VÀI SUY NGHĨ VỀ KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA NGUYỄN DU - TRUYỆN KIỀU ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH HÀ TĨNH

Nhà thơ Huy Cận với bạn yêu thơ trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ Nhất, tổ chức vào Rằm tháng Giêng năm 2003
tại Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: TVS


                   THÁI VĂN SINH

            1. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Đại thi hào Nguyễn Du đã để lại một di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ với nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, cả chữ Hán và chữ Nôm. Về chữ Hán có ba tập thơ: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục với 250 bài. Về chữ Nôm, có: Văn chiêu hồn (184 câu viết theo thể song thất lục bát), Thác lời trai phường nón (48 câu, viết bằng thể lục bát) và Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ (98 câu, viết theo lối văn tế)…
            Đặc biệt, với kiệt tác thơ Nôm Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) gồm 3254 câu thơ theo thể lục bát, đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Cho đến nay,  kiệt tác Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới với 35 bản dịch. Truyện Kiều đã làm cho Nguyễn Du, được sánh ngang với các đại thi hào của thế giới như: Aleksandr Sergeyevich Puskin (Nga), Johann Wolfgang von Goethe (Đức), William Shakespeare (Anh)...
Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12/1964, Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1675-1965) cùng với 8 danh nhân văn hoá trên toàn thế giới. Và vào ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15 vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 Danh nhân văn hóa toàn thế giới nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh của ông.
Như vậy đã từ lâu, Nguyễn Du và Truyện Kiều đã trở thành một phần giá trị quan trọng được tôn vinh trong di sản văn hóa nhân loại.
2. Du lịch văn hóa là xu hướng của các nước đang phát triển vì nó đem lại những giá trị lớn cho cộng đồng xã hội, và vì thế mà loại hình du lịch này đã trở thành nội dung chính của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Đông Á - Thái Bình Dương, được nhóm họp 2 năm một lần (Lần mới đây nhất vào ngày 11/06/2014 tại Việt Nam). Hà Tĩnh có một tài nguyên du lịch văn hóa phong phú với 02 đi tích cấp Quốc gia đặc biệt, 75 di tích cấp Quốc gia và gần 400 di tích cấp tỉnh, cùng nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, nhiều làng nghề, lễ hội truyền thống tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Bên cạnh đó Hà Tĩnh có hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận: Ca trù di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) và dân ca Ví, Giặm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ( năm 2014).
Trong du lịch văn hóa thì các di tích danh nhân và những di sản phi vật thể của danh nhân là một trong những điểm mà du khách rất quan tâm khám phá. Cùng với các Khu di tích Trần Phú, Hà Huy Tập, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành một điểm nhấn nổi bật trong bản đồ du lịch danh nhân của Hà Tĩnh. Khi đến tham quan khu di tích này, du khách thường khám phá các điểm sau:
Nhà thờ Nguyễn Du: Năm 1824, Nguyễn Ngũ cùng con cháu trong dòng họ đã đưa hài cốt Nguyễn Du về quê nhà cải táng và lập đền thờ ngay trên khu vườn cũ của ông tại xóm Tiền, thôn Lương Năng (nay là thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân). Khoảng thời gian từ năm 1934 -1935 nhà thờ bị hỏng. Năm 1940, Hội Khai trí Tiến Đức cùng con cháu họ Nguyễn Tiên Điền xây dựng nhà thờ trong khu vườn họ Nguyễn. Năm 2010, nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du được xây dựng mới và khánh thành vào tháng 11/2012.
Nhà Văn thánh - Bình văn: Văn thánh hàng huyện thờ Khổng Tử do Nguyễn Nghiễm xây dựng. Trước đây, mỗi dịp xuân về các bậc túc nho trong vùng về đây báo ơn, bình văn, đọc thơ và tổ chức lễ "cầu khoa" cầu cho con em trong vùng thành danh trên con đường khoa cử.
Đàn tế, bia đá Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du): Năm 1762, sau khi Nguyễn Nghiễm được phong Tể tướng, ông cùng em trai là Nguyễn Trọng lập đàn tế, dựng bia đá tưởng nhớ công ơn của cha mẹ.
