SINH VẬT TRONG TRUYỆN KIỀU



                    VƯƠNG TRỌNG

        Ta biết rằng, trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, sinh vật bao gồm cỏ cây và các loài con đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái tình cảm của các nhân vật, mà chủ yếu là nàng Kiều. Bởi rằng, cỏ cây, các loài con cùng với các hiện tượng tự nhiên tạo nên cảnh, mà cảnh không tách rời tình theo nguyên tắc “ Khi nên cảnh cũng chiều người” hoặc “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cùng trong một ngày thanh minh, khi Kiều đang vui thì “Cỏ non xanh tận chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Thế nhưng sau khi nghe Vương Quan kể chuyện Đạm Tiên, Kiều đã buồn, khóc và đề thơ bên mộ Đạm Tiên, thì cảnh trở nên buồn :“ Một vùng cỏ áy bóng tà. Gió hiu hiu thổi một và bông lau”. Có thể bạn đọc nói rằng: sở dĩ trong một ngày mà có cảnh vui, cảnh buồn là do hai buổi khác nhau: buổi sớm và buổi chiều. Không phải như vậy, sau khi ở mộ Đạm Tiên ra, Thuý Kiều gặp Kim Trọng, tình yêu chớm nở thì cảnh lại trữ tình và không hề buồn, dù nói về thời gian thì lúc này gần hoàng hôn hơn khi bên mộ Đạm Tiên: “Dưới cầu nước chảy trong veo. Bên câu tơ liễu bóng chiều thướt tha”…Với ý này, nếu triển khai rộng ra, có thể đủ dung lượng cho một luận văn… thạc sĩ!
  Ở bài viết này, tôi không đi theo hướng đó, mà đơn giản hơn nhiều, muốn thống kê xem bao nhiêu loài cây, bao nhiêu loài con đã xuất hiện trong Truyện Kiều. Nhớ lại cách đây mười mấy năm, trong một lần về thăm Tiên Điền, một vị lãnh đạo chủ chốt của huyện Nghi Xuân đã dẫn tôi đi thăm bảo tàng, khu mộ và cả khu đất xưa kia dựng căn nhà của cụ Nguyễn Du. Vị cán bộ huyện nói ý định sẽ xây dựng một không gian văn hoá Nghi Xuân, trong đó có Vườn Kiều: “ Chúng tôi sẽ tổ chức, vận động những người yêu Truyện Kiều xa gần cùng chung sức, trồng đủ 127 cây mà cụ Nguyễn Du đã kể tên trong Truyện Kiều”. Lúc đó tôi hết sức cảm phục vị cán bộ này. Tôi là một người thuộc Kiều từ nhỏ, cũng đã viết nhiều bài nghiên cứu về Truyện Kiều, nhưng thú thực, tôi không biết được trong Truyện Kiều có nhắc đến bao nhiều loài cây. Thế mà một cán bộ huyện lại nắm được điều đó! Tôi dự định có dịp sẽ tỷ mẩn thống kê lại để xem 127 thứ cây đó là những cây gì, nhưng rồi thời gian tôi đi, vẫn chưa làm được điều đó, cho đến năm 2008 -2009, khi Đài Tiếng nói Việt Nam nhờ tôi chủ trì tiểu mục Đố Kiều, tôi liền ra câu đố để cùng thính giả cả nước thống kê số cây, cỏ trong Kiều. Câu đố đó như sau:

"Cỏ non xanh tận chân trời"
"Cành lê trắng điểm", liễu thời thướt tha
"Hải đường lả ngọn" bên nhà
"Sen tàn, cúc lại nở hoa" khắp miền...
Nơi nào cỏ đã mọc lên?
Bao loài cây đã có tên trong Kiều?

