PHÁC THẢO KINH TẾ DOANH NHÂN – DOANH NGHIỆP THỜI NGUYỄN DU

Xin chữ tại Khu lưu niệm Nguyễn Du trong dịp kỷ niệm 240 sinh của Đại thi hào. Ảnh TVS


                                                                          BÙI THIẾT 

Để có được những thẩm định đầy đủ, chính xác và lý thú về ảnh hưởng và tương tác qua lại giữa Truyện Kiều với tầng lớp doanh nhân đất nước, theo chúng tôi cần có những biểu biết khái quát về thực trạng doanh nghiệp và doanh nhân đất nước thời Nguyễn Du, trong khoảng gần một thế kỷ, từ giữa thế kỷ VXIII đến đầu thế kỷ XIX. 
Như chúng ta biết, đây là khoảng thời gian biến động nhất của lịch sử Trung đại nước ta: Là thời gian cuối chót và chấm dứt của thế cục phân tranh Trịnh - Nguyễn, hai tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đều bị diệt vong; Là thời gian xuất hiện của Vương triều Tây Sơn đầy bi hùng; Là thời điểm mà các thế lực bành trướng phương Bắc rắp ranh đô hộ nước ta, sau hơn bốn thế kỷ chịu thất bại thảm hại trước sức đề kháng của quân dân Đại Việt; Là khoảng thời gian manh nha và hình thành của Vương triều  Nguyễn, như là một nối kéo bất khả kháng của chế độ phong kiến Trung ương  Tập quyền ở Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử chính đó, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của toàn quốc, như: sự thay đổi triền miên của các thế lực chính trị, chiến tranh triền miên, dân lưu tán, kinh tế khủng hoảng…Nhưng kỳ lạ thay, mỗi thế lực trỗi dậy, đều dựa trên tiềm năng cuả mình, mà trong đó tiềm năng kinh tế, như là xương sống của các thế lực đó, mà trong đó doanh nghiệp –doanh nhân, đóng vai trò đầu tàu. Thử xem xét các biểu hiện sau đây:
Để có được tri thức đầy đủ, chính xác và có chứng cứ về hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân thời Nguyễn Du (nửa cuối thế kỷ XVIII), chúng ta cần biết quá trình lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp –doanh nhân Việt Nam, Lùi về hơn 300 năm trước, cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, với Cải cách của Vương triều Hồ, mà người khởi xướng là Hồ Quý Ly, một đại quý tộc có đầu óc đổi mới vĩ đại, nhằm hạn chế đi đến thủ tiêu sự trì trệ của nền kinh tế bao cấp, nhằm xây dựng một nước Đại Ngu giàu mạnh, những biện pháp hạn nô, hạn điền, cải cách tiền tệ - dùng tiền giấy thay cho tiền kim loại… như là bà đỡ cho doanh nghiệp - doanh nhân ra đời. Trong thời gian chưa đầy một thập kỷ, bộ mặt doanh nhân - doanh nghiệp khởi sắc. Dự định của Hồ Quý Ly là muốn có một đội quân hùng mạnh với 100 vạn lính, đều phải dựa trên một tiềm năng và cơ sở  kinh tế phát triển đến như thế nào đó mới được. Không có các ghi chép về doanh nghiệp thời đó, nhưng  từ tác động của Cải cách, doanh nhân và doanh nghiệp đã xuất hiện, chẳng hạn các công xưởng đúc vũ khí, như đúc súng Thần cơ, mà người sáng chế ra chính là Hồ Nguyên Trừng, con của Hồ Quý Ly, là một trường hợp, có thể là doanh nghiệp nhà nước đã và đang biến dạng tư hữu hóa? Tiếc rằng Vương triều Hồ không đứng vững được trước sự hung bạo của quân xâm lược.  Theo đó là sự chấm hết của Cải Cách.
Lê Lợi phát động cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược ròng rã 10 năm, ngoài ông là một doanh nhân - trang chủ giàu có vùng Lam Sơn (Thanh Hóa), còn khá nhiều doanh nhân theo về.  Những Nguyễn  Chích, Nguyễn Xí…mà Nguyễn Xí là một doanh nhân phát triển với hàng nước mắm biển. Những doanh nhân, không những họ có nhiều sáng tạo trong nghề nghiệp, làm ra được nhiều sản phẩm có giá trị , mà khi họ tham gia vào đại sự Quốc gia họ cũng có nhiều quyết  sách mang lại nhiều thành công đáng kính nể.
Vương triều Lê, dưới thời Lê Thánh tông (1469-1497), một thời kỳ phát triển rực rỡ của Đại Việt, cũng nhờ có hoạt động của các doanh nghiệp - doanh nhân, mà xã hội bình an. Ngay trong ngành nông nghiệp truyền thống, những mầm mống của doanh nghiệp đã vượt trội hơn nông dân cá thể. Bằng chứng là Lê Thánh Tông, cho binh lính hết hạn nghĩa vụ, được mở đất, khai hoang thành lập các Đồn điền sản xuất lương thực. Tuy là do nhà nước quản lý, định kỳ nộp sản phẩm, nhưng các Đồn điền đó chẳng khác gì doanh nghiệp tư nhân. Cả nước từ Nghệ Tĩnh trở ra có đến hơn 50 Đồn điền do quân lính tự quản.
Sự hình thành và phát triển của kinh tế - xã hội thời các Chúa Nguyễn, từ Thuận Hóa trở vào, chú trọng phát triển doanh nghiệp doanh nhân. Trong vòng hơn 200 năm tồn tại của mình và sự đứng vững của thế lực Đàng Trong, chủ yếu là dựa vào sự phát triển của kinh tế, trong đó kinh tế doanh nghiệp là chủ đạo. Ngoài nông nghiệp truyền thống, thì nhiều ngành nghề khác đua nhau khởi sắc. Giữa thế kỷ XVIII, kinh tế Đàng Trong phát triển trội hơn kinh tế Đàng Ngoài. Ở Thuận Hóa, nghề đồng hồ đã rất phát triển, tuy nhiên nghệ nhân học hỏi từ Phương Tây; Nghề đóng thuyền đi biển - thuyền chiến đạt đến trình độ cao. Theo Lê Quý Đông, thì Phố Hiến (Hưng Yên) đã rất tấp nập (Nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến), mà cũng chỉ có vài mặt hàng có giá trị, như cũ nâu, vậy mà ở Fai Fo –Hội An, có hơn 50 mặt hàng có giá trị, rất được thương nhân phương Tây và Nhật ưa chuộng.  Một Đàng Trong phát triển như vậy, góp phần lý giải vì sao các Chúa Nguyễn, liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công ra Bắc Hà, hòng tiêu diệt tập đoàn trị vì Trịnh. Chúa Nguyễn lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm chiến tuyến, không cho quân Trịnh  vượt quá vào trong, thậm chí ở trận cuối cùng, quân Nguyễn còn chiếm trọn đất Hà Tĩnh, vượt sông Lam, chiếm giữ một số huyện phía nam Nghệ An. 
          Sự hưng khởi của thế lực Ba anh em Tây Sơn (Bình Định), bắt đầu từ uy tín và tài năng tổ chức và phát triển cơ sở kinh tế trong vùng Thượng đạo; Về nông nghiệp, Nguyễn Nhạc đã có công tổ chức khai phá nhiều cánh đồng màu mỡ lúa tốt, như Cánh đồng cô Hầu, lấy tên vợ là người Ba Na làm tên cánh đồng; Đặc biệt là kinh dinh mở rộng nhiều ngành nghề thủ công, trong đó có nghề rèn sắt truyền thống phát triển rất mạnh, nhiều hàng hóa đã trở thành đặc sản có thương hiệu nổi tiếng khắp vùng, Nguyễn Nhạc nổi lên như một doanh nhân về mặt hàng buôn lá trầu không, và đã lập thành Trường Trầu nổi tiếng. Sau đó ông được Chúa Nguyễn giao cho cai quản một trạm thu thuế lớn, mà thu nhập hàng năm lên đến 1.500 quan tiền, đây là một trong những nguồn thu lớn ở Đàng Trong.
