CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY MẤT DANH DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI - ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU


Theo thông tin từ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động chính Kỷ niệm 200 năm ngày mất danh Danh nhân văn hóa Thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020) sẽ được triển khai theo một chuỗi sự kiện từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2020, gồm:
1. Triển khai các dự án tu bổ các di tích Nguyễn Du trong năm 2020
Triển khai dự án Tu bổ, tôn tạo các di tích gốc, xây dựng cơ sở hạ tầng và khuôn viên cây xanh trong Khu di tích Nguyễn Du Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
- Cơ quan chủ trì: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh
- Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ Quý I/2019.
2. Soạn thảo, in ấn và ban hành tài liệu tuyên truyền Kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du.
Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị phối hợp: Văn phòng Đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh
Thời gian: tháng 2 năm 2020
3. Họp báo tuyên truyền và làm việc với các Bộ, ngành Trung ương về phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm
Đơn vị tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị chủ trì thực hiện: UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền Thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo.
Đoàn công tác của tỉnh làm việc với các Bộ, ngành trung ương về phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm.
Thời gian: Tháng 3/2019.
Địa điểm: Tại Hà Nội.
 4. Tham gia tham gia sự kiện Kỷ niệm 200 năm mất của Đại thi hào Nguyễn Du tại Thủ đô Paris - Pháp
Đơn vị tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị chủ trì thực hiện: Đoàn công tác của tỉnh
Thời gian: Tháng 4/2019.
Địa điểm: Tại Cộng hòa Pháp
5. Tổ chức cuộc thi “Bạn đọc thuộc Truyện Kiều” và cuộc thi “Viết văn tế Nguyễn Du”
 Đơn vị thực hiện: Hội Kiều học Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội LHVHNT Hà Tĩnh, Hội Nhà văn Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức.
Thời gian:
Tháng 4/2020, Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều (đợt 3) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 6/2020, Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều (đợt 4) tổ chức tại Hà Nội.
6. Tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều
          Đơn vị thực hiện: Hội Kiều học Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh thực hiện.
        Thời gian: Tháng 6/2020
        Địa điểm: Thành phố Hà Tĩnh
7. Xuất bản các ấn phẩm phục vụ cho lễ kỷ niệm
Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Hội Kiều học Việt Nam, Hội LHVHNT Hà Tĩnh
Các ấn phẩm:
- Tái bản có sửa chữa bổ sung “Truyện Kiều” gần nguyên bản của Hội Kiều  học Việt Nam;
- Tái bản “Truyện Kiều” song ngữ Việt – Anh;
- Xuất bản “Tổng tập nghiên cứu mới về Nguyễn Du – Truyện Kiều (2011 – 2020).
- Xuất bản Kỷ yếu Hội thảo: “Nguyễn Du – Puskin, tương đồng và khác biệt”
- Xuất bản Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm, giới thiệu, xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Du, các tác gia dòng họ Nguyễn Tiên Điền và văn học cổ điển Việt Nam, các công trình nghiên cứu, sáng tác có liên quan; tổ chức dịch và xuất bản Truyện Kiều, các tác phẩm của Nguyễn Du và của các nhà văn cổ điển Việt Nam ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Thời gian xuất bản: Trước tháng 9/2020
8. Tổ chức Tuần Văn hóa – Thể thao - Du lịch Nguyễn Du
Đơn vị tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị chủ trì thực hiện: UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ( Tổng Cục Du lịch, Cục Di sản, Cục Văn hóa cơ sở)
Mời các tỉnh có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du tham gia, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế và các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị tham gia.
Tuần văn hóa sẽ diễn ra với các hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của các tỉnh bạn và các hoạt động diễn xướng trò Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều…
Thời gian: dự kiến từ 21-26/9/2020
Địa điểm: Tại Tiên Điền - Nghi Xuân – Hà Tĩnh
9. Tổ chức lế trao Giải thưởng Văn học Nguyễn Du và Trao giải hai cuộc thi “Bạn đọc thuộc Truyện Kiều” và cuộc thi “Viết văn tế Nguyễn Du”.
Đơn vị thực hiện: Hội VHNT Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam,
Thời gian: Tháng 9/2020,
Địa điểm: Thành phố Hà Tĩnh.
10. Tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du
Đơn vị tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị chủ trì thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh
Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra tại Hà Tĩnh vào tháng 9/2020 với sự tham gia của  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Thừa thiên Huế, Quảng Bình.
Nội dung chương trình, gồm: Phần nghi lễ và Chương trình nghệ thuật (riêng Chương trình nghệ thuật sẽ được quyết định cụ thể về quy mô sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và ý kiến thống nhất của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức).
Lễ Kỷ niệm dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh (HTTV).
 - Thời gian: 26 tháng 9 năm 2020 (10 tháng 8 năm Canh Tý)
- Địa điểm: Tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
THÁI SINH

KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY MẤT ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU TẠI PARIS – CỘNG HÒA PHÁP VÀO THÁNG 3 NĂM 2020


Hướng tới Kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du (1820-2020), Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỷ niệm sự kiện nói trên tại Trụ sở UNESCO, ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp vào cuối tháng 3 năm 2020.

“CHIẾC VÉ VỀ TUỔI THƠ” TRONG “DIỆU KHÚC THỜI GIAN” CỦA TRẦN HUYỀN TÂM



THÁI VĂN SINH

Cuối 1983, tại quán sách trước cửa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trên đường Nguyễn Trãi, tôi đã mua một tập thơ trong đó có một bài thơ đã đi theo tôi suốt cuộc đời. Đó là bài Vé đi tuổi thơ trong tập thơ Phép lạ hàng ngày của nhà thơ Nga Robert Rozhestvenski do NXB Tác phẩm mới ấn hành:

“Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ.
Vé hạng trung
Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp:
Hôm nay vé hết!  

Biết làm sao!
Vé hết, biết làm sao!
Đường tới Tuổi Thơ còn biết hỏi nơi nào?
                          (Thái Bá Tân dịch)

Và hôm nay, thật tuyệt vời, tôi đã có được một chiếc vé đi tuổi thơ khi đọc Những vần thơ thời niên thiếu trong Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm.

Gọn ghẽ 17 bài thơ được sáng tác từ 1975 đến 1981 Trần Huyền Tâm đã mang đến cho chúng ta một thế giới tuổi thơ ở làng quê xưa tuyệt đẹp:

“Con đê đất đỏ quê mình
Ngày mưa rả rích
Cả lũ đi học về trượt ngã lấm lem
Vẫn nhìn nhau cười khúc khích.
Cây ổi vườn nhà
Buổi trưa ôn bài, vòm cây rộng mở
Cánh hoa rơi đầy trang sách thơm…”
                                 (Tuổi mực tím)

Nếu Trần Đăng Khoa bắt đầu làm thơ từ Góc sân và khoảng trời thì có thể nói Trần Huyền Tâm lại bắt đầu đời viết của mình từ một Ngõ nhỏ. Một ngõ nhỏ sớm - trưa - chiều - tối  rộn rã bao âm thanh, bao hương sắc thân quen của tuổi thơ và chỉ tuổi thơ của những ai đã từng là người nhà quê xưa mới có:

Sớm, bà đi ra ngõ
Mùi hương trầu vấn vương
Bước chân em tới trường
In trong lòng ngõ nhỏ

Trưa, mặt trời thêm tỏ
Chân bố lấm bùn tươi
Ngõ thơm hương đất mới
Ngõ thấm giọt mồ hôi

Chiều, gặt về, tóc mẹ
Đựng đầy hương lúa đồng
Ngõ vang tiếng guốc ông
Ngõ tròn bao lỗ luyến

Khi hoàng hôn xa tím
Bộn bề tiếng chổi tre
Em lại cùng bạn bè
Đón trăng về ngõ nhỏ.
                      (Ngõ nhỏ)

Tuổi thơ trong thơ Trần Huyền Tâm ngát hương hoa lá, rộn ràng âm thanh mùa vụ và sống động bao sắc màu làng quê. Trong 17 bài thơ thời niên thiếu của Trần Huyền Tâm, tôi thích nhất Cây bàng trong vườn trẻ. Một bài thơ thể hiện con mắt thơ rất tinh tế của Tâm:
                                                                            
Cây bàng trong vườn trẻ
Vòm lá xanh xoè ô
Cái nắng lúc ban trưa
Thường chui vào đó ngủ.

