18 TUỔI, DỊCH THÀNH CÔNG TRUYỆN KIỀU RA TIẾNG ANH


LTS: Hai tháng trước, báo chí rầm rộ đưa tin về sự ra mắt cuốn "Kiều in Dương Tường’s version" của nhà thơ, dịch giả Dương Tường khi ông đã gần 90 tuổi.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: "đây là một đóng góp giới thiệu Kiều ra thế giới và nỗ lực của Dương Tường có giá trị khích lệ rất lớn đối với lớp trẻ, những người rất giỏi ngoại ngữ và có nhiều điều kiện thuận lợi, nên tích cực dịch, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài".
Được biết trước đây, khi làm NCS ở Hungaria, nhà nghiên cứu, nhà thơ Trương Đăng Dung cũng đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Hung khi ông 29 tuổi.
Và những ngày này, một du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng đã dịch xong Truyện Kiều khi anh mới 18 tuổi 6 tháng.
Cũng xin nói thêm, anh vốn là cựu học sinh chuyên ĐHSPHN vừa mới sang Mỹ được ít lâu.
Nghe anh trả lời phỏng vấn, không ai nghĩ anh vừa bước qua tuổi 18 nửa năm.
Sự uyên bác, phương pháp làm việc khoa học trong chuyên môn hẹp (nghề chuyển ngữ) như một nhà ngữ học ở anh luôn khiến ta ngạc nhiên cho dù chuyên môn anh đang theo học ở Hoa Kỳ là thiên văn học.
Người đó là ai?
Xin mọi người xem bài trả lời phỏng vấn của anh dưới đây:

 

“TÔI DỊCH TRUYỆN KIỀU CẢ VÌ TRUYỆN KIỀU VÀ VÌ BẢN THÂN TÔI”
                                (Viết & Đọc - Chuyên đề mùa Hạ năm 2020)

 

Viết & Đọc: Trong lá thư trao đổi mới đây giữa biên tập viên Viết & Đọc, thi sĩ trẻ Nguyễn Bình thông báo vừa hoàn thành bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Đây là một tin đặc biệt và gây ấn tượng mạnh mẽ. Một sinh viên Việt Nam 18 tuổi đã dịch trọn vẹn Truyện Kiều với tình yêu thơ ca, với một sự tự tin đầy thán phục, một tư duy rất sâu sắc và một cách làm vô cùng khoa học nhưng lại tràn đầy cảm hứng là một câu chuyện lớn về nhiều mặt. Viết & Đọc chuyên đề mùa Hạ 2020 rất hân hạnh được giới thiệu cuộc đối thoại giữa biên tập viên và thi sĩ Nguyễn Bình. Qua cuộc đối thoại này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về một người Việt Nam thế hệ mới và những vấn đề của Truyện Kiều trong một thời đại công nghệ, cũng như của sự sáng tạo.

VIẾT&ĐỌC (V&Đ): Thay mặt những người yêu tiếng Việt, yêu Truyện Kiều, xin chúc mừng anh đã hoàn thành bản dịch Truyện Kiều. Cảm xúc lúc này trong anh như thế nào khi câu cuối cùng của Truyện Kiều đã dịch xong?

NGUYỄN BÌNH (NB): Tôi vừa nhẹ nhõm, lại vừa hồi hộp. Nhẹ nhõm vì một dự án mình đã ấp ủ bấy lâu nay cuối cùng cũng xong, nhưng cũng hồi hộp vì cách làm của mình chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nghĩa là có thể mọi người sẽ phản ứng theo cách tôi chưa bao giờ lường trước được.
V&Đ: Anh bắt đầu đọc Truyện Kiều từ khi nào? Những thay đổi gì đã diễn ra trong anh từ khi anh bắt đầu đọc Truyện Kiều cho đến khi bắt tay vào dịch tác phẩm này và khi dịch xong?
NB: Tôi bắt đầu đọc các trích đoạn của Kiều hồi học cấp Hai, cái hồi mà nói đến Kiều là tôi sẽ lè lưỡi ngán ngẩm vì phải học thuộc. Tôi từng ghét Kiều, ghét thơ ca, nhưng đến một lúc cảm thấy cần những điều đó, tôi lại tìm đường về như chim nhạn về phương Nam tránh rét. Tôi đọc toàn bộ Kiều đầu lớp 10, và trong khoảng thời gian giữa lúc ấy và lúc bắt tay vào dịch, tôi đã bắt đầu làm thơ. Tôi thử nghiệm với các thể thơ và đọc thơ bằng đủ các ngôn ngữ. Chính trong quá trình đọc ấy mà tôi nảy ra ý tưởng: “Hay mình thử làm cầu nối xem sao?” Tôi thử dịch thơ T.S. Eliot, thơ Xuân Diệu, rồi dấn thân sâu hơn vào quá khứ, để rồi một ngày bắt đầu ảo tưởng mình dịch Kiều.
Khi bắt tay vào dịch Kiều, tôi cố gắng truyền tải được mọi thứ sang tiếng Anh theo cách mình ưng nhất. Ý tưởng của tôi là dịch Kiều sang tiếng Anh theo thể “anh hùng song cú” (heroic couplet) mà các nhà thơ trung đại Anh như Alexander Pope, John Dryden,… đã sử dụng khi dịch sử thi Hy Lạp, La Mã sang tiếng Anh. Tôi mượn từ vựng của thơ ca Anh thế kỉ XVIII để bảo tồn được ít nhiều cái vầng hào quang trung đại của Kiều. Dù tôi thích ý tưởng đó thật, song ban đầu tôi dốt lắm. Tôi cứ thấy thuận tai thì nghĩ là vần nên rất dễ vần lung tung. Thế rồi, trong lúc dịch Kiều, tôi tiếp tục học đại học và trở nên thích thú với bộ môn Ngôn ngữ học. Tôi biết đến ngữ âm học, cú pháp học và lịch sử ngôn ngữ. Tự dưng, cách tiếp cận của tôi khác đi. Tôi không giới hạn các yếu tố thế kỉ XVIII ở từ vựng, mà cả cú pháp, cả cách gieo vần nữa. Nhìn từ một phía, tôi bắt đầu bó buộc mình vào khuôn khổ, nhưng nhìn từ góc khác, tôi trao cho mình nhiều lựa chọn hơn.

V&Đ: Trước khi dịch Truyện Kiều, anh đã từng đọc một bản dịch Truyện Kiều nào trước đó chưa? Lý do gì thúc đấy anh dịch một tác phẩm lớn và khó như vậy?

NB: Hồi lớp 11, tôi từng đọc lướt qua bản dịch Kiều sang tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông. Sau này, tôi nhận ra bản dịch của ông Thông là bản ổn nhất hiện giờ, song khi mới đọc, tôi buồn vì ông ấy không giữ được sự uyển chuyển ngôn từ hay là tính dân gian của Kiều. Vì đã tiếp xúc với thơ trung đại tiếng Anh, tôi cho rằng những yếu tố mà ông Thông bỏ sót đều khôi phục lại được. Tôi tự nhủ rằng chắc sẽ có ngày mình tự làm được điều đó, song không biết là ngày nào vì với một kẻ non dại như tôi, dịch Kiều là một ước mơ ngoài tầm với.
Đến hè 2019, tôi biết thêm một bản dịch khác của một người Anh/Mỹ nào đó. Tôi nhớ ông ta tự hào nói trên báo chí rằng ông ta dịch Kiều trong lúc thử học và chơi đùa với câu chữ tiếng Việt. Có lẽ vì thế mà bản dịch của ông ta nông cạn như một vũng nước mưa ngoài phố. Tôi nghĩ đó là điều không thể tránh khỏi khi một người vừa bắt đầu học một ngôn ngữ, vừa thử dịch quốc hồn, quốc tuý của dân tộc nói ngôn ngữ ấy. Thử nghĩ xem, nếu năm lớp Ba, tôi biết đến Shakespeare và thử dịch Hamlet sang tiếng Việt, chắc kết cục cũng vậy thôi. Tôi tự nhìn lại mình và nói: người không biết gì về tiếng Việt còn dám dịch Kiều, sao mày đẻ ra ở nước Việt, lớn lên nói tiếng Việt mà lại không dám? Bất công trước sự tự ti của chính mình, tôi lại ngồi mơ dịch Kiều tiếp.
Tuy nhiên, lý do cuối cùng lại là một lý do cá nhân. Tháng 8 năm 2019, lần đầu tôi phải xa nhà để đi du học. Ở nơi lạ nước lạ cái, những câu lục bát của Kiều mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nhớ bỗng vang vọng trở lại. Tôi nhớ một lần ngồi trên xe trở về từ đài thiên văn trên núi, nhìn ánh trăng đêm rọi qua rừng rậm bên đường mòn, tôi chợt nhớ hai câu: “Dặm khuya ngất tạnh, mù khơi / Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”. Tôi thấy mình trong câu chuyện của Kiều, cũng cô đơn, xa bạn bè người thân, cũng bất an về tương lai như Kiều ngày ấy. Sự nhận thức ấy trở thành giọt nước tràn ly, bởi ngay lập tức, tôi thấy sự tự ti của mình chẳng còn nghĩa lý gì cả. Tôi bắt đầu dịch Truyện Kiều, cả vì Truyện Kiều và vì bản thân tôi.

V&Đ: Hầu hết khi bàn tới dịch Truyện Kiều, lâu nay người ta đều đưa ra một thách thức và nghĩ rằng sẽ không một dịch giả nào vượt qua được. Đó là hình thức thơ lục bát và nhạc tính của tiếng Việt. Đấy cũng là một số những yếu tố làm nên Truyện Kiều. Anh thấy điều đó thế nào và anh sẽ xử lý thách thức này bằng cách nào để bạn đọc nước ngoài tiếp cận một cách gần nhất với vẻ đẹp của Truyền Kiều?