           Ở Đàng Ngoài, từ đầu thế kỷ XVIII, xã hội rối ren, Chúa Trịnh vơ vét của dân xây cất nhiều cung điện xa hoa lộng lẫy. Những thế lực địa phương nổi lên chống chế độ phong kiến Lê - Trịnh phát triển liên tục khắp tứ trần Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi một thế lực đều chiếm cứ những miền đất trù phú, tất cả họ không những được dân chúng trong vùng ảnh hưởng tham gia tích cực mà chủ yếu là có được một tiềm năng kinh tế dồi dào, chu cấp đầy đủ cho mọi hoạt động của mình.   Bức tranh toàn cảnh kinh tế nước ta vào nửa cuối thế kỷ XVIII phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ và tầm khống chế của cơ chế phong kiến trung ương tập quyền, nhà nước các cấp không đủ sức kìm hãm sự phát triển của doanh nhân, trên nền tảng của tư hữu. Chúng ta thấy sự nở rộ lên của bách nghệ, nhiều làng nghề  đua nhau mọc lên, một số ngành, như khai mỏ, đóng thuyền, gốm sứ, mộc và nhiều làng nghề thủ công truyền thống khôi phục và hưng khởi. Mỏ đồng Tụ Long ở Tuyên Quang (nay đã thuộc vào Trung Quốc), là cơ sở khai thác đồng lớn nhất nước ta, thế kỷ XVIII trở về trước, là miếng mồi ngon cho các thế lực bành trướng luôn luôn dòm ngó và rắp ranh chiếm đoạt; trong 28 vạn quan Thanh sang xâm chiếm nước ta năm 1798, do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, có rất nhiều phu thợ khai khoáng, với âm mưu, sau khi thôn tính Đại Việt xong, bọn chúng sẽ ở lại phân chia nhau đến các cơ sở khai khoáng, cướp bóc hết các mỏ quặng của nước ta. Cho đến nay các thư tịch không nói gì đến sự hưng khởi về kinh tế tư nhân thời đó; nhưng những biểu hiện bề nổi của xã hội, cho phép chúng ta đi đến nhận xét có cơ sở rằng, nếu kinh tế không phát triển, thì cuộc sống của mọi tầng lớp xã hội, mà chủ yếu là từ trung lưu trở lên không thể có được như chúng ta thấy của họ trong những thời khắc lịch sử đó.
         Nền kinh tế Việt Nam, từ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, đã phát triển theo xu thế thị trường, nhưng dưới sự kìm chế liên tục của ý thức hệ phong kiến, cho nên mọi sự hưng khởi về kinh tế đều bị thui chột và đẩy xã hội vào khủng hoảng chính trị. Hồ Quý Ly có đủ quyền uy làm cách mạng Kinh tế - Xã hội, song ý thức hệ của ông và giai tầng quý tộc mà ông đại diện giết chết mọi ý tưởng của ông; cuối thời Trần chính ông đã xé toang bộ Hoàng bào phong kiến quý tộc ra từng mảnh tơi tả; nhưng khi ông ngồi vào Ngai vàng, đã tự tay khâu lại từng mảnh rách của Hoàng bào mà ông sắp vứt vào sọt rác lịch sử, rồi lại nâng niu nó như một tiếc nuối ngàn đời; kết cục của ông đã đẩy đất nước rơi vào vòng Bắc thuộc, vạn lần cay đắng hơn thời Tần Hán (xem Bùi Thiết. Đối thoại sử học). Đến Nguyễn Huệ cũng vậy, vốn là nhà Cách mạng Kinh tế - Xã hội, thanh toán được mọi cản trở cho đất nước phát triển; nhưng lại ngồi nhầm vào Ngai vàng, thì mọi chuyện lặp lại truyền thống hủ lậu của lịch sử đã từng trải qua và trả giá rất đắt.
          Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong bối cảnh kinh tế và xã hội của nửa cuối thế kỷ XVIII, một xã hội đòi hỏi giải phóng tất cả để phát triển, cái áo cũ nát kia không thể khoác mãi lên tấm thân vạm vỡ  của chàng trai Đại Việt đang đầy hoài bão này! Ông không nói gì về xã hội Việt Nam thời đại ông, mà mượn tích truyện thời nhà Minh bên Trung Quốc, với hàm ý xã hội Đại Việt lúc đó có thua kém gì về kinh tế xã hội Tàu. Xã hội Trung Quốc thời Gia Tĩnh. Kinh tế doanh nhân đã phát triển đến trình độ khá cao, cái đáng chú ý là sự phát triển của doanh nghiệp xa xỉ - ăn chơi; trong thực tế thì, có đủ cái ăn, cái mặc, cái ở, cái sinh hoạt thường nhật đã, thì khi đó mới phát triển và nâng lên cái thói -thú chơi bời. Nếu làm nông, làm nghề cơ khí, làm nhà buôn vất vả lắm mới có được doanh thu, và thường khi do rủi ro nghề nghiệp mà thua lỗ; còn những cái nghề như của Tú Bà, Bạc Bà…thì chỉ có thu về nhiều thứ nhất. Khách làng chơi, thường là kẻ giàu có và sang trọng. Thời Nguyễn Du đã là thế, sự hưng khởi của doanh nghiệp ăn chơi lên đến tột đỉnh như lời mụ Tú Bà nhắc nhở Thúy Kiều rằng:
          Nghề chơi cũng lắm công phu/ Làng chơi ta cũng biết cho đủ đều
          Muôn nghìn người thấy cũng yêu/ Xôn xao oanh yến, dập dìu trúc mai
           Tin nhạn vấn, lá thơ bài, Đưa ngườii cửa trước rước người cửa sau
           Thì chắc chắn rằng, có được cái bề nổi của công nghệ ăn chơi, là có toàn bộ sự phát triển của công nghệ thường nhật, xã hội đã lo đủ mọi thứ rồi, thì làm gì mà không ăn chơi thỏa thích. Xã hội ngày nay cũng vậy, những sân golf, những khách sạn 5 sao,…mọc lên như nấm, là có cơ sở kinh tế - xã hội rất phát triển, không ai nhịn ăn, nhịn mặc để đi chơi, no thân ấm cật, dậm dật hư thân là thế.  
           Nếu như trong Truyện Kiều, từ cảnh đến người, tuy mượn cái vỏ, cái tên vỏ ngoài của Tàu, nhưng thực chất đó là cảnh và người Việt đích thực, như chúng tôi đã từng chỉ ra, chẳng hạn như đoạn thơ sau đây:
          Buồn trông cửa biển chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
           Buồn trông ngọn nước mới sa/ Hoa trôi man mác biết là về đâu?
          Buồn trông ngọn cỏ nhàu nhàu/ Chân mây mặt đất một màu thênh thênh’
          Buồn trông gió cuốn mặt duyền/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
          Ai cũng tưởng đây là cảnh thật ở bên Tàu, Lầu Ngưng Bích tại thành Lâm Tri, nơi Kiều bị bán cho Lầu xanh Tú Bà. Nhưng thành Lâm Tri đâu phải nằm trên bờ biển, Lâm Tri ở về phía tây nam tỉnh Tô Châu, từ đây muốn đi ra biền phải theo hướng đông gần 100km nữa mới tới. Lâm Tri nằm trước cửa sông Tiền Đường, có sông nước mênh mang, nhưng không phải là biển. Theo chúng tôi thì cảnh này Nguyễn Du quay được ở cửa sông Mỹ Dương, một con sông lớn chảy vòng từ tây bắc Hồng Lĩnh, đổ về, sông đã cạn dòng từ hơn trăm năm nay, do rừng Hồng Lĩnh bị chặt phá. Cửa biển Mỹ Dương nằm tại Động Gián, nay thuộc xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, một cảng biển phát triển từ cuối thế kỷ XIV, với nhiều ngành nghề, mà nước mắm là chủ đạo. Tại đây, tổ tiên Nguyễn Xí (một danh tướng lừng lẫy thời Lê Lợi chống Minh) đã hưng khởi cơ nghiệp nước mắm của mình. Đến đời Nguyễn Xí, nghề nước mắm rất phát đạt, chính Nguyễn Xí là một doanh nhân của ngành mắm - muối, ông từng buôn bán mắm muối khắp vùng Thanh - Nghệ, thuộc đường đi lối lại miền ngược, và đã tổ chức cho nghĩa quân Lam Sơn, cuộc rút lui ngoạn mục về đất Thánh Nghệ An, tạo thế thượng phong cho công cuộc kháng chiến chống Minh đi đến thắng lợi vẻ vang. Cũng chính Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều tại Động Gián, như ghi chép của Tiến sĩ Nguyễn Mai, mà có dịp chúng tôi đã nói đến (xem: Bùi Thiết. Nguyễn Du viết Truyện Kiều tại Động Gián).
          Có thể tóm lược lại rằng: Trước Nguyễn Du ba trăm năm, kinh tế doanh nhân Việt Nam đã phát triển đến ngưỡng, đòi hỏi phải được giải phóng thoát khỏi mọi ràng buộc của chế độ phong kiến: nhưng tất cả đều là hy vọng và bị bóp chết bởi quyền lực và lợi ích của tập đoàn Quý tộc. Thời Nguyễn Du, chu kỳ khủng hoảng được lặp lại và ở mức độ nghiêm trọng hơn; nhưng lịch sử cố tình níu chặt lại cơ chế, làm cho Kinh tế - Xã hội Việt Nam không thể nào thoát khỏi vòng Kim cô cay độc. Hai ba trăm năm sau Nguyễn Du, chu kỳ khủng hoảng được lặp lại và nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, những lối thoát đã hé lộ, nhưng sự níu kéo của quyền lợi phe nhóm, là cản trở và thách thức lớn nhất, và cái giả phải trả là bao nhiêu cho đủ để đất nước phát triển?
          Chúng ta đang sống trong cơn lốc của Kinh tế - Xã hội, khác về thời điểm so với Nguyễn Du; nhưng không khác mấy về bản chất - tính chất thời cuộc. Nguyễn Du đã trăn trở, mới có được Đoạn trường Tân thanh bi ai và da diết đến như thế, làm đau lòng cho biết bao kiếp người, ông sợ người đời lãng quên ông và quên nốt cả Đoạn trường Tân thanh, cũng vì miếng cơm manh áo. Nhưng hậu thế đã tạo được những doanh nhân, tầm cỡ hơn nhiều những doanh nhân và doanh nghiệp thời ông, chắc rằng những tiếng khóc cho ông là những tiếng khóc chào đời cho một đất nước phồn thịnh và giàu lòng nhân ái./.                 
                  
