LONG TRỌNG TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 198 NĂM NGÀY MẤT DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI - ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

    LTS: Sáng 19/9/2018 (10/8 Mậu Tuất), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng Đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh tổ chức Lễ tưởng niệm lần thứ 198 năm ngày mất danh nhân văn hóa Thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du.
      Tham dự buổi lễ có đồng chí Hà Văn Thạch, UVBTVTU, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, lãnh đạo Hội Kiều học Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du; Lãnh đạo chính quyền địa phương, dòng họ và gần 50 hội viên Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh. Đặc biệt dự lễ giỗ lần này còn có 20 đại biểu của Hội người cao tuổi làng Canh Hoạch, Hà Nội.
      Buổi lễ đã diễn ra long trọng với các nội dung: Lễ dâng hương tại khu mộ; Lễ dâng hương tại Nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du; Lễ tiếp nhận câu đối do Hội Người cao tuổi làng Canh Hoạch (Hà Tây cũ) cung tiến và Chương trình biểu diễn Trò Kiều của các nghệ nhân Câu lạc bộ Trò Kiều xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.
                                Sau đây là một số hình ảnh tại buổi lễ:
Lễ dâng hương tại Khu mộ Đại thi hào. Ảnh Đức Cường


Dâng rượu lên mộ Đại thi hào. Ảnh Đức Cường


Toàn cảnh buôỉ L. Ảnh Đức Cường

Tiếp nhận câu đối Hội người cao tuổi làng Canh Hoạch cung tiến. Ảnh Đức Cường
"Canh Hoạch đất danh hương Trạng nguyên cậu,Trạng nguyên cháu, danh truyền khắp nước.
Tiên Điền miền phúc địa Tể tướng cha, Tể tướng con, phúc ấm muôn nhà".
Biểu diễn Trò Kiều, tiết mục: “Trích đoạn Từ Hải chết đứng” trong tấn Trò Kiều do Câu lạc bộ Trò Kiều, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân biểu diễn. Ảnh: TS
Chụp ảnh lưu niệm. Ảnh Đức Cường
Bên tượng Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh TL

“TRUYỆN KIỀU CÒN, TIẾNG TA CÒN. TIẾNG TA CÒN, NƯỚC TA CÒN”

LTS: Chỉ còn 10 ngày nữa là lễ giỗ lần thứ 198 của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Xin gửi tới bạn đọc toàn văn bài Diễn văn của học giả Phạm Quỳnh tại lễ giỗ lần thứ 104 Đại thi hào Nguyễn Du vào ngày 8 tháng 12 năm 1924, tức ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý do Hội Khai trí tiến đức tổ chức tại Hà Nội, để thấy được sự vĩ đại Nguyễn Du cũng như tầm mức văn hóa của cụ Phạm Quỳnh.



Thưa các Ngài,
Hôm nay là ngày giỗ cụ Tiên-điền Nguyễn Tiên-sinh, là bậc đại-thi-nhân của nước Nam ta, đã làm ra bộ văn-chương tuyệt-tác là truyện Kim-Vân-Kiều.
Ban Văn-học Hội Khai-trí chúng tôi muốn nhân ngày giỗ này đặt một cuộc kỷ-niệm để nhắc lại cho quốc-dân nhớ đến công-nghiệp[1] một người đã gây-dựng cho quốc-âm ta thành văn-chương, để lại cho chúng ta một cái « hương hỏa » rất quí-báu, đời đời làm vẻ-vang cho cả giống-nòi.
Chúng tôi thiết-nghĩ một bậc có công với văn-hóa nước nhà như thế, không phải là ông tổ riêng của một nhà một họ nữa, mà là ông tổ chung của cả nước; ngày giỗ ngài không phải là ngày kỷ-niệm riêng của một nhà một họ nữa, chính là ngày kỷ-niệm chung của cả nước.
Hiện nay suốt quốc-dân ta, trên từ hàng thượng-lưu học-thức, dưới đến kẻ lam-lũ làm ăn, bất-cứ già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà, ai ai cũng biết truyện Kiều, ai ai cũng thuộc truyện Kiều, ai ai cũng kể truyện Kiều, ai ai cũng ngâm truyện Kiều, như vậy thời ai ai cũng đều hưởng cái công-nghiệp của Cụ Tiên-điền ta, ai ai cũng phải nhớ ngày giỗ Cụ và nghĩ đến cái ơn của Cụ tác-thành cho tiếng nước nhà.
Muốn cảm cái ơn ấy cho đích-đáng, hẵng thử giả-thiết Cụ Tiên-điền không xuất-thế[2], Cụ Tiên-điền có xuất-thế mà quyển truyện Kiều không xuất-thế, quyển truyện Kiều có xuất-thế mà vì cớ gì không lưu-truyền, thời tình-cảnh tiếng An-Nam đến thế nào, tình-cảnh dân-tộc ta đến thế nào?
Văn-chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn-chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh-thư[3] Phúc-âm[4] của cả một dân-tộc, ví lại khuyết nốt thì dân-tộc ấy đến thế nào?
Than ôi! Mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng-sốt, rụng-rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan-tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp[5] rung đùi, lên giọng cao-ngâm:
Lơ-thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa-mai,

hay là:
Phong-trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm xá gì,

bỗng thấy trong lòng vui-vẻ, trong dạ vững-vàng, muốn nhẩy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo-nghễ với non sông mà tự-phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!...
Có nghĩ cho xa-xôi, cho thấm-thía, mới hiểu rằng truyện Kiều đối với vận-mệnh nước ta có một cái quí-giá vô-ngần.
Một nước không thể không có quốc-hoa, truyện Kiều là quốc-hoa của ta; một nước không thể không có quốc-túy, truyện Kiều là quốc-túy của ta; một nước không thể không có quốc-hồn, truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái « văn-tự »[6] của giống Việt-Nam ta đã « trước-bạ »[7] với non sông đất nước này.
Trong mấy nghìn năm ta chôn rau[8] cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như một giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn-tự văn-khế phân-minh, chứng-nhận cho ta có cái quyền sở-hữu chính-đáng. Mãi đến thế-kỷ mới rồi mới có một đấng quốc-sĩ[9], vì nòi-giống, vì đồng-bào, vì tổ tiên, vì hậu-thế, rỏ máu làm mực, « tá-tả»[10] một thiên văn-khế tuyệt-bút, khiến cho giống An-Nam được công-nhiên[11], nghiễm-nhiên[12], rõ-ràng, đích-đáng làm chủ-nhân-ông một cõi sơn-hà gấm vóc.

Đấng quốc-sĩ ấy là ai? Là Cụ Tiên-điền ta vậy. Thiên văn-khế ấy là gì? Là quyển truyện Kiều ta vậy.
Gẫm trong người ấy báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!

