Gần 90 tuổi vẫn dịch Kiều


           
Dịch giả Dương Tường và cuốn Kiều in Dương Tường's Version. Ảnh T. Điểu
                                                                                              PHẠM XUÂN NGUYÊN

            Nói tới Dương Tường nếu bạn là người thích đọc sách văn chương, nhất lại là văn chương nước ngoài, thì hẳn bạn biết. Ông là một dịch giả nổi tiếng đã chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt hơn 50 tác phẩm văn chương lớn của nhân loại ở nhiều nền văn học trên thế giới, ví như Anna Karenina (Lev Tolstoi - Nga), Đi tìm thời gian đã mất(Marcel Proust - Pháp), Đồi gió hú (Emily Bronte - Anh), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell - Mỹ), Cái trống thiếc (Gunter Grass - Đức), Lolita(Vladimir Nabocov - Nga-Mỹ), Cội rễ (Alex Haley - Mỹ), Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig - Áo), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami - Nhật Bản)…
           Sau bản dịch tiểu thuyết Chết chịu của nhà văn Pháp Céline, ở tuổi 86 ông đã tính nghỉ ngơi. Nhưng với một người suốt đời cặm cụi với trang văn và con chữ như ông thì không thể nào ngồi không được, không thể “ăn gian thời gian sống” như lời ông nói. Ông lại mở sách ra, nhưng lần này là sách tiếng Việt, và ông tìm về kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du để lại được “nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời” (thơ Huy Cận).
           Đến một ngày ông bỗng muốn dịch Kiều ra tiếng Anh để trả ơn tiếng mẹ đẻ đã cho ông được làm người và làm nghề và cũng để góp một chút phần đưa kiệt tác văn chương dân tộc ra thế giới. Mắt ông đã lòa nên con cháu phải giúp một cái máy tính để phóng to chữ lên màn hình. Và ngày ngày ông cặm cụi ngồi dịch. Sau hai năm bản dịch 3254 câu Kiều Việt sang 3254 câu Kiều Anh hoàn thành. Và tháng 4 này, bản Kiều tiếng Anh Dương Tường (Kiều in Dương Tường’ version) đã ra mắt bạn đọc.
             Trước bản dịch của Dương Tường, theo thống kê chưa đầy đủ về những bản dịch toàn bộ tác phẩm và đã xuất bản, Truyện Kiều đã có hơn 30 bản dịch ra hơn 20 thứ tiếng nước ngoài (Pháp, Trung, Anh, Hungary, Nhật, Đức, Mông Cổ, Tiệp, Nga…). Bản sớm nhất là tiếng Pháp, năm 1884. Riêng về tiếng Anh, theo một nhà nghiên cứu, đã có 17 bản dịch. Trong đó có bốn bản được đánh giá cao là: “The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu” (1963, 2010) của Lê Xuân Thủy, The Tale of Kiều (1973, 1983) của Huỳnh Sanh Thông, Kieu, The Tale of a Beautiful and Talented Girl (1994, 2011) của Michaell Counsell, và Kim Van Kieu of Nguyen Du(2004) của Vladislav V. Zhukov. Như vậy bản Kiều tiếng Anh Dương Tường là bản dịch tiếng Anh thứ 18.
            Kiều qua trích dẫn của các chính khách Mỹ
         Chưa thể đi sâu phân tích bản dịch, bây giờ tôi thử lấy bản Kiều-English Huỳnh Sanh Thông là bản được đánh giá cao nhất làm đối chứng với bản Kiều-English Dương Tường để nêu lên mấy nhận xét bước đầu. Huỳnh Sanh Thông (1926 - 2008) là một giáo sư tại Đại học Yale (Mỹ), bản dịch Kiều của ông ra lần đầu 1973, mười năm sau (1983) được sửa chữa, tái bản. Trong quá trình dịch ông có tham khảo các bản dịch tiếng Pháp tiếng Anh và ý kiến những đồng nghiệp Mỹ cùng trường.
           Dương Tường khi dịch không tham khảo bản dịch Kiều tiếng Anh tiếng Pháp nào, một mình dịch trong hai năm. Ông cho biết chỉ trong quá trình dịch có một người Mỹ gửi cho bản dịch của Timothy Allen ông đọc thấy dịch không đạt và càng có thêm tự tin cho bản dịch của mình.