Mộ Đại thi hào Nguyễn Du: Nguyễn Du lâm bệnh và mất tại Huế vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (ngày 16 tháng 9 năm 1820) thọ 55 tuổi. Phần mộ đặt tại cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1824, con là Nguyễn Ngũ và cháu là Nguyễn Thắng dời về cải táng trong vườn nhà tại xóm Tiền, thôn Lương Năng (nay là thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân). Với dự án Tôn tạo khu di tích Nguyễn Du bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá (1999 -2004), khu mộ đã được xây dựng, chỉnh trang lại như hiện nay.
Đền thờ, mộ Nguyễn Nghiễm (1708-1776): Nguyễn Nghiễm là con trai thứ hai của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh và là thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du. Ông là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà sử học uyên bác và là người đứng đầu về con đường cử nghiệp, khoa bảng họ Nguyễn - Tiên Điền. Ông đậu tiến sỹ năm 1731, làm Tế tửu Quốc Tử Giám (1742), giữ chức Tể tướng (1762) và trong gần 50 năm làm quan của mình, ông đã để lại nhiều trước tác có giá trị như: “Quân trung liện vịnh”, “Xuân đình tạp vịnh”, “Cổ lễ nhạc thi văn” và bài phú Nôm “Khổng Tử mộng Chu Công”... Đền thờ được xây dựng khi ông còn sống (sinh từ), thuộc thôn Bảo Kệ, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân và nhân dân thường gọi đây là đền “Đức Đại vương hai”. Phần mộ ông hiện nằm tại thôn Tiên Thanh xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.
Đền thờ Nguyễn Trọng (1710 - 1789), Nguyễn Trọng là chú ruột của Nguyễn Du, người giỏi về văn thơ, lý, số, y học. Đền thờ được xây dựng khi ông còn sống (sinh từ)) ở thôn Tiên Quang, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Kiến trúc đơn giản, nội thất còn giữ lại nhiều đồ tế khí, hoành phi câu đối có giá trị. Trước đền thờ có voi, ngựa đá, tấm bia Tích thiện gia” và trong khuôn viên còn có mộ phần của ông.
Khu lăng Văn Sự: Là khu mộ tổ đời thứ 3 của họ Nguyễn - Tiên Điền, gồm mộ Nguyễn Thể - thân phụ Nguyễn Quỳnh; Thuật Hiên công Nguyễn Khản; Phương Trạch hầu Nguyễn Ổn; Chính thất Lê Quý thị (vợ Phương Trạch hầu); Giới Hiên công Nguyễn Huệ và chính thất Nguyễn Quý Thị (vợ Nguyễn Huệ).
Không gian văn hóa Nguyễn Du: Xây dựng vào năm 2000, gồm Tượng đài, Thư viện Nguyễn Du, Hội trường; Nhà thờ, Nhà bảo tàng Nguyễn Du...
3. Mặc dù là một điểm nhấn trong quy hoạch du lịch - di sản của Hà Tĩnh nhưng thực sự Khu di tích này vẫn chưa phát triển đúng tầm vóc vốn có của nó. Đến nay, mỗi năm Khu lưu niệm Nguyễn Du đón từ 1,8 đến 2 vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trong khi đó, nằm trong chuỗi du lịch lịch sử - văn hóa Hà Tĩnh, Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc đã có đến gần 30 vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm, gấp gần 15 lần so với di tích Nguyễn Du. Nguyên nhân cơ bản theo chúng tôi là kinh phí đầu tư cho di tích Nguyễn Du vẫn còn quá khiêm tốn nên sản phẩm du lịch văn hóa ở đây chưa thu hút được du khách. Theo thống kê chưa đầy đủ thì kinh phí đầu tư trùng tu tôn tạo di tích này trong gần 25 qua, kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay chỉ mới gần 50 tỷ đồng, trong đó cho đợt kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào là 23 tỷ đồng. Nếu so sánh với kinh phí trùng tu, tôn tạo và các hoạt động kỷ niệm cho một số di tích danh nhân khác trên địa bàn trong nhiều năm lại đây thường là xấp xỉ 100 tỷ đồng thì quả là mức đầu tư quá khiêm tốn so với một danh nhân văn hóa thế giới.
Cách đây trên 10 năm, một doanh nhân nước ngoài đã có ý tưởng xin đầu tư vào Khu di tích này bằng cách tái tạo lại không gian văn hóa Truyện Kiều để vừa thu hút du khách, quảng bá các giá trị di sản văn hóa Nguyễn Du, vừa làm trường quay giả cổ để quay phim cổ trang như Hàn Quốc và Trung Quốc từng làm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên ý tưởng này không thực hiện được.
