LTS: Xin tiếp tục giới thiệu tham luận tại Hội thảo: “Doanh nhân với Truyện Kiều & Truyện Kiều với doanh nhân”. Bài 4
 |
Nhà thơ Vương Trọng tham luạn tại Hội thảo. Ảnh TVS |
NHÀ THƠ VƯƠNG TRỌNG
Cùng kinh doanh bằng cách mua bán hàng
hóa, cụ thể là mua rẻ bán đắt để ăn giá chênh lệch, nhưng người Việt mình nói
chung cũng như cụ Nguyễn Du nói riêng đã phân biệt hai loại người làm nghề đó.
Một loại làm ăn đàng hoàng, thường là có vốn lớn, được gọi là thương gia, còn
loại kia gian dối trong mua bán, có khi lừa đảo, thường làm ăn manh mún, chụp
giật…được gọi là con buôn. Thương gia và con buôn cái chính không phải khác
nhau về quy mô kinh doanh, mà là đạo đức kinh doanh. Nhân dân ta dành những từ
tốt đẹp cho giới thương gia, và coi khinh phẩm giá của con buôn.
Thương gia trong Truyện Kiều chỉ có hai nhân vật phụ, lướt qua rất nhanh, Nguyễn Du vẫn
đủ thời gian thể hiện lòng trân trọng và có khi là nỗi cảm thông. Nhân vật
thương gia thứ nhất không rõ tên gọi là gì, chỉ biết ngôi nhà của người ấy nằm
sát ngôi nhà của Thúy Kiều, được Nguyễn Du giới thiệu:
Là nhà Ngô Việt thương gia
Buồng không để đó, người xa chưa về
Cặp lục bát này ngoài việc thể hiện cơ hội
cho Kim Trọng có thể thuê ở, làm nơi đọc sách, thì hình như bộc bạch cảm thông
của Nguyễn Du với người thương gia mải buôn bán xa xôi, chưa trở lại nhà mình. Câu
thơ đượm vẻ buồn thương. Bằng cách nào đó thương lượng đã xong, Kim Trọng “Túi đàn
cặp sách đề huề dọn sang” ngôi nhà vừa thuê đươc! “Túi đàn cặp sách” là “tài sản
văn hóa” của chàng Kim, thì cảnh nhà thương gia này cũng rất tương xứng:
Có cây, có đá sẵn sàng
Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai
Tức là vị thương gia này đã tạo phong cảnh
cho nhà mình bằng cây cảnh và hòn non bộ, lại có cả cái hiên ngồi để thưởng ngoạn
cảnh đẹp, có biển đề “Lãm Thúy” màu vàng rõ nét. Chàng Kim tỏ ra thật hài lòng
với nơi ở này, đâu chỉ vì hai chữ Lãm Thúy nét vàng kia một phần trùng với tên
Thúy Kiều là người đẹp chàng đang đeo đuổi, mà quan trọng là quang cảnh được tạo
dựng ở đây. Miêu tả cảnh nhà vị “Ngô Việt thương gia” này khác xa cơ ngơi những
kẻ nhiều tiền nhưng thiếu văn hóa, là một cách Nguyễn Du thể hiện cảm tình và
lòng trân trọng của mình.
Vị thương gia thứ hai trong Truyện Kiều đề cập tới là Thúc Ông, bố của
Thúc Sinh. Ta biết được nghề nghiệp, gia cảnh của ông này qua lời giới thiệu về
Thúc Sinh:
Khách du bỗng có một người
Kỳ Tâm, họ Thúc cũng nòi thư hương
Vốn người huyện Tích, châu Thường
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Truy.
Như thế, Thúc Ông, bố của Thúc Sinh là người
làm nghề buôn bán, quê ở châu Thường, huyện Vô Tích, hiện mở ngôi hàng ở Lâm
Tri. Bản thân Thúc Ông hoặc thế hệ trước ông được học hành tử tế, thì Thúc Sinh
mới mang danh “nòi thư hương” được. Chắc chắn gia đình Thúc Ông giàu có, được mọi
người nể trọng…thì Thúc Sinh mới được kết duyên cùng Hoạn Thư, con gái Thượng
thư bộ Lại. Thời phong kiến, nhất là phong kiến Trung Quốc, “môn đăng hộ đối”
được tuân thủ nghiêm ngặt, qua gia thế của Thượng thư bộ Lại “Ngước trông tòa rộng,
dãy dài/ Thiên Quan Trủng Tể có bài treo trên”, ta hiểu được gia cảnh của Thúc
ông: giàu có, sang trọng.