        Hà Nội, Rằm tháng Bảy Đinh Dậu - 2017.
                                    BT



* Nhà Sử học – Hội Kiều học Việt Nam.

SINH VẬT TRONG TRUYỆN KIỀU



                    VƯƠNG TRỌNG

        Ta biết rằng, trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, sinh vật bao gồm cỏ cây và các loài con đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái tình cảm của các nhân vật, mà chủ yếu là nàng Kiều. Bởi rằng, cỏ cây, các loài con cùng với các hiện tượng tự nhiên tạo nên cảnh, mà cảnh không tách rời tình theo nguyên tắc “ Khi nên cảnh cũng chiều người” hoặc “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cùng trong một ngày thanh minh, khi Kiều đang vui thì “Cỏ non xanh tận chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Thế nhưng sau khi nghe Vương Quan kể chuyện Đạm Tiên, Kiều đã buồn, khóc và đề thơ bên mộ Đạm Tiên, thì cảnh trở nên buồn :“ Một vùng cỏ áy bóng tà. Gió hiu hiu thổi một và bông lau”. Có thể bạn đọc nói rằng: sở dĩ trong một ngày mà có cảnh vui, cảnh buồn là do hai buổi khác nhau: buổi sớm và buổi chiều. Không phải như vậy, sau khi ở mộ Đạm Tiên ra, Thuý Kiều gặp Kim Trọng, tình yêu chớm nở thì cảnh lại trữ tình và không hề buồn, dù nói về thời gian thì lúc này gần hoàng hôn hơn khi bên mộ Đạm Tiên: “Dưới cầu nước chảy trong veo. Bên câu tơ liễu bóng chiều thướt tha”…Với ý này, nếu triển khai rộng ra, có thể đủ dung lượng cho một luận văn… thạc sĩ!
  Ở bài viết này, tôi không đi theo hướng đó, mà đơn giản hơn nhiều, muốn thống kê xem bao nhiêu loài cây, bao nhiêu loài con đã xuất hiện trong Truyện Kiều. Nhớ lại cách đây mười mấy năm, trong một lần về thăm Tiên Điền, một vị lãnh đạo chủ chốt của huyện Nghi Xuân đã dẫn tôi đi thăm bảo tàng, khu mộ và cả khu đất xưa kia dựng căn nhà của cụ Nguyễn Du. Vị cán bộ huyện nói ý định sẽ xây dựng một không gian văn hoá Nghi Xuân, trong đó có Vườn Kiều: “ Chúng tôi sẽ tổ chức, vận động những người yêu Truyện Kiều xa gần cùng chung sức, trồng đủ 127 cây mà cụ Nguyễn Du đã kể tên trong Truyện Kiều”. Lúc đó tôi hết sức cảm phục vị cán bộ này. Tôi là một người thuộc Kiều từ nhỏ, cũng đã viết nhiều bài nghiên cứu về Truyện Kiều, nhưng thú thực, tôi không biết được trong Truyện Kiều có nhắc đến bao nhiều loài cây. Thế mà một cán bộ huyện lại nắm được điều đó! Tôi dự định có dịp sẽ tỷ mẩn thống kê lại để xem 127 thứ cây đó là những cây gì, nhưng rồi thời gian tôi đi, vẫn chưa làm được điều đó, cho đến năm 2008 -2009, khi Đài Tiếng nói Việt Nam nhờ tôi chủ trì tiểu mục Đố Kiều, tôi liền ra câu đố để cùng thính giả cả nước thống kê số cây, cỏ trong Kiều. Câu đố đó như sau:

"Cỏ non xanh tận chân trời"
"Cành lê trắng điểm", liễu thời thướt tha
"Hải đường lả ngọn" bên nhà
"Sen tàn, cúc lại nở hoa" khắp miền...
Nơi nào cỏ đã mọc lên?
Bao loài cây đã có tên trong Kiều?

