GIÁO SƯ HOÀNG XUÂN HÃN VỚI NGUYỄN DU VÀ “TRUYỆN KIỀU”

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn 
GS Hoàng Xuân Hãn sinh ngày 08/3/1908, quê thôn Yên Phúc, làng Yên Hồ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Thuở nhỏ Ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại nhà với cụ thân sinh và thầy đồ người họ ngoại.
Sinh ra và lớn lên trong một vùng ”Địa linh nhân kiệt” nên ngay từ nhỏ Ông đã được hấp thụ và say mê văn hóa dân tộc, yêu mến sự nghiệp và các tác phẩm của các danh nhân như Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp…vv.
Chính GS Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên nghiên cứu và đề xuất ý kiến cho rằng đã từng hình thành một “Hồng Sơn văn phái” ở các huyện vùng Đông Bắc Hà Tĩnh.
Mặc dù được đào tạo bài bản thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật như toán học, cơ học, thiên văn học, khoa học quân sự, cả tin học và vật lý nguyên tử (1958) và cũng đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu trong các lĩnh vực trên, nhưng Ông vẫn giành nhiều thời gian  nhất cho việc nghiên cứu văn hóa dân tộc như ngôn ngữ giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường, lịch và lịch Việt Nam, lịch sử và văn hóa Việt Nam thời trung đại. Đặc biệt Ông đã dành hơn 50 năm cuối đời để khảo cứu Truyện Kiều và các tác phẩm khác của Nguyễn Du. GS Hoàng Xuân Hãn thưởng thức và khảo cứu Truyện Kiều không chỉ với thái độ cẩn trọng, nghiêm túc của một nhà văn bản học, của một nhà nghiên cứu lịch sử, với tâm hồn của một nhà thơ, mà còn với tư duy của một nhà toán học và thiên văn học.
Tôi xin kể sau đây một vài câu chuyện về GS Hoàng Xuân Hãn với việc nghiên cứu Truyện Kiều và Nguyễn Du.
Câu chuyện thứ nhất: Đó là câu chuyện vui về bài báo Cô Kiều bị bắt đăng trên báo khoa học số 10 tháng 10/1942. GS Hoàng Xuân Hãn và GS Nguyễn Xiển cùng nhiều nhà khoa học đã khai trương tờ báo Khoa học vào những năm đầu của thập kỷ 40 của thế kỷ trước nhằm truyền bá những kiến thức và tư tưởng khoa học cho giới trẻ và quần chúng nhân dân nói chung. GS Hoàng Xuân Hãn chịu trách nhiệm chính viết các bài về toán học, lý học, hóa học, cơ học và thiên văn học trên tờ báo này.
Năm 1942, nhân kỷ niệm ngày giỗ của thi hào Nguyễn Du, các tờ báo ở Việt Nam đều có nhiều bài viết về thi hào. Báo Khoa học có vẻ “ngoại đạo” với văn chương. GS Nguyễn Xiển đề nghị GS Hoàng Xuân Hãn viết cho báo Khoa học một bài để hưởng ứng kỷ niệm thi hào Nguyễn Du nhân ngày giỗ của thi hào và GS Hãn đã nhận lời. Giáo sư viết. “Trong khi các báo đang lo bài để kỷ niệm cụ Nguyễn Du, báo Khoa học không lẽ vì 2 tiếng Khoa học mà quên một bậc văn hào, nên tôi đã trộm phép các bạn làng văn đem hai câu Kiều ra bàn để đoán ngày giờ lúc Cô Kiều bị bọn Khuyển Ưng bắt”. Trong số báo Khoa học ngày 10/10/2015, Giáo sư viết bài đố Kiều với nội dung xin được trích nguyên văn như sau:
Đêm thu gió lọt song đào
Nửa vừng trăng khuyết, ba sao giữa trời.
Đó là hai câu thơ tuyệt diệu của cụ Nguyễn Du tả cái đêm, chồng vắng, Cô Kiều ra trước phật đài, rồi bị bầy côn quang “bắt cóc”.
Tôi nay mạn phép Cụ Tiên Điền đem câu văn của cụ mà đặt nên một câu đố trinh thám rằng: Cô Kiều bị bắt chừng vào ngày, tháng, giờ nào ? Cửa sổ phòng Cô Kiều quay về hướng nào ?.....”
Bài báo của Giáo sư đã gây nên một cuộc trao đổi, bàn luận và tranh luận sôi nổi, hào hứng vui vẻ trong giới khoa học và học sinh, sinh viên hồi đó và không chỉ thu hút được giới khoa học tự nhiên, mà còn hấp dẫn các học giả về khoa học xã hội. Cụ Hoàng U Mai, Cụ Đào Duy Anh cũng tham gia tranh luận trên các báo Thanh nghị và báo Văn Lang. Gần 6 tháng sau, trên tờ báo Khoa học số 15 ra vào tháng 9/1943, bằng kiến thức toán học, thiên văn học và với tâm hồn của một nhà thơ, Giáo sư đã lý giải một cách chính xác, đơn giản, dễ hiểu lời giải của mình về hình ảnh trăng sao trên bầu trời đêm thu mà Nguyễn Du đã mô tả trong hai câu Kiều nói trên để cho biết Cô Kiều bị bắt vào ngày, giờ, tháng nào, và cửa sổ phòng Cô Kiều quay về hướng nào. Cuộc tranh luận chủ yếu xoay quanh việc coi " ba sao giữa trời " (Tam tinh tại thiên) là sao gì ? Sao Sâm hay sao Tâm? Cụ Hoàng U Mai và Cụ Đào Duy Anh đã chọn sao Sâm theo sách Từ Nguyên (Từ điển Trung Hoa), còn GS Hãn chọn sao Tâm (theo sách Chu Hy). Nếu chọn sao Sâm thì cũng có thể đoán ra ngày, giờ, tháng nhưng không phù hợp với văn cảnh của câu chuyện lúc đó. Còn chọn sao Tâm thì GS Hãn đã chứng minh rằng Cô Kiều bị bắt vào giờ Tuất, ngày 4 tháng 9. Ở thời điểm đó, sao Tâm ở bán cầu tây nam nên cửa sổ phòng Cô Kiều cũng quay về hướng tây nam. Trong lời bình, Giáo sư nói “ Có lẽ vào thời khắc đó Thúy Kiều nghĩ và nhớ tới Thúc Sinh nên nhìn hình ảnh “ Nửa vừng trăng khuyết ba sao giữa trời” thành chữ Tâm(     ) là tên của Thúc Sinh (Kỳ Tâm Họ Thúc) và cũng vì vậy coi "ba sao giữa trời" là sao Tâm theo sách Chu Hy có phần phù hợp”.
Có lẽ cũng chẳng nên phân định ai thắng, ai thua, ai đúng, ai sai giữa các cụ trong cuộc tranh luận này vì đây chỉ là một chuyện vui tưởng tượng mà thôi. Nhưng rõ ràng hai câu thơ của thi hào và câu đố vui của GS Hoàng Xuân Hãn đã gây ấn tượng sâu sắc trong giới học sinh và sinh viên thời đó. Trong số các học sinh thời đó, có nhiều người sau này thành đạt và trở thành những nhà thiên văn nổi tiếng thế giới như GS Nguyễn Xuân Vinh, đã từng là một chuyên gia hàng đầu làm việc tại Trung tâm nghiên cứu vũ trụ Nasa của Hoa kỳ; hay GS Nguyễn Quang Riệu Giám đốc Đài Thiên văn PARIS nước Cộng hòa Pháp.
  Câu chuyện thứ 2: Đó là câu chuyện về mối tình giữa nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương và thi hào Nguyễn Du.
Từ 1951 - 1954 GS Hoàng Xuân Hãn đã được Thư viện Quốc gia Pháp và các Thư viện Dòng Tên ở Italia và Tòa Thánh Vatican mời dịch và làm thư mục cho các sách Hán Nôm, đồng thời Bộ văn hóa Pháp mời GS làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm của Pháp tại PARIS. Trong dịp này, GS đã có điều kiện tiếp cận nhiều tư liệu văn học và lịch sử quý giá của Việt Nam do người Pháp và các Giáo sỹ mang từ Việt Nam về. Trong số các tư liệu đó, GS đã phát hiện 5 bài thơ bằng Hán văn thể Đường luật trong tập sách chép tay nhan đề Đại Nam dư địa chí ước biên có ghi tên tác giả Hồ Xuân Hương. Các bài thơ này được sáng tác trong thời gian nữ sỹ làm vợ lẽ quan Hiệp trấn Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay) Trần Thúc Hiển. Sử dụng các tài liệu còn lưu trữ trong nước như Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương do Tốn Phong đề tựa và các tư liệu tìm được ở Pháp và Italia, GS đã viết khảo luận Thiên tình sử của Hồ Xuân Hương và đã được Nhà xuất bản Văn học in vào năm 1995.
Trong khảo luận về Hồ Xuân Hương, GS đã kể lại những mối tình của nữ sĩ Hồ Xuân Hương xinh đẹp, tài hoa với nhiều bạn thơ nổi tiếng đương thời như Tốn Phong và Nguyễn Du. GS viết "Một tài tử cũng đa tình như Nguyễn Du cũng vướng vào mạng lưới hấp trường của tài danh nữ sỹ. Trong Lưu Hương ký, Xuân Hương còn chép lại bài thơ của nàng với đầu đề “Cảm tình cũ và trình quan Cần chánh học sỹ họ nguyễn”, với cước chú "Quan là người Tiên Điền, huyện Nghi Xuân". (Bài dịch sau của T.T.Mại, H.T.Niêm và Nguyễn Lộc)
 (Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền Nhân)
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siu mấy (với)
Lầu Nguyệt  năm canh chiếc bóng chong.