NB: Đối với tôi, điều này có thể được xử lý nếu chúng ta không chỉ nhìn chăm chăm vào bản thân thể lục bát, mà nhìn vào những gì thể lục bát đã thừa hưởng từ tiếng Việt. Lục bát sử dụng các yếu tố như sự trầm bổng, sự đa dạng vần của tiếng Việt, rồi đưa những yếu tố này lên một tầm cao mới. Cố gắng dịch Kiều sang một “thể lục bát tiếng Anh” chẳng khác gì tự đưa mình vào ngõ cụt, vì lục bát hoạt động dựa trên các yếu tố mà tiếng Anh không có.
Vậy nên trong bản dịch, tôi trút bỏ thể lục bát và chọn thể anh hùng song cú, bởi anh hùng song cú có mối quan hệ với tiếng Anh hệt như lục bát với tiếng Việt. Nếu lục bát vận dụng thanh điệu và vần của tiếng Việt, anh hùng song cú sử dụng tối ưu các yếu tố về trọng âm, nhịp điệu và vần của tiếng Anh. Gọi là anh hùng song cú (heroic couplet) vì thể này phổ biến trong các anh hùng ca, và về cơ bản nó là hai dòng liên tiếp vần với nhau ở cuối, “night” vần với “light” hay là “sea” với “tree”. Mỗi dòng của thể anh hùng song cú thường dùng nhịp “iambic pentameter” (đến đây tôi bó tay, chẳng dịch sang tiếng Việt được), chia 1 dòng thơ 10 âm tiết thành 5 cước có 2 âm tiết, mỗi cước đánh trọng âm vào âm tiết thứ hai. Một ví dụ điển hình của iambic pentameter là thơ Shakespeare: “Shall I compare thee to a summer’s day?” (Liệu ta nên ví chàng với ngày hè không đây?) Khi đọc lên, trọng âm thường rơi vào âm tiết chẵn: “shall-I/com-PARE/thee-TO/a-SUM/mer’s DAY?”. Loại cước này phổ biến trong thơ Anh qua hàng thế kỷ vì nó sử dụng rất tốt yếu tố trọng âm và nhịp điệu của tiếng Anh, hệt như lục bát sử dụng thanh điệu tiếng Việt. Muốn chuyển ngữ thơ - một loại hình nghệ thuật gắn với âm thanh - sang một thứ tiếng khác mà vẫn khiến người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của bản gốc, tôi nghĩ trước tiên phải nắm được thứ tiếng khác ấy, rồi nắm được các quy tắc về âm thanh ở đó để uốn nắn vẻ đẹp của bản gốc cho khớp. Tính nhạc ở ngôn ngữ nào cũng có (nếu không thì ngôn ngữ đó đào đâu ra thơ?), chỉ khác là ở mỗi ngôn ngữ, tính nhạc được thể hiện dựa trên các nguyên lý khác nhau. Người đọc tiếng Anh có thể mù tịt về sự giàu thanh điệu của tiếng Việt, song họ sẽ phản ứng trước luật thơ Anh hệt như người đọc tiếng Việt phản ứng trước luật thơ Việt thôi, vì ở đó họ thấy được từng con chữ của thứ tiếng mình nói hòa vào nhau thành một bản nhạc, một tác phẩm nghệ thuật mang tầm cao mới.

V&Đ: Lâu nay, người ta quan niệm dịch thơ sẽ làm mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ gốc, như thế sẽ làm giảm đi chất lượng của tác phẩm gốc. Khi dịch xong Truyện Kiều, anh nghĩ mình có mang đến điều gì mới mẻ cho Truyện Kiều và có đánh mất gì ở Truyện Kiều trong một ngôn ngữ khác?

NB: Với cá nhân tôi, tôi thích tự chỉ trích rằng mình cũng làm giảm đi chất lượng của tác phẩm gốc. Đọc bản Anh, “Chém cha cái số hoa đào” sẽ không mang sự đay nghiến như bản Việt đối với một người sinh ra nói tiếng Việt như tôi. Tuy nhiên, người đọc thơ tiếng Anh là người nói tiếng Anh, nên tôi cố gắng bù đắp cho những thiếu sót của mình bằng cách vay mượn thi liệu tiếng Anh, để chí ít nếu tôi không phục dựng được trực tiếp tính biểu cảm của bản gốc, tôi cũng sẽ làm được điều đó một cách gián tiếp. Như hai câu “Còn non, còn nước, còn dài / Còn về, còn nhớ đến người hôm nay”, tôi dịch là “So long as mountains stand or rivers sway / So long live you, remember me to-day” để gợi lại lối nói trong hai câu thơ của Shakespeare mà những người học văn tiếng Anh sẽ thuộc nằm lòng: “So long as men can breathe or eyes can see / So long lives this, and this gives life to thee.” Hay khi Tú bà chuyển sang gọi Kiều là “mày”, tôi sử dụng đại từ ngôi thứ hai “thou” trong tiếng Anh thế kỉ XVII - VIII, vì “thou” được coi là suồng sã, thô lỗ hơn. Những điều tôi phải đánh đổi khi dịch Kiều, tôi luôn cố bù đắp lại theo các cách khác nhau. Kết quả là, tôi thấy mình mang đến một diện mạo mới cho Kiều, một diện mạo tiếng Anh thế kỉ XVIII, và tôi không tiếc lắm những yếu tố tiếng Việt mình phải trút bỏ. Vì thơ ca đẹp ở phần ngôn ngữ, nhưng cái đẹp ấy có thể được truyền tải lại ít nhiều thông qua một ngôn ngữ khác, nếu mình đủ hiểu về thơ ca ngôn ngữ này.

V&Đ: Công việc tiếp theo đối với bản dịch Truyện Kiều sẽ là những gì? Anh có cần một nhà thơ Mỹ hay Anh đọc và ‘nhuận sắc’ bản dịch không?

NB: Dịch xong Kiều, tôi còn phải chú thích nốt nữa. Về cuối, cụ Du dùng ngôn từ đơn giản hơn thì còn đỡ, chứ đoạn đầu điển tích chằng chịt, nhìn ba chục cái chú thích liên tiếp nhau mà tôi chỉ muốn đóng máy đi ngủ.
Tôi không chắc mình thực sự cần một nhà thơ Mỹ / Anh đọc và “nhuận sắc” bản dịch. Theo tôi, thơ ca xoá nhoà ranh giới tuổi tác, địa vị hay là nguồn gốc xuất thân. Bất kì ai thích đọc thơ và phóng khoáng với thơ cũng là một độc giả mà tôi trân trọng. Người đó không nhất thiết phải là một nhà thơ đã xuất bản mà có thể là một sinh viên học Tài chính mà lại thích văn, học Thiên văn mà lại mê sonnet như điếu đổ (là tôi đây này). Chỉ cần người đó nói tiếng Anh, am hiểu thơ ca tiếng Anh là tôi sẽ phấn khởi đưa họ xem qua bản dịch ngay. Vì xét cho cùng, bản thân Kiều thành kinh điển chẳng phải vì được hội đồng văn học của vua Tự Đức trao giải Cành chuối vàng, mà vì Kiều gần gũi với mọi người, được cả thường dân lẫn giới tri thức bao đời nay đọc và yêu quý.

V&Đ: Việc dịch Truyền Kiều của anh thực sự là một công trình. Và tất nhiên anh muốn bạn đọc trên thế giới biết đến và cảm nhận được một trong những tác phẩm văn học cổ điển vĩ đại nhất của Việt Nam. Vậy bản dịch của anh có những điểm nào khác biệt hay nổi trội nào so với những bản dịch Truyện Kiều khác mà anh từng biết?

NB: Tôi tin rằng bản dịch của mình khác các bản dịch trước ở chỗ tôi cố gắng tái hiện lại vẻ đẹp thi ca của Truyện Kiều bằng tiếng Anh. Tôi không đơn giản hoá các thành ngữ, tục ngữ, càng không tìm cái tương xứng trong tiếng Anh mà chỉ bê nguyên sang ngôn ngữ khác. Tôi dịch những từ cổ trong Kiều bằng những từ tiếng Anh cổ tôi cóp nhặt từ thơ Anh thế kỉ XVIII, vì tại sao phải hiện đại hoá chúng lên để rồi đánh mất cái không khí của bản gốc? Nói tóm lại, tôi dịch Kiều sang tiếng Anh sao cho cảm giác của từ ngữ, sự phong phú về tính dân gian, hay thậm chí là các biện pháp tu từ cũng được bê nguyên sang. Tiếng Anh không có thanh điệu, tôi dùng trọng âm để tạo nhịp. Tiếng Anh thiếu từ láy, tôi dùng phép điệp âm đầu (alliteration). Mục đích của tôi là mang lại cho độc giả tiếng Anh thế kỉ XXI một cảm giác hệt như của một độc giả tiếng Việt thế kỉ XXI khi đọc Truyện Kiều.
Bên cạnh những yếu tố nghệ thuật, tôi còn viết một loạt các chú thích. Ở những chỗ mà bản thân học giả Việt Nam còn tranh cãi như “mày ngài” của Từ Hải, tôi dịch theo cách hiểu mà tôi ưng nhất, rồi ở phần chú thích lý giải cách hiểu mà tôi ưng bên cạnh những cách hiểu khác. Bản thân việc dịch thuật đã định hình lại tác phẩm qua con mắt của dịch giả rồi, và tôi cố gắng khắc phục việc đó thông qua chú thích. Vì đúng, tôi là dịch giả, nhưng cách hiểu của tôi về một dòng này nào có siêu phàm hơn cách hiểu của Đào Duy Anh hay Cao Xuân Hạo? Học Thiên văn, tôi được biết mình không nên thiên về một cách hiểu và phủ nhận sạch trơn các cách còn lại nếu như tất cả đều thiếu hoặc có một lượng lập luận xác đáng như nhau. Tôi áp dụng tư tưởng ấy vào việc dịch Kiều, mong rằng điều đó sẽ khiến bản dịch này khách quan và gợi suy nghĩ nhiều hơn các bản trước.