Thúc Ông xuất hiện trong Truyện Kiều không nhiều, nhưng dưới ngòi
bút của Nguyễn Du, ta thấy ông có vẻ đàng hoàng của một vị quan hơn là người
buôn bán:
Giậu thu vừa nẩy giò sương
Gối yên đã thấy xuân đường tới nơi
Đây là hình ảnh Thúc Ông sau thời gian về
thăm quê trở lại Lâm Tri. Cảnh thì đẹp mà người thì ung dung, khoan thai. Đặc
biệt là thái độ của Thúc Ông khi nghe Thúc Sinh cưới Thúy Kiều. Đó cũng là phản
ứng của các nhà nho truyền thống, không thể cho con trai lấy gái lầu xanh làm vợ,
nên “Phong lôi nổi trận tơi bời” với ý định “Dạy cho má phấn trở về lầu xanh”
là chuyện đúng đạo lý. Nhưng Thúc Sinh cương quyết không chịu bỏ Thúy Kiều,
Thúc Ông cư xử cũng hết sức đàng hoàng, không hề mắng chửi, mà “cáo quỳ cửa
công” tức là đem kiện con trai ra tòa. Đây cũng là hành động của một người có
văn hóa, hiểu pháp lý, không đem cái thế của bậc cha mẹ áp đặt cho con. Nhờ tài
thơ đã cứu Thúy Kiều, vị quan “mặt sắt đen sì” đã bị khuất phục, đem tình thay
lý khi tuyên bố “ Dâu con trong đạo gia đình/ Thôi thì dẹp nỗi bất bình là
xong” thì “Thúc Ông thôi cũng dẹp lời phong ba” mà tuân thủ kết quả xử kiện
không có lợi cho mình. Kết quả này một phần do tài năng của Thúy Kiều, nhưng một
phần quan trọng là thái độ cầu thị của Thúc Ông, biết đổi thay thái độ theo
tình thế mới.
Lòng tốt của Thúc Ông còn thể hiện trong một
năm ông sống gần Thúy Kiều ở Lâm Tri khi Thúc Sinh về với Hoạn Thư ở Vô Tích. Rồi
khi bọn Khuyển Ưng đốt nhà, bắt Thúy Kiều, lập hiện trường giả, tưởng Thúy Kiều
bị chết cháy, Thúc Ông vô cùng thương xót, đã thu gom di hài về nhà cúng tế.
Tóm lại, dưới ngòi bút của Nguyễn Du, Thúc Ông là một thương gia đáng kính.
Người buôn bán đàng hoàng, được gọi là
thương gia chỉ có hai nhân vật rất phụ ấy. Hầu hết kẻ làm nghề buôn bán trong Truyện Kiều là bọn làm ăn bất chính, phi
pháp, gian dối, lừa đảo, vô văn hóa được xếp vào loại con buôn. Nguyễn Du đã định
nghĩa về con buôn như sau:
Khác màu kẻ quý người thanh
Ngẫm ra cho kỹ như hình con buôn
Như vậy, con
buôn là loại người có phẩm chất thấp kém, khác hẳn những người có văn hóa.
Ta hãy lần lượt điểm mặt, chỉ tên bọn
chúng.
