ĐẠI HỘI HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM NHIỆM KỲ II (2017 - 2022)

Toàn cảnh Đại hội

Ngày 13/01/2017 Đại hội nhiệm kỳ II (2017 - 2022) Hội Kiều học Việt Nam đã được tổ chức long trọng tại Thủ đô Hà Nội.

Về dự Đại hội có 205 hội viên đại diện cho gần 600 Hội viên trong cả nước.
Đại hội vui mừng chào đón 45 khách mời đến dự và chia vui với Đại hội. Đặc biệt, mặc dầu rất bận, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Uỷ viên TW Đảng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận và phê bình VHNT TW đã đến dự và phát biểu ý kiến.
Trong không gian trang trọng, ấm cúng tại Hội trường lớn Thư viện Quốc gia, với tinh thần làm việc trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nghiêm túc và khẩn trương Đại hội đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Đại hội đã thông qua Nghị quyết trong đó nhấn mạnh các nội dung chính sau:
I. Đánh giá hoạt động của Hội nhiệm kỳ I (2011-2016)
Đại hội nhất trí thông qua báo cáo tổng kết hoạt động của BCH nhiệm kì I do Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội khóa I trình bày. Đại hội ghi nhận những cố gắng của BCH nhiệm kỳ I:
1.Trong buổi đầu mới thành lập, phải tự lo, tự trang trải về ngân sách hoạt động nhưng Hội đã phối hợp với các địa phương tổ chức các hội thảo khoa học về Nguyễn Du và Truyện Kiều; thành lập và ra mắt các Văn phòng đại diện của Hội ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
2. Hội đã xuất bản một số văn bản của Hội như văn bản Truyện Kiều, cuốn phim tư liệu “Trăm năm trong cõi Truyện Kiều” và một số văn bản; thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác. 
3. Đặc biệt Hội đã góp phần tích cực cùng với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du năm 2015 và tổ chức long trọng ngày giỗ lần thứ 196 Đại thi hào vào 10 - tháng 9 năm 2016.
4. Đại hội chân thành cám ơn các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các cá nhân trong thời gian qua đã nhiệt tình quan tâm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần tạo điều kiện để Hội phát triển và trưởng thành.

Đoàn Chủ tịch và Thư ký Đại hội
II. Phương hướng hoạt động của Hội nhiệm kỳ II (2017 - 2022)
Nội dung trọng tâm là hướng tới lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020). Để tổ chức thành công ngày kỷ niệm trên, cần tập trung vào những hoạt động chính sau đây:
1.Tiếp tục tiến hành phát huy những tiềm năng trong các hoạt động khai thác, sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá về Nguyễn Du và Truyện Kiều; 
2. Biên soạn và cho xuất bản một số ấn phẩm, phim tư liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều, các loại hình hoạt động văn hóa nghệ thuật khác và xây dựng trang Website của Hội.
3. Phát huy sáng kiến, để có những hoạt động nhằm thiết thực góp phần vào lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du vào tháng 9 - 2020.
4. Phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, vận động các tập thể cá nhân nhiệt tình, tâm huyết tìm nguồn tài trợ xây dựng Quỹ Nguyễn Du nhằm trao thưởng cho những tập thể, cá nhân có thành tích trong truyền bá, nghiên cứu, giảng dạy và học tập về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
5. Hội sẽ phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Hà Nội xây bia và Nhà tưởng niệm Nguyễn Du tại Hà Nội.
6. Tiếp tục vận động kết nạp hội viên mới của Hội, vận động thành lập các chi hội ở những địa phương và thành lập thêm các VPĐD.
III. Kết quả bầu cử và Điều lệ Hội của nhiệm kỳ II (2017-2022) do Đại hội quyết định
1. Nhất trí thông qua hoạt động bầu cử BCH nhiệm kỳ II trên tinh thần công khai, dân chủ, đồng thuận. Đại hội đã bầu được 33 hội viên đảm bảo tiêu chuẩn tham gia BCH hội, và Ban kiểm tra Hội gồm 03 người.
2. Đại hội nhất trí thông qua Điều lệ Hội nhiệm kỳ II với 8 Chương, 26 Điều như đã được thảo luận nhất trí tại Đại hội.
Đại hội giao cho BCH nhiệm kỳ II chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội đã được thông qua.
Phát huy những bài học thành công của nhiệm kỳ I, Đại hội nhiệm kỳ II Hội Kiều học Việt Nam tin tưởng và phấn khởi bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú hơn nhằm quảng bá cho nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tầm vĩ đại của Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và tác phẩm bất hủ: Truyện Kiều.

Phát biểu của Đoàn Hà Tĩnh tại Đại hội

Buổi chiều cùng ngày Ban Chấp hành nhiệm kỳ II (2017 - 2022) đã tổ chức phiên họp thứ nhất để bầu các chức danh và với 100% phiếu bầu, tập thể đã nhất trí bầu:
A. Chủ tịch Hội: GS. Phong Lê
B. Các Phó Chủ tịch: 
1. Ông Võ Hồng Hải
2. Ông Nguyễn Khắc Bảo 
3. Ông Hoàng Xuân Khoá
4. Ông Phùng Văn Tính
C. Ban Thường vụ (ngoài Chủ tịch, các PCT):
1. Ông Bùi Xuân Thập
2. Bà Kiều Thuý Nga
3. Ông Bùi Thiết
4. Ông Vũ Ngọc Khôi
5. Ông Nguyễn Hữu Sơn
6. Ông Lê Đức Hân
D. Theo đề nghị của Chủ tịch Hội về việc thành lập Ban cố vấn, Ban Chấp hành đã nhất trí bầu 5 vị:
1. GS.NGND Nguyễn Đình Chú
2. GS.NGND Trần Đình Sử
3. Nhà thơ Vũ Quần Phương
4. Nhà thơ Vương Trọng
5. Bác sĩ Nguyễn Xuân Lam
Đại hội đã giao cho BCH nhiệm kỳ II (2017-2022) tổ chức thực hiện thành công phương hướng nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra.
Ban Chấp hành Hội Kiều học Việt Nam trân trọng cảm ơn UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND tỉnh Bắc Ninh, Thư viện Quốc gia Việt Nam, TS Phạm Tuần, nhà giáo Lê Đức Hân và các tổ chức, cá nhân khác đã ủng hộ vật chất và tinh thần góp phần vào sự thành công của Đại hội.
Ban Chấp hành Hội Kiều học Việt Nam đánh giá cao và ghi công các đồng chí trong Ban tổ chức Đại hội, đã tận tâm tận ý đóng góp lớn vào sự thành công của Đại hội.
Ban Chấp hành ghi nhận sự đóng góp lớn của các thành viên trong Ban vận động thành lập Hội Kiều học Việt Nam, các đồng chí trong BCH nhiệm kỳ I và toàn thể hội viên Hội Kiều học Việt Nam, các bạn yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều trong nước và nước ngoài đã đồng hành, đóng góp trong một mái nhà chung - Hội Kiều học Việt Nam, cổ vũ cho sự thành công của Đại hội và sự phát triển trong nhiệm kỳ II của Hội.

Không có nhận xét nào:

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...