Báu ấy mà lọt đến tay ta, thật cũng là một cái phúc-duyên cho ta, nhưng báu ấy ở trong tay Cụ lại chính là một cái túc duyên[13] của Cụ. Thiên văn-tự tuyệt-bút kia là gồm bao nhiêu giọt máu, bao nhiêu giọt lệ kết-tinh lại mà thành ra, những khi đêm khuya thanh-vắng vẫn thường tỉ-tê thánh-thót trong lòng ta, như
Giọt sương gieo nặng cành xuân la-đà vậy.
Cái áng văn-chương tuyệt-tác cho người đời đó, an-tri lại không phải là một thiên lịch-sử thống-thiết của tác-giả?
Truyện Kiều quan-hệ với thân-thế Cụ Tiên-điền thế nào, lát nữa ông Trần Trọng-Kim sẽ diễn-thuyết tường để các ngài nghe.
Nay tôi chỉ muốn biểu-dương cái giá-trị của truyện Kiều đối với văn-hóa nước ta, đối với văn-học thế-giới, để trong buổi kỷ-niệm này đồng-nhân cảm biết cái công-nghiệp của bậc thi-bá nước ta lớn-lao to-tát là dường nào.
Đối với văn-hóa nước nhà, cái địa-vị truyện Kiều đã cao-quí như thế; đối với văn-học thế-giới cái địa-vị truyện Kiều thế nào?
Không thể so-sánh với văn-chương khắp các nước, ta hẵng so-sánh với văn-chương hai nước có liền-tiếp quan-hệ với ta, là văn-chương Tàu và văn-chương Pháp. Văn-chương Tàu thật là mông-mênh bát-ngát, như bể như rừng. Nhưng trong rừng văn bể sách đó, tưởng cũng ít quyển sánh được với truyện Kiều, mà xét cho kỹ có lẽ không có sách nào giống như truyện Kiều. Gốc truyện tuy do một bộ tiểu-thuyết Tàu mà ra, nhưng vào tay Cụ Tiên-điền ta biến-hóa hẳn, siêu-việt ra ngoài cả lề-lối văn-chương Tàu, đột-ngột như một ngọn cô-phong ở giữa đám quần-sơn vạn-hác vậy. Có người sánh truyện Kiều với Li-tao, nhưng Li-tao là một bài than, từ đầu đến cuối toàn một giọng bi-đát thảm-thương, so với Cung-oán của ta có lẽ đúng hơn. Có người lại sánh với Tây-xương, nhưng Tây-xương là một bản hát, từ-điệu có véo-von, thanh-âm có réo-rắt, nhưng chẳng qua là một mớ ca-từ cho bọn con hát, không phải là một nền văn-chương chân-chính. Cứ thực thì truyện Kiều dẫu là đầm-thấm cái tinh-thần của văn-hóa Tàu, dẫu là dung-hòa những tài-liệu của văn-chương Tàu, mà có một cái đặc-sắc văn-chương Tàu không có. Cái đặc sắc ấy là sự « kết-cấu ». Nhà văn, nhà thơ Tàu, ngoài những bài thơ bài văn nho-nhỏ ngăn-ngắn, phàm làm sách chỉ biết cách biên-tập, không sành cách kết-cấu. Biên-tập là cóp-nhặt mà đặt liền lại; kết-cấu là thu-xếp mà gây-dựng lên, thế nào cho thành một cái toàn-bức các bộ-phận điều-hòa thích-hợp với nhau, không thêm bớt được chút nào. Truyện Kiều là một cái toàn-bức như thế, mà là một bức tranh thế-thái nhân-tình vẽ sự đời như cái gương tầy liếp vậy.
Xét về cách kết-cấu thì văn-chương nước Pháp lại là sở-trường lắm. Cho nên truyện Kiều có thể sánh với những áng thi-văn kiệt-tác của quí-quốc, như một bài bi-kịch của Racine hay một bài văn tế của Bossuet vậy. Đó là nói về cái thể-tài văn-chương. Còn về đường tinh-thần thời trong văn-học Pháp có hai cái tinh-thần khác nhau, là tinh-thần cổ-điển và tinh-thần lãng-mạn. Tinh-thần cổ-điển là trọng sự lề-lối, sự phép-tắc; tinh-thần lãng-mạn là trong sự khoáng-đãng, sự li-kỳ. Truyện Kiều gồm được cả hai cái tinh-thần ấy, vì vừa có cái đạo-vị thâm-trầm của Phật-học, vừa có cái nghĩa-lý sáng-sủa của Nho-học, vừa có cái phong-thú tiêu-dao của Trang Lão, lấy lẽ phải ông Khổng mà chế lại sự thần-bí của nhà chùa, sự khoáng-dật của hai họ. Nhưng mà ngay trong văn-chương nước Pháp tưởng cũng không có sách nào giống hẳn như truyện Kiều, vì truyện Kiều có một cái đặc-sắc mà những nền kiệt-tác trong văn-chương Pháp không có. Đặc-sắc ấy là sự « phổ-thông ». Phàm đại-văn-chương, không những ở nước Pháp, ở nước nào cũng vậy, chỉ có những người thượng-lưu học-thức mới thưởng-giám được, kẻ bình-dân không biết tới. Người Pháp không phải là ai ai cũng biết đọc kịch Racine hay là đọc văn Bossuet. Người Nam thời ai ai cũng biết ngâm Kiều, kể Kiều, « lẩy » Kiều để ứng-dụng trong sự ngôn-ngữ thường, kẻ thông-minh hiểu cách thâm-trầm, kẻ tầm-thường hiểu cách thô-thiển, nhưng ngâm-nga lên thảy đều lấy làm vui tai, sướng miệng, khoái trí, tỉnh hồn.
Thử hỏi cổ kim Đông Tây đã có một áng văn-chương nào cảm người được sâu và được rộng như thế chưa. Tưởng dễ chỉ có một truyện Kiều ta là có thể tự-cao với thế-giới là văn-chương chung của cả một dân-tộc 18,20 triệu người, già, trẻ, lớn, bé, giỏi, dốt, sang, hèn, đều thuộc lòng và đều biết hay cả.
Như vậy thì truyện Kiều, không những đối với văn-hóa nước nhà, mà đối với văn-học thế-giới cũng chiếm được một địa-vị cao-quí.
Văn-chương ta chỉ có một quyển sách mà sách ấy đủ làm cho ta vẻ-vang với thiên-hạ, tưởng cũng là một cái kỳ-công có một trong cõi văn thế-giới vậy.
Cái kỳ-công ấy lại dũ-kỳ nữa là ngẫu-nhiên mà dựng ra, đột-nhiên mà khởi lên, trước không có người khai đường mở lối, sau không có kẻ nối gót theo chân, đột-ngột giữa trời Nam như cái đồng-trụ để tiêu-biểu tinh-hoa của cả một dân-tộc. Phàm văn-chương các nước, cho được gây nên một nền thi-văn kiệt-tác, phải bao nhiêu nhà thơ, bao nhiêu nhà văn, trong bao nhiêu năm lao-công lục-lực, vun-trồng bón-xới mới thành được. Nay bậc thi-bá nước ta, đem cái thiên-tài ít có trong trời đất, đúc cái khí thiêng bàng-bạc trong non sông, một mình làm nên cái thiên-cổ-kỳ-công đó, dẫu khách thế-giới cũng phải bình-tình mà cảm-phục, huống người nước Nam được trực-tiếp hưởng-thụ cái ơn-huệ ấy lại chẳng nên ghi-tạc trong lòng mà thành-tâm thờ-kính hay sao?
Cuộc kỷ-niệm hôm nay là chủ-ý tỏ lòng quốc-dân sùng-bái cảnh-mộ Cụ Tiên-điền ta; lại có các quí-hội-viên Tây và các quí-quan đến dự cuộc là để chứng-kiến cho tấm lòng thành-thực đó. Nhưng còn có một cái ý-nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc-sĩ.
Thác là thể phách, còn là tinh anh,
áng tinh-trung thấp-thoáng dưới bóng đèn, chập-chừng trên ngọn khói, xin chứng-nhận cho lời thề của đồng-nhân đây. Thề rằng: « Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu-sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia-công trau-chuốt lấy tiếng quốc-âm nhà, cho quốc-hoa ngày một rực-rỡ, quốc-hồn ngày một tỉnh-tao, quốc-bộ ngày một tấn-tới, quốc-vận ngày một vẻ-vang, ngõ-hầu khỏi phụ cái chi hoài-bão của tiên-sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây! »
Phạm Quỳnh
Chú thích:
1) công nghiệp: Công lao và sự nghiệp đối với xã hội.
2) xuất thế: ra đời, nói một cách trân trọng.
3) Thánh thư: sách Thánh.
4) Phúc âm: Tin lành.
5) dịp: nhịp.
6) văn tự: giấy tờ do hai bên thỏa thuận ký kết mua bán.
7) trước bạ: đăng ký văn tự với một cơ quan nhà nước để có tính pháp lý.
8) rau: nhau.
9) quốc sĩ: người tài nổi tiếng trong cả nước.
10) tá tả: viết dùm người khác.
11) công nghiên: một cách công khai.
12) nghiễm nhiên: (thực hiện) một cách tự nhiên và đàng hoàng, điều mà trước đó không ai ngờ.
13) túc duyên: duyên sẵn từ kiếp trước.

MỘT TIN VUI

LTS: Với những hoạt động tích cực của Hội Kiều học Việt Nam và Văn phòng Đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh trong các cuộc làm việc gần đây với lãnh đạo tỉnh, ngày 22/8/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành một văn bản rất quan trọng, xin báo để các hội viên mừng. Đây là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội từ nay đến 2020.