Trong đề mục, gọi Nguyễn Du bằng "Hầu Cần Chánh", vậy thơ này làm sau tháng 2 năm Quý Dậu (1813). Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cho biết rõ rằng mùa đông năm trước, Nguyễn Du được triệu từ Quảng Bình về Huế; tháng 2 năm sau, được thăng Cần Chánh Điện Học Sỹ, rồi được chọn làm Chánh sứ đi tuế cống triều Thanh. Có lẽ tin này đồn ra đến Thăng Long đã nhắc cho Xuân Hương nhớ đến chàng xưa đã từng dan díu với mình trong ba năm, rồi vào kinh, tuyệt không tin tức; nay được vinh dự ra đi sứ; mà mình, số phận vẫn long đong. Nàng mừng cho Hầu, và có lẽ ước thầm Hầu còn nhớ tình xưa và khi trên đường đi sứ qua Thăng Long, Hầu ghé bước lại nhà thăm hỏi, kẻo ở Cổ Nguyệt Đường, nàng vẫn "năm canh chiếc bóng chong". Cuối xuân năm ấy Hầu qua Thăng Long, các quan Bắc Thành đặt tiệc tiễn Sứ ở nhà Tiên Vũ, Hầu chợt nghe tiếng đàn nguyệt quen tai từ một cô đầu già trong bóng tối gẩy bay ra, mà Hầu như đã nghe hai mươi năm về trước tại nhà anh, bên Giám Hồ, đời Tây Sơn. Hầu hỏi thì cô đầu ấy chính là người mà Hầu đã thấy trộm khi trẻ, mà là một nhạc nữ cũ trong cung vua Lê. Hầu lòng trữ tình vẫn nặng; cho nên, ngày nay ta còn có được kiệt tác “Bài ca người gẩy đàn đất Long Thành” bằng chữ Hán của Nguyễn Du. Với tính tình và trường hợp như thế, Nguyễn Du lúc ấy khó mà quên được Xuân Hương. Nhưng bấy giờ Hầu là một quan to phụng sứ; vả lại bấy giờ Hầu đã 48 tuổi, đã có gia thất. Ra làm quan triều Nguyễn, Hầu lại giữ thái độ rất cẩn thận dè dặt. Vậy không thể đáp mộng Xuân Hương. Nhưng biết đâu Hầu không nghĩ tới? Trong tập thơ của Hầu làm sau khi lìa Bắc Hà, có năm bài, thể bốn câu năm chữ, dưới đầu đề “Mộng thấy hái sen” hình như nhắc nhở đến hồi dan díu với Xuân Hương. Sau đây là lời dịch của cụ Phạm Khắc Khoan và cụ Lê Thước:

Xắn gọn quần cánh bướm,
Chèo thuyền con hái sen.
Nước hồ đầy lai láng,
Dưới nước bóng người in.

Tây Hồ hái hoa sen,
Hoa gương bỏ lên thuyền.
Hoa tặng người mình sợ,
Gương tặng người mình quen.


         Sáng nay đi hái sen,
         Hẹn cô kia đi với.
         Chẳng biết đến lúc nào,
         Cách hoa nghe cười nói.

         Hoa sen ai cũng ưa,
         Cuống sen chẳng ai thích.
         Trong cuống có tơ mành,
         Vấn vương không thể dứt.

           Lá sen màu xanh xanh,
           Hoa sen dáng xinh xinh.
          Hái sen chớ đụng ngó,
         Năm sau hoa chẳng sinh.