Cả hai bản của Huỳnh Sanh Thông và Dương Tường đều để nguyên chữ “Kiều” như tiếng Việt, đều dịch đúng 3254 câu Việt sang câu Anh.
Trước hết ta hãy xem hai câu mở đầu:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
Huỳnh Sanh Thông: “A hundred years - in this life span on earth / talent and destiny are apt to feud”. Dương Tường: “In the one-hundred-year span of a human life, / Destiny implacably sets upon Talent”. Câu của Sanh Thông mang tính khái quát, quy luật đời người hơn. Để dịch chữ “cõi”, cả hai ông, và ông Lê Xuân Thủy nữa, khi dịch câu này đều dùng từ “span” nghĩa đen là “gang tay”, từ đó rộng nghĩa là “khoảng thời gian ngắn ngủi”.
       Cổ nhân nói “đời người ngắn chẳng tày gang” (“Our life but a span”). “Cõi người ta” với Sanh Thông là “khoảng đời trên cõi trần” dùng “earth” không mạo từ. Dương Tường thì cho đó là hạn hẹp đời người đúng một trăm năm “one-hundred-year span”.
        Bản Huỳnh Sanh Thông đã được hai nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Bill Clinton (2000) và Phó tổng thống Joe Binden (2015) sử dụng khi trích dẫn Kiều trong bài phát biểu của mình trước người Việt. Ta hãy đối chiếu những câu Kiều được dùng trong văn bản chính trị này ở hai bản dịch.
        Đầu tiên là hai câu 1795-1796 được ông Bill Cliton dùng trong bài phát biểu năm 2000 tại Hà Nội:
“Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.
Bản dịch Huỳnh Sanh Thông: “Just as the lotus wilts, the mums bloom forth, / Time softens grief, and the winter turns to spring” (“Ngay khi sen héo úa thì cúc nở / Thời gian làm dịu nỗi đau và đông chuyển sang xuân”). Bản dịch Dương Tường: “As seasons go, with lotus wilted, mum start blossoming forth / Sorrow while time away and soon winter ushers spring in (“Theo nhịp mùa đi, với sen tàn, cúc bắt đầu nở / Nỗi buồn theo thời gian trôi và chẳng mấy chốc đông đưa xuân tới”. Sanh Thông chỉ nói “Ngay khi” (“Just as”), còn Dương Tường muốn thơ hơn “Theo nhịp mùa đi” (“As seasons go”).
Còn đây là hai câu 3121-3122 mà ông Joe Binden dùng trong bài phát biểu tại Wasington (2015):
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Bản dịch Huỳnh Sanh Thông: “Thank heaven we are here today, / To see the sun through parting fog and cloud” (“Nhờ trời hôm nay chúng ta ở đây hôm nay / Để thấy được mặt trời xuyên qua sương mù và mây đang tan ra từng mảng”). Bản dịch Dương Tường: “Heaven blesses us with this day - from our gate, / mist has cleared; high up, clouds are dispelling” (Trời đã ban phúc chúng ta ngày này - từ ngoài cổng ngõ nhà ta / sương đã hửng lên, trên cao mây đang tan ra). Dương Tường theo đúng bản gốc chỉ nói trời quang mây tạnh, còn Sanh Thông thì thêm vào là “thấy mặt trời” (“To see the sun”).
Một tổng thống Mỹ khác là Barak Obama cũng đã dùng Kiều trong bài phát biểu của mình tại Hà Nội (5/2016). Đó là hai câu 355-56:
“Rằng: Trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi”
Trong văn bản bài nói của ông tổng thống hai câu này được dịch là: “Please take from me this token of trust, so we can embark upon our 100-year journey together” (“Xin nhận lấy từ tôi biểu hiện niềm tin này, như thế chúng ta có thể cùng nhau đi cuộc hành trình trăm năm”).
           Bản dịch Huỳnh Sanh Thông: “Henceforth I'm bound to you for life," he said./ "Call these small gifts a token of my love” (“Từ nay tôi đã buộc tôi vào đời em / Xin gọi món quà nhỏ này là biểu hiện tình yêu của tôi”. Bản dịch Dương Tường: “From now on, I’m yours for life, take these small things as a token of my love” (“Từ bây giờ, đời tôi đã là của em / Xin nhận món đồ nhỏ này như là biểu hiện tình yêu của tôi”). Sanh Thông xa xưa (“Henceforth”), Dương Tường gần nay (“From now on”).