VẦNG TRĂNG VỚI THÚY KIỀU


    Theo quy luật tự nhiên, số đêm có trăng cũng chỉ xấp xỉ với đêm tối trời, thế nhưng trong Truyện Kiều, phần lớn các đêm đều có trăng. Nếu như tôi thống kê không nhầm, thì chỉ có ba đêm không trăng, đấy là đêm Thúy Kiều trao duyên cho Thúy Vân, đêm cùng Mã Giám Sinh ở trú phường và đêm Hoạn Thư đánh ghen bắt hầu đàn. Trường hợp thứ nhất và thứ ba, có thể do  chuyện xẩy ra trong đêm khuya, lại ở trong nhà, nên vầng trăng không xuất hiện. Trường hợp thứ hai, là đêm Thúy Kiều bị lão Mã hại đời trinh tiết, tác giả muốn mô tả một đêm kinh hoàng, tăm tối “ Trời hôm mây kéo tối sầm/ Dàu dàu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương” dẫn đến “ Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”, và “ Đời người thôi thế là xong một đời” nên không cho vầng trăng nào xuất hiện?
  Trong Truyện Kiều, với Thúy Kiều đêm đầu tiên là đêm sau ngày mấy chị em đi chơi thanh minh. Đêm đó Thúy Kiều ám ảnh bởi Đạm Tiên, manh nha  mối tình với chàng Kim và vầng trăng đã mấy lần xuất hiện với các tên gọi khác nhau, khi thì “Gương nga chênh chếch dòm song”, “Một mình tựa ngắm bóng nga”; khi thì “Chênh chênh bóng nguyệt xế mành”…với chức năng chủ yếu là dẫn dắt Thúy Kiều vào cõi mộng.
  Thứ hai là khi cả nhà đi dự “sinh nhật ngoại gia”, Thúy Kiều tận dụng cơ hội lẻn sang thăm chàng Kim hai lần. Đi lần thứ nhất không thấy có trăng, vì ban ngày, nhưng lần thứ hai thì “Nhặt thưa gương giọi cầu cành” khi nàng “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Và vầng sáng nhất, quan trọng nhất trong đêm ấy là vầng trăng chứng kiến thề bồi: “ Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song”.
   Một tháng ròng theo Mã Giám Sinh đi từ Bắc Kinh về Lâm Tri, tất nhiên thế nào cũng có đêm có trăng, và tác giả đã dành cho một câu tả cảnh, tả tình hay vào loại bậc nhất của Truyện Kiều:
Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Khuya, ngồi trên xe ngựa đi đường nhìn lên trời, mây mù như tan ra cho vầng trăng hiển hiện.Ôi, vầng trăng thề thốt vẫn còn kia, mà mình đã phụ lời với người tình, mắt gặp lại trăng mà lòng thẹn với lòng!
 Ở Lâm Tri nàng buồn, chiều hôm ra ngồi trước lầu Ngưng Bích, nhìn ngang màn trời chợt nhận ra “ Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung”. Trong tự nhiên thì trăng xa hơn núi, nhưng trong khoảnh khắc ấy, núi non như đẩy xa ra, vầng trăng như kéo gần lại, để cả hai thứ ấy  cùng nằm trong một bình diện.
    Rồi nàng mắc lừa Sở Khanh, trốn đi trong “Đêm thu khắc lậu, canh tàn/ Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương”, hình như cảnh ấy muốn báo một chuyện hãi hùng sắp diễn ra, là Sở Khanh trốn đi, Tú Bà bắt nàng về, đánh đập, buộc nàng phải chịu tiếp khách. Nhưng, “nghề chơi cũng lắm công phu”, Thúy Kiều phải học nghề như bao cô gái khác, điều oái oăm là cái mụ Tú Bà “nhờn nhợt màu da”ấy lại chọn đêm trăng sáng để dạy nghề lầu xanh! Nàng đã thực sự trở thành gái lầu xanh, dù có “vui gượng kẻo là” thì cũng phải tiếp khách, cũng phải biết “cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa” để chiều khách làng chơi, kể cả khi với Thúc Sinh “nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng”, chuốc rượu, nối thơ “ khi gió gác, khi trăng sân”…Rồi cũng vào một đêm trăng “ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương”, Thúc Sinh đã đánh lừa Tú Bà để hoàn lương Thúy Kiều. Sắc, tài đã cho nàng Kiều thắng kiện, dẹp cơn thịnh nộ của Thúc Ông, về chung sống “huệ lan sực nức một nhà” với Thúc Sinh. Thúy Kiều khuyên chồng về Vô Tích thăm vợ cả là Hoạn Thư, Thúc Sinh lên đường, nàng Kiều đưa tiễn, “ Vầng trăng ai xẻ làm đôi” một nửa ở lại với gối chiếc Thúy Kiều, một nửa theo dặm trường chàng Thúc!
   Một năm xa, một năm chờ đợi, vào một đêm thu, nàng nhìn lên bầu trời thấy vầng trăng khuyết và ba ngôi sao, tưởng ai tạc lên giữa không gian chữ TÂM, là chữ cuối của Thúc Kỳ Tâm, tên của Thúc Sinh, để nàng thêm nhớ chàng. Nhưng chính đêm trăng đó bọn Khuyển Ưng đã đến đánh thuốc mê bắt nàng đưa về Vô Tích theo mưu đồ đánh ghen của Hoạn Thư. Kể chi chuyện nàng bị Hoạn Thư hành hạ bắt hầu đàn, kể chi chuyện nàng ra ở Quan Âm Các, chỉ nhớ chuyện nàng trốn khỏi Quan Âm Các cũng vào một đêm trăng “ Cất mình qua ngọn tường hoa/ Lần đường theo ánh trăng tà về tây”.Trăng cứu Thúy Kiều ra khỏi Quan Âm Các thì “cữ cuối xuân / bóng hoa rợp đất, vẻ ngân ngang trời” lại đưa Bạc bà đến Chiêu Ẩn Am để mang tai họa cho nàng, bắt nàng trở lại lầu xanh, chỉ có khác là không phải ở Lâm Tri mà ở Châu Thai.
    Một đêm “gió mát trăng thanh” thật đẹp là đêm vị anh hùng Từ Hải xuất hiện, sau đó cứu nàng ra khỏi vũng lầy lầu xanh, nhưng rồi chính Từ mắc mưu Hồ Tôn Hiến, phải chết đứng. Bị ép gả cho thổ quan, nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn khi “mảnh trăng đã gác non đoài”…Nhưng rồi chính Thúy Kiều được hai ngư phủ cứu, đưa về Thảo Am sống cùng Giác Duyên, “ Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng” chờ ngày đoàn viên “ trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”. Như thế, vầng trăng đã hành trình theo cuộc đời của Thúy Kiều. Và ta chắp lại thành thơ:

                         TRĂNG TRONG KIỀU

Phải chăng người đẹp trên trời
Kết thân người đẹp cõi đời từ lâu
Mà Kiều, đêm ở nơi đâu
Chị Hằng tìm đến bên nhau tự tình?

Vui buồn sau hội thanh minh
Gương nga, bóng nguyệt hiện hình sẻ chia
Thương nàng giấc mộng não nề
Cớ sao trăng lại đưa về Đạm Tiên?

Đầu cành trăng dọi nhà bên
Xăm xăm băng lối, chàng Kim sững sờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ
Vầng trăng chứng kiến tóc tơ thề bồi.

Chưa sum họp, đã chia phôi
"Thấy trăng mà thẹn những lời non sông"
Theo xe đi một tháng ròng
Vầng trăng thương cảm nỗi lòng Kiều nhi.

Gặp trăng mấy độ Lâm Tri
Trăng gần Ngưng Bích, xa gì lầu xanh
" Bóng nga thấp thoáng dưới mành"
Trăng ơi sao để Sở Khanh hiện về?
Lừa nàng lẩn trốn canh khuya
Gió cây trút lá thảm thê trăng ngàn
Tú Bà đã đắt mưu gian
Chọn khi nguyệt sáng dạy nàng nghề chơi!
Bẽ bàng chi bấy người ơi
Nửa rèm tuyết ngậm, trăng soi bốn bề
Câu thơ, nét vẽ não nề
Chiều người trong nguyệt tái tê cung đàn.

“Khi gió gác, khi trăng sân”
Với chàng Thúc biết bao lần hàn huyên
Dưới trăng hè vẳng tiếng quyên
Thang lan rủ trướng rõ thêm ngọc ngà
Biệt ly đau dặm đường xa
Vầng trăng xẻ nửa, quan hà chia hai.
“Tóc thề đã chấm ngang vai”
Ba sao, trăng khuyết tên ai giữa trời
Trốn Quan Âm các ra ngoài
Trăng tà soi bóng dẫn người về tây.

Khách biên đình bỗng một ngày
Trăng thanh gió mát sang đây thăm Kiều
Ngờ đâu oan nghiệt còn theo
Non đoài trăng gác đêm gieo Tiền Đường
Giác Duyên nhà cỏ đón nàng
Chay lòng dưa muối, gió trăng cõi thiền
Để rồi đón cảnh đoàn viên
Trăng tàn mà lại sáng lên không ngờ.