Bài này chứng rằng Nguyễn Du, ở Quảng Bình hay ở Huế có lúc nhớ đến một bạn gái xưa ở cạnh Hồ Tây tại Thăng Long, đã từng hẹn hò nhau đi hái sen trên hồ, người con gái mà Hầu "thương xót" chắc vì gặp cảnh ngộ không may. Hầu mượn chuyện sen để kín đáo nhắc lại tình quyến luyến giữa đôi bên để luận người ta yêu cô nàng vì xinh , vì sắc, chứ không phải vì lòng nàng, bởi lòng nàng nhiều tình cảm, như ngó sen có nhiều tơ vướng víu. Còn Hầu: (Kiều gốc vế 2241-2242)
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.
Trong những bài thơ Hán văn của Nguyễn Du còn lại, chỉ có hai bài ghi tình đối với hai người con gái mà Hầu đã từng gặp: một người là nhạc nữ già gảy đàn nguyệt, một người là cô gái Hồ Tây. Tuy bút chứng không muốn trỏ là ai, nhưng lấy mọi bằng chứng mà suy, thì tôi đoán đó là Xuân Hương, có lẽ là hợp lý".
Câu chuyện thứ 3: Ngày nay, trong khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du có ngôi nhà năm gian rất đẹp bằng gỗ quý với nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo. Không nhiều người biết lai lịch đặc biệt của ngôi nhà này.
Theo Ông Nguyễn Xuân Bách, cán bộ phụ trách nhà lưu niệm Nguyễn Du kể lại trong bài báo Đình chợ trộ đăng trên tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh số 75 - tháng 10 năm 2014 như sau: "Năm 1963, để chuẩn bị cho kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, Bộ văn hóa và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cử một đoàn cán bộ đi khắp vùng Nghệ - Tĩnh tìm mua một ngôi nhà với yêu cầu: ngôi nhà phải có kiến trúc đẹp, cùng thời với cụ Nguyễn Du và có mặt bằng rộng rãi, thông thoáng đủ để trưng bày các hiện vật và tài liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du. Gần hai tháng  trời tìm kiếm ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh không thành công. GS Lê Thước lúc đó là trưởng đoàn đành viết thư sang Pháp tham khảo GS Hoàng Xuân Hãn (người rất say mê và có nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du). Chỉ một thời gian sau, GS Hoàng Xuân Hãn đã gợi ý cho đoàn về xin mua lại ngôi đình Chợ Trổ của làng mình (xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ ngày nay). Ngôi đình này đảm bảo đủ các yêu cầu trên. Khi đoàn đến xin nhượng lại, các già làng không đồng tình. Nhưng rồi có thư của GS Hoàng Xuân Hãn gửi từ bên Pháp về, làng mới đồng tình. Từ đó, phòng trưng bày các hiện vật, tài liệu về dòng họ Nguyễn Tiên Điền và Nguyễn Du trong khu lưu niệm được ra đời". Ngôi đình Chợ Trổ trước khi làm lớp học và làm chợ (sau năm 1945) là đình làng thờ thần hoàng làng là ông Hoàng Trừng, đậu Hoàng Giáp khoa Kỷ Tỵ (1499), làm quan dưới triều Lê Thánh Tông đến chức Đông Các Đại Học Sỹ, Lễ bộ Tả Thị Lang là chắt ngoại cụ Nguyễn Biểu. GS Hoàng Xuân Hãn là cháu đời thứ 14 của Ông Hoàng Trừng. Một điều thú vị và hy hữu là cháu đời thứ 14 của thành hoàng làng đã giới thiệu và thuyết phục dân làng đem ngôi đình vốn là nơi thờ cụ tổ mình hiến cho nhà nước làm nhà lưu niệm Nguyễn Du. Điều này chứng tỏ GS Hoàng Xuân Hãn đã yêu quý và kính trọng Nguyễn Du đến mức nào. Và phải chăng, GS cũng muốn một công trình kiến trúc đẹp như vậy xứng đáng để thờ hoặc lưu niệm các danh nhân văn hóa của dân tộc chứ không phải để họp chợ?
Câu chuyện thứ tư:
 Khoảng từ năm 1943 -1945, để tránh máy bay Nhật ném bom Hà Nội, GS Hoàng Xuân Hãn đã theo trường Đại học Hà Nội vào giảng dạy ở  Thanh Hóa. Vào thời kỳ này GS đã tranh thủ đi khảo cứu khắp vùng Thanh - Nghệ -Tĩnh, và đã phát hiện được nhiều di tích lịch sử quý báu.
Cuối năm 1946, trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, một làn sóng người tản cư và việc tiêu thổ kháng chiến diễn ra rầm rộ ở các đô thị, nhất là ở Hà Nội. Nhiều sách báo được bán làm giấy loại khắp đường phố Hà Nội và các tỉnh thành, trong đó có nhiều sách quý. GS Hoàng Xuân Hãn đã dành nhiều thời gian để tìm mua lại và cứu vớt được nhiều sách quý về lịch sử và văn học Việt Nam thời trung đại.
GS Hoàng Xuân Hãn khảo cứu và hiệu đính Truyện Kiều với quan điểm "tầm nguyên", nghĩa là cố gắng tái tạo lại Truyện Kiều gần với bản gốc của Nguyễn Du đã bị thất lạc. Sách Kiều tầm nguyên của GS gồm có 5 phần:
- Phần thơ Kiều phiên âm ra quốc ngữ từ bản Kiều Nôm mà GS đã dựng lại.
- Phần hiệu đính, chú thích và khảo dị viết dưới các câu thơ.
- Phần dịch ra Quốc ngữ bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
- Phần bảng chỉ vần Kiều.
- Phần so sánh 8 bản Kiều mà GS đã dùng để hiệu đính, sau khi đánh giá các bản còn lại đều chép ra từ các bản đó.

 8 bản đó là:
1. Bản Nôm Duy Minh Thị -1872.
2. Bản Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký -1875.
3. Bản Nôm Kiều Oánh Mậu - 1902.
4. Bản Quốc ngữ  của Phạm Kim Chi -1917.
5. Bản Nôm Huế ( Microfilm của EFEO)
6. Bản Nôm Liễu Văn Đường - 1871.
7. Bản Nôm Thịnh Mỹ Đường - 1879.
8. Bản Nôm Thịnh Văn Đường -1882.
Trong 8 bản trên, trong Kiều tầm nguyên, sẽ chỉ in một bản duy nhất là bản Duy Minh Thị (1872), vì GS đánh giá nó gần bản gốc nhất.
Với một thái độ nghiêm túc, tỉ mỉ, khách quan; bằng phương pháp thống kê và văn bản học; với vốn chữ Hán Nôm uyên thâm; với những hiểu biết về tiếng Việt và đặc biệt tiếng Nghệ Tĩnh cách đây hơn 250 năm, GS đã khảo cứu hiệu chỉnh bản Kiều Nôm và bản Kiều Quốc Ngữ theo ngôn ngữ người Việt thời Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều. Vì vậy, khi đọc Kiều tầm nguyên bằng quốc ngữ ta thấy nhiều từ khác xa với bản quốc ngữ của nhiều tác giả hiện nay. Tôi xin dẫn chứng một số trường hợp:
- Câu 28 : "Sắc đành Trọi một, tài đành họa hai". Chữ Trọi ở đây có nghĩa là duy nhất, một mình. Đây là một từ cổ mà ngày nay ta chỉ còn dùng trong từ ghép Trơ trọi.
- Câu 77 :" Sắm sanh Níp tử xe châu". Chữ Níp là từ cổ ở vùng Nghệ Tĩnh chỉ cái rương, cái hòm làm bằng gỗ. Ở Nghệ Tĩnh thì cái quan tài được gọi là cái hòm, tức là cái Níp. Còn chữ Nếp trong các bản quốc ngữ hiện nay thì không có nghĩa là cái hòm hay cái quan tài mà chỉ có 3 nghĩa : gạo Nếp, Nếp gấp của giấy hoặc vải và nề Nếp gia phong mà thôi.
- Câu 636 :" Ngưng hoa Bụng thẹn, trông gương mặt dày". GS đã thay chữ Bóng trong các bản Quốc ngữ hiện nay bởi chữ Bụng đúng nghĩa và đúng văn cảnh hơn; và đó cũng là hai cách đọc của cùng một chữ Nôm.
- Câu 1265 :" Búi tình đòi đoạn vò tơ". GS đã  thay chữ Mối tình bởi Búi tình, phản ảnh đúng tâm trạng của Thúy Kiểu hơn và cũng là hai cách phiên âm của một chữ Nôm.
- Câu 1951 : Quản chi Trên gác dưới duềnh. GS đã thay cụm từ Lên thác xuống ghềnh bởi cụm từ Trên các dưới duềnh hợp với văn cảnh và tâm trạng của Thúc Sinh lúc chia tay Thúy Kiều và cũng phù hợp với cách phiên âm của chữ Nôm. Nhà thơ Vương Trọng đã phân tích vì sao Ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam đã chọn câu 1951 là Quản chi Trên gác dưới duềnh được đăng trên báo Văn nghệ số 34, ngày 22 tháng 8 năm 2015. Tôi không thể kể hết hàng trăm ví dụ như trên trong Kiều tầm nguyên của GS Hoàng Xuân Hãn.
Khoảng năm 1995-1996, nhà báo Thụy Khuê ở Pháp đã phỏng vấn GS Hoàng Xuân Hãn về Kiều tầm nguyên. Trong một thời gian dài, trên đài phát thanh RFI của Pháp, cứ vào các buổi tối cuối tuần , GS Hoàng Xuân Hãn lại trả lời phỏng vấn và nói chuyện về Kiều tầm nguyên với thính giả.
 Rất tiếc là trong khi GS chưa hoàn tất bản thảo và in ấn Kiều tầm nguyên thì GS đã đột ngột ra đi vào ngày 10 tháng 3 năm 1996 tại Paris. Bản thảo Kiều tầm nguyên của GS Hoàng Xuân Hãn với hơn 500 trang viết tay của GS, kết quả của hơn 50 năm nghiên cứu Truyện Kiều của GS chưa được ra mắt giới nghiên cứu và bạn đọc trong dịp Việt Nam và toàn thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du  theo nghị quyết của UNESCO.
Chúng tôi mong muốn Bộ Văn hóa, Viện Văn học, viện Hán Nôm và Hội Kiều Học Việt Nam giúp đỡ gia đình GS Hoàng Xuân Hãn ở Paris sớm cho Kiều tầm nguyên được ra mắt giới nghiên cứu và độc giả trong và ngoài nước./.