V&Đ: Anh là một dịch giả mà tôi hy vọng nhất với nhiều lý do. Vậy sau công trình này, anh có dự định dịch và giới thiệu được những tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc ra thế giới không? Nếu có, quan điểm lựa chọn tác phẩm dịch của anh thế nào?

NB: Hiện giờ, tôi chưa có ý tưởng dịch gì thêm. Trước Kiều, tôi có dịch Chinh phụ ngâm, và bản dịch ấy là một cuộc thử nghiệm không có hướng đi cụ thể nên lủng củng lắm. Có lẽ một lúc nào đấy, tôi sẽ dịch lại một cách cẩn thận hơn. Giờ tôi muốn dành thời gian cho thơ của riêng mình. Còn về tiêu chí lựa chọn, những tác phẩm tôi dịch bấy lâu nay đều được chọn chỉ vì chúng có ý nghĩa đối với cá nhân tôi, nên tôi cũng chưa thể nói được gì.

V&Đ: Anh có kế hoạch gì để truyền bá Truyện Kiều bản tiếng Anh của mình tới bạn đọc thế giới? Xuất bản hay tổ chức những buổi thuyết trình về Truyện Kiều trước mắt là với bạn đọc Mỹ hiện nay?

NB: Tôi là du học sinh, sang đây bằng visa sinh viên nên có nhiều trở ngại khi xuất bản bên này. Hiện giờ, xuất bản được cũng là một ước mơ đối với tôi rồi, và tôi cần phải đạt được nó đã. Tôi chưa nghĩ đến sau này sẽ làm gì để giới thiệu với độc giả nói tiếng Anh về Kiều, song hướng hành động của tôi chắc chắn sẽ là xua tan màn sương mù lịch sử khỏi Kiều, hệt như tôi muốn làm với độc giả Việt Nam.

V&Đ: Không ít những người trẻ Việt Nam không đọc Truyện Kiều ngoại trừ họ phải học theo chương trình giáo dục trong nhà trường. Truyện Kiều có ý nghĩa gì với một xã hội hiện đại? Nó là một di sản để ngắm nhìn hay nó cần thiết cho đời sống đương đại ở một phía nào đó?

NB: Tôi tin rằng giống nhiều khái niệm bao quát khác như màu sắc hay bản dạng giới, ý nghĩa của một tác phẩm văn học không phải là một hệ nhị phân. Hiếm có tác phẩm nào thuần túy là một di sản từ quá khứ, cũng hiếm có tác phẩm nào thuần túy là một bài học cho đời sống đương đại. Hầu hết các tác phẩm thường nằm ở giữa hai cực, bao hàm hai tính chất nói trên ở các mức độ khác nhau. Với Truyện Kiều, tính di sản nằm ở mối quan hệ của nó với lịch sử triều Nguyễn, với những bất công thời trung đại. Song nếu chỉ chú ý đến chỗ đó thì sẽ bỏ sót những thứ vượt thời gian, tiêu biểu là quan sát của Nguyễn Du về những khía cạnh xã hội đã theo gót con người bấy lâu nay. Như đoạn trong trại Hồ Tôn Hiến, những cử chỉ, lời nói của Hồ Tôn Hiến và Kiều thể hiện một mối quan hệ không cân xứng về quyền lực, với Hồ Tôn Hiến đóng vai gã đàn ông áp bức, còn Kiều là người phụ nữ bị áp bức, phải liên tục cảnh giác trước Hồ Tôn Hiến và nhắc tới một người đàn ông khác là Từ Hải để từ chối sự ve vãn của gã. Đặt vào bối cảnh đương đại, khi các sự kiện như phong trào #MeToo năm 2015 đã lật tẩy những gã đạo diễn, diễn viên, nhà khoa học,… lợi dụng quyền lực để xâm hại những người phụ nữ ít quyền lực hơn mình, phân tích cuộc đối thoại Kiều - Hồ Tôn Hiến cũng giúp ta hiểu thêm được về những sự việc như thế.
Ấy là mới chỉ nói tới tầm quan trọng ngoài xã hội thôi, vì Kiều còn là một nỗ lực khắc hoạ tâm trí con người nữa. Một học sinh, một người trẻ hoàn toàn có thể tìm đọc Kiều dưới góc nhìn cảm xúc mà vẫn phải lòng được tác phẩm này, để rồi quan tâm tới những khía cạnh lịch sử, văn hoá hay không là việc của họ. Tôi nói điều này từ trải nghiệm cá nhân, bởi ban đầu chính tôi đã đồng cảm được với Kiều khi mới sang đây, dù trải nghiệm của một du học sinh lần đầu xa nhà khác hẳn với một người phụ nữ “phải bước lưu ly” trong xã hội phong kiến. Chúng ta nên để mọi người bước đầu tiếp cận các tác phẩm kinh điển từ góc nhìn cảm xúc như thế, đừng cứ trưng ra phía trước cái ám ảnh thời đại, cái tầm quan trọng trong văn học, vì những thứ đao to búa lớn ấy sẽ chỉ khiến người ta thấy bị xa cách, giống như khi tôi mới học Kiều hồi cấp Hai. Nếu ta gác lại phía sau ba cái trò thảo luận về “ngôn ngữ bình dân và bác học”, về “ý nghĩa lịch sử”, và trước tiên chú trọng vào việc Kiều là một trường ca về con người, có lẽ nhiều người trẻ sẽ quan tâm hơn. Tôi đã thích Truyện Kiều nhờ tự mình làm việc đó. Bên các nước nói tiếng Anh, họ cũng đang làm vậy với các tác phẩm kinh điển của họ và gặt hái được kết quả khá ưng ý. Năm 2019, có một người Anh làm YouTube lấy tên là Philosophy Tube đã tụ tập bạn bè, cả người thường lẫn diễn viên, rồi cùng nhau đọc toàn bộ các vở kịch của Shakespeare để gây quỹ cho một tổ chức về sức khoẻ tâm thần. Vì cả kịch Shakespeare và Kiều đều được tả là chứa đựng mọi cảm xúc con người, nghe họ đọc và nhìn mọi người phản ứng, tôi nghĩ đến Kiều và tin rằng một ngày mình cũng sẽ làm được như thế.

V&Đ: Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện mà tôi nghĩ nó sẽ gợi mở một cách phong phú và sâu sắc không chỉ với những ai yêu Truyện Kiều, tới những vấn đề của dịch thuật văn học hiện nay mà còn tới những vấn đề của học thuật, sáng tạo và xác lập nguyên tắc trong con đường sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ.

( Theo facebook  Nguyễn Phượng)