    Khi đọc các bài giải đố, tôi nhận ra rằng, với một độc giả bình thường, việc thống kê tên các loài cây đã được nhắc trong Truyện Kiều không hề đơn giản, bởi ngoài những cây cối thông thường như sen, lựu, liễu, hải đường... còn rất nhiều cây khác, hoặc nằm trong điển tích, hoặc không có ở nước ta, hoặc là có ở nước ta nhưng lại không mang tên gọi thông thường...Và trong nhiều trường hợp, một số tên cây xuất hiện trong Truyện Kiều lại với một nghĩa khác, ví dụ như xuân, huyên để chỉ cha, mẹ; bình bồng để chỉ trôi giạt...Tuy nhiên, theo câu đố thì hai cây xuân, huyên cũng như bình (bèo), bồng ( một loại cỏ) phải được kể tên. Bởi thế, phần lớn các bài giải đố đã thống kê thiếu những tên cây cỏ trong Truyện Kiều. Ví dụ: Thính giả Lê Đình Lư ( Quảng Xương, Thanh Hoá) chỉ kể được 8 lòai cây ; bác Phùng Văn Viêng ( Thiệu Hoá, Thanh Hoá) chỉ tính được 9 loài cây;  bác Ngô Nguyên Ngần ( Cầu Giấy, Hà Nội): trên hai chục loài; bác Khuất Văn Trân ( Thạch Thất, Hà Nội): 27 loài; bác Hoàng Văn Mùi ( Gia Viễn, Ninh Bình): 30 loài; bác Nguyễn Văn Hà ( Hưng Hà, Thái Bình): trên 40 loài; bác Nguyễn Văn Thông( Hiệp Hoà, Bắc Giang): 41 loài; bác Lê Văn Thiện ( Vinh, Nghệ An): 46 loại;bác Nguyễn Ngọc Thạch ( Thành phố Ninh Bình): 49 loài và bác Nguyễn Đình Song (Ý Yên, Nam Định): 49 loại...vân vân.
  Với quan niệm tương đối cho rằng cỏ là một loài cây, gai góc cũng là một loài cây, bác Lê Văn Thiện thống kê được 46 loài cây đã nhắc tên trong Truyện Kiều. Thế thì đáp số cuối cùng là bao nhiêu loài? Xin thưa: khoảng 55 loài. Sau đây là bảng thống kê ( theo thứ tự thống kê của bác Lê Văn Thiện và bổ sung thêm 9 loài nữa): Liễu, Đào, Trúc, Mai, Quỳnh, Dao, Trà Mi, Hải Đường, Lê, Cúc, Lan, Huệ, Sen, Dâu, Lựu, Cỏ, Tùng, Phù Dung, Hạnh, Mận, Phong, Thuần, Phỉ, Xuân, Huyên, Tử (cây Thị), Hoè, Bồ, Phần, Dương, Bách, Bèo, Rêu,  Mẫu Đơn, Quế, Đằng ( cây Mây), La (một loại dây leo), Lau ( tức Vi Lô), Cải, Quýt, Ngô Đồng, Sắn, Bìm, Mướp Đắng, Cỏ Tranh, Gai Góc, Bồ Đề, Trà, Chàm, Đào Tiên, Bồng , Hồng, Hoàng Lương ( Kê), Bối, Cát( sắn dây) .
    Để dễ nhớ, tôi xin thống kê lại theo thể thơ lục bát:
Trà mi, mai, trúc, liễu, đào
Phù dung, hạnh, mận, quỳnh, dao, quế, hồng
Huệ, lan,dâu, lựu, cỏ, bồng
Đằng, la, phần, tử, ngô đồng, xuân, huyên,
Mẫu đơn, cải, quýt, sắn, bìm
Hoàng lương, mướp đắng, đào tiên, bồ đề
Cỏ tranh, gai gốc, bồ, hoè
Bèo, rêu, phong, phỉ, lau, lê, Hải đường
Trà, chàm, cúc, bối, bách, dương
Sen, tùng, cát nữa: tổng chừng năm lăm (55)!
    Như vậy chúng ta đã thống kê được 55 loài cây đã nhắc tên trong Truyện Kiều, và coi đây là con số tương đối, chứ không phải bất di bất dịch. Dù sao, đây là một lượng thông tin rất đáng ghi nhận đối với những ai say mê và thích tìm hiểu Truyện Kiều. Như vậy, con số 127 loài cây mà vị cán bộ huyện Nghi Xuân nói cách đây chừng 20 năm là con số… bịa, nhiều gấp hơn hai lần con số thực!
   Cũng tương tự, chúng tôi đã ra câu đố sau đây để cùng thính giả cả nước tìm số con trong Truyện Kiều:

Lầu không én liệng xập xè
Dưới trăng, quyên đã gọi hè bao đêm
Có cây, ắt sẽ có chim
Có hoa, ong bướm sẽ tìm đến thôi
Cỏ, cây biết hết tên rồi
Bao loài động vật xin mời chỉ ra!