HOÀNG XUÂN KHÓA

LẠI BÀN VỀ NƠI AN TÁNG ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

LTS: Mai Văn Hoan là Nhà giáo, Nhà thơ, Nhà Kiều học được nhiều người yêu mến. Riêng về Truyện Kiều, Nguyễn Du anh đã xuất bản nhiều công trình khảo cứu sắc sảo. Xin giới thiệu với bạn đọc một bài viết mới của anh theo thư đặt bài của Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh.

Thi sĩ MAI VĂN HOAN

        Một số bài viết đề cập đến nơi an táng Đại thi hào Nguyễn Du gần đây chủ yếu dựa vào Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền. Gia phả ghi: “Năm Canh Thìn (1820) Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch (16 tháng 9 năm 1820). Nguyễn Du mất ở Kinh, lúc đầu chôn ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Được tin Nguyễn Du qua đời, quan lại ở Kinh nhiều người làm câu đối phúng viếng, hết lời ca ngợi tài năng, đức độ của ông: Nhất viện cầm tôn nhân ký khứ/ Đại gia văn tự thế thanh truyền (Rượu đàn đầy viện người đi vắng/ Văn tự hơn đời tiếng dội vang); Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh, sinh bất thiểm/ Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc, tử do vinh (Một kiếp tài hoa, làm sứ, làm khanh, sinh chẳng thẹn/ Trăm năm sự nghiệp, ở nhà, ở nước, chết còn vinh). Năm Giáp Thân (1824), di cốt của ông được cải táng về quê nhà là làng Tiên Điền, Hà Tĩnh”. Tuy nhiên, không phải điều gì được chép trong gia phả đều chính xác. Vì vậy, việc sử dụng những ghi chép trong gia phả cần phải hết sức thận trọng. Về địa điểm an táng Nguyễn Du Gia phả ghi “lúc đầu chôn ở xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên là thiếu chính xác. Xã An Ninh thuộc huyện Hương Trà chứ không phải thuộc huyện Quảng Điền. Thời Gia Long gọi tỉnh Thừa Thiên là doanh (dinh) Quảng Đức. Khi Nguyễn Du mất, Minh Mạng lên ngôi mới được 7 tháng nên ông chưa thể thay đổi gì nhiều. Mãi đến 12 năm sau (1832) ông mới đổi doanh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên và chia thành 6 huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc (thời Gia Long chỉ có 3 huyện: Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang). Điều đó chứng tỏ Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền do người đời sau chứ không phải là người cùng thời với Nguyễn Du biên soạn nên việc nhầm lẫn không thể tránh khỏi. Riêng địa danh An Ninh là chính xác. An Ninh nguyên là một xã hình thành trước khi xuất hiện sách Ô Châu cận lục (1555), đến thế kỷ XVIII mới tách làm hai: An Ninh thượng và An Ninh hạ. Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có ghi: “An Ninh hạ và An Ninh thượng thuộc tổng An Ninh, huyện Hương Trà”. Dựa vào địa danh xã An Ninh, nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy đã thực hiện công trình Đi tìm nơi an táng của thi hào Nguyễn Du tại Huế (thuyết trình ngày 16-11-2008 tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM và đăng trên báo Văn hóa Phật giáo số 131 ngày 16/6/2011). Ông Hồ Đắc Duy về Huế khảo sát và nhờ một số người giỏi phong thủy tác nghiệp, đã đi đến kết luận: “Mộ cũ Nguyễn Du là tiền thân của ngôi mộ Thượng thư Bộ công Hoàng Hữu Thường, thuộc Bàu Đá, làng An Ninh thượng, phía tả sông Bạch Yến”. Nhưng đó cũng chỉ mới là giả thuyết, chưa có cơ sở khoa học đủ sức thuyết phục. Thật khó tin gia đình một vị thượng thư lại chọn nơi từng có kẻ yên nghỉ để an táng người thân của mình, dù thế đất ở đó có tốt đến mấy đi nữa. Sư thầy Lương Phương (năm nay đã 86 tuổi) ở chùa Phước Duyên, bên cạnh cánh đồng có ngôi mộ Thượng thư Hoàng Hữu Thường cũng xác nhận như vậy. Sư nói: Không thể! Không thể! Còn cụ Nguyễn Đức Pha (trên 70 tuổi) người làng An Ninh thượng khẳng định: Trước 1975, tục truyền  khu vực nghĩa địa thuộc xã An Ninh chỉ cho phép người trong xã chôn cất, Vì vậy, theo cụ: “Nơi an táng Nguyễn Du ít có khả năng ở cánh đồng Bàu Đá, làng An Ninh thượng”.