NGUYỄN DU - TỪ CUỘC ĐỜI VÀO TIỂU THUYẾT CÁC NHÀ VĂN XỨ NGHỆ




                                                                                                                    LÊ THÁI PHONG *

Hẳn không cần phải chứng minh rằng: thật hiếm có một nhân vật văn học, văn hóa nào, không chỉ của Việt Nam, còn của thế giới mà tên tuổi và trước tác có tầm ảnh hưởng lớn, rộng như Nguyễn Du (1765-1820). Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh), đỉnh cô sơn chót vót của nền thi ca dân tộc đã có mặt trong Từ điển các tác phẩm của mọi thời đại và của mọi xứ sở xuất bản tại Pa ri năm 1953 do Viện sỹ AndréMaurois của Viện hàn lâm Pháp giới thiệu. Truyện Kiều của Nguyễn Du, đứng bên những kiệt tác văn chương của nhân loại nằm trong chương trình học đường, dĩ nhiên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số quốc gia khác đã đi vào sân khấu, điện ảnh từ những năm XX của thế kỉ trước. Đã có không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, bình phẩm Truyện Kiều từ buổi mới ra đời cho đến hôm nay và chắc chắn còn nhiều ở mai sau, không chỉ trong nước mà cả phạm vi quốc tế.
Thế mà, Tiểu thuyết về đề tài Nguyễn Du - con người lịch sử về phương diện văn hóa - chưa được khai thác đáng kể. Thật đáng mừng và tự hào, ở Nghệ An - Hà Tĩnh, xứ Nghệ, cho đến nay, theo chúng tôi biết, đã có ba cuốn Tiểu thuyết về đề tài Nguyễn Du.
1. Cuốn thứ nhất:     BA TRĂM NĂM LẺ
                            (Tác giả: Vũ Ngọc Khánh - NXB Văn hóa, H.1988)
Tiểu thuyết Ba trăm năm lẻ mở ra với chương dẫn đầu: Đối thoại lặng yên. Tác giả thuật kể: “Đêm đã xuống sâu. Sương phủ khắp trời. Trong nhà lưu niệm mênh mông, ngoài ngọn đèn dầu đặt trên bàn thờ, dập dờn soi khắp chung quanh chỗ tỏ, chỗ mờ những bức tranh đậm nhạt trên tường, những di vật tài liệu bày trong tủ nhỏ, không còn một ánh sáng nào khác nữa. Tất cả là một sự im lặng trọng thể trong không khí u tịch mơ màng. Nén hương hoài niệm này, xin được dâng lên để tỏ tấm lòng trân trọng của kẻ hậu sinh đầu bạc đồng quân, đồng hương đối với bậc Thi hào dân tộc…”. Trong khói hương chập chờn, tác giả tưởng tượng Nguyễn Du hiện về với tấm áo màu xanh, xanh khá nhạt, đối thoại cùng bao trăn trở của mình, chỉ với trước sau một từ “Được”! Chúng tôi nghĩ, chi tiết hư ảo mở màn này không đơn thuần là bút pháp viết truyện, nó thể hiện sự trăn trở trong tâm thức tác giả về con người và sáng tác Nguyễn Du đặng làm một “chuyến đi tìm Nguyễn Du” của mình.
Tiếp đó, tiểu thuyết “Ba trăm năm lẻ” trải ra 8 chương:
Chương I.   Bao giờ ngàn hống hết cây
Ở chương I, tác giả hư cấu khá hấp dẫn: Nguyễn Nễ (khoảng 14 tuổi), Nguyễn Du (khoảng 10 tuổi) lần đầu về quê vì thân phụ Nguyễn Nghiễm ốm nặng, sắp mất. Hai cậu ấm con quan đại tư đồ ngồi quán tranh quê, mãi hỏi chuyện các lão làng về đất ngàn năm văn vật Tiên Điền, Nghi xuân. Cái gì cũng mới lạ, ngạc nhiên nhưng rất tự hào. Hai cậu - Nguyễn Nễ giữ gìn, ít nói; Nguyễn Du hiếu động, tò mò hơn - muốn mở hết những bí mật quê cha. Cuối chương là cảnh đám tang lớn, như quốc tang, quan tể tướng Nguyễn Nghiễm… Nguyễn Du đau đớn…, bà Trần Thị Tần lo lắng cho con thơ dại đã mất cha…
Chương II.   Áo xanh đi giữa bụi hồng
Phần đầu, tác giả đã hóa thân thâm nhập vào cậu bé Nguyễn Du mồ côi, rồi cậu Chiêu Bảy ở độ tuổi thanh niên sống trong phủ Bích Câu với anh cả khác mẹ Nguyễn Khản, ở vùng Kinh Bắc bên sông Hồng, ở quê vợ Đoàn Thị,  ngày ngày chất đầy vào vốn văn hóa, văn chương chữ nghĩa, vốn cảm nhận về thân phận khổ đau, hẩm hiu của lớp người dưới đáy, nhất là “phận đàn bà”. Ý chỉ của Vũ Ngọc Khánh, theo chúng tôi hiểu là tìm phần Kiến văn ngồn ngộn giúp Tố Như “suy nghĩ bằng trái tim và cảm xúc bằng bộ óc” (chữ của L.Tônxtôi). Phần còn lại của chương, dù vẫn lấy con người Nguyễn Du làm điểm nhìn tự sự nhưng thiên vào thuật kể những biến động lịch sử ở Thăng Long…
Chương III.   Cỏ bồng long rễ trước luồng gió tây
Nhiều chương trong truyện, Vũ Ngọc Khánh thường lấy ý một câu thơ trong Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Truyện Kiều làm tiêu mục chương. “Đoạn đồng nhất phiến Tây phong cấp” trong Thanh Hiên thi tập như là câu đề từ chương III.
Hầu như toàn chương III, tác giả dành kể bước chân lận đận của Nguyễn Du (ở quê vợ - Thái Bình, lên Thăng Long, đến vùng Kinh Bắc, lang thang hàng năm, càng đi càng thấy bế tắc, chất chứa buồn phiền; trở về Thái Bình rồi giã từ mẹ con bà Đoàn Thị, trở lên Thăng Long, cuối cùng khăn gói dặm trường về lại quê cha Nghi Xuân, Hà Tĩnh; bị bắt vì không có tín bài, bị nhốt vào ngục mười tuần nhưng được trấn thủ Nguyễn Thận tha, cùng anh trai Nguyễn Nễ từ Phú Xuân qua, về Tiên Điền). Giọng điệu lời kể của tác giả bộc lộ nỗi thông cảm, xót xa nhân vật Nguyễn Du.
Chương IV.  Quê nhà nắng sớm, mưa mai
 Ngôn ngữ tự sự ở chương IV đã có thêm sắc thái: Đối thoại giữa Nguyễn Du với cháu Nguyễn Hành, miêu tả cảnh núi rừng, biển cả Nghi xuân, khắc họa tâm trạng hồ hởi của Nguyễn Du trong thú vui săn bắn và kéo lưới. Tác giả tưởng tượng và hư cấu chuyện Nguyễn Du vượt đò Cài sang Trường Lưu hát, viết bài văn tế sống hai O Uy, O Sạ vừa bỏ đi lấy chồng… Tố Như giã bạn Trường Lưu vội về Tiên Điền bởi mờ sáng trong mơ gặp vợ nơi quê xa..
Chương V.   Mối sầu cuộc thế mông mênh
Tác giả theo diễn biến tâm trạng của nhân vật Nguyễn Du khi tận mắt chứng kiến những tình cảnh con người ở vùng quê xứ Nghệ, lắng nghe biến động của triều Tây Sơn và thế lực Nguyễn Ánh ngày càng mạnh; đi viếng mộ cô Nguyệt kĩ nữ ở Cổ Đạm, có tài đức, mất trong nghèo đói, ốm đau không người chăm sóc; nghe tin dữ từ Thái Bình: bà Đoàn Thị vừa mất; Nguyễn Tứ đang được gửi cho một người bên ngoại nuôi hộ. Phần còn lại của chương, độc giả thực sự bị cuốn hút bởi câu chuyện Nguyễn Du vãn cảnh chùa Uyên Trình ở quê vào ngày Rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan theo lời mời của vị sư trụ trì Huyền Hư Tử. Phần thành công nhất của chương và có lẽ cả tác phẩm chính là tác giả diễn tả những nguồn cảm xúc, cảm hứng trào dâng đầu ngọn bút thi hào; một mình một bóng bên ngọn bạch lạp thai nghén từng ý, từng chữ sáng tạo nên Văn tế thập loại chúng sinh bất hủ, chúng tôi nghĩ: chỉ có thể so sánh với Thần Khúc vĩ đại của Đang-tơ (Ý). Ở đây, cụ Vũ Ngọc Khánh đã rất thành công - nói theo ngôn ngữ lý luận - căn cứ vào tâm lý sáng tạo, hình dung lại quá trình nhà thơ sáng tác nên tác phẩm của chính mình (xin xem trang 95;96;97;98;99;100;101). Đây là cảnh kết: “Huyền Hư Tử đẩy cửa bước vào, vội vàng quì xuống bên cạnh nhà thơ:
-         Tố Như! Tố Như tiên sinh! Xin Tiên sinh lai tỉnh.
Nguyễn Du mở to đôi mắt. Chỉ một phút, ông lại nhắm nghiền lại, bàn tay lần lần trên mặt án thư, tìm những trang giấy viết, thều thào nói với người bạn :
-         Huyền Hư Tử sư huynh ! Bài Văn tế thập loại chúng sinh, tiểu đệ đã viết xong rồi !’’
Chương VI.  Danh lợi còn mang lụy khóc cười
Chương này, ngòi bút của tác giả lược kể chuyện đời Nguyễn Du qua chặng dài từ lúc vào Phú Xuân làm quan triều Gia Long, nhận mệnh đi sứ Bắc quốc qua Thăng Long gặp lại người hầu gái của Nguyễn Ức, em ông ; gặp cô Cầm, người hát cũ hai mươi năm trước, nhận bài thơ ‘‘Cảm cựu Kiên trình Cần Chánh, học sĩ Nguyễn Hầu’’, Xuân Hương gửi. Theo chúng tôi hiểu, chủ ý của tác giả, qua lược kể làm rõ nỗi thương đời, cảm quan ‘‘cổ kim hậu sự’’, kho ký ức từ ‘‘những điều trông thấy’’ và nỗi niềm nhớ về Hồng Lĩnh quê nhà của Thi hào : Đấy là ‘‘kho báu’’ làm nên con người ‘‘Nghệ sỹ lớn, Trái tim lớn’’ (Hoài Thanh) ở Nguyễn Du.
Chương VII.  Lần giở trước đèn
‘‘Cảo thơm lần giở trước đèn’’ là lời kể của tác giả khi nhập thân vào Nguyễn Du suốt quá trình từ lúc có trong tay Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, trăn trở, đối thoại với chính mình, với mỗi nhân vật rồi lựa chọn, vật lộn với từng câu chữ…Ở chương này, cũng là hình dung quá trình sáng tạo Truyện Kiều của Nguyễn Du trên cơ sở tác giả am hiểu qui luật, tâm lý sáng tạo của người nghệ sỹ nhưng không được thật tự nhiên, ám gợi như ở chương V - Nguyễn Du sáng tạo Văn chiêu hồn.
Chương VIII.   Của tin gọi có chút này
Thành công của tác giả ở chương VIII chính là tưởng tượng, hư cấu hấp dẫn cuộc đàm đạo của một ông bõ già hầu hạ trong nhà Nguyễn Thiện, cháu gọi Nguyễn Du là chú ruột với chủ và Nguyễn Huy Hổ từ Trường Lưu sang viếng Nguyễn Nễ, là con trai Nguyễn Huy Tự, gọi Nguyễn Du là chú vợ, tác giả Hoa Tiên. Độc giả đọc chương này còn bị cuốn hút câu chuyện sử trình Bắc quốc của Nguyễn Du từ lời kể của Nguyễn Tứ, con trai cả Nguyễn Du cùng đi. Cái chết của Thi hào, tác giả chỉ thuật qua theo tài liệu lưu hành, nhưng với dụng ý : Người ra đi để lại ‘‘Của tin gọi có chút này’’ cho muôn đời.
Khái quát lại, chúng tôi có mấy ý kiến chung về Ba trăm năm lẻ :
1. Về Nghệ thuật thể loại tiểu thuyết: tác phẩm thiên giọng thuật kể, ít ngôn ngữ đối thoại, tả cảnh, diễn tả tâm trạng có chiều sâu của nhân vật. Những đoạn như chương V (Nguyễn Du hoài thai Văn tế thập loại chúng sinh) rất hiếm. Cảm nhận chung của người đọc là tác giả đang tự đứng ra trình bày, phân tích, giới thiệu… về Nguyễn Du hơn là để Nguyễn Du tự hiện ra - yêu cầu cốt yếu Tiểu thuyết viết về nhân vật lịch sử.
2. Viết về nguyễn Du, tác giả có giọng văn thương cảm, sẻ chia và hết sức tôn quí. Tác phẩm đã giúp người đọc, nhất là những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về tác giả Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, thơ chữ Hán nhiều tư liệu, nhất là cảm nhận, cảm nghĩ về cuộc đời, con người và sáng tác của đại Thi hào Nguyễn Du.