           So sánh chỉ mấy câu trên đã có thể thấy hai cách dịch của Huỳnh Sanh Thông và Dương Tường là “đại đồng tiểu dị”. Ý chính họ truyền đạt giống nhau, tuy có khi người này dịch sát, người kia dịch thoát. Khác nhau chỉ ở đôi chỗ dùng từ ngữ.
Xin đưa thêm câu nữa để thấy hơn những chỗ gặp nhau của hai bản dịch.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. (Câu 41-42)
Huỳnh Sanh Thông: “Young grass spread all its green to heaven's rim; / some blossoms marked pear branches with white dots”. Dương Tường: “Young grass spread its green carpet as far as the horizon / Pear branches adorned themselves with white blossoms”. Sanh Thông cho hoa điểm cành, Dương Tường cho cành điểm hoa và thêm một tấm thảm xanh (“green carpet”) cho đồng cỏ...
           "Giới thiệu Nguyễn Du tới Shakespeare"
         Như đã nói, tôi chưa thể đi sâu vào bản Kiều tiếng Anh Dương Tường, chỉ mới nêu mấy nhận xét sơ bộ qua việc đối chứng nó với một bản dịch đã có trước gần nửa thế kỷ ở Mỹ và được đánh giá cao nhất. Nhưng chỉ nội chừng đó đã đáng ghi công cho Dương Tường khi ông dám đặt cho mình một bài thử tột đỉnh (Supreme Test) là giới thiệu Nguyễn Du với Shakespeare (introducing Nguyen Du to Shakespeare - tức là đưa Kiều sang tiếng Anh), nói như nhà báo Nguyễn Công Khuyến trong lời giới thiệu cho sách này.
             Bởi ông làm việc này khi tuổi đã cao, mắt đã gần như lòa, tai đã nghễnh ngãng, mà lại làm với Truyện Kiều. Nhưng ông đã vượt qua được thử thách đó một cách ngoạn mục. Giờ đây, Nguyễn Du/Kiều/in Dương Tường’s version đã thành sách với nhiều phụ bản tranh minh họa đẹp của các họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Quân, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Thanh Bình, Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Công Cừ.
          Thế là thêm một dịch phẩm Kiều ra thứ tiếng phổ biến toàn thế giới để đưa nàng văn Việt quốc sắc thiên hương đến với nhân loại muôn nơi. Với người trong nước, ai đọc được tiếng Anh có thể đọc để thưởng thức Kiều trong một bộ dạng ngôn ngữ khác. Họ có thể bàn luận, góp ý về cách dịch cho dịch giả. Và điều quan trọng hơn, có thể từ tấm gương của Dương Tường họ sẽ được tiếp thêm cảm hứng và động lực để nguyện làm “con ngựa thồ văn hóa” chở văn chương nước nhà ra nước ngoài bằng những bản dịch trong những thứ tiếng khác nhau.
          Tôi đang viết những dòng này thì đọc được trên trang cá nhân của Trưởng khoa Việt Nam học (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM) thông tin có một người từng bỏ ra hàng chục năm để dịch Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Người dịch này đã trên 80 tuổi, mang bản dịch tới Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn muốn được giới thiệu với bạn đọc. Trang Facebook này viết thêm: "Không biết có Nhà xuất bản, Công ty sách nào có ý định giới thiệu bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp thứ 14, ra tiếng Anh thứ 17 thì liên hệ để chúng tôi giao bản thảo. Năm nay là năm kỷ niệm 200 năm ngày mất (1820 - 2020) Nguyễn Du, nếu tập sách này ra đời thì sẽ là một đóng góp lớn đối với việc giới thiệu văn hóa nước nhà".
          Mong sẽ có nơi nhận xuất bản những bản dịch này. Và các bạn trẻ: Chẳng lẽ cứ để những người già chạy tiếp sức trên con đường dịch thuật văn chương này sao?
PXN