Cây bàng trong vườn trẻ
Chứa bao lời ru êm
Buổi trưa chăm cái ngủ
Cây hát lời của đêm.    

Khi cây bàng trút lá
Khoác mùa đông trên cành
Là khi thương bé lạnh
Cây chịu rét một mình.

Cây bàng trong vườn trẻ
Búp lá non gọi mời
Cho màu xanh vòm lá
Ríu rít muôn tiếng cười.

Cho màu xanh mắt trẻ
Xanh trọn màu non tươi.
                (Cây bàng trong vườn trẻ)

Sự tinh tế đó còn được thể hiện khá nhiều trong thơ Trần Huyền Tâm:

Nghe thoảng thốt trong đêm
Tiếng những tàu cau trăn trở
Ánh trăng theo mơ vào giấc ngủ
Tóc mẹ lưu vết mòn thời gian.
                             (Bài ca đất)

Hay:

Gió sớm mai nhẹ đùa
Hoa rơi đầy vại nước
Con nhặt hoa tới trường
Hương cứ bay đi trước
                               ( Hương cau)

Trần Đăng Khoa từng có một phát hiện rất hay: “Tiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng”, nhưng với Trần Huyền Tâm lại có một khám phá thật mới mẻ: âm thanh không chỉ là âm thanh mà âm thanh còn có cả sắc màu:

Con sông say gió mát
Đã ngủ quên từ  lâu
Chỉ còn tiếng đập đất
Đang làm nên sắc màu.
                   (Tiếng đập đất)

Tuổi thơ xưa của Trần Huyền Tâm và rất nhiều người trong đó có tôi, không chỉ là một tuổi thơ thú vị, dung dị ở chốn làng quê mà còn là một tuổi thơ đầy vất vả, cam go do cuộc chiến tranh chống Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Trần Huyền Tâm phải quen với mũ rơm, hầm chữ A và người cha ra trận mãi mãi không về:

Mẹ chưa kịp dạy chữ A
Thì máy bay B52 ào tới
Mẹ dắt con chạy vội
Xuống căn hầm chữ A.

Máy bay đi rồi, mẹ bận dọn ngoài hiên
Bên gốc bưởi, một mình con tự học
Ơi mẹ ơi con đã thuộc
Chữ A - tên của căn hầm.
                               (Căn hầm chữ A)

Hay:

Chiến tranh chen vào ấu thơ
Con trú ẩn đạn bom
nhiều hơn chơi ú tim với bạn
Cha cứ đi xa, dài dài năm tháng
Lần gặp cuối cùng… con nhớ… nụ hôn!
Cái cảm giác xa xôi, dịu êm
Khi con hiểu thì cha không còn nữa
                                  (Nhớ nụ hôn đã xa)

Sẽ còn rất nhiều điều để nói về Những vần thơ thời niên thiếu trong  Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm nhưng tôi xin được dừng tại đây để nhường chỗ cho sự cảm thụ phong phú của bạn đọc. Cảm ơn Trần Huyền Tâm đã cho tôi và những bạn bè đồng lứa chiếc vé về tuổi thơ trong sáng, ngọt ngào.



Và trước khi kết thúc bài này, tôi xin nói thêm một điều là chỉ trong vòng 2 năm nay Trần Huyền Tâm đã xuất bản liên tục 4 tập sách: Giọt nắng vô thường - Tập thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018; Diệu khúc thời gian - Tập thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019; Tản mạn miền sương khói - Tập Tản văn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019; Diệu khúc Sen - Tập văn - thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019.