Trăng trời khi tỏ, khi mờ
Trăng Kiều tròn, khuyết - bao giờ cũng trong
Như nàng nước đẩy theo dòng
Mà nguồn trinh bạch giữ lòng vẹn nguyên
Trăng, người hội ngộ bao phen
Nỗi niềm trần thế thấu lên cõi trời!
 VƯƠNG TRỌNG

GIÁO SƯ HOÀNG XUÂN HÃN VỚI NGUYỄN DU VÀ “TRUYỆN KIỀU”

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn 
GS Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 08/3/1908, quê thôn Yên Phúc, làng Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Thuở nhỏ Ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà với cụ thân sinh và thầy đồ người họ ngoại.
Sinh ra và lớn lên trong một vùng ”Địa linh nhân kiệt” nên ngay từ nhỏ Ông đã được hấp thụ và say mê văn hóa dân tộc, yêu mến sự nghiệp và các tác phẩm của các danh nhân như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp…vv.
Chính GS Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên nghiên cứu và đề xuất ý kiến cho rằng đã từng hình thành một “Hồng Sơn văn phái” ở các huyện vùng Đông Bắc Hà Tĩnh.
Mặc dù được đào tạo bài bản thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật như toán học, cơ học, thiên văn học, khoa học quân sự, cả tin học và vật lý nguyên tử (1958) và cũng đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu trong các lĩnh vực trên, nhưng Ông vẫn giành nhiều thời gian  nhất cho việc nghiên cứu văn hóa dân tộc như ngôn ngữ giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường, lịch và lịch Việt Nam, lịch sử và văn hóa Việt Nam thời trung đại. Đặc biệt Ông đã dành hơn 50 năm cuối đời để khảo cứu Truyện Kiều và các tác phẩm khác của Nguyễn Du. GS Hoàng Xuân Hãn thưởng thức và khảo cứu Truyện Kiều không chỉ với thái độ cẩn trọng, nghiêm túc của một nhà văn bản học, của một nhà nghiên cứu lịch sử, với tâm hồn của một nhà thơ, mà còn với tư duy của một nhà toán học và thiên văn học.
Tôi xin kể sau đây một vài câu chuyện về GS Hoàng Xuân Hãn với việc nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du.
Câu chuyện thứ nhất: Đó là câu chuyện vui về bài báo Cô Kiều bị bắt đăng trên báo khoa học số 10 tháng 10/1942. GS Hoàng Xuân Hãn và GS Nguyễn Xiển cùng nhiều nhà khoa học đã khai trương tờ báo Khoa học vào những năm đầu của thập kỷ 40 của thế kỷ trước nhằm truyền bá những kiến thức và tư tưởng khoa học cho giới trẻ và quần chúng nhân dân nói chung. GS Hoàng Xuân Hãn chịu trách nhiệm chính viết các bài về toán học, lý học, hóa học, cơ học và thiên văn học trên tờ báo này.
Năm 1942, nhân kỷ niệm ngày giỗ của thi hào Nguyễn Du, các tờ báo ở Việt Nam đều có nhiều bài viết về thi hào. Báo Khoa học có vẻ “ngoại đạo” với văn chương. GS Nguyễn Xiển đề nghị GS Hoàng Xuân Hãn viết cho báo Khoa học một bài để hưởng ứng kỷ niệm thi hào Nguyễn Du nhân ngày giỗ của thi hào và GS Hãn đã nhận lời. Giáo sư viết. “Trong khi các báo đang lo bài để kỷ niệm cụ Nguyễn Du, báo Khoa học không lẽ vì 2 tiếng Khoa học mà quên một bậc văn hào, nên tôi đã trộm phép các bạn làng văn đem hai câu Kiều ra bàn để đoán ngày giờ lúc Cô Kiều bị bọn Khuyển Ưng bắt”. Trong số báo Khoa học ngày 10/10/2015, Giáo sư viết bài đố Kiều với nội dung xin được trích nguyên văn như sau:
Đêm thu gió lọt song đào
Nửa vừng trăng khuyết, ba sao giữa trời.
Đó là hai câu thơ tuyệt diệu của cụ Nguyễn Du tả cái đêm, chồng vắng, Cô Kiều ra trước phật đài, rồi bị bầy côn quang “bắt cóc”.
Tôi nay mạn phép Cụ Tiên Điền đem câu văn của cụ mà đặt nên một câu đố trinh thám rằng: Cô Kiều bị bắt chừng vào ngày, tháng, giờ nào ? Cửa sổ phòng Cô Kiều quay về hướng nào ?.....”
Bài báo của Giáo sư đã gây nên một cuộc trao đổi, bàn luận và tranh luận sôi nổi, hào hứng vui vẻ trong giới khoa học và học sinh, sinh viên hồi đó và không chỉ thu hút được giới khoa học tự nhiên, mà còn hấp dẫn các học giả về khoa học xã hội. Cụ Hoàng U Mai, Cụ Đào Duy Anh cũng tham gia tranh luận trên các báo Thanh nghị và báo Văn Lang. Gần 6 tháng sau, trên tờ báo Khoa học số 15 ra vào tháng 9/1943, bằng kiến thức toán học, thiên văn học và với tâm hồn của một nhà thơ, Giáo sư đã lý giải một cách chính xác, đơn giản, dễ hiểu lời giải của mình về hình ảnh trăng sao trên bầu trời đêm thu mà Nguyễn Du đã mô tả trong hai câu Kiều nói trên để cho biết Cô Kiều bị bắt vào ngày, giờ, tháng nào, và cửa sổ phòng Cô Kiều quay về hướng nào. Cuộc tranh luận chủ yếu xoay quanh việc coi " ba sao giữa trời " (Tam tinh tại thiên) là sao gì ? Sao Sâm hay sao Tâm? Cụ Hoàng U Mai và Cụ Đào Duy Anh đã chọn sao Sâm theo sách Từ Nguyên (Từ điển Trung Hoa), còn GS Hãn chọn sao Tâm (theo sách Chu Hy). Nếu chọn sao Sâm thì cũng có thể đoán ra ngày, giờ, tháng nhưng không phù hợp với văn cảnh của câu chuyện lúc đó. Còn chọn sao Tâm thì GS Hãn đã chứng minh rằng Cô Kiều bị bắt vào giờ Tuất, ngày 4 tháng 9. Ở thời điểm đó, sao Tâm ở bán cầu tây nam nên cửa sổ phòng Cô Kiều cũng quay về hướng tây nam. Trong lời bình, Giáo sư nói “ Có lẽ vào thời khắc đó Thúy Kiều nghĩ và nhớ tới Thúc Sinh nên nhìn hình ảnh “ Nửa vừng trăng khuyết ba sao giữa trời” thành chữ Tâm(     ) là tên của Thúc Sinh (Kỳ Tâm Họ Thúc) và cũng vì vậy coi "ba sao giữa trời" là sao Tâm theo sách Chu Hy có phần phù hợp”.
Có lẽ cũng chẳng nên phân định ai thắng, ai thua, ai đúng, ai sai giữa các cụ trong cuộc tranh luận này vì đây chỉ là một chuyện vui tưởng tượng mà thôi. Nhưng rõ ràng hai câu thơ của thi hào và câu đố vui của GS Hoàng Xuân Hãn đã gây ấn tượng sâu sắc trong giới học sinh và sinh viên thời đó. Trong số các học sinh thời đó, có nhiều người sau này thành đạt và trở thành những nhà thiên văn nổi tiếng thế giới như GS Nguyễn Xuân Vinh, đã từng là một chuyên gia hàng đầu làm việc tại Trung tâm nghiên cứu vũ trụ Nasa của Hoa kỳ; hay GS Nguyễn Quang Riệu Giám đốc Đài Thiên văn PARIS nước Cộng hòa Pháp.
  Câu chuyện thứ 2: Đó là câu chuyện về mối tình giữa nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương và thi hào Nguyễn Du.
Từ 1951 - 1954 GS Hoàng Xuân Hãn đã được Thư viện Quốc gia Pháp và các Thư viện Dòng Tên ở Italia và Tòa Thánh Vatican mời dịch và làm thư mục cho các sách Hán Nôm, đồng thời Bộ văn hóa Pháp mời GS làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Pháp tại PARIS. Trong dịp này, GS đã có điều kiện tiếp cận nhiều tư liệu văn học và lịch sử quý giá của Việt Nam do người Pháp và các Giáo sỹ mang từ Việt Nam về. Trong số các tư liệu đó, GS đã phát hiện 5 bài thơ bằng Hán văn thể Đường luật trong tập sách chép tay nhan đề Đại Nam dư địa chí ước biên có ghi tên tác giả Hồ Xuân Hương. Các bài thơ này được sáng tác trong thời gian nữ sỹ làm vợ lẽ quan Hiệp trấn Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay) Trần Thúc Hiển. Sử dụng các tài liệu còn lưu trữ trong nước như Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương do Tốn Phong đề tựa và các tư liệu tìm được ở Pháp và Italia, GS đã viết khảo luận Thiên tình sử của Hồ Xuân Hương và đã được Nhà xuất bản Văn học in vào năm 1995.
Trong khảo luận về Hồ Xuân Hương, GS đã kể lại những mối tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương xinh đẹp, tài hoa với nhiều bạn thơ nổi tiếng đương thời như Tốn Phong và Nguyễn Du. GS viết "Một tài tử cũng đa tình như Nguyễn Du cũng vướng vào mạng lưới hấp trường của tài danh nữ sỹ. Trong Lưu Hương ký, Xuân Hương còn chép lại bài thơ của nàng với đầu đề “Cảm tình cũ và trình quan Cần chánh học sỹ họ nguyễn”, với cước chú "Quan là người Tiên Điền, huyện Nghi Xuân". (Bài dịch sau của T.T.Mại, H.T.Niêm và Nguyễn Lộc)
 (Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền Nhân)
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siu mấy (với)
Lầu Nguyệt  năm canh chiếc bóng chong.