    Khi đọc các bài giải đố, tôi nhận ra rằng, với một độc giả bình thường, việc thống kê tên các loài cây đã được nhắc trong Truyện Kiều không hề đơn giản, bởi ngoài những cây cối thông thường như sen, lựu, liễu, hải đường... còn rất nhiều cây khác, hoặc nằm trong điển tích, hoặc không có ở nước ta, hoặc là có ở nước ta nhưng lại không mang tên gọi thông thường...Và trong nhiều trường hợp, một số tên cây xuất hiện trong Truyện Kiều lại với một nghĩa khác, ví dụ như xuân, huyên để chỉ cha, mẹ; bình bồng để chỉ trôi giạt...Tuy nhiên, theo câu đố thì hai cây xuân, huyên cũng như bình (bèo), bồng ( một loại cỏ) phải được kể tên. Bởi thế, phần lớn các bài giải đố đã thống kê thiếu những tên cây cỏ trong Truyện Kiều. Ví dụ: Thính giả Lê Đình Lư ( Quảng Xương, Thanh Hoá) chỉ kể được 8 lòai cây ; bác Phùng Văn Viêng ( Thiệu Hoá, Thanh Hoá) chỉ tính được 9 loài cây;  bác Ngô Nguyên Ngần ( Cầu Giấy, Hà Nội): trên hai chục loài; bác Khuất Văn Trân ( Thạch Thất, Hà Nội): 27 loài; bác Hoàng Văn Mùi ( Gia Viễn, Ninh Bình): 30 loài; bác Nguyễn Văn Hà ( Hưng Hà, Thái Bình): trên 40 loài; bác Nguyễn Văn Thông( Hiệp Hoà, Bắc Giang): 41 loài; bác Lê Văn Thiện ( Vinh, Nghệ An): 46 loại;bác Nguyễn Ngọc Thạch ( Thành phố Ninh Bình): 49 loài và bác Nguyễn Đình Song (Ý Yên, Nam Định): 49 loại...vân vân.
  Với quan niệm tương đối cho rằng cỏ là một loài cây, gai góc cũng là một loài cây, bác Lê Văn Thiện thống kê được 46 loài cây đã nhắc tên trong Truyện Kiều. Thế thì đáp số cuối cùng là bao nhiêu loài? Xin thưa: khoảng 55 loài. Sau đây là bảng thống kê ( theo thứ tự thống kê của bác Lê Văn Thiện và bổ sung thêm 9 loài nữa): Liễu, Đào, Trúc, Mai, Quỳnh, Dao, Trà Mi, Hải Đường, Lê, Cúc, Lan, Huệ, Sen, Dâu, Lựu, Cỏ, Tùng, Phù Dung, Hạnh, Mận, Phong, Thuần, Phỉ, Xuân, Huyên, Tử (cây Thị), Hoè, Bồ, Phần, Dương, Bách, Bèo, Rêu,  Mẫu Đơn, Quế, Đằng ( cây Mây), La (một loại dây leo), Lau ( tức Vi Lô), Cải, Quýt, Ngô Đồng, Sắn, Bìm, Mướp Đắng, Cỏ Tranh, Gai Góc, Bồ Đề, Trà, Chàm, Đào Tiên, Bồng , Hồng, Hoàng Lương ( Kê), Bối, Cát( sắn dây) .
    Để dễ nhớ, tôi xin thống kê lại theo thể thơ lục bát:
Trà mi, mai, trúc, liễu, đào
Phù dung, hạnh, mận, quỳnh, dao, quế, hồng
Huệ, lan,dâu, lựu, cỏ, bồng
Đằng, la, phần, tử, ngô đồng, xuân, huyên,
Mẫu đơn, cải, quýt, sắn, bìm
Hoàng lương, mướp đắng, đào tiên, bồ đề
Cỏ tranh, gai gốc, bồ, hoè
Bèo, rêu, phong, phỉ, lau, lê, Hải đường
Trà, chàm, cúc, bối, bách, dương
Sen, tùng, cát nữa: tổng chừng năm lăm (55)!
    Như vậy chúng ta đã thống kê được 55 loài cây đã nhắc tên trong Truyện Kiều, và coi đây là con số tương đối, chứ không phải bất di bất dịch. Dù sao, đây là một lượng thông tin rất đáng ghi nhận đối với những ai say mê và thích tìm hiểu Truyện Kiều. Như vậy, con số 127 loài cây mà vị cán bộ huyện Nghi Xuân nói cách đây chừng 20 năm là con số… bịa, nhiều gấp hơn hai lần con số thực!
   Cũng tương tự, chúng tôi đã ra câu đố sau đây để cùng thính giả cả nước tìm số con trong Truyện Kiều:

Lầu không én liệng xập xè
Dưới trăng, quyên đã gọi hè bao đêm
Có cây, ắt sẽ có chim
Có hoa, ong bướm sẽ tìm đến thôi
Cỏ, cây biết hết tên rồi
Bao loài động vật xin mời chỉ ra!

      Khi ra câu đố này, chúng tôi vẫn đinh ninh rằng, lời giải sẽ dễ hơn tháng trước đố về cây cỏ trong Truyện Kiều, nhưng khi đọc các bài giải của thính giả gửi về, mới biết rằng, riêng việc thống kê các con vật đã xuất hiện trong Truyện Kiều cũng không đơn giản, nên kết quả thống kê cũng khá chênh lệch nhau: Bác Phí Hữu Tiệp ( thành phố Việt trì, Phú Thọ) chỉ thống kê được 12 loài vật; cụ Nguyễn Văn Nho ( Sơn Dương, Tuyên Quang): 28; thính giả Hồ Bảo (Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá): 30 ; Phùng Văn Viêng ( Thiệu Hoá, Thanh Hoá): 33; Nguyễn Ngọc Quỳnh ( Vũ Thư, Thái Bình): 38 ; bác Lê Văn Thiện ( Vinh, Nghệ An): 38 ; Nguyễn Ngọc Thường (Thái Thuỵ, Thái Bình): 39 ; Nguyễn Bá Trĩ ( Hậu Lộc, Thanh Hoá) : 40; Nguyễn Đình Quất (Quế Võ, Bắc Ninh): hơn 40; Hoàng Văn Mùi ( Gia Viễn, Ninh Bình): 45;  Nguyễn Đình Song (Ý Yên, Nam Định): 49;  Đỗ Liên Tiếp ( Lương Tài, Bắc Ninh):51. Đặc biệt thính giả Trần Tất Trừ ( Quảng Xương, Thanh Hoá) tính được đến 62 loài vật!
   Đọc kỹ các bài giải đố chúng tôi thấy rằng, những thính giả thống kê dưới 40 loài vật, nói chung là thiếu, còn các thính giả thống kể trên 40 loài, “mỗi người một vẻ” nhưng  vừa thiếu, vừa thừa. Ví như bác Nguyễn Đình Song thống kê được 49 loài nhưng thừa mất 9 loài, vì bác cho rằng Chim hôm, chim lồng, chim trời, bóng chim là những loài chim, cá nước, cá chậu là những loài cá… đồng thời bác tính Ma, Quỷ là những loài vật. Một số thính giả coi chữ Tuất trong Truyện Kiều là chỉ con chó, với nghĩa lân tuấtchó hàng xóm. Chúng tôi biết rằng, những thính giả này đã dựa vào một bản Truyện Kiều mà sự giảng giải và hiệu đính không chính xác. Sự thật lân tuấtthương xót, chứ không liên quan con vật nào ở đây cả! Nhưng người thừa nhiều nhất là thính giả Trần Tất Trừ, vì bất cứ một từ nào mà trùng tên một loài vật, ông đếu tính là loài vật, ví như nông, khách, báo, trai, chồn, giang…! Theo chúng tôi, tính thế này là không chính xác, bởi đây là hiện tượng đồng âm dị nghĩa.
   Thế thì trong Truyện Kiều bao nhiêu loài vật đã được nhắc tên?
Như số đông thính giả, chúng ta thống nhất rằng, có ba danh từ riêng nhưng trùng tên các con vật thì ta coi như con vật được nhắc tên, đó là Đồng Tước ( sẻ ), Khuyển ( chó), Ưng ( chim ưng) và xem con tằm và con ngài là hai con khác nhau (xét về mặt hình dáng), chúng ta thống kê được các con vật như sau ( dựa vào bảng thống kê của bác Lê Văn Thiện và bổ sung 10 loài còn sót):
1: Thuý, 2: Uyên,3: Phượng, 4: Loan, 5: Rồng, 6: Bằng, 7: Hổ (hùm), 8: Sói, 9: Ruồi, 10: Hạc, 11: Oanh (Chim Anh), 12: Lươn, 13: Khuyển, 14: Ưng, 15: Mèo, 16: Gà, 17: Trâu, 18: Ngựa, 19: Tằm, 20: Ngài, 21: Ve, 22: Vượn, 23: Rắn, 24: Dẽ, 25: Chuồn, 26: Sư Tử, 27: Kiến, 28: Nhện, 29: Thỏ, 30: Ác, 31: Én ( hay Yến), 32: Quyên (Đỗ Quyên), 33: Bướm ( Hồ Điệp), 34: Ong, 35: Nhạn, 36: Mồi (Đồi Mồi), 37: Chim ( nói chung), 38: Cá ( nói chung), 39: Vược ( hoặc Hức), 40: Chim Xanh, 41: Chim Hồng, 42: Con ghẻ, 43: Huỳnh (Đom Đóm), 44: Giao Long ( Rồng Cá), 45: Chim Tinh Vệ, 46: Kình ( Cá Voi), 47: Ngạc (Cá sấu), 48: Ngần ( một loài cá rất trắng), 49: con Điêu.
   Như vậy là chúng ta đã thống kê được 49 loài vật, tuy nhiên đây không phải là con số bất di bất dịch, ví dụ như chữ Ngần chẳng hạn, cụ Bùi Kỷ thì coi là một loài cá, nhưng cụ Đào Duy Anh chưa đồng ý. Hay như chữ ghẻ, cũng có thể coi là một bệnh chứ không tính là con! Bởi vậy chúng ta nên nói một cách tương đối rằng gần 50 loài vật đã được cụ Nguyễn Du nhắc tên trong Truyện Kiều. Phải chăng đây cũng là một kết luận có ý nghĩa đối với những ai thích tìm hiểu Truyện Kiều?
    VT
2013
                                                                