Thành quả này thật phi thường. Rõ ràng nó không phải là kết quả của 2 năm mà là kết quả của trên nửa thế kỷ sống, chiêm nghiệm của Trần Huyền Tâm trong cõi đời vô thường này. Nó khẳng định độ chín của Trần Huyền Tâm khi bước qua tuổi “tri thiên mệnh” đã biết mình là ai, mình phải làm gì, phải đi đường nào để TRỞ VỀ VỚI CHÍNH MÌNH.

Xin chúc mừng Trần Huyền Tâm.

Xin chúc mừng bạn đọc có thêm một thi phẩm để cảm nhận về sự vi diệu của THƠ và của THỜI GIAN./.




               Vườn vua resort & villas Thanh Thuỷ, Phú Thọ 13/7/2019
  TVS

MỘT CUỘC THI CÓ THÍ SINH LÀ “THẦY CỦA THẦY”


 
Toàn cảnh cuộc thi. Ảnh TVS
Để xem video nhấp chuột vào đây: https://www.youtube.com/channel/UCXhuA-LaCJXoWvyaGJqCr5g?view_as=subscriber

THÁI VĂN SINH 

Đó là phát biểu của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tại Cuộc thi bạn đọc thuộc  Kiều đợt 1, tổ chức tại Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày 8/6/2019. Cuộc thi do UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều học giả, nhà thơ tên tuổi như: Giáo Sư Phong Lê, Giáo sư Trần Đình Sử, Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Phó Giáo Sư Nguyễn Trường Lịch, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà Thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Vương Trọng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, …và đông đảo những người yêu quý Nguyễn Du và Truyện Kiều đến từ: Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thái Bình.

Ban Giám khảo cuộc thi. Ảnh TVS

      Ban Giám khảo cuộc thi gồm 5 người: Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Vương Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiều học Việt Nam; Nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và Nhà nghiên cứu Hằng Thanh, Chánh Văn phòng Hội Kiều học Việt Nam.

Các thí sinh nhận hoa. Ảnh TVS

       Tham gia Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều đợt 1 có 6 thí sinh của khu vực Hà Nội trong số 26 thí sinh đã đăng ký dự thi. Đó là các ông, bà:
Nguyễn Đình Cống, sinh năm 1937, thường trú tại Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội; Vũ Thị Ngọc Bích, sinh năm 1967, thường trú tại Chung cư Thanh Hà, Hà Nội; Kim Quang Phác, sinh năm 1960, thường trú tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội; Nguyễn Ngọc Căn, sinh năm 1943, thường trú tại  Đức Giang, Long Biên, Hà Nội; Nguyễn Văn Ấn, sinh năm 1943, thường trú tại Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội; Trần Trung Tiến, sinh năm 1941, thường trú tại Thanh Xuân, Hà Nội.
Hình thức thi của cuộc thi rất đặc biệt, các thí sinh không phải đọc thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều mà chỉ phải đọc các đoạn Kiều bất kỳ do ban giám khảo yêu cầu và ngoài ra, phải trả lời những câu hỏi của các cử tọa trong khán phòng, Theo quy định, mỗi thí sinh có thời gian 45 phút để hoàn thành phần thi của mình. Đây là hình thức thi hợp lý vì nếu đọc thuộc cả 3.254 câu trong Truyện Kiều thì phải có một quỹ thời gian từ 3 đến 4 giờ/một thí sinh, làm cho cuộc thi mất rất nhiều thời gian và nhàm chán. Tuy nhiên hình thức thi này lại đòi hỏi rất cao ở sự sắc sảo, linh hoạt và tinh tế của Ban giám khảo.
Thật tuyệt vời là cuộc thi đã diễn ra với thành công ngoài mong đợi của Ban tổ chức. Dù diễn ra suốt một ngày ròng rã trong cái oi bức của thời tiết Hà Nội, nhưng cuộc thi đã diễn ra sôi nổi, cuốn hút tất cả mọi người trong khán phòng ngay từ phần thi của thí sinh đầu tiên cho đến phần thi của thí sinh cuối cùng. Gần như mọi người chẳng ai đong đếm về thời gian và khi kết thúc cuộc thi thì hình như ai cũng có tâm trạng còn “thòm thèm”. Một không khí trình diễn, một không khí học thuật về Truyện Kiều đầy ắp không gian và thời gian cuộc thi, kể cả giờ nghỉ gải lao giữa mỗi buổi thi.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống tại cuộc thiẢnh TVS