        Được sự đồng ý của Hội Kiều học VN, ngày 12-8-2017 tại trụ sở LH các Hội VHNT Thừa Thiên Huế (26 Lê Lợi) Chi Hội Kiều học Bình - Trị - Thiên tổ chức Lễ ra mắt. Sáng hôm đó có ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Đắc Xuân… đến dự. Tại đây, vấn đề nơi an táng Nguyễn Du lại được đề cập. Ông Nguyễn Dung hứa sẽ trực tiếp chỉ đạo nhanh chóng xây dựng khu tưởng niệm Nguyễn Du ở Huế - nơi Đại thi hào sống 12 năm, để lại nhiều dấu ấn trong sáng tác thơ văn, đặc biệt là tập thơ Nam Trung tạp ngâm. Khu tưởng niệm Nguyễn Du sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể du lịch Huế. Ngày 22/1/2018 UBND TP. Huế thể theo đề xuất của ông Dương Phước Thu đã đăng cai tổ chức buổi tọa đàm, xác định địa điểm an táng Nguyễn Du với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử: Đỗ Bang, Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh…  Theo ông Dương Phước Thu, từ ngôn truyền của người đời trước, con cháu họ Mai Khắc và bà con ở Hậu Thôn, thuộc An Ninh hạ (nay là phường Kim Long, Tp Huế) vẫn bảo vệ chỗ an táng cụ Du Đức hầu (tước của Nguyễn Du). Người dân Hậu Thôn vẫn coi đó là nơi linh thiêng, không ai dám xâm phạm. Ông Mai Khắc Chính (chắt nội của cụ Mai Khắc Đôn), cho hay: “Một lần, cha tôi (ông Mai Khắc Lưu) chỉ gò đất ở Bàu Đá nói rằng, đó là nơi an táng Du Đức hầu. Từ đó tôi luôn tâm nguyện giữ gìn khu đất này”. Các nhà nghiên cứu có mặt trong buổi tọa đàm hôm đó thống nhất: Việc tìm kiếm nơi từng an táng Đại thi hào Nguyễn Du tại Huế là việc làm cần thiết, tuy nhiên những cứ liệu khoa học ấy là chưa đủ, cần tiếp tục nghiên cứu để có thể khẳng định chắc chắn đó là nơi từng an táng Nguyễn Du. Kết luận tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng: Buổi tọa đàm là cơ sở đầu tiên để tiến hành những bước tìm hiểu, nghiên cứu tiếp theo. Cần tổ chức hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu về Nguyễn Du ở Việt Nam và nước ngoài để có thêm những cứ liệu lịch sử; tổ chức khảo sát, thăm dò, xác định chắc chắn nơi an táng mới tiến hành lập hồ sơ khoa học. Trước mắt, phường Kim Long cần giữ gìn, bảo vệ khu đất đang còn nghi vấn. Buổi tọa đàm đã gây được tiếng vang. Có đến hàng chục tờ báo đưa tin, bài (Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí, Văn Hóa, Thừa Thiên Huế… ). Điều đó chứng tỏ nơi an táng Đại thi hào Nguyễn Du ở Huế được nhiều người quan tâm. Thực ra, điều ông Dương Phước Thu trình bày trong buổi tọa đàm hôm 22 -1- 2018 đã được ông Trần Viết Điền công bố trên Tạp chí Sông Hương với tiêu đề Người Bàu Thôn vẫn lưu giữ “mộ vọng” cụ Nguyễn Du ở Huế (ra ngày 17-4-2015). Ông Trần Viết Điền vốn có bà con với con cháu dòng họ Mai Khắc ở  Hậu Thôn nên biết khá tường tận dòng họ Mai Khắc và ngôi “mộ vọng”. Dòng Mai Khắc trước nguyên là Mai Bá, học giỏi nhưng chưa có ai đỗ đạt cao. Đến đời Mai Bá Hanh, cụ đi coi thầy, thầy phán: Nếu đổi Bá thành Khắc con cháu sẽ có người đỗ đại khoa. Cụ Hanh bèn đổi tên lót Bá thành Khắc cho các con. Quả như lời thầy phán, ông Mai Khắc Đôn (con trai cụ Mai Bá Hanh) thi đỗ đại khoa, sau trở thành sư phụ và nhạc phụ của vua Duy Tân. Theo ông Mai Khắc Chính thì ông Mai Khắc Đôn có mua 5 mẫu đất, nguyên gốc là đất công, được cấp cho một vị hoàng thân triều Nguyễn, đã giữ nguyên ngôi “mộ vọng” của cụ Nguyễn Du và mộ của Quý nhân Nguyễn Thị Trường (vợ vua Minh Mạng). Hơn nữa bà Quí nhân Nguyễn Thị Trường được táng gần phần đất có “mộ vọng” của cụ Nguyễn Du, chứng tỏ gia đình cụ Nguyễn Du đã chọn huyệt đất tốt với sự hỗ trợ của hoàng tộc triều Nguyễn. Giả thuyết này nghe ra có cơ sở hơn giả thuyết của ông Hồ Đắc Duy, song vẫn chưa có những bằng chứng đủ sức thuyết phục.
         Việc tìm cho ra nơi an táng Nguyễn Du ở Huế một cách chính xác là điều gần như không tưởng, còn khó hơn cả “đáy bể mò kim”. Nhưng điều có thể khẳng định một cách chắc chắn là: Nguyễn Du mất ở Huế và an táng tại khu vực xã An Ninh, huyện Hương Trà (nay thuộc phường Kim Long, Tp Huế). Trong khi tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát, tổ chức hội thảo… tình Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế cần gấp rút lập dự án xây dựng khu tưởng niệm Nguyễn Du để dân chúng và khách du lịch trong ngoài nước sớm được tham quan, chiêm bái.
       Có thể lựa chọn một trong hai địa điểm sau:
      1.Văn Thánh (thuộc Hương Long, Tp Huế) đất đai để trống còn nhiều, nơi có phong cảnh đẹp (gần đường, gần sông Hương), nơi tôn vinh những danh tài thời nhà Nguyễn. Nguyễn Du xứng đáng được tôn vinh ở đây. Văn Thánh cách  cánh đồng Bàu Đá của An Ninh thượng (một trong hai địa điểm được cho là nơi an táng Nguyễn Du) không xa. Nếu có khu tưởng niệm Nguyễn Du, Văn Thánh sẽ là nơi thu hút nhiều khách tham quan.
      2. Hậu Thôn, An Ninh hạ, phường Kim Long, Tp Huế, dọc theo đường Nguyễn Hoàng, qua cầu, rẽ phải, theo đường Lý Nam Đế khoảng 400m, đến nhà thờ dòng họ Mai Khắc ở Hậu Thôn, thẳng ra phía cánh đồng chừng 200m. Ở đây, đã có sẵn ngôi “mộ vọng” tương truyền của Du Đức hầu (Nguyễn Du). Bên cạnh là lăng bà Nguyễn Thị Trường (vợ vua Minh Mạng). Trong xóm Hậu Thôn có nhà thờ họ Mai Khắc. Cạnh nhà thờ họ Mai Khắc là ngôi nhà rường khá đẹp. Trong ngôi nhà rường có điện thờ ông Mai Khắc Đôn và bà Mai Thị Vàng (vợ vua Duy Tân)… Tất cả làm thành một cụm di tích lịch sử khá đặc biệt. Không hiểu sao cho đến nay ngành du lịch Thừa Thiên Huế chưa tiến hành khai thác. Thật là uổng phí!
        Công trình khu tưởng niệm Nguyễn Du có thể với quy mô vừa hoặc nhỏ, song nên có bức tượng Nguyễn Du (có thể phỏng theo bức tượng ở vườn lưu niệm Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh thu nhỏ; ngôi mộ đơn sơ (có thể lấy nguyên mẫu ngôi mộ khi chưa sửa sang của Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh); văn bia khắc vắn tắt thân thế, sự nghiệp Nguyễn Du. Trồng một cây hồng tiến (do Nguyễn Du mang giống từ Trung Quốc về), trồng vài khóm cúc, vài khóm lựu, vài khóm trà mi… (là những thứ hoa từng được Nguyễn Du nhắc đến trong Truyện Kiều). Nếu có thể nên dựng bia, khắc những câu thơ của Nguyễn Du viết về Huế theo lối thư pháp, như: Hương Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu (Sông Hương một mảnh trăng/  Xưa nay gợi không biết bao nhiêu mối sầu);  Hương Cần quan đạo liễu thanh thanh/ Giang bắc, giang nam vô hạn tình (Hương Cần dương liễu rập rờn xanh/ Bến bắc, bến nam vô hạn tình… ); Cổ tự thu mai hoàng diệp lý/ Tiên triều tăng lão bạch vân trung (Chùa xưa lá thu vàng phủ kín/ Triều cũ tăng già bạc mây bông – Vọng Thiên Thai tự) ở các địa điểm: Công viên bên bờ bắc sông Hương, trước sân chùa Thiên Thai, phía nam cầu Hương Cần.
        Những người yêu mến, ngưỡng mộ tài năng thi ca của Đại thi hào Nguyễn Du trong và ngoài nước rất mong sự quan tâm chỉ đạo xây dựng Khu tưởng niệm Nguyễn Du ở Huế của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế càng sớm càng tốt.