TRÒN 200 NĂM TRƯỚC, NGUYỄN DU MẤT TRONG ĐỢT DỊCH TẢ


Tưới rượu lên mộ Nguyễn Du tại Lễ giỗ lần thứ 199.

Năm nay dịch viên phổi Vũ Hán (Covid -19) đã hoành hành tại Trung Quốc, Hàn Quốc, I ran và trên 100 nước trên thế giới, làm thế giới đảo lộn. Tính đến 10/3, bênh dịch quái ác này đã cướp đi trên 4000 sinh mạng trong đó có nhiều người là những tài năng hiếm có của nhân loại. Từ sự kiện này ta nhớ đến trận dịch tả  kinh hoàng ở nước ta cách nay 200 năm (năm 1820), đã cướp đi của đất nước ta một thiên tài: Đại thi hào Nguyễn Du.
Về sự kiện này, Đại Nam thực lục Chính biên tập 2 có ghi: Năm 1820 (Minh Mạng năm đầu), tháng 6 dịch (tả) phát từ mùa thu sang mùa đông, bắt đầu từ Hà Tiên, sau rốt đến Bắc Thành. Số hộ khẩu chết tất cả là 206.835 người, không kể số nam phụ lão ấu ở ngoài hộ tịch. Trước sau chẩn cấp tổng kê hơn 73 vạn quan tiền.
Thực lục chép: "Hữu Tham tri Lễ bộ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì. Vua từng dụ rằng : “Nhà nước dùng người, duy có tài là dùng, vốn không có coi nam bắc khác nhau. Khanh cùng Ngô Vị đã được tri ngộ làm quan đến chức á khanh, nên điều gì biết thì nói ra hết, dâng điều hay sửa điều dở, để hết chức mình. Sao cứ rụt rè sợ hãi, chỉ việc vâng dạ !”. Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền". Năm đó Đại thi hào Nguyễn Du 54 tuổi.
Nhà vua rất lo về dịch lệ, từng ở trong cung trai giới và cầu đảo ngầm. Trấn thần Phú Yên là Nguyễn Văn Quế đem tình hình bệnh dịch trong trấn dâng biểu xin chịu tội. Vua bảo rằng : “Trẫm không có đức, trên can phạm hoà khí của trời, bốn phương có dịch đều là lỗi trẫm”. Nhân sai Phạm Đăng Hưng theo ý ấy mà soạn dụ. Đăng Hưng tâu rằng : Gặp tai vạ biết lo sợ, vốn là thịnh đức của đấng nhân quân. Nhưng thần nghe bệnh dịch từ Tây dương sang, bệ hạ hà tất lấy làm tội của mình”.
Vua nói : “Nếu trẫm không thiếu đức thì tai vạ ở nước ngoài vào làm sao được. Nguyễn Văn Quế chỉ là một mục thú còn tự nhận là lỗi mình, huống trẫm là vua thiên hạ, có thể chối lỗi được sao ?”.
Lấy thuốc viên chữa dịch mới chế chia cho bầy tôi. Xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Chiếu rằng : “Trẫm nghe đường ngôn luận mở rộng thì nước mới trị… Trẫm thấy thân nhỏ bé, nối nghiệp lớn lao... Nay bỗng gặp khí trời không hoà, nhân dân khó sống, có lẽ là chính sự có điều gì thiếu sót chăng, ẩn tình của dân có chỗ chưa suốt đến chăng ? Người muốn thấy hình của mình, tất nhờ ở gương sáng ; vua muốn nghe lỗi của mình, tất phải đợi ở tôi ngay. Vậy cho các văn võ ở Kinh từ Tứ phẩm trở lên, các quan thành dinh trấn ở ngoài đều lo cố gắng, đua nhau đối đáp rõ rệt, hoặc lỗi chính ở trẫm, về kính đức nối sáng có thiếu, về nhân ân yêu giữ chưa tròn. Vậy lấy chư thần làm bầy tôi pháp độ, làm kẻ sĩ giúp vầy, như đá để trị ngọc, như đá để mài vàng, chớ như lời nói của mình quý như vàng ngọc mà giấu, cần phải chỉ ngay vào điều lỗi không kiêng kỵ gì… may ra trên báo đáp được lòng trời, dưới chữa sống được bệnh dân, để cùng hưởng phước thái bình”.
Có thể nói, từ quan địa phương đến vua Minh Mạng đều tự xét lỗi của mình khi dịch bệnh xảy ra, ngoài niềm tin về mệnh trời thời đó, còn cho thấy nhân cách của người lãnh đạo, dám nhận trách nhiệm và tìm biện pháp khắc phục. Cách quản trị đất nước hồi xưa cũng có những điều hay như thế./.

Phan Nguyễn Khiêm

THAM GIA HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY MẤT ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU TẠI PHÁP



Hướng tới Kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du (1820-2020), Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỷ niệm sự kiện nói trên tại Trụ sở UNESCO, ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp vào cuối tháng 3 năm 2020.
Sự kiện văn hóa và khoa học này là cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa sâu sắc của đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều, và nhìn rộng ra là văn hóa Việt Nam ra trường quốc tế. Sự kiện này sẽ diễn ra với một chuỗi các hoạt động: Triển lãm sách và tranh minh họa Hội thảo về Nguyễn Du và tiếp nhận các tác phẩm của ông trên thế giới. Lễ tưởng niệm chính thức 200 ngày mất của Nguyễn Du.
Ngày 21 tháng 02 năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 636/QĐ-UBND về việc tổ chức Đoàn cán bộ của tỉnh tham gia các sự kiện này. Đoàn công tác có 10 thành viên gồm các ông, bà: Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Hồng Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Nữ Y, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hà Văn Thạch, Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy,  Chủ tịch Quỹ Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều;Bùi Xuân Thập, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trần Đình Thuyên, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Hoàng Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ngô Thị Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ; Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân; Hồ Thị Loan, Phó Trưởng phòng Văn nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Đoàn do ông Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, tham gia sự kiện này từ ngày 25/3/2020 đến 31/3/2020./.

CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY MẤT DANH DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI - ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU


Theo thông tin từ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động chính Kỷ niệm 200 năm ngày mất danh Danh nhân văn hóa Thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020) sẽ được triển khai theo một chuỗi sự kiện từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2020, gồm:
1. Triển khai các dự án tu bổ các di tích Nguyễn Du trong năm 2020
Triển khai dự án Tu bổ, tôn tạo các di tích gốc, xây dựng cơ sở hạ tầng và khuôn viên cây xanh trong Khu di tích Nguyễn Du Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
- Cơ quan chủ trì: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh
- Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ Quý I/2019.
2. Soạn thảo, in ấn và ban hành tài liệu tuyên truyền Kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du.
Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị phối hợp: Văn phòng Đại diện Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh
Thời gian: tháng 2 năm 2020
3. Họp báo tuyên truyền và làm việc với các Bộ, ngành Trung ương về phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm
Đơn vị tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị chủ trì thực hiện: UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền Thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo.
Đoàn công tác của tỉnh làm việc với các Bộ, ngành trung ương về phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm.
Thời gian: Tháng 3/2019.
Địa điểm: Tại Hà Nội.
 4. Tham gia tham gia sự kiện Kỷ niệm 200 năm mất của Đại thi hào Nguyễn Du tại Thủ đô Paris - Pháp
Đơn vị tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị chủ trì thực hiện: Đoàn công tác của tỉnh
Thời gian: Tháng 4/2019.
Địa điểm: Tại Cộng hòa Pháp
5. Tổ chức cuộc thi “Bạn đọc thuộc Truyện Kiều” và cuộc thi “Viết văn tế Nguyễn Du”
 Đơn vị thực hiện: Hội Kiều học Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội LHVHNT Hà Tĩnh, Hội Nhà văn Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức.
Thời gian:
Tháng 4/2020, Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều (đợt 3) tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 6/2020, Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều (đợt 4) tổ chức tại Hà Nội.
6. Tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều
          Đơn vị thực hiện: Hội Kiều học Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh thực hiện.
        Thời gian: Tháng 6/2020
        Địa điểm: Thành phố Hà Tĩnh
7. Xuất bản các ấn phẩm phục vụ cho lễ kỷ niệm
Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Hội Kiều học Việt Nam, Hội LHVHNT Hà Tĩnh
Các ấn phẩm:
- Tái bản có sửa chữa bổ sung “Truyện Kiều” gần nguyên bản của Hội Kiều  học Việt Nam;
- Tái bản “Truyện Kiều” song ngữ Việt – Anh;
- Xuất bản “Tổng tập nghiên cứu mới về Nguyễn Du – Truyện Kiều (2011 – 2020).
- Xuất bản Kỷ yếu Hội thảo: “Nguyễn Du – Puskin, tương đồng và khác biệt”
- Xuất bản Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tiếng Việt trong Truyện Kiều
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm, giới thiệu, xuất bản các tác phẩm của Nguyễn Du, các tác gia dòng họ Nguyễn Tiên Điền và văn học cổ điển Việt Nam, các công trình nghiên cứu, sáng tác có liên quan; tổ chức dịch và xuất bản Truyện Kiều, các tác phẩm của Nguyễn Du và của các nhà văn cổ điển Việt Nam ra nhiều thứ tiếng khác nhau.
Thời gian xuất bản: Trước tháng 9/2020
8. Tổ chức Tuần Văn hóa – Thể thao - Du lịch Nguyễn Du
Đơn vị tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị chủ trì thực hiện: UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ( Tổng Cục Du lịch, Cục Di sản, Cục Văn hóa cơ sở)
Mời các tỉnh có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du tham gia, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế và các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị tham gia.
Tuần văn hóa sẽ diễn ra với các hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của các tỉnh bạn và các hoạt động diễn xướng trò Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều…
Thời gian: dự kiến từ 21-26/9/2020
Địa điểm: Tại Tiên Điền - Nghi Xuân – Hà Tĩnh
9. Tổ chức lế trao Giải thưởng Văn học Nguyễn Du và Trao giải hai cuộc thi “Bạn đọc thuộc Truyện Kiều” và cuộc thi “Viết văn tế Nguyễn Du”.
Đơn vị thực hiện: Hội VHNT Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam,
Thời gian: Tháng 9/2020,
Địa điểm: Thành phố Hà Tĩnh.
10. Tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du
Đơn vị tham mưu: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đơn vị chủ trì thực hiện: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh
Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra tại Hà Tĩnh vào tháng 9/2020 với sự tham gia của  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Thừa thiên Huế, Quảng Bình.
Nội dung chương trình, gồm: Phần nghi lễ và Chương trình nghệ thuật (riêng Chương trình nghệ thuật sẽ được quyết định cụ thể về quy mô sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và ý kiến thống nhất của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức).
Lễ Kỷ niệm dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh (HTTV).
 - Thời gian: 26 tháng 9 năm 2020 (10 tháng 8 năm Canh Tý)
- Địa điểm: Tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
THÁI SINH

KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY MẤT ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU TẠI PARIS – CỘNG HÒA PHÁP VÀO THÁNG 3 NĂM 2020


Hướng tới Kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du (1820-2020), Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp với Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Kỷ niệm sự kiện nói trên tại Trụ sở UNESCO, ở Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp vào cuối tháng 3 năm 2020.

“CHIẾC VÉ VỀ TUỔI THƠ” TRONG “DIỆU KHÚC THỜI GIAN” CỦA TRẦN HUYỀN TÂM



THÁI VĂN SINH

Cuối 1983, tại quán sách trước cửa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trên đường Nguyễn Trãi, tôi đã mua một tập thơ trong đó có một bài thơ đã đi theo tôi suốt cuộc đời. Đó là bài Vé đi tuổi thơ trong tập thơ Phép lạ hàng ngày của nhà thơ Nga Robert Rozhestvenski do NXB Tác phẩm mới ấn hành:

“Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ.
Vé hạng trung
Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp:
Hôm nay vé hết!  