      Khi ra câu đố này, chúng tôi vẫn đinh ninh rằng, lời giải sẽ dễ hơn tháng trước đố về cây cỏ trong Truyện Kiều, nhưng khi đọc các bài giải của thính giả gửi về, mới biết rằng, riêng việc thống kê các con vật đã xuất hiện trong Truyện Kiều cũng không đơn giản, nên kết quả thống kê cũng khá chênh lệch nhau: Bác Phí Hữu Tiệp ( thành phố Việt trì, Phú Thọ) chỉ thống kê được 12 loài vật; cụ Nguyễn Văn Nho ( Sơn Dương, Tuyên Quang): 28; thính giả Hồ Bảo (Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá): 30 ; Phùng Văn Viêng ( Thiệu Hoá, Thanh Hoá): 33; Nguyễn Ngọc Quỳnh ( Vũ Thư, Thái Bình): 38 ; bác Lê Văn Thiện ( Vinh, Nghệ An): 38 ; Nguyễn Ngọc Thường (Thái Thuỵ, Thái Bình): 39 ; Nguyễn Bá Trĩ ( Hậu Lộc, Thanh Hoá) : 40; Nguyễn Đình Quất (Quế Võ, Bắc Ninh): hơn 40; Hoàng Văn Mùi ( Gia Viễn, Ninh Bình): 45;  Nguyễn Đình Song (Ý Yên, Nam Định): 49;  Đỗ Liên Tiếp ( Lương Tài, Bắc Ninh):51. Đặc biệt thính giả Trần Tất Trừ ( Quảng Xương, Thanh Hoá) tính được đến 62 loài vật!
   Đọc kỹ các bài giải đố chúng tôi thấy rằng, những thính giả thống kê dưới 40 loài vật, nói chung là thiếu, còn các thính giả thống kể trên 40 loài, “mỗi người một vẻ” nhưng  vừa thiếu, vừa thừa. Ví như bác Nguyễn Đình Song thống kê được 49 loài nhưng thừa mất 9 loài, vì bác cho rằng Chim hôm, chim lồng, chim trời, bóng chim là những loài chim, cá nước, cá chậu là những loài cá… đồng thời bác tính Ma, Quỷ là những loài vật. Một số thính giả coi chữ Tuất trong Truyện Kiều là chỉ con chó, với nghĩa lân tuấtchó hàng xóm. Chúng tôi biết rằng, những thính giả này đã dựa vào một bản Truyện Kiều mà sự giảng giải và hiệu đính không chính xác. Sự thật lân tuấtthương xót, chứ không liên quan con vật nào ở đây cả! Nhưng người thừa nhiều nhất là thính giả Trần Tất Trừ, vì bất cứ một từ nào mà trùng tên một loài vật, ông đếu tính là loài vật, ví như nông, khách, báo, trai, chồn, giang…! Theo chúng tôi, tính thế này là không chính xác, bởi đây là hiện tượng đồng âm dị nghĩa.
   Thế thì trong Truyện Kiều bao nhiêu loài vật đã được nhắc tên?
Như số đông thính giả, chúng ta thống nhất rằng, có ba danh từ riêng nhưng trùng tên các con vật thì ta coi như con vật được nhắc tên, đó là Đồng Tước ( sẻ ), Khuyển ( chó), Ưng ( chim ưng) và xem con tằm và con ngài là hai con khác nhau (xét về mặt hình dáng), chúng ta thống kê được các con vật như sau ( dựa vào bảng thống kê của bác Lê Văn Thiện và bổ sung 10 loài còn sót):
1: Thuý, 2: Uyên,3: Phượng, 4: Loan, 5: Rồng, 6: Bằng, 7: Hổ (hùm), 8: Sói, 9: Ruồi, 10: Hạc, 11: Oanh (Chim Anh), 12: Lươn, 13: Khuyển, 14: Ưng, 15: Mèo, 16: Gà, 17: Trâu, 18: Ngựa, 19: Tằm, 20: Ngài, 21: Ve, 22: Vượn, 23: Rắn, 24: Dẽ, 25: Chuồn, 26: Sư Tử, 27: Kiến, 28: Nhện, 29: Thỏ, 30: Ác, 31: Én ( hay Yến), 32: Quyên (Đỗ Quyên), 33: Bướm ( Hồ Điệp), 34: Ong, 35: Nhạn, 36: Mồi (Đồi Mồi), 37: Chim ( nói chung), 38: Cá ( nói chung), 39: Vược ( hoặc Hức), 40: Chim Xanh, 41: Chim Hồng, 42: Con ghẻ, 43: Huỳnh (Đom Đóm), 44: Giao Long ( Rồng Cá), 45: Chim Tinh Vệ, 46: Kình ( Cá Voi), 47: Ngạc (Cá sấu), 48: Ngần ( một loài cá rất trắng), 49: con Điêu.
   Như vậy là chúng ta đã thống kê được 49 loài vật, tuy nhiên đây không phải là con số bất di bất dịch, ví dụ như chữ Ngần chẳng hạn, cụ Bùi Kỷ thì coi là một loài cá, nhưng cụ Đào Duy Anh chưa đồng ý. Hay như chữ ghẻ, cũng có thể coi là một bệnh chứ không tính là con! Bởi vậy chúng ta nên nói một cách tương đối rằng gần 50 loài vật đã được cụ Nguyễn Du nhắc tên trong Truyện Kiều. Phải chăng đây cũng là một kết luận có ý nghĩa đối với những ai thích tìm hiểu Truyện Kiều?
    VT
2013
                                                                
                                                                     














Không có nhận xét nào:

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...