Đầu tiên là Mã Giám Sinh. Tay này bất hảo từ lý lịch. Y là một kẻ phong tình , trác
táng. Địa bàn quen thuộc là chốn lầu xanh. Khi có tiền thì chơi cho nhẵn túi, rồi
lại hành nghề ngay mảnh đất đó, giống như thời nay một số tay anh chị thường
tuyên bố “ngã xuống nơi nào thì đứng lên từ nơi đó”! Nghề của y là buôn người,
“Đem về tiếp khách kiếm lời mà ăn” như Tú Bà đã đúc kết. Y có đầy đủ thuộc tính
bất hảo của con buôn, vô văn hóa trong ứng xử, “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” khi
y đến để mua Kiều. Mặc cả là chuyện thường tình của việc mua bán, nhưng “Cò kè
bớt một thêm hai” thì chỉ việc làm của con buôn. Một trong những đặc trưng của
bọn buôn là gian dối. Gian dối trong hành động và lới nói. Trước hết, y che giấu
chuyện đi mua Thúy Kiều bằng việc đóng vai một phú ông “Mày râu nhẵn nhụi, áo
quần bảnh bao” đi tìm vợ thiếp. Sự thật mua Kiều về để tiếp khách ở Lâm Tri,
nhưng y nói đưa về quê y ở Lâm Thanh, với mục đích gây khó khăn nếu sau này gia
đình tìm kiếm nàng. Gian dối trong lời nói, gian dối trong tính toán. Ta hãy
xét xem cách suy nghĩ, tính toán của y trong nhà trọ với Thúy Kiều, trước khi
khởi hành về Lâm Tri. Máu con buôn trước hết xem lời lãi ra sao của món hàng
mình vừa mua được:
Về đây nước trước bẻ hoa
Vương tôn quý khách ắt là đua nhau
Hẳn ba trăm lạng kém đâu
Cũng đà vừa vốn còn sau thì lời.
Sao lại ba trăm lạng đã vừa vốn, khi giá
mua Thúy Kiều là “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”? Chắc Mã Giám Sinh không
nhầm mà tác giả Truyện Kiều đã nhầm lẫn
giữa giá bán nàng Kiều với cái giá mà gia đình Vương Ông phải nạp cho bọn sai
nha “ Tính bài lót đó, luồn đây/ Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”. Cảm hứng đầu
tiên đến với Mã là tiền lãi do món hàng hời là Thúy Kiều đem về. Cảm hứng thứ
hai trỗi dậy xuất phát từ hắn là “một đứa phong tình”, muốn chiếm đoạt nàng Kiều.
Nàng Kiều trước khi bán mình thì cân nhắc “ bên tình bên hiếu”, còn gã Mã trước
khi hành động thì phân vân giữa “vốn nhà” và “của trời”: “Vốn nhà cũng tiếc, của
trời cũng ham”!. Nếu gã hành động, chiếm được “của trời” này thì ảnh hưởng đến
“vốn nhà”, tức món hàng bị mất giá. Nhưng sau đó mọi lập luận của gã đều khuyến
khích gã hành động. Thứ nhất, cái đáng lo nhất là nàng Kiều mất trinh, thì giải
quyết được để lừa khách làng chơi theo thủ pháp “nước vỏ lựu, máu mào gà” để
hoàn trinh, lúc đó giá món hàng vẫn như cũ “Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất
chi”. Thứ hai, Mã Giám Sinh biết biện pháp đó có thể không lừa được Tú Bà, khi
đó nếu mụ trị tội thì cùng lắm chịu hèn “Liều công mất một buổi quỳ mà thôi”! Lập
luận thứ ba của Mã mới thật lưu manh và đê tiện:
“Vả đây đường sá xa xôi
Mà ta bất động nữa người sinh nghi”.
Có người giải thích như sau: Chữ người
trong câu này chỉ Thúy Kiều, Mã nghĩ nếu mình không làm tình thì Thúy Kiều sẽ
nghi (chắc là nghi không phải mua về làm vợ thiếp). Tôi không nghĩ như thế, vì
cái nghi đó nếu có của Thúy Kiều thì lúc này, khi đã bắt đầu lên đường về Lâm
Tri thì Mã không có gì đáng ngại nữa. Theo tôi, chữ “người” trong câu này chỉ
Tú Bà. Ý của Mã là: Vì đường sá xa xôi, một tháng ròng chung xe với Thúy Kiều,
điều kiện hết sức thuận lợi để chung chạ, nếu như mình không làm gì thì Tú Bà vẫn
nghi mình làm, thế thì chẳng dại gì mà mình không làm! Lập luận tiểu nhân, con
buôn đã đưa Mã đến hành động, một kiểu làm tình đầy thú tính: “ Một cơn mưa gió
nặng nề/ Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương”!