 Thí sinh đầu tiên của cuộc thi là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Cống, nguyên giảng viên Đại học Xây dựng, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về bê tông. Với trí nhớ siêu phàm giáo sư đã đọc vanh vách bất cứ đoạn Kiều nào mà ban giám khảo và các cử tọa yêu cầu. Với một kiến thức uyên thâm, giáo sư đã trả lời chính xác từng điển cố trong Truyện Kiều, đến mức giáo sư văn học Trần Đình Sử, chuyên gia hàng đầu về Truyện Kiều phải thốt lên thán phục. Không chỉ có vậy giáo sư Nguyễn Đình Cống còn trình diễn đọc chậm, đọc nhanh và đọc ngược Truyện Kiều một cách điệu nghệ làm cử tọa cứ vỡ òa từng trận vỗ tay thán phục. Thuộc cả 3254 câu Kiều đã khó nhưng thuộc và đọc ngược Truyện Kiều thì quả là kỳ tài. Chuyện đọc ngược Truyện Kiều trong chúng ta đã nghe nói nhiều nhưng với tôi và gần như hầu hết cử tọa trong khán phòng cuộc thi thì đây là lần đầu tiên được chứng kiến việc đọc ngược Truyện Kiều. Phần thi của giáo sư Nguyễn Đình Cống đã thực sự mang lại một không khí hấp dẫn, một cảm xúc tràn trề về vẻ đẹp của Truyện Kiều.
Năm thí sinh còn lại đều “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. Họ không chỉ rất thuộc Truyện Kiều mà còn “thuộc” cả cái hay, cái đẹp của câu chữ trong Truyện Kiều. Năm thí sinh này tuy mỗi người có một nghề nghiệp khác nhau: nhà giáo về hưu, kỹ sư cơ khí, kỹ sư nông nghiệp, bác sĩ, doanh nhân nhưng họ đều có một điểm chung là đam mê Truyện Kiều và đều mong muốn truyền niềm đam mê đó đến với nhiều người. Là thí sinh nữ duy nhất trong cuộc thi, chị Vũ Thị Ngọc Bích, một doanh nhân tâm sự “là người yêu Kiều nhưng tôi chưa thuộc được cả Truyện Kiều. Cách đây 3 tháng, khi xem báo thấy có cuộc phát động Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều thì tôi mới dành thời gian học thuộc cả Truyện Kiều dự thi, mong gửi đến mọi người một thông điệp là dầu tôi đã nhiều tuổi nhưng nhờ có đam mê nên chỉ cần 3 tháng vẫn có thể thuộc cả Truyện Kiều”. Ông Trần Trung Tiến, một bác sỹ về hưu nhưng 10 năm nay đã luôn tìm cách quảng bá Truyện Kiều cho người nước ngoài và các em học sinh. Ông đã phô tô nhiều bản Truyện Kiều bằng tiếng Anh để phát và giới thiệu cho du khách nước ngoài vào các buổi chiều khi họ đi dạo tại ở Bờ Hồ, đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện về Truyện Kiều cho các em học sinh. 

Chụp ảnh lưu niện tại cuộc thi

          Sau một ngày thi sôi nổi, hào hứng, cuộc thi đã khép lại với kết quả rất đáng phấn khởi, cả 6 thí sinh đều đạt điểm vào dự vòng thi chung kết được tổ chức vào tháng 9/2020, nhân Đại lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Tĩnh. Theo kế hoạch của Ban tổ chức, các cuộc thi sơ khảo đợt tiếp theo sẽ được tổ chức tại các cụm thi Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và được kết thúc trong quý I năm 2020.
Đánh giá về cuộc thi, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng đây là một cuộc thi vô cùng độc đáo, thế giới chưa hề có cuộc thi như vậy. Thí sinh rất đa dạng, có người chỉ có học vấn phổ thông, nhưng lại có cả những người là Giáo sư, Tiến sỹ, là thầy của thầy. Cuộc thi này không chỉ có ý nghĩa tôn vinh tài năng của đại thi hào Nguyễn Du mà còn vinh danh những người yêu mến truyện Kiều, thuộc truyện Kiều./.
 TVS



















