                                                                     














LẠI NÓI VỀ CỘI NGUỒN CỦA HỌ NGUYỄN TIÊN ĐIỀN

GS Nguyễn Đình Chú (thứ 2 bên phải) chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo khoa học về Nguyễn Du


GS.NGND NGUYỄN ĐÌNH CHÚ
     
 Họ Nguyễn Tiên Điền của Nguyễn Du lừng danh như thế nào thì mọi người đã rõ. Nhưng gia phả họ Nguyễn này ở Tiên Điền thì cũng chỉ cho biết vị tổ khải tổ  là cụ Nguyễn Nhiệm (Nhậm), kế tiếp theo trực hệ là Nguyễn Đức Hành
( Phương Trạch hầu) , Nguyễn Ôn, Nguyễn Thế, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm (Xuân Quận công) thân phụ của Nguyễn Du. Dựa vào thành quả của gia phả học trong đó có sách Gia phả: khảo luận  và thực hành của Nguyễn Đức Dụ xuất bản ở Sài Gòn năm 1973;  bài viết của nhà cổ học Trần Huy Bá vốn dựa vào bản tộc phả họ Nguyễn Đình tại Hà Nội được Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòa, Giám đốc  Trung tâm Việt học Đại học đường Souther Illinoi (Hoa Kỳ) cho mượn đọc trước ngày ông xuất ngoại (1947) đăng trên Tạp chí Tổ quốc số ra ngày 11 năm 1975, sách Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền nam nước Việt cuối thế kỷ thứ XVII của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền in lần  thứ ba , NXB Văn học 1999; một số  tộc phả trong đó có sách Cương quốc công Nguyễn Xí: tộc phả - Di huấn – Phụ lục in năm 1993 và Cương quốc công Nguyễn Xí : tộc phả - Di huấn- Phụ lục ( Tái bản và nâng cấp) in năm 2013 của Đại tộc  Thái Sư Cương Quốc công Nguyễn Xí tại xã Nghi Hợp, Nghi Lộc Nghệ An;  tộc phả Dòng họ Nguyễn Đình gốc Nghi Hợp, chuyển cư  tới Phật Não ( Thạch Hà, Hà Tĩnh), Lam Vỹ  (Thiệu Hóa , Thanh Hóa), Thụy Khuê – Văn Tân -  Quán La ( Hà Nội) do ông Nguyễn Đình Chính trưởng chi Văn Tân phụng soạn… tại Hội thảo khoa học Nguyễn Du: tiếp cận từ góc độ văn hóa do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học  quốc gia Hà Nội cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tỗ chức năm 2013, trong tham luận có nhan đề Nói thêm về cỗi nguồn họ Nguyễn Tiên Điền của Nguyễn Du, tôi đã làm rõ cỗi nguồn này chính là họ Nguyễn Đình Thái Sư Cương quốc công Nguyễn Xí tại làng Thượng  Xá , huyện Chân Phúc xưa, nay là xã Nghi Hợp thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vốn gốc  làng Cương Giản thuộc huyện Nghi Xuân, cách Tiên Điền khoảng ba bốn cây số. Đời cụ Nguyễn Hợp  đưa con là Nguyễn Hội từ Cương Gián sang  sống ở làng Thượng Xá làm nghề muối, sau đó trở lại sống với con trưởng ở quê cũ. Còn  cụ Nguyễn Hội ở lại và sinh hai con là Nguyễn Biện, Nguyễn Xí. Đặc biệt là Nguyễn Xí trở thành  Người hai lần khai quốc” và khai mở ra một dòng họ vào loại vẻ vang nhất trên đất Lam Hồng ở thời trung đại: 59 vị Quốc công và Quận công, 179 vị tước hầu, 141 vị tước bá, 7 vị tước nam, 39 vị tước tứ. Từ đó mà  các nhà gia phả học đã nói Nguyễn Du là cháu đời thứ 14 của Nguyễn Xí. Riêng tôi còn muốn giải thích hiện tương cụ Nguyễn Nhiệm trong khi tránh sự truy đuổi của triều đình   Trịnh sao không chạy trốn về đâu mà lại về Tiên Điền? Ấy  vì chính đây là nơi quê cha đất tổ. Và gia đình đã một phen tan cửa nát nhà phải chạy trốn như thế mà sao chỉ  mấy đời sau đã phát triển thành một dòng họ được ca dao ghi nhận: “ Bao giò ngàn Hống hết cây/ Sông Rum hết nước họ nàyi hết quan”nếu không thuộc đại tộc Nguyễn Đình Thái Sư Cương Quốc công Nguyễn Xí vẻ vang như thế cả trên hai phương diện võ công là chính nhưng văn nghiệp cũng không kém.
       Nay tôi xin nói rõ thêm  riêng về nhánh họ của cụ Nguyễn Nhiệm. Đây là nhánh họ thuộc Đại chi Hai của Đại tộc Cương Quốc công Nguyễn Xí mà vị Tổ chi là Nguyễn Trọng Đạt, con trai thứ mười của Cương Quốc công Nguyễn Xí, sinh trưởng trên đất Thăng Long có gia đình định cư tại làng Cảo Dương,và Canh Hoặch thuộc huyện  Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, Hà Đông cũ, nay là xã Hồng Dương và xã Canh Hoặch thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội. Năm 1445, Nguyễn Trọng Đạt với tước hiệu Tín đạt đại phu,, dưới triều Lê Nhân Tông, theo cha vào nam đánh giặc Chiêm Thành quấy phá biên cương, bắt được nhiều tù binh đưa về giam tại xứ Bàu Ổ, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, quận Hoan Châu, nay thuộc phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, Nghệ An. Nguyễn Trọng Đạt được triều đình sai cai quản trại tù binh  và để đảm nhiệm trọng trách này, ông  đưa một bộ phận gia đình về đấy vốn là quê hương của mình. Ông đã có công lớn trong việc cảm hóa, Việt hóa tù binh Chiêm, kể cả một số tù binh Minh trước đó  từ thân phận tù binh thành một chi họ dưỡng tử Nguyễn Chế của Đại tộc Nguyễn Đình.  Từ chức tươc Tín đạt đại phu, ông được phong tước Tán trị công thần, Bắc quân đô đốc lịch trung dinh thượng tướng quân Linh  quận công. Con ông là Nguyễn Đình Thủy vẫn ở lại Canh Hoặch, sinh  Nguyễn Đình Địch đậu Thám hoa năm 1481. Nguyễn Đình Địch sinh Nguyễn Doãn Toại.  Nguyễn Doãn Toại bị bệnh phong, phải làm lều ngoài đồng để ở. Nhưng được cô NguyễnThị Hiền con gái Tiến sĩ  Nguyễn Bà Kỷ , người cùng họ tộc, tự nguyện ra sống làm bạn với Nguyễn Doãn Toại và có con với nhau , đặt tên là Đạm sau đổi thành Thiến, thông minh trác lạc. Nguyễn Thiến được cậu là Nguyễn Đức Lượng hết lòng dìu dắt dạy dỗ. Về sau cả hai cậu cháu cùng đậu Trạng nguyên dưới triều nhà Mạc . Năm 1527. Lê Mạc phân tranh. Nguyễn Thiến  là hậu duệ công thần nhà Lê sơ, nhưng  đậu đại khoa dưới triều nhà Mạc do đó mà cũng làm quan với nhà Mạc. Bầy giờ con cháu hậu duệ công thần nhà Lê nhiều người đã theo nhà Mạc nhưng sau đó nhận ra Mạc Đăng Dung là kẻ “ lòng chứa gian tà”, phản bội nhà Lê, nên một số lại muốn về với nhà Lê trung hưng.. Chú ruột của Nguyễn Thiến là Nguyễn Kiều đang giữ chức Đặc vận công thần kiệt tiết tướng quân kỳ bài ty tướng sỹ Yên mỹ bá  của  triều đình nhà Mạc, vì để lộ tư tưởng phù Lê, bị