là chút tình “mỏng manh” còn sót lại với Thúc Sinh. “Còn vương tơ lòng” rất phù hợp với lời chàng Thúc nói trong lần chia tay cuối cùng của hai người: Dẫu rằng sông cạn, đá mòn/ Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. “Còn vương tơ” thôi, chứ không phải “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” như Kiều nói với bóng hình Kim Trọng. Tình với Thúc Sinh chỉ là “ái ân ta có ngần này mà thôi”, còn với Kim Trọng thì “kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”! Nguyễn Du không thể để Kiều lẫn lộn hai mối quan hệ tình cảm này. Cách dùng từ ngữ của ông là vô cùng chính xác. Còn điều này nữa: Ngay cái việc đang sống với Từ Hải, Kiều chỉ nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, nhớ chàng Kim không thôi, theo tôi cũng cần nên xem lại. Trong trăm ngàn nỗi nhớ, tôi tin rằng một người đa tình, đa cảm và giàu lòng ơn nghĩa như Kiều mà không mảy may nhớ gì đến Thúc Sinh là điều hết sức vô lý và phần nào thiếu nhất quán. Một người kỹ lưỡng đến từng chi tiết như Nguyễn Du chắc chắn là không thể sơ suất như vậy được.

Vì những lý do trên, tôi đồ rằng hai câu: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng có thể là nói về chàng Thúc. Kiều nhớ và nghĩ về Kim Trọng ở hai câu tiếp theo: Duyên em dù nối chỉ hồng/ May ra thì đã con bồng con mang.
MVH

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!


    Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã để lại những di sản văn hóa vô cùng quý giá gồm nhiều tác phẩm văn chương bất hủ bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Về chữ Hán có các tác phẩm: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Về chữ Nôm có các tác phẩm: Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn), Văn tế Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón và đặc biệt là Truyện Kiều, tác phẩm vĩ đại nhất, tập đại thành của văn học cổ Việt Nam. 

Với kiệt tác Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt qua bờ cõi quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng trên thế giới trong đó tiếng Pháp có trên 15 bản dịch, tiếng Anh và tiếng Hán có trên 10 bản, tiếng Nhật 5 bản… 

Ghi nhận đóng góp của ông, năm 1964, Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1675-1965) cùng với 8 danh nhân văn hoá trên toàn thế giới; Năm 2013, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa thế giới vào dịp kỷ niệm 250 ngày sinh của ông vào năm 2015.

Đánh giá về Truyện Kiều, Mộng Liên Đường Chủ Nhân - Nhà phê bình văn học nổi tiếng thế kỷ XIX viết: Nguyễn Du “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”.

      Học giả Phạm Quỳnh thì xem “Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống nòi Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này”; Truyện Kiều “vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”, là “một thiên văn khế tuyệt bút”, là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của ta, để ta  có thể “ngạo nghễ với non sông, tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!...” 

Nhằm góp một phần ít ỏi vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều, đồng thời tạo một sân chơi để những người yêu mến Nguyễn Du - Truyện Kiều có thể giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, tôi lập trang blog này.


        Rất mong quý vị gần xa theo dõi, viết nhận xét và viết bài ủng hộ.


Địa chỉ vào blog trên google: https://hoikieuhochatinh.blogspot.com/  hoặc các vị chỉ gõ cụm từ “ yêu Truyện Kiều” là có thể tìm thấy blog.

Hộp thư điện tử nhận bài vở: thaivansinh@gmail.com


                                                                                    Trân trọng cảm ơn đã ủng hộ.

                                                                                                Thái Văn Sinh




    Với diễn viên Trình Mỹ Duyên đóng vai nàng Kiều trong phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền tại Khu  

    mộ Đại thi hào Nguyễn Du.



    Với ca sỹ Phương Thanh (bên trái) đóng vai Tú Bà  trong phim “Kiều” và đạo diễn Mai Thu Huyền (bên          phải) trong một chuyến dã ngoại của đoàn làm phim.




THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...