Biết làm sao!
Vé hết, biết làm sao!
Đường tới Tuổi Thơ còn biết hỏi nơi nào?
                          (Thái Bá Tân dịch)

Và hôm nay, thật tuyệt vời, tôi đã có được một chiếc vé đi tuổi thơ khi đọc Những vần thơ thời niên thiếu trong Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm.

Gọn ghẽ 17 bài thơ được sáng tác từ 1975 đến 1981 Trần Huyền Tâm đã mang đến cho chúng ta một thế giới tuổi thơ ở làng quê xưa tuyệt đẹp:

“Con đê đất đỏ quê mình
Ngày mưa rả rích
Cả lũ đi học về trượt ngã lấm lem
Vẫn nhìn nhau cười khúc khích.
Cây ổi vườn nhà
Buổi trưa ôn bài, vòm cây rộng mở
Cánh hoa rơi đầy trang sách thơm…”
                                 (Tuổi mực tím)

Nếu Trần Đăng Khoa bắt đầu làm thơ từ Góc sân và khoảng trời thì có thể nói Trần Huyền Tâm lại bắt đầu đời viết của mình từ một Ngõ nhỏ. Một ngõ nhỏ sớm - trưa - chiều - tối  rộn rã bao âm thanh, bao hương sắc thân quen của tuổi thơ và chỉ tuổi thơ của những ai đã từng là người nhà quê xưa mới có:

Sớm, bà đi ra ngõ
Mùi hương trầu vấn vương
Bước chân em tới trường
In trong lòng ngõ nhỏ

Trưa, mặt trời thêm tỏ
Chân bố lấm bùn tươi
Ngõ thơm hương đất mới
Ngõ thấm giọt mồ hôi

Chiều, gặt về, tóc mẹ
Đựng đầy hương lúa đồng
Ngõ vang tiếng guốc ông
Ngõ tròn bao lỗ luyến

Khi hoàng hôn xa tím
Bộn bề tiếng chổi tre
Em lại cùng bạn bè
Đón trăng về ngõ nhỏ.
                      (Ngõ nhỏ)

Tuổi thơ trong thơ Trần Huyền Tâm ngát hương hoa lá, rộn ràng âm thanh mùa vụ và sống động bao sắc màu làng quê. Trong 17 bài thơ thời niên thiếu của Trần Huyền Tâm, tôi thích nhất Cây bàng trong vườn trẻ. Một bài thơ thể hiện con mắt thơ rất tinh tế của Tâm:
                                                                            
Cây bàng trong vườn trẻ
Vòm lá xanh xoè ô
Cái nắng lúc ban trưa
Thường chui vào đó ngủ.

Cây bàng trong vườn trẻ
Chứa bao lời ru êm
Buổi trưa chăm cái ngủ
Cây hát lời của đêm.    

Khi cây bàng trút lá
Khoác mùa đông trên cành
Là khi thương bé lạnh
Cây chịu rét một mình.

Cây bàng trong vườn trẻ
Búp lá non gọi mời
Cho màu xanh vòm lá
Ríu rít muôn tiếng cười.

Cho màu xanh mắt trẻ
Xanh trọn màu non tươi.
                (Cây bàng trong vườn trẻ)

Sự tinh tế đó còn được thể hiện khá nhiều trong thơ Trần Huyền Tâm:

Nghe thoảng thốt trong đêm
Tiếng những tàu cau trăn trở
Ánh trăng theo mơ vào giấc ngủ
Tóc mẹ lưu vết mòn thời gian.
                             (Bài ca đất)

Hay:

Gió sớm mai nhẹ đùa
Hoa rơi đầy vại nước
Con nhặt hoa tới trường
Hương cứ bay đi trước
                               ( Hương cau)

Trần Đăng Khoa từng có một phát hiện rất hay: “Tiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng”, nhưng với Trần Huyền Tâm lại có một khám phá thật mới mẻ: âm thanh không chỉ là âm thanh mà âm thanh còn có cả sắc màu:

Con sông say gió mát
Đã ngủ quên từ  lâu
Chỉ còn tiếng đập đất
Đang làm nên sắc màu.
                   (Tiếng đập đất)

Tuổi thơ xưa của Trần Huyền Tâm và rất nhiều người trong đó có tôi, không chỉ là một tuổi thơ thú vị, dung dị ở chốn làng quê mà còn là một tuổi thơ đầy vất vả, cam go do cuộc chiến tranh chống Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Trần Huyền Tâm phải quen với mũ rơm, hầm chữ A và người cha ra trận mãi mãi không về:

Mẹ chưa kịp dạy chữ A
Thì máy bay B52 ào tới
Mẹ dắt con chạy vội
Xuống căn hầm chữ A.