Mạc Đăng Doanh buộc tội chết bằng hình phát phải tự sát. Trước tình hình đó, em ông Nguyễn Kiều là Nguyễn Đình Tùng đang giữ chức Kiệt tiết tướng quân  cẩm y vệ  sự đô vệ hầu  liền bỏ  nhầ Mạc, chạy trốn vào làng Đại Não( Phật Não) huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang , thừ tuyên Nghệ An , nay là xã Thạch  Đài, huyện Thách Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Hai con của Nguyễn Kiều cũng chạy trốn về Nghệ An, ngụ tại làng Yên Lương nay là phường Nghi Thủy, thị xã   Cửa Lò và xã Vĩnh Yên, tổng Yên Trường , nay là phường Hưng Đông, thành phố Vinh. Sau vụ Nguyễn Kiều bị nhà Mạc sát hại, đến năm Tân Hơi ( 1551 ), Nguyễn Thiến đang giữ chức Thượng thư triều Mạc cũng bị bọn gian thần Phạm Quỳnh , Phạm Giao gièm pha , vu tội cùng người thông gia là Thái tế Lê Bá Lý mưu đồ phản nghịch. Do đó Mạc Phúc Nguyên đã cho quân lính đến vây bắt hai ông. Nhung được một số quần thần tin cẩn đưa lực lượng đến giải thoát hai ông, Sau đó, Lê Bá Lý thì cùng con là Phổ quận công Lê Khăc Thận đưa hơn một vạn quân, còn Nguyễn Thiến thì cũng hai con là Nguyễn  Quyện , Nguyễn Miễn đưa  bản bộ và hơn 100 người, trốn vào Thanh Hóa, đầu hàng triều đình Lê Trịnh, được vua Lê vui mừng, đãi ngộ, giao trọng trách tuyển chon nhân tài cho triều đình. Con gái đầu lòng của Nguyễn Thiến là Nguyễn Thị Ngọc Cẩm trở thành  vợ thứ năm của Trịnh Kiểm. Tiếp theo Le Bá Lý và Nguyễn Thiến, một số mưu thần dũng tướng  khác cũng bỏ Mạc theo Lê Trinh. Vương  triều Lê trung hưng  càng thêm khí thế. Trước tình hình đó, Mạc Phúc Nguyên lo sợ bèn giao vương quyền cho Mạc Kính Điển để tìm cách co cụm để giữ vững Thăng Long. Năm 1557, Nguyễn Thiến qua đời. Trịnh Kiểm thì ngày càng lấn át vua Lê. Biết được tình hình này, Mạc Phúc Nguyên cầu viện quốc sư Nguyễn Bỉnh Khiêm  từng cùng Nguyễn Thiến làm quan với triều Mạc, nhờ viết thư dụ hàng hai con của Nguyễn Thiến là Nguyễn Quyện và Nguyễn  Miễn lúc này đã theo cha về với triều đình Lê Trịnh. Nhận được thư của Nguyễn Bỉnh Khiêm vào lúc rát bất bình với Trịnh  Kiểm, lại nể lời thầy học, hai anh em đã bỏ triều đình Lê Trịnh để về với nhà Mạc . Được triều đình nhà Mạc nhiệt liết đón nhận. Nguyễn Quyện từ tước  Văn phái hầu của  Lê Trịnh được phong lên tước Thượng quận công. Nguyễn Miễn được phong tước Phù quận công. Con hai ông cũng được phong chức tước cao. Con gái trưởng của Nguyễn Quyện là Nguyễn Như Nguyệt trở thành vợ của Mạc Mậu Hợp. Nhà Mạc  hưng thịnh lại. Thanh Hóa và Nghệ An thuộc đất xây dựng cơ đồ của vương triều Lê Trịnh trở thành chiến địa  nồi da nấu thịt của chiến tranh Lê – Mạc. Trong cuộc đối đầu này của hai bên, Nguyễn Quyện trở thành người hùng. Đương thời đã có câu :  Quyện tồn Mạc tại /Quyện bại Mạc vong”( Nguyễn Quyện còn thì nhà Mạc còn / Nguyễn Quyện bại thì nhà Mạc mất)  . Nhưng đến năm 1592, Thiết chế Trịnh Tùng nối gót cha là Trịnh Kiểm mở cuộc tấn công đại qui mô vào sào huyệt của nhà Mạc tại Thừa tuyên Sơn Nam. Kết quả nhà Mạc đại bại. Nguyễn Miễn và hai con tử trận. Nguyễn  Quyện bị quân  Lê Trịnh bắt giải về  Lam Kinh Thanh Hóa. Trịnh Tùng tự tay cơỉ trói và tiếp đãi trọng vọng, không lấy  oán báo oán mà lấy ân báo ân ví có cha Nguyễn Thiến từng là trọng thần vương triều Lê Trịnh, chị là phu nhân Trịnh Kiểm. Nhưng Nguyẽn Quyện mặt đỏ bừng đã dõng dạc nói : “ Tôi vì lẽ chúa Trịnh lộng hành, coi thường vua Lê, đối xử với mọi người không ra gì và nể lời khuyên của thầy học nên về  lại với nhà Mạc, được nhà Mạc tri ân mà đối đãi rất nồng hậu cho nên tôi phải lấy ân trả ân. Nay là bại tướng, không còn kế sách  gì nưa mà trông nom đất nước. Trời đã bó nhà Mạc thì người anh hùng cũng khó thi sức” ( Đại Việt thông sứ). Không dụ hàng được, Trịnh Tùng đã sát hại ông và hai con trai là Nhuệ quận công Nguyễn Tín và Thọ Nham hầu Nguyễn Thọ. Trịnh Tùng còn ra lệnh  “tru  di diệt tộc”( giết cả họ). Sau khi có lệnh này, dòng họ Nguyễn Đình của Thái Sư Cương quốc công Nguyễn Xí tại làng Cảo Dương nay là xã Hồng Dương và làng Canh Hoặch thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội lâm vào cảnh xáo lộn. Tên họ Nguyễn Đình đổi thành Nguyễn Duy. Mộ của thủy tổ là  Điện tiền đo chỉ huy sử Cảm y vệ kiêm Tổng tri Dương võ bá Nguyễn Đình Thủy  đổi thành mộ Nguyễn Quang Kính. Mộ của Thám hoa Nguyễn Đình Địch đổi thành mộ Nguyễn Quang Cảnh. Đồ thờ bị đốt phà. Bia mộ bị  cạo xóa. Làng Cảo Dương có họ Nguyễn Đình bị yểm long mạch. Cho đến ngày  chúa Trịnh yếu thế, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm con gái Trạng nguyên Nguyễn Thiến mới dẫn dân  hai làng  Cảo Dương quê cha và Canh Hoặch quê mẹ  ra Thăng Long dỡ  dinh cơ phủ chúa về dựng thành hai đinh lang và dựng từ đường thờ tổ tiên dòng họ. Về sau , ông Nguyễn Duy Tài, hậu duệ đời thứ  13 dòng họ Nguyễn Duy ( vốn là Nguyễn Đình) đã truy tầm tu lập Gia phả dòng họ Nguyễn Duy”.
      Cơn bão thế gian đã quật đổ  một nhánh họ thuộc đại tộc Nguyễn Đinh  Thái Sư Cương quốc công Nguyễn Xí  trên đất  Cảo Dương và Canh Hoặch thuộc huyện Thanh Oai, Hà Đông xưa tan tành như thế. Nhưng may thay có người con thứ ba của Nguyễn Miễn là Nam dương hầu Nguyễn Nhiệm chạy trốn được về quê cha đất tổ là Nghi Xuân , Tiên Điền để rồi lại tiếp nối  di truyền sinh học, đặc biệt là di truyền  văn hóa mà có lại một dòng họ khi nào “Sông Rum hết nước họ này hết quan”. Trong đõ    chú cháu là Nguyễn Du và Nguyễn Hành là hai trong An Nam ngũ tuyệt. Riêng Nguyễn Du là thiên tài , là danh nhân văn hóa, vào dịp 200 năm sinh(1965), được Ủy ban bảo vệ hòa binh thế giới suy tôn, kỷ niệm; vào dịp 250 năm sinh ( 2015) này lại được Unesco thuộc Liên hiệp quốc kỷ niệm trên toàn thế giới vì đã“ viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Và  “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn”(1).
                                                              Yên Hòa thư trai quí thu ( 10 -2015)


