CÙNG TÌM HIỂU MỘT CÂU KIỀU

Vương Trọng
Nhà thơ Vương Trọng
Sau khi bị Mã Giám Sinh cướp đời con gái, Thúy Kiều “ Giận duyên tủi phận bời bời/ Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh”. Nhưng rồi nàng không liều, vì:
Nghĩ đi nghĩ lại một mình
Một mình thì chớ, hai tình thì sao?
Các bản Kiều hầu như không chú giải câu này, coi như mọi người đều hiểu được. Nhưng hiểu như thế nào với “Một mình thì chớ”?
Trong Từ điển Tiếng Việt, chữ CHỚ có hai nghĩa chính: 1: Từ biểu thị ý khuyên ngăn dứt khoát: Chớ dại mà nghe theo nó.2: Từ phủ định dứt khoát điều chưa xẩy ra bao giờ: Chớ hề thấy nó đến bao giờ.
Ngoài ra, Chớ còn có nghiã như Chứ…
Đem các nghĩa các chữ Chớ này, ta không hiểu được “ Một mình thì chớ” trên kia nói gì!
Trong Từ Điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, ngoài giải nghĩa chữ Chớ có nghĩa là Đừng, Chẳng…như Từ Điển iếng Việt, còn có thêm nghĩa "Chẳng hề gì" với ví dụ câu 860 trong Truyện Kiều “Một mình thì chớ, hai tình thì sao”?
Như vậy chữ Chớ mang ý nghĩa "Chẳng hề gì" chỉ trong câu Kiều này hay sao? Thật ra, đây không phải là nghĩa của chữ Chớ vốn có, mà do câu Kiều này mà cụ Đào ghép cho chữ Chớ thêm một nghĩa mới!
Thế thì câu Kiều này nên hiểu thế nào?
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, nghe mẹ tôi thường dùng hai chữ THÌ CHỚ để dạy con cái, với nghĩa đã đành, còn tạm chấp nhận được…so với một điều nguy hại hơn nhiều, không thể chấp nhận được. Một đứa trẻ giận dỗi, đến bữa cơm không ăn, còn đổ bát cơm của mình đi, bị mẹ vừa đánh vừa giảng giải; “ Đến bữa, bảo mày ăn, mày không ăn thì chớ, lại còn dám đổ cả bát cơm đi”! Hay hai anh em đi chơi, em bị bon bạn trêu chọc, mẹ mắng thằng anh : “ Mày đã không làm thinh thì chớ, lại còn hùa với chúng nó trêu em…”. Qua hai ví dụ này ta hiểu được nghĩa hai chữ THÌ CHỚ… người Nghệ vẫn dùng.
Trở lại câu Kiều trên: “ Một mình thì chớ, hai tình thì sao”, nghĩa là Thúy Kiều đã suy nghĩ cẩn thận, nếu mình dùng dao quyên sinh thì chuyện mình chết đã đành, có thể chấp nhận được, nhưng còn chuyện bố mẹ thì sao, có bị liên lụy vì cái chết của mình không?
Phải chăng THÌ CHỚ ở đây Nguyễn Du dụng tiếng Nghệ Tĩnh?
VT.

Không có nhận xét nào:

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...