                                                                        Huế, tháng 4-2018
                                                                          Mai Văn Hoan




PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CỦA THÚY KIỀU



    Nàng Kiều sống vào những năm Gia Tĩnh Triều Minh bên Trung Quốc, tính ra cách đây ngót 500 năm. Thời đó chưa có tàu hoả, chưa có ô tô, còn máy bay chưa xuất hiện trong ý tưởng của các nhà khoa học. Tất nhiên phượng tiện giao thông ngày đó nghèo hơn và tốc độ chậm hơn rất nhiều so với các phương tiện đi lại ngày nay.Vấn đề đặt ra: Thuý Kiều đã sử dụng các loại phương tiện giao thông nào, và mỗi loại sử dụng bao nhiêu lần.
   Dọc theo cuộc đời lưu lạc mười lăm năm của Thuý Kiều, nếu để ý nhận xét, ta sẽ thấy được nàng sử dụng các phương tiện sau đây:
A – Đi Xe.
 Đó là loại xe do ngựa kéo khi Mã Giám Sinh đưa nàng đi từ Bắc Kinh về Lâm Tri, suốt một tháng trời. Chúng ta kết luận được như vậy là nhờ các câu: “Đoạn trường thay, lúc phân kỳ. Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” là nói khi chia tay, còn trên đường thì: “Đùng đùng gió giục, mây vần. Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Và “Lâm Tri vừa một tháng tròn tới nơi” . Đây là loại xe dùng để đón dâu, chắc là sang trọng, nên được gọi là “xe châu”: “xe châu dừng bánh cửa ngoài . Phía trong bỗng có một người bước ra”. Là nàng Kiều gặp mụ Tú Bà đấy. Trong mười lăm năm lưu lạc, đây là lần duy nhất nàng Kiều đi xe.
B – Đi Ngựa:
Nàng Kiều đi ngựa hai lần. Lần đầu tiên là lẩn trốn theo Sở Khanh:
 “ Cùng nhau lẻn bước xuống lầu. Song song ngựa trước, ngựa sau một đàn”.Tất nhiên cuộc lẻn trốn không thành, bị Tú Bà bắt về tiếp khách. Lần thứ hai nàng đi ngựa sau khi bị bọn Khuyển Ưng đánh thuốc mê ; “Vực ngay lên ngựa tức thì. Phòng đào, viện sách bốn bề lửa dong”.
 C - Đi kiệu.
Theo thứ tự thời gian, ta có:
1 - Đi kiệu về nhà trọ (trú phường) với Mã Giám Sinh: “Kiệu hoa đâu đã đến ngoài. Quản huyền đâu đã giục người sinh li”.
2 - Đi kiệu về với Thúc Sinh sau khi thắng kiện và được Thúc Ông chấp nhận: “ Kíp truyền sắm sử lễ công. Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao”.
3 - Bạc Hạnh thuê kiệu rước vào lầu xanh ở Châu Thai: “Mượn người thuê kiệu rước nàng. Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa”.
4 - Đi kiệu về đại bản doanh Từ Hải: “Dựng cờ, nổi nhạc lên đàng. Trúc tơ trổi trước, kiệu vàng cất sau”.
5 - Đi kiệu xuống thuyền Thổ Quan: “Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rũ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
6 - Đi kiệu cùng cả nhà sau khi gặp nhau ở thảo am bên sông Tiền Đường:
“ Kiệu hoa giục giã tức thì. Vương ông dạy rước cùng về một nơi”.
D- Đi thuyền:
1- Đi thuyền theo bọn Khuyển, Ưng từ Lâm Tri về Vô Tích: “ Khuyển , Ưng đã đắt mưu gian/ Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền/ Buồm cao lèo thẳng cánh suyền/ Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang…”.
2 – Đi thuyền cùng Bạc Hạnh đến Châu Thai: “ Thuyền vừa áp thẳng tới nơi. Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày”.
3 – Đi thuyền xuống sông Tiền Đường cùng Thổ quan: “ Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền. Lá màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao”.
4 – Đi thuyền khi được ngư phủ cùng Giác Duyên vớt lên: “ Trên mui lướt mướt áo là. Tuy dầm hơi nước chưa loà bóng gương” .
  Trong mười lăm năm lưu lạc, Thuý Kiều có một chuyến đi bộ dài nhất là đêm trốn khỏi Quan Âm Các đi  về Chiêu Ẩn Am gặp Giác Duyên.
  Để dễ nhớ nội dung này, ta diễn ra thơ lục bát:

                    Người ta xe, ngựa thì vui
                    Thuý Kiều xe, ngựa ngậm ngùi, gian truân
Nổi chìm trong cuộc trầm luân
Kiệu hoa sáu chuyến, ba lần lệ rơi.

- Biệt quê, thương chửa hết lời
"Kiệu hoa đâu đã đến ngoài", giục đi
- Sắc, tài thắng kiện Lâm Tri
"Kiệu hoa cất gió" ai bì xênh xang.
 - "Mượn người thuê kiệu rước nàng"
Châu Thai, Bạc Hạnh tìm đàng trốn mau.
 - Trúc tơ trước, kiệu vàng sau
Chờ Từ Công chỉ ít lâu, phỉ nguyền.
 - Mất chồng, Tôn Hiến ép duyên
"Kiệu hoa áp thẳng xuống thuyền" thổ quan
 - Gặp nàng nương chốn thảo am
"Kiệu hoa giục giã" cả đoàn về mau
 - Sở Khanh kế hiểm, mưu sâu
"Song song ngựa trước ngựa sau " lừa nàng
 - "Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian"
"Vực ngay lên ngựa" mơ màng thuốc mê
 - Bán mình, nàng phải theo xe
Giám Sinh họ Mã dẫn về Lâm Tri
Thuyền thì bốn lượt từng đi:
Lần đầu mê thuốc biết gì Kiều ơi
Lần hai Bạc Hạnh nuốt lời
“Thuyền vừa áp thẳng tới nơi” bán nàng.
Lần ba, lần bốn Tiền Đường
Một thuyền oan nghiệt, cưu mang một thuyền.