Chú thích (1)
         Bài viết này chủ yếu dựa vào thành quả nguyên cứu của cụ Nguyễn Đình Triển 90 tuổi, nguyên Trưởng ban nghiên cứu lịch sử đảng Nghệ Tĩnh, Phó quản tộc phụ trách văn hóa tộc phả Đại tộc Thái Sư Cương Quốc công Nguyễn Xí ( cùng nhiệm kỳ đó tôi là chánh quản tộc)  trong bản thảo sách  Sự tích  danh nhân lịch sử  của Đại tộc Thái Sư Cương Quốc công Nguyễn Xí  mà tôi được mời hiệu đính, biên tập,viết lời giới thiệu sẽ xuất bản trong một dịp không xa. Xin phép và cảm ơn chú Nguyễn Đình Triển đã tạo điều kiện cho tôi có thể viết bài tham luận này trong cuộc Hội thảo khoa học về Nguyễn Du của Tỉnh Hà Tĩnh và Hội Kiều học Việt Nam tổ chức nhân dịp đón nhận danh hiệu Nguyễn Du danh nhân văn hóa được Unesco  kỷ niệm trên toàn thế giới.

Gần 90 tuổi vẫn dịch Kiều


           
Dịch giả Dương Tường và cuốn Kiều in Dương Tường's Version. Ảnh T. Điểu
                                                                                              PHẠM XUÂN NGUYÊN