Máy bay đi rồi, mẹ bận dọn ngoài hiên
Bên gốc bưởi, một mình con tự học
Ơi mẹ ơi con đã thuộc
Chữ A - tên của căn hầm.
                               (Căn hầm chữ A)

Hay:

Chiến tranh chen vào ấu thơ
Con trú ẩn đạn bom
nhiều hơn chơi ú tim với bạn
Cha cứ đi xa, dài dài năm tháng
Lần gặp cuối cùng… con nhớ… nụ hôn!
Cái cảm giác xa xôi, dịu êm
Khi con hiểu thì cha không còn nữa
                                  (Nhớ nụ hôn đã xa)

Sẽ còn rất nhiều điều để nói về Những vần thơ thời niên thiếu trong  Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm nhưng tôi xin được dừng tại đây để nhường chỗ cho sự cảm thụ phong phú của bạn đọc. Cảm ơn Trần Huyền Tâm đã cho tôi và những bạn bè đồng lứa chiếc vé về tuổi thơ trong sáng, ngọt ngào.



Và trước khi kết thúc bài này, tôi xin nói thêm một điều là chỉ trong vòng 2 năm nay Trần Huyền Tâm đã xuất bản liên tục 4 tập sách: Giọt nắng vô thường - Tập thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018; Diệu khúc thời gian - Tập thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019; Tản mạn miền sương khói - Tập Tản văn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019; Diệu khúc Sen - Tập văn - thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019.

Thành quả này thật phi thường. Rõ ràng nó không phải là kết quả của 2 năm mà là kết quả của trên nửa thế kỷ sống, chiêm nghiệm của Trần Huyền Tâm trong cõi đời vô thường này. Nó khẳng định độ chín của Trần Huyền Tâm khi bước qua tuổi “tri thiên mệnh” đã biết mình là ai, mình phải làm gì, phải đi đường nào để TRỞ VỀ VỚI CHÍNH MÌNH.

Xin chúc mừng Trần Huyền Tâm.

Xin chúc mừng bạn đọc có thêm một thi phẩm để cảm nhận về sự vi diệu của THƠ và của THỜI GIAN./.




               Vườn vua resort & villas Thanh Thuỷ, Phú Thọ 13/7/2019
  TVS

MỘT CUỘC THI CÓ THÍ SINH LÀ “THẦY CỦA THẦY”


 
Toàn cảnh cuộc thi. Ảnh TVS
Để xem video nhấp chuột vào đây: https://www.youtube.com/channel/UCXhuA-LaCJXoWvyaGJqCr5g?view_as=subscriber

THÁI VĂN SINH 

Đó là phát biểu của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tại Cuộc thi bạn đọc thuộc  Kiều đợt 1, tổ chức tại Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày 8/6/2019. Cuộc thi do UBND tỉnh Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của nhiều học giả, nhà thơ tên tuổi như: Giáo Sư Phong Lê, Giáo sư Trần Đình Sử, Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Phó Giáo Sư Nguyễn Trường Lịch, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà Thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Vương Trọng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, …và đông đảo những người yêu quý Nguyễn Du và Truyện Kiều đến từ: Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thái Bình.

Ban Giám khảo cuộc thi. Ảnh TVS

      Ban Giám khảo cuộc thi gồm 5 người: Giáo sư Phong Lê, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Vương Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiều học Việt Nam; Nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và Nhà nghiên cứu Hằng Thanh, Chánh Văn phòng Hội Kiều học Việt Nam.

Các thí sinh nhận hoa. Ảnh TVS

       Tham gia Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều đợt 1 có 6 thí sinh của khu vực Hà Nội trong số 26 thí sinh đã đăng ký dự thi. Đó là các ông, bà:
Nguyễn Đình Cống, sinh năm 1937, thường trú tại Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội; Vũ Thị Ngọc Bích, sinh năm 1967, thường trú tại Chung cư Thanh Hà, Hà Nội; Kim Quang Phác, sinh năm 1960, thường trú tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội; Nguyễn Ngọc Căn, sinh năm 1943, thường trú tại  Đức Giang, Long Biên, Hà Nội; Nguyễn Văn Ấn, sinh năm 1943, thường trú tại Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội; Trần Trung Tiến, sinh năm 1941, thường trú tại Thanh Xuân, Hà Nội.
Hình thức thi của cuộc thi rất đặc biệt, các thí sinh không phải đọc thuộc lòng toàn bộ Truyện Kiều mà chỉ phải đọc các đoạn Kiều bất kỳ do ban giám khảo yêu cầu và ngoài ra, phải trả lời những câu hỏi của các cử tọa trong khán phòng, Theo quy định, mỗi thí sinh có thời gian 45 phút để hoàn thành phần thi của mình. Đây là hình thức thi hợp lý vì nếu đọc thuộc cả 3.254 câu trong Truyện Kiều thì phải có một quỹ thời gian từ 3 đến 4 giờ/một thí sinh, làm cho cuộc thi mất rất nhiều thời gian và nhàm chán. Tuy nhiên hình thức thi này lại đòi hỏi rất cao ở sự sắc sảo, linh hoạt và tinh tế của Ban giám khảo.
Thật tuyệt vời là cuộc thi đã diễn ra với thành công ngoài mong đợi của Ban tổ chức. Dù diễn ra suốt một ngày ròng rã trong cái oi bức của thời tiết Hà Nội, nhưng cuộc thi đã diễn ra sôi nổi, cuốn hút tất cả mọi người trong khán phòng ngay từ phần thi của thí sinh đầu tiên cho đến phần thi của thí sinh cuối cùng. Gần như mọi người chẳng ai đong đếm về thời gian và khi kết thúc cuộc thi thì hình như ai cũng có tâm trạng còn “thòm thèm”. Một không khí trình diễn, một không khí học thuật về Truyện Kiều đầy ắp không gian và thời gian cuộc thi, kể cả giờ nghỉ gải lao giữa mỗi buổi thi.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống tại cuộc thiẢnh TVS