2. Cuốn thứ hai :  NGUYỄN DU - TRÊN ĐƯỜNG GIÓ BỤI
                                                                Tác giả : Hoàng khôi
                                                    (NXB Văn học - Công ty cổ phần sách Thái Hà)
Đọc Lời nói đầu của tác giả, ‘‘Cuộc đời Nguyễn Du có nhiều chỗ ‘‘mờ’’! Mười năm gió bụi là cả một khoảng thời gian dài Nguyễn Du ở Thái Bình làm gì, hay còn ở đâu nữa? Nguyễn Du có chống Tây Sơn không và chống như thế nào? Mối tình Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương kéo dài ba năm là lúc ông ở độ tuổi bao nhiêu? Nguyễn Du theo Gia Long có phải là tự nguyện? Rồi Truyện Kiều sáng tác ở thời điểm nào? Tại sao nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về cảnh vật, con người Trung Hoa lại không trùng với con đường mà ông đi sứ ?...’’ và dòng in trên bìa gấp ‘‘Cuốn sách bạn đang cầm trên tay sẽ giải đáp một phần thắc mắc trên !’’. Chúng tôi hiểu dụng ý sáng tác của Hoàng Khôi khi viết Tiểu thuyết Nguyễn Du - Trên đường gió bụi chính là hay chủ yếu là ‘‘giải mờ’’ những đoạn đời của Thi hào mặc dầu anh có đưa ra ý kiến về nguyên tắc sáng tác Tiểu thuyết lịch sử của Alexandre Dumas: Lịch sử chỉ là chiếc đinh để tôi treo bức tranh của mình. Dựng truyện và tái hiện nhân vật Nguyễn Du của tác giả trong khoảng thời gian thơ ấu đến ngoài ba mươi tuổi (khoảng 1793), theo chúng tôi hiểu, chủ yếu nhằm ý tưởng ấy.
Tác phẩm được phân chia từng phần theo đoạn đời nói trên của thi hào :
          Mở đầu Những ngày thơ bé, từ những chi tiết liên quan chặng đời thơ bé của Nguyễn Du, tác giả khai thác, phát hiện khá hấp dẫn tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật.
Phần Mối tình đầu, người đọc bị hấp dẫn mạnh về câu chuyện mối tình đầu của Chiêu Bảy với cô Nhợt chèo đò ngang trong những ngày cậu theo học cụ đồ bên kia sông Hồng vẫn đi nhờ. Tác giả dùng ngôn ngữ tự sự khá đa dạng: lời kể, hồi ức, đối thoại, bộc lộ tâm trạng nhân vật... làm hiện lên một trái tim Chiêu Bảy thanh xuân khát khao, táo bạo trong tình yêu với nụ hôn đầu đời của cô gái trẻ đẹp trên sông.
Phần Anh cả Nguyễn Khản, tập trung thuật kể về con đường giữ chức trọng yếu trong phủ Chúa Trịnh Sâm, rồi Trịnh Khải đầy quyền uy  nhưng cũng lắm gian truân của Nguyễn Khản. Nguyễn Du được nhắc đến ngắn việc tập ấm chức võ quan nhỏ của ông bố nuôi họ Hà trên Thái Nguyên. Bên Nguyễn Du, có viên quyền trấn thủ Thái Nguyên tên Việt là Nguyễn Đăng Tiến, vốn người Việt Đông, Quảng Tây, Trung Quốc, tên Cai Gia thân tình như người mẹ thứ hai luôn giúp rập Nguyễn Du, về sau sẽ mở ra một chặng mới lạ trong đời nhà thơ được Hoàng Khôi tập trung mô tả kĩ ở mấy phần sau :
 Phần Thái Nguyên những ngày buồn.
Phần này kể lại tâm trạng chán nản, ảm đạm của Nguyễn Du về chuyện làm quan và dành phần lớn thuật những biến động xã hội của Thăng Long, Chúa Trịnh bị Nguyễn Huệ diệt. Trên cái nền xã hội biến động ấy, Hoàng Khôi diễn tả nỗi niềm tâm lý Nguyễn Du, bởi vậy một khao khát từ mơ hồ rồi rõ nét: làm một lữ khách giang hồ !
Phần Thất thủ Thái Nguyên.
Phần truyện trải ra với những biến động lịch sử Việt Nam sau khi Chiêu Thống lên ngôi, bị Tây Sơn uy hiếp, Chiêu Thống chạy về kinh Bắc, bị lột áo bào... Tình tiết mới mẻ trên trong truyện của Hoàng Khôi là việc ba anh em Nguyễn Đăng Tiến (Cai Gia): Nguyễn Quýnh, Nguyễn Du dấy binh, những muốn ‘‘Sẵn sàng để khi cần có thể phò vua, giúp nước’’ nhưng ‘‘chỉ cầm cự được có hai ngày, họ đã rơi vào tay quân Tây Sơn’’ (Tr 85). Rồi được tha chết. Theo y Cai Gia, cả ba lên đường tạm lánh sang Vân Nam, mở ra chặng đường lưu lạc của thi hào.
Phần  Tâm sự trước ngày lưu lạc.
Đến Vân Nam. Một ngày uống cùng nhau chén rượu chia tay, Nguyễn Quýnh về lại Tiên Điền, Nghi Xuân. Nguyễn Du nhận bộ kim châm cứu Cai Gia tặng, đi sâu vào Trung Nguyên, hẹn ba năm sau gặp lại Cai Gia ở Trung Châu (Hàng Châu).
Phần  Cất bước hành trình.
Hoàng Khôi ủng hộ ý kiến của Phạm Trọng Chánh, cho rằng Nguyễn Du đã có một chuyến đi riêng, một mình trước khi đi sứ Trung Quốc. Chúng tôi đã được đọc đầy đủ giả thuyết của Phạm Trọng Chánh trên tạp chí Thơ, số 11 ;12/2014. Đây mới chỉ là một phán đoán, dù đã có nhà nghiên cứu như Đỗ Lai Thúy chia sẻ. Tác giả Hoàng Khôi có quyền tin và từ đó hư cấu hành trình Nguyễn Du gặp cảnh, người, làm thơ, ốm đau, trở thành nhà sư tu tập trên đất Trung Hoa. Mười bốn trang truyện ở phần này mở giúp người đọc một bí mật, một chỗ ‘‘mờ’’, như cách nói của tác giả.
Phần  Cô đơn tại Trường An.
Với vốn hiểu biết lịch sử, văn hóa, văn học dồi dào, tác giả Hoàng Khôi tưởng tượng để vẽ ra mỗi bước chân của Nguyễn Du ở Trường An. Người đọc thú vị những trang tác giả nhập thân chia sẻ những phản biện, đối diện đàm tâm của Nguyễn Du với các dấu tích kim cổ và các sáng tác của các nhà thơ, nhà văn Trung Quốc, để từ đó xuất thần các bài thơ gắn với bối cảnh.
Phần  Thành phố Hàng Châu và sách Kim Vân Kiều truyện.
Nguyễn Du sung sướng, cảm động gặp Cai Gia (Nguyễn Đăng Tiến) ở Hàng Châu. Hoàng Khôi lại vẽ ra sinh động cảnh hai người thăm thú các chùa, sông núi. Nguyễn Du đọc những bài thơ tức cảnh về đất, người (không nằm trên sứ trình năm 1813) cho Cai Gia nghe và nhà thơ nghĩ nhiều đến các nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện đọc kỹ ở nơi đây.
Phần  Gặp Đoàn Nguyễn Tuấn.
Mạch truyện tiếp tục hư cấu bước chân nơi quê người xa xôi. Nguyễn Du gặp đoàn sứ bộ Tây Sơn do Phan Huy Ích làm chánh sứ, có anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn trong đoàn. Cuộc trao đổi giữa hai người được tác giả diễn tả sinh động; biết về Quang Trung hào hùng, về Chiêu Thống hèn hạ, khiến Nguyễn Du đổi ý không lên Bắc Kinh  mà lên cỗ xe song mã Cai Gia mua cho để về Nam.
           Phần  Nỗi niềm khi về lại Thăng Long.  
Ngòi bút tác giả thuật kể trên cơ sở tưởng tượng, hư cấu chuyện Nguyễn Du gặp lại Vũ Trinh, anh rể ở Bắc Giang, trở về Thăng Long buồn, vui lẫn lộn, dự buổi đàn hát của các tướng lĩnh Tây Sơn, nghe giọng đàn ca tuyệt kỹ của một ca nương
Phần  Thêm một mối tình (với Hồ Xuân hương).
Vẫn là tưởng tượng, hư cấu, tác giả dựng mối tình trai tài, gái sắc hy hữu trong làng thơ Việt Nam: Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương. Giá như Hoàng Khôi ‘‘náu mình’’ thêm ít nữa để cho cặp tình nhân ‘‘tự diễn’’ nhiều hơn thì đoạn truyện sẽ hấp dẫn hơn.
Phần  Đất Nghi Xuân.
Lần theo chuyến hồi hương quê nội của Nguyễn Du, Tiểu thuyết Nguyễn Du - Trên đường gió bụi  miêu tả cuộc đàm đạo giữa chú cháu Nguyễn Du, Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành, kể việc Tố Như xây lại mộ phần, từ đường, dự tính du ngoạn quanh vùng; bị bắt vì không có tín bài, rồi được thả; chuyện thú săn bắn, kéo lưới,… Điều thú vị, như một độc giả sành điệu, tác giả Hoàng Khôi đã dựng lại đoạn văn của thân phụ anh - Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, miêu tả sinh động, ám gợi giờ phút Nguyễn Du đắm chìm trong cơn mê sáng tạo Văn chỉêu hồn.
Phần  Cuốn sách đoạn trường.
Từ hiểu biết sâu về Truyện Kiều, cả về ý tứ và câu chữ, tác giả hư cấu cuộc đối thoại rất tâm đầu, ý hợp giữa Thi hào Nguyễn Du và người anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn, người đọc và viết đề từ đầu tiên bằng bài thơ chữ Hán chỉ tám câu súc tích cho kiệt tác Đoạn trường tân thanh vừa viết xong đang đặt trên giá.
* Về cuốn Tiểu thuyết Nguyễn Du - Trên đường gió bụi của tác giả Hoàng Khôi (Vũ Ngọc Khôi), chúng tôi xin có mấy ý kiến khái quát:
1. Bằng năng lực tưởng tượng, tái tạo, tác giả đã thực hiện được khá đầy đủ dụng ý của mình ở Lời nói đầu. Vốn tư liệu về cuộc đời (và cả một số sáng tác) của Nguyễn Du ở Tiểu thuyết là mới, trong đó có những tư liệu đang còn là phán đoán, song với tư cách người viết Tiểu thuyết, nhà văn có thể sử dụng. Với người đọc, tác phẩm đã cung cấp, có thể nói dồi dào những tư liệu, hiểu biết về con người và sáng tác của Thi hào.
2. Về phẩm chất, xét ở góc độ thể loại Tiểu thuyết, tác phẩm đã có những trang hư cấu, tưởng tượng khá sinh động, hấp dẫn. Nếu tác giả giảm bớt giọng kể, đi sâu vào nội tâm nhân vật bằng ngôn ngữ độc thoại, độc thoại nội tâm, khắc họa ngoại hình… thì hình tượng nhân vật Nguyễn Du sẽ hiển hiện, sống động hơn.
3. Có lẽ do dụng ý sáng tác được nói ở Lời nói đầu nên Tiểu thuyết của Hoàng Khôi chưa dụng công đề xuất những nội tư tưởng - thẩm mỹ, điều rất cần có ở cây bút văn xuôi vốn giàu vốn sống, vốn văn hóa, văn học như anh.