MỜI THAM GIA VIẾT BÀI

LTS. Ngày 10 tháng 11  năm 2018, Hội Kiều học Việt Nam có văn bản số 66/TB-HKHVN thông báo việc Hợp tác với tạp chí Quê hương viết bài nội dung về Truyện Kiều. Vậy xin thông báo để các hội viên và những người yêu miến Truyện Kiều tham gia.     

HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

          Số: 66/TB-HKHVN                               Hà Nội, ngày 10 tháng 11  năm 2018
V/v: Hợp tác với tạp chí Quê hương
  viết bài nội dung về Truyện Kiều                            
  
Kính gửi:     - Các Ủy viên BCH Hội Kiều học Việt Nam
- Hội viên Hội Kiều học Việt Nam
- Các bạn yêu mến Truyện Kiều

Sau thành công các chuỗi sự kiện kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du  và chào mừng Quyết định của UNESCO vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới, và hướng tới Kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du (1820 - 2020), ngày 01/11/2018 đại diện Hội Kiều học Việt Nam đã làm việc với Tổng Biên tập Tạp chí Quê Hương (Cơ quan ngôn luận của UBNN về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao), hai bên đã thống nhất nội dung hợp tác giữa Hội Kiều học Việt Nam và Tạp chí Quê Hương (TCQH) trong thời gian sắp tới như sau:
·        Về quan điểm.
Hai bên nhất trí thông qua Tạp chí Quê Hương (viết và trang tin điện tử) để chuyển tải một cách sinh động nhất hình ảnh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới và kiệt tác Truyện Kiều đến với Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và công chúng thế giới quan tâm đến văn hóa Việt.
·        Về nội dung hợp tác.
- Trên Tạp chí Quê Hương (viết và trang tin điện tử) mở tiểu mục “Truyện Kiều” để dành đăng những bài về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
- Trên Tạp chí Quê Hương (viết) mỗi số đăng trong tiểu mục Truyện Kiều một bài (TCQH mỗi tháng ra một kỳ); trên Trang tin điện tử TCQH đăng đều trong tiểu mục Truyện Kiều mỗi ngày một bài.
- Thể loại bài viết: phóng sự, giới thiệu, thơ, bình, ảnh, … về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Rất hạn chế những bài viết có thể loại về nghiên cứu.
- Dung lượng bài viết: không quá 2000 từ cho mỗi bài, cỡ chữ 14.
·        Thể lệ và thời gian gửi bài.
-         Bài gửi về Văn phòng Hội Kiều học Việt Nam, Email: kieuhocvietnam@gmail.com, yêu cầu ghi đầy đủ thông tin tác giả (Họ và tên, địa chỉ, điện thoại, email,…).
- Bài được duyệt đăng tải theo thứ tự thời gian gửi đến Hội.
- Chỉ nhận bài gửi qua mạng (bản mềm), không nhận bài gửi bằng giấy (bản cứng).
- Thời gian nhận bài bắt đầu sau khi thông báo này đến với tác giả.
           Trước mắt, tập trung cho bài viết Báo tết “Bính Hợi - 2019”.
·        Nội dung khác.
- Hội sẽ giao cho Ban biên tập để lựa chọn chất lượng bài viết trước khi gửi sang TCQH.
- Tiền nhuận bút căn cứ vào quy định chung của TCQH.
- Thông báo này sẽ được thông báo đến mọi thành viên như vừa nêu ở trên, được đăng tải trên trang tin điện tử của Hội, các chi hội.

Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Lưu VP.

             

TM. HỘI KIỀU HỌC VIỆT NAM
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

GS. Phong Lê


THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...