Trong đề mục, gọi Nguyễn Du bằng "Hầu Cần Chánh", vậy thơ này làm sau tháng 2 năm Quý Dậu (1813). Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cho biết rõ rằng mùa đông năm trước, Nguyễn Du được triệu từ Quảng Bình về Huế; tháng 2 năm sau, được thăng Cần Chánh Điện Học Sỹ, rồi được chọn làm Chánh sứ đi tuế cống triều Thanh. Có lẽ tin này đồn ra đến Thăng Long đã nhắc cho Xuân Hương nhớ đến chàng xưa đã từng dan díu với mình trong ba năm, rồi vào kinh, tuyệt không tin tức; nay được vinh dự ra đi sứ; mà mình, số phận vẫn long đong. Nàng mừng cho Hầu, và có lẽ ước thầm Hầu còn nhớ tình xưa và khi trên đường đi sứ qua Thăng Long, Hầu ghé bước lại nhà thăm hỏi, kẻo ở Cổ Nguyệt Đường, nàng vẫn "năm canh chiếc bóng chong". Cuối xuân năm ấy Hầu qua Thăng Long, các quan Bắc Thành đặt tiệc tiễn Sứ ở nhà Tiên Vũ, Hầu chợt nghe tiếng đàn nguyệt quen tai từ một cô đầu già trong bóng tối gẩy bay ra, mà Hầu như đã nghe hai mươi năm về trước tại nhà anh, bên Giám Hồ, đời Tây Sơn. Hầu hỏi thì cô đầu ấy chính là người mà Hầu đã thấy trộm khi trẻ, mà là một nhạc nữ cũ trong cung vua Lê. Hầu lòng trữ tình vẫn nặng; cho nên, ngày nay ta còn có được kiệt tác “Bài ca người gẩy đàn đất Long Thành” bằng chữ Hán của Nguyễn Du. Với tính tình và trường hợp như thế, Nguyễn Du lúc ấy khó mà quên được Xuân Hương. Nhưng bấy giờ Hầu là một quan to phụng sứ; vả lại bấy giờ Hầu đã 48 tuổi, đã có gia thất. Ra làm quan triều Nguyễn, Hầu lại giữ thái độ rất cẩn thận dè dặt. Vậy không thể đáp mộng Xuân Hương. Nhưng biết đâu Hầu không nghĩ tới? Trong tập thơ của Hầu làm sau khi lìa Bắc Hà, có năm bài, thể bốn câu năm chữ, dưới đầu đề “Mộng thấy hái sen” hình như nhắc nhở đến hồi dan díu với Xuân Hương. Sau đây là lời dịch của cụ Phạm Khắc Khoan và cụ Lê Thước:

Xắn gọn quần cánh bướm,
Chèo thuyền con hái sen.
Nước hồ đầy lai láng,
Dưới nước bóng người in.

Tây Hồ hái hoa sen,
Hoa gương bỏ lên thuyền.
Hoa tặng người mình sợ,
Gương tặng người mình quen.


         Sáng nay đi hái sen,
         Hẹn cô kia đi với.
         Chẳng biết đến lúc nào,
         Cách hoa nghe cười nói.

         Hoa sen ai cũng ưa,
         Cuống sen chẳng ai thích.
         Trong cuống có tơ mành,
         Vấn vương không thể dứt.

           Lá sen màu xanh xanh,
           Hoa sen dáng xinh xinh.
          Hái sen chớ đụng ngó,
         Năm sau hoa chẳng sinh.

Bài này chứng rằng Nguyễn Du, ở Quảng Bình hay ở Huế có lúc nhớ đến một bạn gái xưa ở cạnh Hồ Tây tại Thăng Long, đã từng hẹn hò nhau đi hái sen trên hồ, người con gái mà Hầu "thương xót" chắc vì gặp cảnh ngộ không may. Hầu mượn chuyện sen để kín đáo nhắc lại tình quyến luyến giữa đôi bên để luận người ta yêu cô nàng vì xinh , vì sắc, chứ không phải vì lòng nàng, bởi lòng nàng nhiều tình cảm, như ngó sen có nhiều tơ vướng víu. Còn Hầu: (Kiều gốc vế 2241-2242)
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
Trong những bài thơ Hán văn của Nguyễn Du còn lại, chỉ có hai bài ghi tình đối với hai người con gái mà Hầu đã từng gặp: một người là nhạc nữ già gảy đàn nguyệt, một người là cô gái Hồ Tây. Tuy bút chứng không muốn trỏ là ai, nhưng lấy mọi bằng chứng mà suy, thì tôi đoán đó là Xuân Hương, có lẽ là hợp lý".
Câu chuyện thứ 3: Ngày nay, trong khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du có ngôi nhà năm gian rất đẹp bằng gỗ quý với nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo. Không nhiều người biết lai lịch đặc biệt của ngôi nhà này.
Theo Ông Nguyễn Xuân Bách, cán bộ phụ trách nhà lưu niệm Nguyễn Du kể lại trong bài báo Đình chợ trộ đăng trên tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 75 - tháng 10 năm 2014 như sau: "Năm 1963, để chuẩn bị cho kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, Bộ văn hóa và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cử một đoàn cán bộ đi khắp vùng Nghệ - Tĩnh tìm mua một ngôi nhà với yêu cầu: ngôi nhà phải có kiến trúc đẹp, cùng thời với cụ Nguyễn Du và có mặt bằng rộng rãi, thông thoáng đủ để trưng bày các hiện vật và tài liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du. Gần hai tháng  trời tìm kiếm ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh không thành công. GS Lê Thước lúc đó là trưởng đoàn đành viết thư sang Pháp tham khảo GS Hoàng Xuân Hãn (người rất say mê và có nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du). Chỉ một thời gian sau, GS Hoàng Xuân Hãn đã gợi ý cho đoàn về xin mua lại ngôi đình Chợ Trổ của làng mình (xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ ngày nay). Ngôi đình này đảm bảo đủ các yêu cầu trên. Khi đoàn đến xin nhượng lại, các già làng không đồng tình. Nhưng rồi có thư của GS Hoàng Xuân Hãn gửi từ bên Pháp về, làng mới đồng tình. Từ đó, phòng trưng bày các hiện vật, tài liệu về dòng họ Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Du trong khu lưu niệm được ra đời". Ngôi đình Chợ Trổ trước khi làm lớp học và làm chợ (sau năm 1945) là đình làng thờ thần hoàng làng là ông Hoàng Trừng, đậu Hoàng Giáp khoa Kỷ Tỵ (1499), làm quan dưới triều Lê Thánh Tông đến chức Đông Các Đại Học Sỹ, Lễ bộ Tả Thị Lang là chắt ngoại cụ Nguyễn Biểu. GS Hoàng Xuân Hãn là cháu đời thứ 14 của Ông Hoàng Trừng. Một điều thú vị và hy hữu là cháu đời thứ 14 của thành hoàng làng đã giới thiệu và thuyết phục dân làng đem ngôi đình vốn là nơi thờ cụ tổ mình hiến cho nhà nước làm nhà lưu niệm Nguyễn Du. Điều này chứng tỏ GS Hoàng Xuân Hãn đã yêu quý và kính trọng Nguyễn Du đến mức nào. Và phải chăng, GS cũng muốn một công trình kiến trúc đẹp như vậy xứng đáng để thờ hoặc lưu niệm các danh nhân văn hóa của dân tộc chứ không phải để họp chợ?
Câu chuyện thứ tư:
 Khoảng từ năm 1943 -1945, để tránh máy bay Nhật ném bom Hà Nội, GS Hoàng Xuân Hãn đã theo trường Đại học Hà Nội vào giảng dạy ở  Thanh Hóa. Vào thời kỳ này GS đã tranh thủ đi khảo cứu khắp vùng Thanh - Nghệ -Tĩnh, và đã phát hiện được nhiều di tích lịch sử quý báu.
Cuối năm 1946, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, một làn sóng người tản cư và việc tiêu thổ kháng chiến diễn ra rầm rộ ở các đô thị, nhất là ở Hà Nội. Nhiều sách báo được bán làm giấy loại khắp đường phố Hà Nội và các tỉnh thành, trong đó có nhiều sách quý. GS Hoàng Xuân Hãn đã dành nhiều thời gian để tìm mua lại và cứu vớt được nhiều sách quý về lịch sử và văn học Việt Nam thời trung đại.
GS Hoàng Xuân Hãn khảo cứu và hiệu đính Truyện Kiều với quan điểm "tầm nguyên", nghĩa là cố gắng tái tạo lại Truyện Kiều gần với bản gốc của Nguyễn Du đã bị thất lạc. Sách Kiều tầm nguyên của GS gồm có 5 phần:
- Phần thơ Kiều phiên âm ra quốc ngữ từ bản Kiều Nôm mà GS đã dựng lại.
- Phần hiệu đính, chú thích và khảo dị viết dưới các câu thơ.
- Phần dịch ra Quốc ngữ bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
- Phần bảng chỉ vần Kiều.
- Phần so sánh 8 bản Kiều mà GS đã dùng để hiệu đính, sau khi đánh giá các bản còn lại đều chép ra từ các bản đó.