3. Cuốn thứ ba:  NGUYỄN DU - TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ
                                                          Tác giả: Nguyễn Thế Quang
(NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam - 2010; Tái bản 2012 và NXB Trẻ 2015)
Tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du khá bề thế, dày 420 trang. Tôi đã có bài phê bình ‘‘Nguyễn Du - Từ cuộc đời đến Tiểu thuyết’’ đăng ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 316, tháng 10/2010; Trong lần tái bản, tác giả đã đưa vào sách ở phần Phụ lục. Ở đây, chúng tôi xin chỉ nêu n hững ý nhận xét khái quát.
1. Vốn sống, vốn đời, vốn văn hóa, văn học của Nguyễn Thế Quang khá dồi dào, sâu sắc. Từ đó, với năng lực hư cấu nghệ thuật có chiều sâu, tác giả đã dựng lên một hình tượng Nguyễn Du rõ nét, sống động qua năm phần của tác phẩm trên nhiều mối quan hệ xã hội, tập trung nhất ở đối trọng với bộ máy cường quyền mấy triều đại phong kiến Việt Nam (và cả Trung Quốc) cả về đời tư, gia cảnh, sở thích, không gian, thời gian bao quanh nhân vật.
2. Về nghệ thuật viết Tiểu thuyết lịch sử, điều rất đáng trân trọng là khả năng tưởng tượng, hư cấu nghệ thuật khá mạnh của Nguyễn Thế Quang để lại những trang sống động, hấp dẫn người đọc (như cảnh Nguyễn Du cùng Hoàng đế Gia Long khét tiếng bạo quyền đối đầu rất văn hóa trong Tử Cấm thành Phú Xuân trong đêm trăng; cuộc gặp gỡ sau mười chín năm xa cách, chốn cũ Dâm Đàm gặp lại, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, cả hai giằng co bản thân giữ sợi tơ mong manh giữa tình ái và lý trí; Cảnh thi hào Việt Nam lập đàn bên sông Mịch La cầu hồn tác giả Li Tao - Khuất Nguyên v.v…). tả cảnh, tả người, đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm, đi sâu vào ngõ ngách tâm lý nhân vật… đã được khai thác tốt. Chúng tôi chia sẻ và nhận ra dụng ý nhà văn Nguyễn Thế Quang khi vật lộn với câu chữ, chi tiết, bố cục, kết cấu trong tác phẩm nhằm dựng lên hình tượng văn học Nguyễn Du.
3. Là tác phẩm văn học, nhất là Tiểu thuyết có giá trị, phải đề xuất được triết lý, tư tưởng - thẩm mỹ riêng của mình. Tiểu thuyết Nguyễn Du, theo chúng tôi ít nhất đã gửi đến người đọc ba thông điệp:
3.1. Từ nhân vật chính Nguyễn Du cùng các trí giả, nhân giả khác có mặt trong truyện, tiểu thuyết đã tô đậm thân phận, bi kịch thảm khốc và vĩ đạicủa người nghệ sỹ, trí thức lớn trong xã hội thiếu vắng công lý xưa – nay.
3.2. Khát vọng to lớn, cháy bỏng của Nguyễn Du và của mỗi con người chân chính vươn tới xã hội Tự do - Bình đẳng - Bác ái.
3.3. Niềm say mê cháy bỏng nung nấu trào sôi của Nguyễn Du, cũng là của mọi nghệ sỹ vĩ đại trên con đường và lao động sáng tạo cái đẹp cho xã hội, cho muôn đời.
4. Về hệ hình Tiểu thuyết, ‘‘Nguyễn Du’’ còn nằm trong vạch kéo dài tiểu thuyết truyền thống. chúng tôi đã trao đổi ý kiến này với tác giả. Anh Nguyễn Thế Quang đồng ý nhưng sự thay đổi hệ hình Tiểu thuyết từ truyền thống sang hiện đại không dễ. Anh sẽ thực hiện ở những tiểu thuyết nối tiếp, bởi sức sáng tạo ở Nguyễn Thế Quang còn rất trẻ, rất dồi dào.
                                                           
                                                                        Nghệ An, ngày 06/11/2015


* Nhà giáo - Hội Kiều học Việt Nam

HAI ĐẠI THI HÀO CỦA HAI DÂN TỘC HAI ĐẠI THI HÀO CỦA NHÂN LOẠI



Dịch giả Thúy Toàn vinh dự được Tổng thống Nga Dmitri Medvedev 
trao tặng Huân chương Hữu nghị. Ảnh Internet


HOÀNG THÚY TOÀN *

         Sự “tương đồng và khác biệt” giữa hai đại thi hào Nga Alexandr Sergeyevich Puskin (1799-1837) và đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du (1766-1820) từng sống gần như cùng một thời đại, chỉ khác ở hai đất nước cách xa nhau với hai bối cảnh lịch sử cùng ở giai đoạn phong kiến khốc liệt, nhưng trình độ truyền thống văn hóa Đông Tây khác nhau, tuy nhiên, cuối cùng lại bước vào một giai đoạn đi chung một con đường hòa nhập nhân loại.
Trong bài nghiên cứu Tác phẩm của Puskin ở Việt Nam công bố trong công trình Puskin ở phương Đông (tiếng Nga, NXB Khoa học “Nauka”, M.1979), đã được dịch và công bố trong sách tiếng Việt1, tác giả Gs.Viện sĩ N. Nikulin đã có nhận xét khái quát: “Những năm 50-70 thế kỷ XX, khi nhận thức từ quan điểm Mác – Lênin về quá trình phát triển của văn học Việt Nam và ngôn ngữ học Việt Nam được tăng cường, vai trò của Puskin trong sự hình thành văn học Nga và ngôn ngữ học Nga đã lôi cuốn sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học Việt Nam... Bắt tay vào nghiên cứu và biên soạn một cách có hệ thống những vấn đề lịch sử ruột thịt của mình, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành so sánh, mặc dù điều này thiết nghĩ, chỉ là tương đối, giữa Pushkin và đại thi hào Việt Nam là Nguyễn Du (1766-1820)”. Tác giả N. Nikulin đã đưa ra những dẫn chứng trích từ các công trình khoa học của các tác giả Việt Nam, từ Đào Duy Anh (Khái luận về Truyện Kiều, H.1958); Nguyễn Văn Hoàn (Controverses sur la Kieu, Etudes Vietnames, số 4/1965, trg 75); Lê Đình Kỵ (Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, H.1970, trg.473); Hoàng Xuân Nhị (Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, H.1959)…
Nhắc đến ý kiến của các dịch giả văn thơ Pushkin sang tiếng Việt, N. Nikulin đã đưa ra những nhận xét của họ (như nhà thơ dịch giả Hoàng Trung Thông hay dịch - giả giáo sư Cao Xuân Hạo) về sự tương đồng và khác biệt giữa Puskin và các tác giả Việt Nam, trong đó có Nguyễn Du. Nhận xét về dịch thơ trữ tình Puskin sang tiếng Việt, ông còn viết thêm “… rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà bản dịch bài thơ Chiếc xe đời do Thúy Toàn dịch lại là một trong những bài dịch đầu tiên được in. Bài thơ ngụ ý này hóa ra là rất gần gũi với thơ cổ Việt Nam, với một nét đặc trung cho thơ ngụ ý, nghĩa thứ hai (mới quan trọng – ND) và là ngụ ý ngầm ẩn”[1].
CHIẾC XE ĐỜI
          A.Pushkin

Trên xe dù có nặng
Vó ngựa vẫn băng băng.
Thời gian tóc hoa râm
Tay cương ngồi chầm chệ.