Ngày 21/6/2005, với nỗ lực tham mưu của ngành văn hóa và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 117/TB-VPCP trong đó có nội dung đồng ý chủ trương tổ chức kỷ niệm 240 năm ngày sinh Đại thi hào và lập quy hoạch xây dựng Dự án Khu văn hóa - Du lịch Nguyễn Du. Và chính thức từ đây vấn đề đầu tư để phát huy giá trị di sản Nguyễn Du - Truyện Kiều theo hướng phát triển du lịch được đặt ra một cách bài bản. Đây là một điều rất đáng phấn khởi cho những ai yêu kính Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tuy nhiên qua gần một thập kỷ, vấn đề này vẫn chỉ mới là quy hoạch và quy hoạch này cũng đã thay đổi so với ý tưởng ban đầu.
            Năm 2005, quy hoạch này có tên là Quy hoạch xây dựng Khu văn hóa - Du lịch Nguyễn Du với ý tưởng vật thể hóa và tạo hình hóa văn chương và cuộc đời của Nguyễn Du. Cụ thể bằng phương pháp sử dụng các yếu tố kiến trúc và cảnh quan, tượng và nhóm tượng, phù điêu, tranh tường cùng nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật xếp đặt trong không gian lớn để cụ thể hóa các hình ảnh được đặc tả trong văn chương Nguyễn Du, làm cho di sản thơ văn Nguyễn Du vốn được biểu hiện bằng ngôn ngữ sẽ trở thành vật thể tạo hình có thể nhìn thấy, cảm thấy và nghe thấy được. Đặc biệt là ở đây sẽ tái tạo lại không gian văn hóa Truyện Kiều với các nhân vật và cảnh quan trong Truyện Kiều.
            Ngày 22/8/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 2450/UBND - VX phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu văn hóa du lịch Nguyễn Du với tổng diện tích 339,75ha, thuộc phạm vi xã Tiên Điền và một phần diện tích thị trấn Nghi Xuân và xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân.
            Năm 2013, quy hoạch này có tên là Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du được phê duyệt theo Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tầm vóc của quy hoạch bấy giờ lớn hơn so với trước đây. Quy hoạch bao gồm 4 nhóm phân khu chức năng chính: Khu lưu niệm, quảng trường Tố Như, không gian thơ ca Nguyễn Du; không gian văn hóa truyền thống Tiên Điền, Nghi Xuân và Trung tâm diễn giải du lịch văn hóa lịch sử gắn với giá trị thơ ca và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du; không gian Nguyễn Du; không gian phong cảnh tưởng niệm và mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài các phân khu nói trên còn có 2 trung tâm: Trung tâm dịch vụ du lịch - điều hành và Trung tâm giới thiệu sản vật địa phương - nghề truyền thống.
Việc triển khai Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du sẽ làm cho những di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều được bảo tồn và phát huy giá trị đúng tầm. Tuy nhiên vấn đề mà chúng ta quan tâm vẫn là một thập kỷ làm quy hoạch thì đến bao giờ quy hoạch đó trở thành hiện thực.
4. Trên thế gới có nhiều những điểm du lịch thu hút du khách là khu lưu niệm các thi hào, văn hào nổi tiếng. Tầm vóc của Nguyễn Du và Truyện Kiều đã sánh ngang nhiều đại diện văn học của thế giới, được nhiều người biết đến. Đặc biệt gần đây, ngay cả trong ngôn ngữ ngoại giao, Truyện Kiều cũng được đưa vào vận dụng. Vào tháng 11/2000, khi thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Bill Clinton đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, gần gũi khi đọc hai câu Kiều khi đề cập chiều hướng phát triển của quan hệ hai nước: "Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân". Và mới đây, ngày 7/7/2015, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì buổi tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc 2 câu Kiều để diễn tả quan hệ Việt - Mỹ: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Những điều đó cho thấy rằng di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều có một tầm lan tỏa sâu sắc và rộng rãi, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Chính vì vậy, khai thác di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều để phát triển du lịch phải là một chiến lược của Hà Tĩnh. Tầm vóc của di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều rất lớn, nếu khai thác đúng tài nguyên này, tin chắc sẽ tạo được một bước phát triển ngoạn mục của du lịch Hà Tĩnh./.
 TVS

Tài liệu tham khảo:
- Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du, Sở VHTT&DL Hà Tĩnh, tháng 7/2014.
- Các tài liệu do Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du, Ban quản lý Khu di tích Ngã Ba Đồng lộc, Ban quản lý xây dựng cơ bản Sở VHTT&DL Hà Tĩnh cung cấp.






Không có nhận xét nào:

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...