 8 bản đó là:
1. Bản Nôm Duy Minh Thị -1872.
2. Bản Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký -1875.
3. Bản Nôm Kiều Oánh Mậu - 1902.
4. Bản Quốc ngữ  của Phạm Kim Chi -1917.
5. Bản Nôm Huế ( Microfilm của EFEO)
6. Bản Nôm Liễu Văn Đường - 1871.
7. Bản Nôm Thịnh Mỹ Đường - 1879.
8. Bản Nôm Thịnh Văn Đường -1882.
Trong 8 bản trên, trong Kiều tầm nguyên, sẽ chỉ in một bản duy nhất là bản Duy Minh Thị (1872), vì GS đánh giá nó gần bản gốc nhất.
Với một thái độ nghiêm túc, tỉ mỉ, khách quan; bằng phương pháp thống kê và văn bản học; với vốn chữ Hán Nôm uyên thâm; với những hiểu biết về tiếng Việt và đặc biệt tiếng Nghệ Tĩnh cách đây hơn 250 năm, GS đã khảo cứu hiệu chỉnh bản Kiều Nôm và bản Kiều Quốc Ngữ theo ngôn ngữ người Việt thời Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều. Vì vậy, khi đọc Kiều tầm nguyên bằng quốc ngữ ta thấy nhiều từ khác xa với bản quốc ngữ của nhiều tác giả hiện nay. Tôi xin dẫn chứng một số trường hợp:
- Câu 28 : "Sắc đành Trọi một, tài đành họa hai". Chữ Trọi ở đây có nghĩa là duy nhất, một mình. Đây là một từ cổ mà ngày nay ta chỉ còn dùng trong từ ghép Trơ trọi.
- Câu 77 :" Sắm sanh Níp tử xe châu". Chữ Níp là từ cổ ở vùng Nghệ Tĩnh chỉ cái rương, cái hòm làm bằng gỗ. Ở Nghệ Tĩnh thì cái quan tài được gọi là cái hòm, tức là cái Níp. Còn chữ Nếp trong các bản quốc ngữ hiện nay thì không có nghĩa là cái hòm hay cái quan tài mà chỉ có 3 nghĩa : gạo Nếp, Nếp gấp của giấy hoặc vải và nề Nếp gia phong mà thôi.
- Câu 636 :" Ngưng hoa Bụng thẹn, trông gương mặt dày". GS đã thay chữ Bóng trong các bản Quốc ngữ hiện nay bởi chữ Bụng đúng nghĩa và đúng văn cảnh hơn; và đó cũng là hai cách đọc của cùng một chữ Nôm.
- Câu 1265 :" Búi tình đòi đoạn vò tơ". GS đã  thay chữ Mối tình bởi Búi tình, phản ảnh đúng tâm trạng của Thúy Kiểu hơn và cũng là hai cách phiên âm của một chữ Nôm.
- Câu 1951 : Quản chi Trên gác dưới duềnh. GS đã thay cụm từ Lên thác xuống ghềnh bởi cụm từ Trên các dưới duềnh hợp với văn cảnh và tâm trạng của Thúc Sinh lúc chia tay Thúy Kiều và cũng phù hợp với cách phiên âm của chữ Nôm. Nhà thơ Vương Trọng đã phân tích vì sao Ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam đã chọn câu 1951 là Quản chi Trên gác dưới duềnh được đăng trên báo Văn nghệ số 34, ngày 22 tháng 8 năm 2015. Tôi không thể kể hết hàng trăm ví dụ như trên trong Kiều tầm nguyên của GS Hoàng Xuân Hãn.
Khoảng năm 1995-1996, nhà báo Thụy Khuê ở Pháp đã phỏng vấn GS Hoàng Xuân Hãn về Kiều tầm nguyên. Trong một thời gian dài, trên đài phát thanh RFI của Pháp, cứ vào các buổi tối cuối tuần , GS Hoàng Xuân Hãn lại trả lời phỏng vấn và nói chuyện về Kiều tầm nguyên với thính giả.
 Rất tiếc là trong khi GS chưa hoàn tất bản thảo và in ấn Kiều tầm nguyên thì GS đã đột ngột ra đi vào ngày 10 tháng 3 năm 1996 tại Paris. Bản thảo Kiều tầm nguyên của GS Hoàng Xuân Hãn với hơn 500 trang viết tay của GS, kết quả của hơn 50 năm nghiên cứu Truyện Kiều của GS chưa được ra mắt giới nghiên cứu và bạn đọc trong dịp Việt Nam và toàn thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du  theo nghị quyết của UNESCO.
Chúng tôi mong muốn Bộ Văn hóa, Viện Văn học, viện Hán Nôm và Hội Kiều Học Việt Nam giúp đỡ gia đình GS Hoàng Xuân Hãn ở Paris sớm cho Kiều tầm nguyên được ra mắt giới nghiên cứu và độc giả trong và ngoài nước./.

HOÀNG XUÂN KHÓA

LẠI BÀN VỀ NƠI AN TÁNG ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

LTS: Mai Văn Hoan là Nhà giáo, Nhà thơ, Nhà Kiều học được nhiều người yêu mến. Riêng về Truyện Kiều, Nguyễn Du anh đã xuất bản nhiều công trình khảo cứu sắc sảo. Xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết mới của anh theo thư đặt bài của Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh.