Sáng ra lên xe ngồi,
Đời xông pha bươm bả.
Khinh nhác lười, nhàn nhã,
Hò vang: mau đi thôi!

Đến trưa chí nhụt rồi
Thấy rãnh hào lòng nàn,
Nhìn núi đồi đâm hoảng:
“Đồ ngu, chầm chậm thôi!”

Chiều đã dần dần quen,
Tà tà đến quán trọ,
Mặc cho bánh xe lăn,
Thời gian xua vó ngựa.
1822
Khi ấy, sau hai năm chuyên học tiếng Nga, bước vào những năm đầu trường Đại học Sư phạm Moskva, chúng tôi bắt đầu lần lượt được học qua lịch sử văn học Nga từ cổ điển đến hiện đại. Phải đến năm thứ ba tôi mới được tiếp xúc sâu với tác phẩm của Puskin. Kỳ lạ là tôi thấy tác phẩm của Puskin không đến nỗi khó khăn quá, có thể hiểu được chỉ cần đọc cho kỹ. Chẳng hạn bài thơ trữ tình Chiếc xe đời có vẻ triết lý đấy, nhưng tôi thấy thích thú ngay. Có gì đó gợi hiện lên cho thấy ngay hình ảnh rõ ràng, ngờ ngợ và còn nhắn gọi cho tôi câu hát ru đã nhập tâm từ thuở thơ ấu: “Ngày giờ thấm thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai” và rồi gợi cả cho tôi nhớ câu thơ cổ mà thầy giáo đã giảng cho nghe trong một giờ học, trong đó hình ảnh thời gian lại như vó ngựa phóng qua bên ngoài cửa sổ (vó câu qua cửa)… Thế là tôi, điếc không sợ súng, bắt tay vào dịch thơ Puskin, và rồi sau này về công tác làm anh biên tập sách ở Nhà xuất bản Văn học, nhớ tới bài viết của nhà Việt Nam học người Nga có nhắc đến bản dịch của mình, nhân tậpThơ chữ Hán Nguyễn Du vừa in xong chở về Nhà xuất bản, được dịp tôi liền giở ra đọc và liền tìm thấy ngay ở phần đầu sách có bài thơ cũng cho tôi một ấn tượng gợi nhớ đến hình ảnh của thời gian hiện lên. Ấy là bài Tự thán1
Tấm thân sáu thước tuổi ba mươi
Đeo đẳng thông minh để tội trời
Chữ nghĩa vốn không ghen với mệnh
Đất trời sao lại ghét lầm ai?
Dở dang thư kiếm cơn cùng quẫn
Lần lữa xuân thu tóc bạc rồi
Những ước cạo đầu vào núi ẩn
Đàn thông nằm lắng tiếng lưng trời.

Từ đấy nghe theo lời khuyên của nhà Việt Nam học người Nga, theo đuổi công việc dịch thuật thơ văn Nga, trước hết là sáng tác của thi hào Nga A.S Puskin, bất giác tôi trở thành “người nghiên cứu” không chỉ văn học Nga, thơ văn Puskin mà đồng thời “người nghiên cứu” cả văn học nước nhà, nhất là những gì liên quan đến thi hào Việt Nam Nguyễn Du. Và cách đây cũng đã không ít thời gian, tự nhiên tôi cứ trở đi trở lại suy nghĩ về hai câu thơ của thi hào Việt Nam Nguyễn Du mà nhiều người cũng đã bàn tới: Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như Tôi cứ ngờ ngợ những lời bình của các bậc tiền nhân về hai câu thơ này, thường giải thích chữ “khấp” là “khóc” do đó mà cho đây là lời “than vãn” gợi ở người này, người kia “những cảm xúc và suy nghĩ bồi hồi, xót xa…”…
Tôi trở lại bài thơ Đài kỷ niệm của thi hào Nga A.S. Puskin viết ra năm 1836:
                               Exegi Monumentum1

Ta đã dựng cho ta đài kỷ niệm
Không bởi sức tay người. Đường tới viếng
Cỏ không trùm dấu bước thế nhân,
Đỉnh tháp ngang tàng sẽ ngẩng cao hơn
Cả trụ thờ Alexandr Đệ nhất[2]

Nơi đàn thơ thiêng liêng ta không chết
Hồn ta còn sống mãi chẳng tiêu tan
Và trên đời dù chỉ còn một thi nhân
Danh tiếng ta vẫn còn vang mãi mãi

Trên khắp nẻo đất nước Nga vĩ đại
Tiếng thơm rồi sẽ đồn mãi về ta:
Từ cháu con kiêu hãnh Slava
Đến dân Phần, Tungu ngày nay còn man rợ,
Cả Canmức – bạn thân của đồng cỏ1
Bằng ngôn ngữ riêng họ sẽ gọi tên ta.

Và nhân thế sẽ còn yêu ta mãi
Vì đàn thơ ta thức tỉnh tình thân ái,
Vì trong thuở bạo tàn ta đã ca ngợi tự do
Và gợi từ tâm đối với kẻ sa cơ.