            Nói tới Dương Tường nếu bạn là người thích đọc sách văn chương, nhất lại là văn chương nước ngoài, thì hẳn bạn biết. Ông là một dịch giả nổi tiếng đã chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt hơn 50 tác phẩm văn chương lớn của nhân loại ở nhiều nền văn học trên thế giới, ví như Anna Karenina (Lev Tolstoi - Nga), Đi tìm thời gian đã mất(Marcel Proust - Pháp), Đồi gió hú (Emily Bronte - Anh), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell - Mỹ), Cái trống thiếc (Gunter Grass - Đức), Lolita(Vladimir Nabocov - Nga-Mỹ), Cội rễ (Alex Haley - Mỹ), Bức thư của người đàn bà không quen (Stefan Zweig - Áo), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami - Nhật Bản)…
           Sau bản dịch tiểu thuyết Chết chịu của nhà văn Pháp Céline, ở tuổi 86 ông đã tính nghỉ ngơi. Nhưng với một người suốt đời cặm cụi với trang văn và con chữ như ông thì không thể nào ngồi không được, không thể “ăn gian thời gian sống” như lời ông nói. Ông lại mở sách ra, nhưng lần này là sách tiếng Việt, và ông tìm về kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du để lại được “nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời” (thơ Huy Cận).
           Đến một ngày ông bỗng muốn dịch Kiều ra tiếng Anh để trả ơn tiếng mẹ đẻ đã cho ông được làm người và làm nghề và cũng để góp một chút phần đưa kiệt tác văn chương dân tộc ra thế giới. Mắt ông đã lòa nên con cháu phải giúp một cái máy tính để phóng to chữ lên màn hình. Và ngày ngày ông cặm cụi ngồi dịch. Sau hai năm bản dịch 3254 câu Kiều Việt sang 3254 câu Kiều Anh hoàn thành. Và tháng 4 này, bản Kiều tiếng Anh Dương Tường (Kiều in Dương Tường’ version) đã ra mắt bạn đọc.
             Trước bản dịch của Dương Tường, theo thống kê chưa đầy đủ về những bản dịch toàn bộ tác phẩm và đã xuất bản, Truyện Kiều đã có hơn 30 bản dịch ra hơn 20 thứ tiếng nước ngoài (Pháp, Trung, Anh, Hungary, Nhật, Đức, Mông Cổ, Tiệp, Nga…). Bản sớm nhất là tiếng Pháp, năm 1884. Riêng về tiếng Anh, theo một nhà nghiên cứu, đã có 17 bản dịch. Trong đó có bốn bản được đánh giá cao là: “The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu” (1963, 2010) của Lê Xuân Thủy, The Tale of Kiều (1973, 1983) của Huỳnh Sanh Thông, Kieu, The Tale of a Beautiful and Talented Girl (1994, 2011) của Michaell Counsell, và Kim Van Kieu of Nguyen Du(2004) của Vladislav V. Zhukov. Như vậy bản Kiều tiếng Anh Dương Tường là bản dịch tiếng Anh thứ 18.
            Kiều qua trích dẫn của các chính khách Mỹ
         Chưa thể đi sâu phân tích bản dịch, bây giờ tôi thử lấy bản Kiều-English Huỳnh Sanh Thông là bản được đánh giá cao nhất làm đối chứng với bản Kiều-English Dương Tường để nêu lên mấy nhận xét bước đầu. Huỳnh Sanh Thông (1926 - 2008) là một giáo sư tại Đại học Yale (Mỹ), bản dịch Kiều của ông ra lần đầu 1973, mười năm sau (1983) được sửa chữa, tái bản. Trong quá trình dịch ông có tham khảo các bản dịch tiếng Pháp tiếng Anh và ý kiến những đồng nghiệp Mỹ cùng trường.
           Dương Tường khi dịch không tham khảo bản dịch Kiều tiếng Anh tiếng Pháp nào, một mình dịch trong hai năm. Ông cho biết chỉ trong quá trình dịch có một người Mỹ gửi cho bản dịch của Timothy Allen ông đọc thấy dịch không đạt và càng có thêm tự tin cho bản dịch của mình.
Cả hai bản của Huỳnh Sanh Thông và Dương Tường đều để nguyên chữ “Kiều” như tiếng Việt, đều dịch đúng 3254 câu Việt sang câu Anh.
Trước hết ta hãy xem hai câu mở đầu:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
Huỳnh Sanh Thông: “A hundred years - in this life span on earth / talent and destiny are apt to feud”. Dương Tường: “In the one-hundred-year span of a human life, / Destiny implacably sets upon Talent”. Câu của Sanh Thông mang tính khái quát, quy luật đời người hơn. Để dịch chữ “cõi”, cả hai ông, và ông Lê Xuân Thủy nữa, khi dịch câu này đều dùng từ “span” nghĩa đen là “gang tay”, từ đó rộng nghĩa là “khoảng thời gian ngắn ngủi”.
       Cổ nhân nói “đời người ngắn chẳng tày gang” (“Our life but a span”). “Cõi người ta” với Sanh Thông là “khoảng đời trên cõi trần” dùng “earth” không mạo từ. Dương Tường thì cho đó là hạn hẹp đời người đúng một trăm năm “one-hundred-year span”.
        Bản Huỳnh Sanh Thông đã được hai nhà lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Bill Clinton (2000) và Phó tổng thống Joe Binden (2015) sử dụng khi trích dẫn Kiều trong bài phát biểu của mình trước người Việt. Ta hãy đối chiếu những câu Kiều được dùng trong văn bản chính trị này ở hai bản dịch.
        Đầu tiên là hai câu 1795-1796 được ông Bill Cliton dùng trong bài phát biểu năm 2000 tại Hà Nội:
“Sen tàn cúc lại nở hoa,
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.
Bản dịch Huỳnh Sanh Thông: “Just as the lotus wilts, the mums bloom forth, / Time softens grief, and the winter turns to spring” (“Ngay khi sen héo úa thì cúc nở / Thời gian làm dịu nỗi đau và đông chuyển sang xuân”). Bản dịch Dương Tường: “As seasons go, with lotus wilted, mum start blossoming forth / Sorrow while time away and soon winter ushers spring in (“Theo nhịp mùa đi, với sen tàn, cúc bắt đầu nở / Nỗi buồn theo thời gian trôi và chẳng mấy chốc đông đưa xuân tới”. Sanh Thông chỉ nói “Ngay khi” (“Just as”), còn Dương Tường muốn thơ hơn “Theo nhịp mùa đi” (“As seasons go”).
Còn đây là hai câu 3121-3122 mà ông Joe Binden dùng trong bài phát biểu tại Wasington (2015):
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.
Bản dịch Huỳnh Sanh Thông: “Thank heaven we are here today, / To see the sun through parting fog and cloud” (“Nhờ trời hôm nay chúng ta ở đây hôm nay / Để thấy được mặt trời xuyên qua sương mù và mây đang tan ra từng mảng”). Bản dịch Dương Tường: “Heaven blesses us with this day - from our gate, / mist has cleared; high up, clouds are dispelling” (Trời đã ban phúc chúng ta ngày này - từ ngoài cổng ngõ nhà ta / sương đã hửng lên, trên cao mây đang tan ra). Dương Tường theo đúng bản gốc chỉ nói trời quang mây tạnh, còn Sanh Thông thì thêm vào là “thấy mặt trời” (“To see the sun”).
Một tổng thống Mỹ khác là Barak Obama cũng đã dùng Kiều trong bài phát biểu của mình tại Hà Nội (5/2016). Đó là hai câu 355-56:
“Rằng: Trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi”
Trong văn bản bài nói của ông tổng thống hai câu này được dịch là: “Please take from me this token of trust, so we can embark upon our 100-year journey together” (“Xin nhận lấy từ tôi biểu hiện niềm tin này, như thế chúng ta có thể cùng nhau đi cuộc hành trình trăm năm”).
           Bản dịch Huỳnh Sanh Thông: “Henceforth I'm bound to you for life," he said./ "Call these small gifts a token of my love” (“Từ nay tôi đã buộc tôi vào đời em / Xin gọi món quà nhỏ này là biểu hiện tình yêu của tôi”. Bản dịch Dương Tường: “From now on, I’m yours for life, take these small things as a token of my love” (“Từ bây giờ, đời tôi đã là của em / Xin nhận món đồ nhỏ này như là biểu hiện tình yêu của tôi”). Sanh Thông xa xưa (“Henceforth”), Dương Tường gần nay (“From now on”).
           So sánh chỉ mấy câu trên đã có thể thấy hai cách dịch của Huỳnh Sanh Thông và Dương Tường là “đại đồng tiểu dị”. Ý chính họ truyền đạt giống nhau, tuy có khi người này dịch sát, người kia dịch thoát. Khác nhau chỉ ở đôi chỗ dùng từ ngữ.
Xin đưa thêm câu nữa để thấy hơn những chỗ gặp nhau của hai bản dịch.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. (Câu 41-42)
Huỳnh Sanh Thông: “Young grass spread all its green to heaven's rim; / some blossoms marked pear branches with white dots”. Dương Tường: “Young grass spread its green carpet as far as the horizon / Pear branches adorned themselves with white blossoms”. Sanh Thông cho hoa điểm cành, Dương Tường cho cành điểm hoa và thêm một tấm thảm xanh (“green carpet”) cho đồng cỏ...
           "Giới thiệu Nguyễn Du tới Shakespeare"
         Như đã nói, tôi chưa thể đi sâu vào bản Kiều tiếng Anh Dương Tường, chỉ mới nêu mấy nhận xét sơ bộ qua việc đối chứng nó với một bản dịch đã có trước gần nửa thế kỷ ở Mỹ và được đánh giá cao nhất. Nhưng chỉ nội chừng đó đã đáng ghi công cho Dương Tường khi ông dám đặt cho mình một bài thử tột đỉnh (Supreme Test) là giới thiệu Nguyễn Du với Shakespeare (introducing Nguyen Du to Shakespeare - tức là đưa Kiều sang tiếng Anh), nói như nhà báo Nguyễn Công Khuyến trong lời giới thiệu cho sách này.
             Bởi ông làm việc này khi tuổi đã cao, mắt đã gần như lòa, tai đã nghễnh ngãng, mà lại làm với Truyện Kiều. Nhưng ông đã vượt qua được thử thách đó một cách ngoạn mục. Giờ đây, Nguyễn Du/Kiều/in Dương Tường’s version đã thành sách với nhiều phụ bản tranh minh họa đẹp của các họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Quân, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Thanh Bình, Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Công Cừ.
          Thế là thêm một dịch phẩm Kiều ra thứ tiếng phổ biến toàn thế giới để đưa nàng văn Việt quốc sắc thiên hương đến với nhân loại muôn nơi. Với người trong nước, ai đọc được tiếng Anh có thể đọc để thưởng thức Kiều trong một bộ dạng ngôn ngữ khác. Họ có thể bàn luận, góp ý về cách dịch cho dịch giả. Và điều quan trọng hơn, có thể từ tấm gương của Dương Tường họ sẽ được tiếp thêm cảm hứng và động lực để nguyện làm “con ngựa thồ văn hóa” chở văn chương nước nhà ra nước ngoài bằng những bản dịch trong những thứ tiếng khác nhau.
          Tôi đang viết những dòng này thì đọc được trên trang cá nhân của Trưởng khoa Việt Nam học (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM) thông tin có một người từng bỏ ra hàng chục năm để dịch Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Người dịch này đã trên 80 tuổi, mang bản dịch tới Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn muốn được giới thiệu với bạn đọc. Trang Facebook này viết thêm: "Không biết có Nhà xuất bản, Công ty sách nào có ý định giới thiệu bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp thứ 14, ra tiếng Anh thứ 17 thì liên hệ để chúng tôi giao bản thảo. Năm nay là năm kỷ niệm 200 năm ngày mất (1820 - 2020) Nguyễn Du, nếu tập sách này ra đời thì sẽ là một đóng góp lớn đối với việc giới thiệu văn hóa nước nhà".
          Mong sẽ có nơi nhận xuất bản những bản dịch này. Và các bạn trẻ: Chẳng lẽ cứ để những người già chạy tiếp sức trên con đường dịch thuật văn chương này sao?
PXN

THƯ NGỎ

Kính thưa quý vị!      Nguyễn Du (1765-1820) là Đại thi hào của dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa Thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của ông ...