Thi sĩ MAI VĂN HOAN

        Một số bài viết đề cập đến nơi an táng Đại thi hào Nguyễn Du gần đây chủ yếu dựa vào Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền. Gia phả ghi: “Năm Canh Thìn (1820) Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch (16 tháng 9 năm 1820). Nguyễn Du mất ở Kinh, lúc đầu chôn ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Được tin Nguyễn Du qua đời, quan lại ở Kinh nhiều người làm câu đối phúng viếng, hết lời ca ngợi tài năng, đức độ của ông: Nhất viện cầm tôn nhân ký khứ/ Đại gia văn tự thế thanh truyền (Rượu đàn đầy viện người đi vắng/ Văn tự hơn đời tiếng dội vang); Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh, sinh bất thiểm/ Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh (Một kiếp tài hoa, làm sứ, làm khanh, sinh chẳng thẹn/ Trăm năm sự nghiệp, ở nhà, ở nước, chết còn vinh). Năm Giáp Thân (1824), di cốt của ông được cải táng về quê nhà là làng Tiên Điền, Hà Tĩnh”. Tuy nhiên, không phải điều gì được chép trong gia phả đều chính xác. Vì vậy, việc sử dụng những ghi chép trong gia phả cần phải hết sức thận trọng. Về địa điểm an táng Nguyễn Du Gia phả ghi “lúc đầu chôn ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên là thiếu chính xác. Xã An Ninh thuộc huyện Hương Trà chứ không phải thuộc huyện Quảng Điền. Thời Gia Long gọi tỉnh Thừa Thiên là doanh (dinh) Quảng Đức. Khi Nguyễn Du mất, Minh Mạng lên ngôi mới được 7 tháng nên ông chưa thể thay đổi gì nhiều. Mãi đến 12 năm sau (1832) ông mới đổi doanh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên và chia thành 6 huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc (thời Gia Long chỉ có 3 huyện: Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang). Điều đó chứng tỏ Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền do người đời sau chứ không phải là người cùng thời với Nguyễn Du biên soạn nên việc nhầm lẫn không thể tránh khỏi. Riêng địa danh An Ninh là chính xác. An Ninh nguyên là một xã hình thành trước khi xuất hiện sách Ô Châu cận lục (1555), đến thế kỷ XVIII mới tách làm hai: An Ninh thượng và An Ninh hạ. Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi: “An Ninh hạ và An Ninh thượng thuộc tổng An Ninh, huyện Hương Trà”. Dựa vào địa danh xã An Ninh, nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy đã thực hiện công trình Đi tìm nơi an táng của thi hào Nguyễn Du tại Huế (thuyết trình ngày 16-11-2008 tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM và đăng trên báo Văn hóa Phật giáo số 131 ngày 16/6/2011). Ông Hồ Đắc Duy về Huế khảo sát và nhờ một số người giỏi phong thủy tác nghiệp, đã đi đến kết luận: “Mộ cũ Nguyễn Du là tiền thân của ngôi mộ Thượng thư Bộ công Hoàng Hữu Thường, thuộc Bàu Đá, làng An Ninh thượng, phía tả sông Bạch Yến”. Nhưng đó cũng chỉ mới là giả thuyết, chưa có cơ sở khoa học đủ sức thuyết phục. Thật khó tin gia đình một vị thượng thư lại chọn nơi từng có kẻ yên nghỉ để an táng người thân của mình, dù thế đất ở đó có tốt đến mấy đi nữa. Sư thầy Lương Phương (năm nay đã 86 tuổi) ở chùa Phước Duyên, bên cạnh cánh đồng có ngôi mộ Thượng thư Hoàng Hữu Thường cũng xác nhận như vậy. Sư nói: Không thể! Không thể! Còn cụ Nguyễn Đức Pha (trên 70 tuổi) người làng An Ninh thượng khẳng định: Trước 1975, tục truyền  khu vực nghĩa địa thuộc xã An Ninh chỉ cho phép người trong xã chôn cất, Vì vậy, theo cụ: “Nơi an táng Nguyễn Du ít có khả năng ở cánh đồng Bàu Đá, làng An Ninh thượng”.

        Được sự đồng ý của Hội Kiều học VN, ngày 12-8-2017 tại trụ sở LH các Hội VHNT Thừa Thiên Huế (26 Lê Lợi) Chi Hội Kiều học Bình - Trị - Thiên tổ chức Lễ ra mắt. Sáng hôm đó có ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Đắc Xuân… đến dự. Tại đây, vấn đề nơi an táng Nguyễn Du lại được đề cập. Ông Nguyễn Dung hứa sẽ trực tiếp chỉ đạo nhanh chóng xây dựng khu tưởng niệm Nguyễn Du ở Huế - nơi Đại thi hào sống 12 năm, để lại nhiều dấu ấn trong sáng tác thơ văn, đặc biệt là tập thơ Nam Trung tạp ngâm. Khu tưởng niệm Nguyễn Du sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể du lịch Huế. Ngày 22/1/2018 UBND TP. Huế thể theo đề xuất của ông Dương Phước Thu đã đăng cai tổ chức buổi tọa đàm, xác định địa điểm an táng Nguyễn Du với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử: Đỗ Bang, Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh…  Theo ông Dương Phước Thu, từ ngôn truyền của người đời trước, con cháu họ Mai Khắc và bà con ở Hậu Thôn, thuộc An Ninh hạ (nay là phường Kim Long, Tp Huế) vẫn bảo vệ chỗ an táng cụ Du Đức hầu (tước của Nguyễn Du). Người dân Hậu Thôn vẫn coi đó là nơi linh thiêng, không ai dám xâm phạm. Ông Mai Khắc Chính (chắt nội của cụ Mai Khắc Đôn), cho hay: “Một lần, cha tôi (ông Mai Khắc Lưu) chỉ gò đất ở Bàu Đá nói rằng, đó là nơi an táng Du Đức hầu. Từ đó tôi luôn tâm nguyện giữ gìn khu đất này”. Các nhà nghiên cứu có mặt trong buổi tọa đàm hôm đó thống nhất: Việc tìm kiếm nơi từng an táng Đại thi hào Nguyễn Du tại Huế là việc làm cần thiết, tuy nhiên những cứ liệu khoa học ấy là chưa đủ, cần tiếp tục nghiên cứu để có thể khẳng định chắc chắn đó là nơi từng an táng Nguyễn Du. Kết luận tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng: Buổi tọa đàm là cơ sở đầu tiên để tiến hành những bước tìm hiểu, nghiên cứu tiếp theo. Cần tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu về Nguyễn Du ở Việt Nam và nước ngoài để có thêm những cứ liệu lịch sử; tổ chức khảo sát, thăm dò, xác định chắc chắn nơi an táng mới tiến hành lập hồ sơ khoa học. Trước mắt, phường Kim Long cần giữ gìn, bảo vệ khu đất đang còn nghi vấn. Buổi tọa đàm đã gây được tiếng vang. Có đến hàng chục tờ báo đưa tin, bài (Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí, Văn Hóa, Thừa Thiên Huế… ). Điều đó chứng tỏ nơi an táng Đại thi hào Nguyễn Du ở Huế được nhiều người quan tâm. Thực ra, điều ông Dương Phước Thu trình bày trong buổi tọa đàm hôm 22 -1- 2018 đã được ông Trần Viết Điền công bố trên Tạp chí Sông Hương với tiêu đề Người Bàu Thôn vẫn lưu giữ “mộ vọng” cụ Nguyễn Du ở Huế (ra ngày 17-4-2015). Ông Trần Viết Điền vốn có bà con với con cháu dòng họ Mai Khắc ở  Hậu Thôn nên biết khá tường tận dòng họ Mai Khắc và ngôi “mộ vọng”. Dòng Mai Khắc trước nguyên là Mai Bá, học giỏi nhưng chưa có ai đỗ đạt cao. Đến đời Mai Bá Hanh, cụ đi coi thầy, thầy phán: Nếu đổi Bá thành Khắc con cháu sẽ có người đỗ đại khoa. Cụ Hanh bèn đổi tên lót Bá thành Khắc cho các con. Quả như lời thầy phán, ông Mai Khắc Đôn (con trai cụ Mai Bá Hanh) thi đỗ đại khoa, sau trở thành sư phụ và nhạc phụ của vua Duy Tân. Theo ông Mai Khắc Chính thì ông Mai Khắc Đôn có mua 5 mẫu đất, nguyên gốc là đất công, được cấp cho một vị hoàng thân triều Nguyễn, đã giữ nguyên ngôi “mộ vọng” của cụ Nguyễn Du và mộ của Quý nhân Nguyễn Thị Trường (vợ vua Minh Mạng). Hơn nữa bà Quí nhân Nguyễn Thị Trường được táng gần phần đất có “mộ vọng” của cụ Nguyễn Du, chứng tỏ gia đình cụ Nguyễn Du đã chọn huyệt đất tốt với sự hỗ trợ của hoàng tộc triều Nguyễn. Giả thuyết này nghe ra có cơ sở hơn giả thuyết của ông Hồ Đắc Duy, song vẫn chưa có những bằng chứng đủ sức thuyết phục.
         Việc tìm cho ra nơi an táng Nguyễn Du ở Huế một cách chính xác là điều gần như không tưởng, còn khó hơn cả “đáy bể mò kim”. Nhưng điều có thể khẳng định một cách chắc chắn là: Nguyễn Du mất ở Huế và an táng tại khu vực xã An Ninh, huyện Hương Trà (nay thuộc phường Kim Long, Tp Huế). Trong khi tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát, tổ chức hội thảo… tình Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế cần gấp rút lập dự án xây dựng khu tưởng niệm Nguyễn Du để dân chúng và khách du lịch trong ngoài nước sớm được tham quan, chiêm bái.
       Có thể lựa chọn một trong hai địa điểm sau:
      1.Văn Thánh (thuộc Hương Long, Tp Huế) đất đai để trống còn nhiều, nơi có phong cảnh đẹp (gần đường, gần sông Hương), nơi tôn vinh những danh tài thời nhà Nguyễn. Nguyễn Du xứng đáng được tôn vinh ở đây. Văn Thánh cách  cánh đồng Bàu Đá của An Ninh thượng (một trong hai địa điểm được cho là nơi an táng Nguyễn Du) không xa. Nếu có khu tưởng niệm Nguyễn Du, Văn Thánh sẽ là nơi thu hút nhiều khách tham quan.
      2. Hậu Thôn, An Ninh hạ, phường Kim Long, Tp Huế, dọc theo đường Nguyễn Hoàng, qua cầu, rẽ phải, theo đường Lý Nam Đế khoảng 400m, đến nhà thờ dòng họ Mai Khắc ở Hậu Thôn, thẳng ra phía cánh đồng chừng 200m. Ở đây, đã có sẵn ngôi “mộ vọng” tương truyền của Du Đức hầu (Nguyễn Du). Bên cạnh là lăng bà Nguyễn Thị Trường (vợ vua Minh Mạng). Trong xóm Hậu Thôn có nhà thờ họ Mai Khắc. Cạnh nhà thờ họ Mai Khắc là ngôi nhà rường khá đẹp. Trong ngôi nhà rường có điện thờ ông Mai Khắc Đôn và bà Mai Thị Vàng (vợ vua Duy Tân)… Tất cả làm thành một cụm di tích lịch sử khá đặc biệt. Không hiểu sao cho đến nay ngành du lịch Thừa Thiên Huế chưa tiến hành khai thác. Thật là uổng phí!
        Công trình khu tưởng niệm Nguyễn Du có thể với quy mô vừa hoặc nhỏ, song nên có bức tượng Nguyễn Du (có thể phỏng theo bức tượng ở vườn lưu niệm Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh thu nhỏ; ngôi mộ đơn sơ (có thể lấy nguyên mẫu ngôi mộ khi chưa sửa sang của Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh); văn bia khắc vắn tắt thân thế, sự nghiệp Nguyễn Du. Trồng một cây hồng tiến (do Nguyễn Du mang giống từ Trung Quốc về), trồng vài khóm cúc, vài khóm lựu, vài khóm trà mi… (là những thứ hoa từng được Nguyễn Du nhắc đến trong Truyện Kiều). Nếu có thể nên dựng bia, khắc những câu thơ của Nguyễn Du viết về Huế theo lối thư pháp, như: Hương Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu (Sông Hương một mảnh trăng/  Xưa nay gợi không biết bao nhiêu mối sầu);  Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh/ Giang bắc, giang nam vô hạn tình (Hương Cần dương liễu rập rờn xanh/ Bến bắc, bến nam vô hạn tình… ); Cổ tự thu mai hoàng diệp lý/ Tiên triều tăng lão bạch vân trung (Chùa xưa lá thu vàng phủ kín/ Triều cũ tăng già bạc mây bông – Vọng Thiên Thai tự) ở các địa điểm: Công viên bên bờ bắc sông Hương, trước sân chùa Thiên Thai, phía nam cầu Hương Cần.
        Những người yêu mến, ngưỡng mộ tài năng thi ca của Đại thi hào Nguyễn Du trong và ngoài nước rất mong sự quan tâm chỉ đạo xây dựng Khu tưởng niệm Nguyễn Du ở Huế của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế càng sớm càng tốt.