 Thí sinh đầu tiên của cuộc thi là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Cống, nguyên giảng viên Đại học Xây dựng, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về bê tông. Với trí nhớ siêu phàm giáo sư đã đọc vanh vách bất cứ đoạn Kiều nào mà ban giám khảo và các cử tọa yêu cầu. Với một kiến thức uyên thâm, giáo sư đã trả lời chính xác từng điển cố trong Truyện Kiều, đến mức giáo sư văn học Trần Đình Sử, chuyên gia hàng đầu về Truyện Kiều phải thốt lên thán phục. Không chỉ có vậy giáo sư Nguyễn Đình Cống còn trình diễn đọc chậm, đọc nhanh và đọc ngược Truyện Kiều một cách điệu nghệ làm cử tọa cứ vỡ òa từng trận vỗ tay thán phục. Thuộc cả 3254 câu Kiều đã khó nhưng thuộc và đọc ngược Truyện Kiều thì quả là kỳ tài. Chuyện đọc ngược Truyện Kiều trong chúng ta đã nghe nói nhiều nhưng với tôi và gần như hầu hết cử tọa trong khán phòng cuộc thi thì đây là lần đầu tiên được chứng kiến việc đọc ngược Truyện Kiều. Phần thi của giáo sư Nguyễn Đình Cống đã thực sự mang lại một không khí hấp dẫn, một cảm xúc tràn trề về vẻ đẹp của Truyện Kiều.
Năm thí sinh còn lại đều “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười”. Họ không chỉ rất thuộc Truyện Kiều mà còn “thuộc” cả cái hay, cái đẹp của câu chữ trong Truyện Kiều. Năm thí sinh này tuy mỗi người có một nghề nghiệp khác nhau: nhà giáo về hưu, kỹ sư cơ khí, kỹ sư nông nghiệp, bác sĩ, doanh nhân nhưng họ đều có một điểm chung là đam mê Truyện Kiều và đều mong muốn truyền niềm đam mê đó đến với nhiều người. Là thí sinh nữ duy nhất trong cuộc thi, chị Vũ Thị Ngọc Bích, một doanh nhân tâm sự “là người yêu Kiều nhưng tôi chưa thuộc được cả Truyện Kiều. Cách đây 3 tháng, khi xem báo thấy có cuộc phát động Cuộc thi bạn đọc thuộc Kiều thì tôi mới dành thời gian học thuộc cả Truyện Kiều dự thi, mong gửi đến mọi người một thông điệp là dầu tôi đã nhiều tuổi nhưng nhờ có đam mê nên chỉ cần 3 tháng vẫn có thể thuộc cả Truyện Kiều”. Ông Trần Trung Tiến, một bác sỹ về hưu nhưng 10 năm nay đã luôn tìm cách quảng bá Truyện Kiều cho người nước ngoài và các em học sinh. Ông đã phô tô nhiều bản Truyện Kiều bằng tiếng Anh để phát và giới thiệu cho du khách nước ngoài vào các buổi chiều khi họ đi dạo tại ở Bờ Hồ, đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện về Truyện Kiều cho các em học sinh. 

Chụp ảnh lưu niện tại cuộc thi

          Sau một ngày thi sôi nổi, hào hứng, cuộc thi đã khép lại với kết quả rất đáng phấn khởi, cả 6 thí sinh đều đạt điểm vào dự vòng thi chung kết được tổ chức vào tháng 9/2020, nhân Đại lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Tĩnh. Theo kế hoạch của Ban tổ chức, các cuộc thi sơ khảo đợt tiếp theo sẽ được tổ chức tại các cụm thi Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và được kết thúc trong quý I năm 2020.
Đánh giá về cuộc thi, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho rằng đây là một cuộc thi vô cùng độc đáo, thế giới chưa hề có cuộc thi như vậy. Thí sinh rất đa dạng, có người chỉ có học vấn phổ thông, nhưng lại có cả những người là Giáo sư, Tiến sỹ, là thầy của thầy. Cuộc thi này không chỉ có ý nghĩa tôn vinh tài năng của đại thi hào Nguyễn Du mà còn vinh danh những người yêu mến truyện Kiều, thuộc truyện Kiều./.
 TVS



















































THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...