Nàng thơ hỡi, hãy nghe lời Thượng đế:
Vinh quang không màng, nhọc nhằn sá kể,
Chẳng bận lòng với kẻ thích, người chê,
Chẳng hoài công cãi với đứa ngu si.
1836
Puskin tự hào sánh mình (đang chỉ là một chàng thi sĩ trẻ ngấp nghé ở tuổi tứ tuần, sống ở cái nước Nga nông nô chuyên chế) với bậc vĩ nhân cổ điển La Mã lừng danh ghi tên trong sử sách từ những thế kỷ 7-8 trước cả công nguyên (Horaxơ – Horatius Flaccus), lại ngẩng cao đầu hơn cả trụ thờ Sa hoàng Nga, hoàng đế Alexandre Đệ nhất (1777-1825) người đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1812 và trụ thờ vị sa hoàng anh hùng này vừa được triều đình sa hoàng Nikolai Đệ nhất (1796-1855) cho xây dựng trên quảng trường lớn trước Cung điện Mùa Đông giữa kinh đô Peterburg cổ kính vào tháng 11 năm 1834, trước khi bài thơ Đài kỷ niệm của Puskin tự viết về mình có hai năm (1836).
Mới chỉ qua hai chi tiết khổ đầu bài thơ đã có thể thấy nhà thơ Nga chưa đầy bốn chục tuổi A.Puskin đâu phải con người tầm thường, ông không hề kinh sợ cả Sa Hoàng Nga Nikolai I (1796-1855) hơn nhà thơ 3 tuổi, ngay sau khi lên chấp chính vào năm 1825, đã hạ cố “ân xá” cho nhà thơ lúc đó đang bị quản thúc tại trang ấp dòng họ Mikhailovshoie, còn triệu nhà thơ vào triều và ra câu hỏi: “Nếu khanh có mặt ở kinh đô khi đó (tháng Chạp 1825 xẩy ra cuộc khởi nghĩa không thành của phong trào yêu nước đòi xóa bỏ chế độ nông nô mà về sau có tên là những người tháng Chạp) khanh có tham gia không?”; đã nhận được câu trả lời khẳng khái của Puskin: “Tất nhiên! vì bạn bè của thần đều có mặt!”. Ở bài thơ Đài kỷ niệm Puskin còn tỏ ra là người tự biết mình, tự tin ở sự nghiệp của mình, tài năng của mình, sự đóng góp của đời mình cho đất nước, nhân dân Nga, cho con người nói chung:
Và nhân thế sẽ còn yêu ta mãi,
Vì đàn thơ ta thức tỉnh tình thân ái,
Vì trong thuở bạo tàn ta đã ca ngợi tự do
Và gợi từ tâm với kẻ sa cơ… 
Tài năng của Puskin đã được nhân dân thừa nhận ngay từ thuở nhà thơ còn ngồi trên ghế nhà trường. Những bài thơ trữ tình đầy dũng khí, ca ngợi tự do, đòi giải phóng nông nô, đòi hạnh phúc cho con người đã lan truyền rộng rãi động viên cho tầng lớp trí thức trẻ hăng hái trong các tổ chức yêu nước của phong trào tháng Chạp. Trong một ngày hội trường, có mặt đông đủ văn võ bá quan, đông đủ các bậc trưởng lão… khi nghe nhà thơ trẻ Puskin đọc một trong các sáng tác đầu tay của mình, bài “Những kỷ niệm về Hoàng thôn”, nhà thơ lão thành, chủ soái dòng văn học cổ điển Nga Derzavin G.R. (1745-1816) đã bật dậy đòi ôm hôn nhà thơ trẻ, và khi niềm xúc động lắng xuống, cụ già đã thốt lên: “Nó sẽ mọc cao che trùm tất cả chúng ta”. Năm 1822, sau khi Puskin sáng tác trường ca Ruslan và Ludmila, gửi tặng Zukovshi V.A (1783-1852), nhà thơ lão thành, một trong những người tạo dựng chủ nghĩa lãng mạn văn học Nga, Puskin đã nhận được chân dung của Zukovshi đáp tặng với lời đề kèm theo: "Người thầy chiến bại tặng trò chiến thắng ». Mỗi sáng tác của Puskin ra đời hầu như đều trở thành sự kiện của đời sống văn học đương thời Nga, nhiều tác phẩm trong số đó được dư luận công chúng cũng như các nhà phê bình đánh giá cao: Tiểu thuyết bằng thơEvgheni Onheghin được tôn là bộ “bách khoa toàn thư của xã hội Nga”, tiểu thuyết văn xuôi Người con gái viên đại úy, vở kịch – Boris Gođumov dựng lên những trang lịch sử ghi đậm tiếng nói của nhân dân Nga vv…
Và khi nhà thơ Puskin qua đời đột ngột sau cuộc đấu súng oan nghiệt báo chí Nga đã thốt lên là “Mặt trời thi ca Nga đã tắt”. Tuy nhiên sau đó vầng mặt trời vẫn chói lọi chiếu sáng đường cho đất nước Nga nhân dân Nga vượt qua mọi trở ngại khó khăn cuối cùng đi đến một đất nước Nga của nhân dân, xây dựng một xã hội mới, trở thành cường quốc sánh với các cường quốc bốn bể năm châu và tên tuổi A.Puskin không chỉ còn là tên tuổi thi hào của dân tộc Nga mà còn là thi hào của toàn nhân loại. Ngày nay nói đến nước Nga là người ta nhớ đến tên tuổi và sự nghiệp của Pushkin và ngược lại nói đến Pushkin người ta nhớ đến nước Nga.
Trở lại hai câu thơ của thi hào Việt Nam Nguyễn Du “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” ta cũng có thể nghĩ về trường hợp bài thơ di chúc Đài kỷ niệm của Puskin. Trong di sản của Nguyễn Du để lại người ta thường nhắc đến hai câu thơ trên được để ở cuối bài thơ Độc Tiểu Thanh ký. Với hoàn cảnh phong kiến bấy giờ nhiều tác phẩm của Nguyễn Du không còn lại nguyên bản, mà các thế hệ đương thời của tác giả hoặc hậu sinh truyền miệng rồi mỗi người tập hợp lại, xếp sắp theo ý riêng, rồi bàn luận theo chủ quan mỗi người. Riêng về bài Độc Tiểu Thanh ký có khi được đưa vào cuối Thanh Hiên thi tập, có khi xếp vào Bắc hành thi tập. Nhận định về bài thơ có người cho rằng “hai câu thơ cuối cùng… là hai câu thất niêm so với toàn bài : 6 câu đầu ở thể bằng, 2 câu cuối ở thể trắc. Lại có thuyết nói đó là hai câu “khẩu chiếm” (độc thoại) của Nguyễn Du lúc sắp mất (ông Nghè Nguyễn Mai cháu mười đời của Nguyễn Du, các ông Bùi Kỷ, Lê Thước, Phan Sĩ Bằng)”1.
Nhà thơ Xuân Diệu viết trong “Thay lời giới thiệu Thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Nxb Văn học, H.1988, có phân trần : “Không phải là một nhà nghiên cứu tôi bằng theo những tài liệu đã có, tìm lưa thưa dấu vết một thi hào tôi yêu mến. Tự mình không biết đọc chữ Hán, đọc phiên âm, hiểu qua phiên dịch, thế tất còn nhiều lõm bõm và khó tránh sai lầm. Đọc lại hai lần, ba lần, bốn năm lần, vẫn chưa nhận thấy mình nắm được một cái gì thật chắc lắm”. Nhớ đến lời của nhà phê bình Nga vĩ đại Belinski V.G (1811-1846) sau bảy năm Pushkin qua đời ; “Pushkin thuộc những hiện tượng sống động nhưng không dừng lại ở thời điểm  cái chết bắt gặp ông ở đó, mà  tiếp tục phát triển trong nhận thức của xã hội. Mỗi thời đại sẽ nói lên phán xét của mình ». Phải chăng về thi hào dân tộc Việt Nam Nguyễn Du của chúng ta cũng có thể mượn lời của nhà phê bình vĩ đại Nga Belinski nhận xét về Đại thi hào Nga A.S.Puskin  để kiến giải những suy nghĩ của các thế hệ người Việt về thi hào dân tộc Nguyễn Du của mình.
Ngay từ năm 1941, còn là một thanh niên mất nước, mất văn học dân , thi sĩ Xuân Diệu khi đọc hai câu thơ « Ba trăm năm nữa ta không biết / Thiên hạ ai người khóc Tố Như », thi sĩ Xuân Diệu trong tâm trí « những bồi hồi, xa xót ». Tuy nhiên ngay khi đó cũng đã có gì ngờ ngợ. Ông đã hiểu chữ khấpđây không hẳn là khóc. “… Khóc đây là thương cảm cùng nhau, thấu hiểu nhau, quí hóa nhau. Khóc đây chưa hẳn là thảm sầu, mà là một nụ cười cũng có. Khóc đây chưa hẳn là khóc ai, mà còn là khóc với…. Lời kêu gọi của một trang tài tình, nghe êm ái ngậm ngùi như một tiếng chim cô lẻ dội giữa trời thu khuya. Đó là tiếng giã đời, nhưng cũng là tiếng hợp bạn, tiếng tuyệt vọng, nhưng cũng là tiếng hy vọng. Câu tự hỏi, nhưng cũng là tự trả lời…” Cộng với thêm giả thuyết của ông Nghè Nguyễn Mai cháu mười đời Nguyễn Du, của các bậc túc nho Bùi Kỷ, Lê Thước, Phan Sĩ Bằng cho câu thơ là “Khẩu chiếm” (độc thoại) thốt lên trước lúc nhắm mắt xuôi tay của thi hào, ta có thể nói cả bài thơ đó mang một ý nghĩa trăng trối, di chúc cho bạn bè, không khác gì bài thơ Đài kỷ niệm của Pushkin.
… Trong bao liệt truyện không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du lại đọc câu chuyện về Tiểu Thanh. Tiểu Thanh phải chăng cũng là chính Nguyễn Du. Tiểu Thanh là một nữ sĩ tài hoa, tài hoa đến mức chỉ chục bài thơ còn tình cờ sót lại mà đời sau vẫn truyền tụng. Trước khi Tiểu Thanh mất cho vẽ chân dung: lần thứ nhất hình dáng thì giống nhưng không có thần, bị từ chối. Lần thứ hai chân dung có thần, nhưng lại không giống. Cũng không được! Lần thứ ba cả hình dáng và thần thái đều hài hòa, bấy giờ xem xong Tiểu Thanh mới thở hơi thở cuối cùng.
Phải chăng đây cũng là quan niệm nghệ thuật cần phải hài hòa nội dung và hình thức mà chính Nguyễn Du từng tôn trọng và theo đuổi.
Cuộc đời sáng tác của Nguyễn Du là một mẫu mực của nghệ thuật, từ thơ sáng tác bằng chữ Hán, hay chữ Nôm, ta thấy Nguyễn Du đều chứa chan tình người, tràn đầy tính nhân đạo, được nhân dân yêu mến, trân trọng, giữ gìn và truyền bá qua hết đời này đến đời khác. Truyện Kiều là mẫu mực về câu thơ lục bát Việt Nam, kiệt tác về xã hội con người… Khi Nguyễn Du qua đời đã có những lời phúng viếng lưu truyền “Nhất đại tài hoa” (một kiếp tài hoa), “Đại gia văn tự thế tranh truyền” (Văn tự hơn đời tiếng dày vang).
Nguyễn Du qua Độc Tiểu Thanh ký cho thấy mình là con người cũng khẳng khái, dũng cảm tự tin vào sự đóng góp của mình với đời, về con người chính trực của mình sẽ sống mãi trong lòng các thế hệ nhân dân Việt Nam. Không phải 200 năm, nếu như tính từ khi Tiểu Thanh từ giã cõi đời đến khi Nguyễn Du đọc câu chuyện của nàng và cảm khái làm thơ, mà là 300 năm kia, nhưng “tam bách” dư niên hậu” ở đây cũng không thể hiểu là 300 năm thường tình mà đó phải hiểu là “mãi mãi”. Quả vậy cuộc đời và sự nghiệp của thi hào Nguyễn Du Việt Nam gắn với lịch sử đi cùng với hạnh phúc của nhân dân Việt Nam ta, không khác gì cuộc đời và sự nghiệp của thi hào Nga gắn với lịch sử đi tới ngày vinh quang của nhân dân Nga. Là hai thi hào của hai dân tộc, ngày nay khi Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thi hào Nguyễn Du Việt  Nam cũng trở thành thi hào của nhân loại. Năm 1965 Nguyễn Du đã được Hội đồng Hòa bình Thế giới tôn vinh và năm 2015 đã được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩmTruyện Kiều kiệt tác của Nguyễn Du đã được phổ biến bằng gần 30 thứ tiếng trên thế giới.
Xét tầm vóc thi ca của Nguyễn Du và A. Puskin trong văn học dân tộc Việt Nam và Nga, cũng như trong dòng chảy chung của văn học thế giới, tôi nghĩ có thể nói đó là hai đại thi hào của hai dân tộc, hai đại thi hào của cả nhân loại.

                   Hà Nội 7.2019
                                                                                                                 HTT



* Dịch giả văn học Nga, Hội Nhà văn Việt Nam.
1 Bản dịch của Vũ Xuân Hương trong Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế, NXB Giáo dục, 2000, trg 697-721 và Dòng chảy văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 2006, tr 444-474.

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...