VƯƠNG TRỌNG

ĐỐ KIỀU

LTS: Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa xuất bản tập sách khảo luận, trao đổi: "Truyện Kiều, Nguyễn Du, ở trong còn lắm điều hay" của nhà thơ Vương Trọng. Đây là một tập sách rất đáng để những người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều tìm đọc. Xin giới thiệu với bạn đọc bài " Đố Kiều" đăng trong tập sách này để thưởng lãm.

Nhà thơ Vương Trọng đọc thơ tại Khu di tích Nguyễn Du
 trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ Nhất (2003) ở Nghi Xuân-Hà Tĩnh  Ảnh: Thái Văn Sinh

        Trong lịch sử văn học Việt Nam, không có một tác phẩm nào có tính phổ cập rộng lớn như "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du. Không thể thống kê hết số người thuộc toàn bộ 3254 câu, và khó tìm được một người dân Việt Nam mà không thuộc một vài đoạn, một vài câu Kiều. Thế kỷ này qua thế kỷ khác, dân ta mê rồi nghĩ ra các cách thưởng thức "Truyện Kiều". Nếu như Vịnh Kiều, Bình Kiều là công việc của giới nhà Nho, trí thức, thì Ngâm Kiều, Lẩy Kiều, Bói Kiều... và đặc biệt là Đố Kiều được quần chúng bình dân tham gia rộng rãi.
    Đố Kiều là một trò chơi văn nghệ dân gian dưới hình thức đối đáp, nghĩa là một bên hỏi, một bên trả lời, mỗi bên thường là một nhóm, một đội...Có điều đặc biệt là khi chơi trò Đố Kiều, cả người ra đố và giải đố thường dùng thơ, chủ yếu là thể lục bát, để chuyển tải ý của mình. Trò chơi Đố Kiều xẩy ra nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng ở vùng quê Nghệ Tĩnh trước đây chủ yếu diễn ra trong các cuộc hát Phường vải. Hát Phường vải là hình thức hát đối đáp gồm hai nhóm người, một bên là các cô gái địa phương ngồi quay xa dệt vải, một bên là các chàng trai tứ chiếng tụ tập lại. Nội dung hát đố, giải trong hát Phường vải gồm nhiều đề tài khác nhau, nhưng Đố Kiều luôn luôn chiếm một vị trí quan trọng. Điều khó của người giải đố là sau khi nghe đố xong, chỉ một thời gian thật ngắn phải có lời đáp. Bởi vậy trò chơi này đòi hỏi những người tham gia không những thuộc, hiểu "Truyện Kiều", mà phải có phản ứng nhanh trong việc diễn tả ý của mình dưới thể thơ lục bát, đồng thời cần có giọng ngâm, giọng hát hay. Sự thật khó tìm được một người toàn tài như vậy, mà trong các bên dự thi Đố Kiều phải phân công nhau, để cho từng người thể hiện sở trường của mình. Thông thường trong thành viên mỗi đội, ngoài số nam thanh nữ tú ra, mỗi bên còn mời một vài người không phân biệt tuổi tác, thường là cụ đồ Nho hoặc cậu tú, cậu cử...thông thuộc "Truyện Kiều", gánh vác nhiệm vụ mách lời, các chàng trai, cô gái tốt giọng có khi chỉ là người "phát ngôn"!
  Nội dung đầu tiên các câu hát Đố Kiều quan tâm là thử thách sự thông thuộc, hiểu biết của người giải đố về "Truyện Kiều". Loại câu đó ấy thường ngắn gọn buộc người giải đố phải tìm một câu, một đoạn nào đó có ý theo yêu cầu của người đố. Có khi bản thân câu đố không khó nhưng vì phải trả lời ngay nên đến cả những nhà "Kiều học" cũng phải lúng túng. Sau đây là một số ví dụ.
            Đố:        "Truyện Kiều" anh đã thuộc lòng
                          Chỗ nào tơ liễu mà không buông mành?
        Ở câu này, người ra đố đi từ nhận xét rằng, không ai mê Truyện Kiều mà không thuộc câu "Lơ thơ tơ liễu buông mành/ Con oanh học nói trên cành mỉa mai", nên hễ nhắc hai chữ tơ liễu là thế nào buông mành cũng hiện lên. Vả lại, trong "Truyện Kiều" có rất nhiều từ liễu, từ nhưng tơ liễu thì chỉ xuất hiện ba lần, "tơ liễu mà không buông mành" chỉ có hai lời giải:                
Dưới cầu nước chảy trong veo
Trên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha!
Và:    Chừng xuân tơ liễu còn xanh
          Nghĩ mình chưa thoát khỏi vành ái ân.
Trong trò chơi đố Kiều, loại câu đố mà lời giải là một câu Kiều là rất phổ biến:
          Đố:  "Truyện Kiều" anh đã thuộc làu
                  Đố anh kể được một câu năm người?
          Giải: "Này chồng, này mẹ, này cha
                   Này là em ruột, này là em dâu"!
          Đố:  "Truyện Kiều" anh đã thuộc lòng
                  Đố anh đọc được một dòng toàn Nho?
         Giải: "Hồ công quyết kế thừa cơ
                 Lễ tiên, binh hậu khắc cờ tập công"!...
    Nhưng có nhiều câu đố đòi hỏi lời giải không phải là một câu Kiều, mà là sự tổng hợp của những câu, những đoạn khác nhau. Cái khó của lời giải loại này là không chỉ thống kê các câu Kiều, mà phải xử lý vần để lời giải là một đoạn thơ:
       Đố:   Nàng Kiều lưu lạc gian truân
               Với người tình, đã mấy lần chia tay?
      Giải:
              "Dùng dằng một bước một xa"
               Chia tay Kim Trọng châu sa đẫm ngày
              "Chén đưa nhớ buổi hôm nay" 
               Chia tay chàng Thúc hẹn ngày năm sau
               "Đành rằng chờ đó ít lâu"
               Chia tay Từ Hải, lòng đau nhớ nhà
               Chiếc thân bèo nổi, sóng sa
               Ba lần ly biệt xót xa, tội tình!
  Cũng có khi người ra đố không chỉ dùng một vài lời ngắn gọn, mà dùng nhiều câu dắt dẫn, đưa đẩy để giới thiệu mình hoặc để tỏ tình, trước khi vào nội dung cần đố:
       Nữ:
 "Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông"
Phải đâu mèo mả, gà đồng
Thuyền quyên muốn hỏi anh hùng trước sau:
"Ba quân chỉ ngọn cờ đào
Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri"
Thế còn một đạo làm chi?
Trai anh hùng giải được, gái nữ nhi chịu tài.
      Nam:
Vì ai chiếc lá lìa cành
Khi săn như chỉ, khi mành như tơ
Trót công rày đợi mai chờ
"Phải người trăng gió vật vờ hay sao"
"Ba quân chỉ ngọn cờ đào
Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri"
Ắt còn một đạo binh uy
Ở nhà giữ chốn biên thuỳ cho nghiêm
Anh hùng tỏ với thuyền quyên
"Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng"!
      Trong loại câu đố này, người ra đố và giải đố dùng những câu Kiều nguyên vẹn hoặc lẩy Kiều để chuyển tải ý mình, và hình như đây không chỉ là đố giải Kiều mà là còn là đối đáp tỏ tình. Một đặc điểm cũng cần lưu ý, là cả người đố và giải đều đùa với ngôn ngữ trong Truyện Kiều, cụ thể ở đây là chữ Ba quân. Họ đều thừa hiểu rằng ba quân là tiếng chỉ quân đội nói chung, thế mà giả vờ như không hiểu để mà đố, mà giải! Chúng ta biết rằng, trong các câu đố về Truyện Kiều, những câu đố vui đùa theo kiểu chơi chữ chiếm một tỷ lệ rất lớn. Loại câu đố này chỉ mượn "Truyện Kiều" để mang lại tiếng cười sảng khoái như nghe chuyện tiếu lâm. Đó là "Truyện Kiều" của những người thích đùa"!
          Hỏi:  Tiện đây hỏi một hai điều
         Thiếp tôi chưa rõ nàng Kiều ai sinh?
         Đáp:
"Hổ sinh ra phận thơ đào
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong"
Khái ( hổ) sinh Kiều, thật lạ lùng
Trả lời như rứa thoả lòng em chưa?
       Hỏi:
                  Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Nghe đâu Kiều có làm nghề tráng gương?
        Đáp:
"Mười lăm năm, bấy nhiêu lần
Làm gương cho khách hồng quần thử soi!"
        