                                                                        Huế, tháng 4-2018
                                                                          Mai Văn Hoan




PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CỦA THÚY KIỀU



    Nàng Kiều sống vào những năm Gia Tĩnh Triều Minh bên Trung Quốc, tính ra cách đây ngót 500 năm. Thời đó chưa có tàu hoả, chưa có ô tô, còn máy bay chưa xuất hiện trong ý tưởng của các nhà khoa học. Tất nhiên phượng tiện giao thông ngày đó nghèo hơn và tốc độ chậm hơn rất nhiều so với các phương tiện đi lại ngày nay.Vấn đề đặt ra: Thuý Kiều đã sử dụng các loại phương tiện giao thông nào, và mỗi loại sử dụng bao nhiêu lần.
   Dọc theo cuộc đời lưu lạc mười lăm năm của Thuý Kiều, nếu để ý nhận xét, ta sẽ thấy được nàng sử dụng các phương tiện sau đây:
A – Đi Xe.
 Đó là loại xe do ngựa kéo khi Mã Giám Sinh đưa nàng đi từ Bắc Kinh về Lâm Tri, suốt một tháng trời. Chúng ta kết luận được như vậy là nhờ các câu: “Đoạn trường thay, lúc phân kỳ. Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” là nói khi chia tay, còn trên đường thì: “Đùng đùng gió giục, mây vần. Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Và “Lâm Tri vừa một tháng tròn tới nơi” . Đây là loại xe dùng để đón dâu, chắc là sang trọng, nên được gọi là “xe châu”: “xe châu dừng bánh cửa ngoài . Phía trong bỗng có một người bước ra”. Là nàng Kiều gặp mụ Tú Bà đấy. Trong mười lăm năm lưu lạc, đây là lần duy nhất nàng Kiều đi xe.
B – Đi Ngựa:
Nàng Kiều đi ngựa hai lần. Lần đầu tiên là lẩn trốn theo Sở Khanh:
 “ Cùng nhau lẻn bước xuống lầu. Song song ngựa trước, ngựa sau một đàn”.Tất nhiên cuộc lẻn trốn không thành, bị Tú Bà bắt về tiếp khách. Lần thứ hai nàng đi ngựa sau khi bị bọn Khuyển Ưng đánh thuốc mê ; “Vực ngay lên ngựa tức thì. Phòng đào, viện sách bốn bề lửa dong”.
 C - Đi kiệu.
Theo thứ tự thời gian, ta có:
1 - Đi kiệu về nhà trọ (trú phường) với Mã Giám Sinh: “Kiệu hoa đâu đã đến ngoài. Quản huyền đâu đã giục người sinh li”.
2 - Đi kiệu về với Thúc Sinh sau khi thắng kiện và được Thúc Ông chấp nhận: “ Kíp truyền sắm sử lễ công. Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao”.
3 - Bạc Hạnh thuê kiệu rước vào lầu xanh ở Châu Thai: “Mượn người thuê kiệu rước nàng. Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa”.
4 - Đi kiệu về đại bản doanh Từ Hải: “Dựng cờ, nổi nhạc lên đàng. Trúc tơ trổi trước, kiệu vàng cất sau”.
5 - Đi kiệu xuống thuyền Thổ Quan: “Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rũ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
6 - Đi kiệu cùng cả nhà sau khi gặp nhau ở thảo am bên sông Tiền Đường:
“ Kiệu hoa giục giã tức thì. Vương ông dạy rước cùng về một nơi”.
D- Đi thuyền:
1- Đi thuyền theo bọn Khuyển, Ưng từ Lâm Tri về Vô Tích: “ Khuyển , Ưng đã đắt mưu gian/ Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền/ Buồm cao lèo thẳng cánh suyền/ Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang…”.
2 – Đi thuyền cùng Bạc Hạnh đến Châu Thai: “ Thuyền vừa áp thẳng tới nơi. Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày”.
3 – Đi thuyền xuống sông Tiền Đường cùng Thổ quan: “ Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
4 – Đi thuyền khi được ngư phủ cùng Giác Duyên vớt lên: “ Trên mui lướt mướt áo là. Tuy dầm hơi nước chưa loà bóng gương” .
  Trong mười lăm năm lưu lạc, Thuý Kiều có một chuyến đi bộ dài nhất là đêm trốn khỏi Quan Âm Các đi  về Chiêu Ẩn Am gặp Giác Duyên.
  Để dễ nhớ nội dung này, ta diễn ra thơ lục bát:

                    Người ta xe, ngựa thì vui
                    Thuý Kiều xe, ngựa ngậm ngùi, gian truân
Nổi chìm trong cuộc trầm luân
Kiệu hoa sáu chuyến, ba lần lệ rơi.

- Biệt quê, thương chửa hết lời
"Kiệu hoa đâu đã đến ngoài", giục đi
- Sắc, tài thắng kiện Lâm Tri
"Kiệu hoa cất gió" ai bì xênh xang.
 - "Mượn người thuê kiệu rước nàng"
Châu Thai, Bạc Hạnh tìm đàng trốn mau.
 - Trúc tơ trước, kiệu vàng sau
Chờ Từ Công chỉ ít lâu, phỉ nguyền.
 - Mất chồng, Tôn Hiến ép duyên
"Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền" thổ quan
 - Gặp nàng nương chốn thảo am
"Kiệu hoa giục giã" cả đoàn về mau
 - Sở Khanh kế hiểm, mưu sâu
"Song song ngựa trước ngựa sau " lừa nàng
 - "Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian"
"Vực ngay lên ngựa" mơ màng thuốc mê
 - Bán mình, nàng phải theo xe
Giám Sinh họ Mã dẫn về Lâm Tri
Thuyền thì bốn lượt từng đi:
Lần đầu mê thuốc biết gì Kiều ơi
Lần hai Bạc Hạnh nuốt lời
“Thuyền vừa áp thẳng tới nơi” bán nàng.
Lần ba, lần bốn Tiền Đường
Một thuyền oan nghiệt, cưu mang một thuyền.

VƯƠNG TRỌNG

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...