         Hỏi:  Nổi danh tài sắc đủ điều
                Tại sao lại bảo nàng Kiều sứt răng?
        Đáp:
"Hở môi ra những thẹn thùng"
Sứt răng nàng sợ chúng trông, bạn cười!
   Hỏi:
"Song thu đã khép cánh ngoài"
Nàng Kiều chung chạ có thai bao giờ?
   Đáp:
"Lỡ từ lạc bước bước ra"
"Thất kinh nàng chửa biết là làm sao!"
    Hỏi:
Đến đây hỏi khách cựu giao
Chàng Kim đau bụng thế nào chàng ơi?
    Đáp:
"Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày!"
     Hỏi:      
                   Sinh ra thời buổi chiến chinh
Thuý Kiều có lấy thương binh không chàng?
     Đáp:
Một tay trời bể ngang tàng
Chồng Kiều, Từ Hải rõ ràng thương binh!
      Hỏi:
Thời Kiều đã có ngân hàng
Em đây chưa tỏ nhờ chàng chỉ cho?
      Đáp:
"Nhà băng đưa mối rước vào..."
Tiền nong thanh toán việc nào chẳng xong!
        Còn một nội dung đố Kiều khác nữa, là người đố dùng những câu Kiều hoặc lẩy Kiều để đố xem ý câu đó nói gì. Với nội dung này, người giải phải có óc suy xét, phán đoán mới giải được. Và lạ thay, có nhiều câu có lời giải có vẻ thật chính xác! Và ở loại này, người ta thường trả lời trực diện mà ít dùng thơ.
      Đố:
"Trên vì nước, dưới vì nhà"
"Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng".
                   (Là cái gì?)
     Giải:      Cái máng nước (nằm giữa hai mái nhà)
      Đố:       " Vầng trăng vằng vặc giữa trời
                   Đinh ninh hai miệng một lời song song".
                                      (Là cái gì?)

      Giải:    Sáo diều đêm trăng!
       Đố:  "Trăm năm tính cuộc vuông tròn
               Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông?"
                                       (Là nghề gì?)
      Giải: Người đan bồ! (khi đan bồ, phải đan đáy hình vuông trước, rồi sau đó mới đan tròn phía trên và vật liệu đan bồ là nưá phải lầy từ rừng về).
       Đố Kiều là một trò chơi tao nhã có từ lâu đời, nhưng  tiếc rằng hơn nửa thế kỷ qua hầu như ít xuất hiện trong đời sống tinh thần của công chúng. Đó là một thiếu sót trong công việc bảo tồn vốn cổ của ngành văn hoá.Trong hai năm 2002 – 2009,  Đài Tiếng nói Việt Nam có một chương trình khá hoành tráng về việc đưa "Truyện Kiều" đến với thính giả bằng cách giới thiệu toàn bộ "Truyện Kiều", từ đầu đến cuối qua giọng ngâm của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất, đồng thời trong mỗi đoạn có sự phân tích, giảng giải của các chuyện gia về "Truyện Kiều". Cũng trong chương trình này, Đài còn tổ chức mỗi tháng một câu Đố Kiều với thính giả rộng rãi trong cả nước. Việc làm này của Đài Tiếng nói Việt Nam không những đem lại hứng thú cho người nghe mà còn làm sống lại một trò chơi văn hoá có nguy cơ mai một.
   V.T

HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM TẠI HÀ TĨNH SƠ KẾT HOẠT ĐỘNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM

Toàn cảnh buổi sinh hoạt
            Chiều 17/6, Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh đã tổ chức sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và giới thiệu tiểu thuyết “Buồn vui nơi trần thế” của nhà văn Lê Đức Hân tại Khu du lịch sinh thái biển 5 sao Quỳnh Viên.
Các đại biểu dự sinh hoạt

Đến dự sinh hoạt có Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh; Tiến sỹ  Võ Hồng Hải – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam; Nhà thơ Vương Trọng và nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và trên 130 đại biểu đến từ: Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh; Văn phòng Đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và Nghệ An; Đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, Hội VHNT Hà Tĩnh, Hội nhà báo Hà Tĩnh, UBND huyện Nghi Xuân, Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Du, Hội Khuyến học tỉnh Hà Tỉnh, Câu lạc bộ Thơ đường Hà Tĩnh; Các giảng viên Khoa Ngữ Văn Đại học Vinh và Đại học Hà Tĩnh; Các giáo viên văn trường PTTH chuyên Hà Tĩnh, Trường THCS Lê Văn Thiêm và đại diện các trường học mang tên Nguyễn Du trên địa bàn Hà Tĩnh; Các hội viên Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh và phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Ông Thái Văn Sinh, Trưởng Văn phòng đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh
phát biểu khai mạc hội nghị.

Nhà phê bình lý luận Văn học Phạm Xuân Nguyên Giới thiệu tiểu thuyết:
 “Buồn vui nơi trần thế” của nhà văn Lê Đức Hân, UV Thường vụ Hội Kiều học Việt Nam

Nhà thơ Vương Trọng nói chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Hội nghị đã diễn ra hấp dẫn với các nội dung chính: Phát thẻ cho 26 hội viên Hội Kiều học Việt Nam; Sơ kết đánh giá hoạt động của Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh thời gian qua và kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm; Giới thiệu tiểu thuyết: “Buồn vui nơi trần thế” của nhà văn Lê Đức Hân; Nhà thơ Vương Trọng nói chuyện về Tuyện Kiều; Tắm biển Quỳnh Viên và Tổ chức tiệc  liên  hoan.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Buổi sinh hoạt thực sự tạo được ấn tượng tốt cho những người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều./.


THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...