Con buôn thứ hai là mụ Tú Bà, chung lưng mở
ngôi nhà chứa cùng Mã Giám Sinh ở Lâm Tri. Mụ này cũng mang lý lịch bất hảo : “
Làng chơi đã trở về già hết duyên”, nghĩa là thời trẻ thì mụ làm gái lầu xanh,
về già thì làm chủ chứa. Nguyễn Du khắc họa mụ con buôn này từ hình thức đến đến
hành động thật đáng ghét:
Thoắt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao
Trước xe lơi lả han chào…
Da cớm nắng, béo phệ, to lớn khác thường
thế không biết mụ “ăn gì”.? Và chính hai chữ “ăn gì” ấy đã nói được thái độ của
tác giả Truyện Kiều đối với mụ chủ chứa
này. Mụ thao tác các công việc điều hành lầu xanh này khá thành thạo, từ bài học
nhập môn cho “món hàng” mới đưa về, đến việc xử lý bị ế khách. Gian dối là thuộc
tính của con buôn, Tú Bà không thiếu. Khi Tú Bà sắp hành hung vì tội đã chung
chạ với Mã Giám Sinh, Thúy Kiều toan tự tử bằng cách dùng dao cắt cổ, thì điều
sợ nhất của Tú Bà là mất vốn. Với thái độ dỗ dành, mụ đã thuyết phục được Thúy
Kiều từ lời nói dối:
Lỡ chân trót đã vào đây
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non
Người còn thì của hãy còn
Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà…
Mụ sẵn sàng thề thốt gian dối, dù trong
thâm tâm mụ không mảy may nghĩ tới nội dung của lời thề đó:
Mai sau dẫu chẳng như lời
Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.
Mụ chủ chứa nói với cô gái được mua về để
tiếp khách rằng cứ ở đây chờ đợi xem có chỗ nào xứng đáng thì sẽ chọn gả chồng!
Lời nói dối trơ trẽn này chắc đã lừa được nhiều cô gái nhà lành rồi, nay mụ lại
thành công với Thúy Kiều. Một đặc tính con buôn của mụ Tú Bà là lắm âm mưu và
nhiều tráo trở. Hình như tình huống nào mụ cũng có phương án dự phòng để giải
quyết và thái độ của mụ nhanh chóng biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái
khác trái ngược ngay trong nháy mắt. Bản thân Thúy Kiều cũng nhận ra đặc tính
con buôn của Tú Bà là luôn lo sợ mất vốn, chứ không phải có lòng nhân ái biết
yêu thương người khác. Bởi vậy, sau khi bỏ trốn theo Sở Khanh bị Tú Bà bắt được
đánh cho một trận tơi bời, Thúy Kiều chỉ cần nói một câu là Tú Bà không dám
đánh nữa. Câu đó là:
Nhưng tôi có sá chi tôi
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?
Nói nôm na ra rằng tôi chả là gì đâu, tôi
chả mong chờ gì tình thương của bà đâu, nhưng bà cẩn thận đấy, nếu đánh tôi chết
là bà mất vốn! Chữ “vốn” đã thức tỉnh mụ dừng tay hành hạ, dẹp cơn thịnh nộ mà
nhớ lại ý định chỉ “cho một bài học” để Kiều biết phận sự của cô gái lầu xanh
mà thôi!
Con buôn thứ ba được Truyện Kiều đề cập là Bạc Bà, Bạc Hạnh. Đây là loại con buôn không
có cửa hàng, mà chỉ là một loại “cộng tác viên” cung cấp gái điếm cho nhà chứa.
Bề ngoài Bạc Hạnh là một Phật tử, từng đến Chiêu Ẩn Am của Giác Duyên và Quan Âm
Các của gia đình Hoạn Thư nhiều lần. Thế nhưng việc làm của Bạc Hà hoàn toàn
ngược lại điều răn dạy của Phật, không hề có ý giúp người trong cảnh hoạn nạn,
mà lợi dụng tình thế khó khăn của Thúy Kiều để kiếm tiền. Mụ làm bài bản từng
bước, từ vu oan cho Kiều nhiều tội, để bảo rằng không ai còn dám chứa chấp, chỉ
có cách tìm người để gả chồng cho nàng. Dù Thúy Kiều đã cảnh giác, nhưng do
hoàn cảnh đưa đẩy, theo sự sắp đặt, nàng phải lấy Bạc Hạnh, cháu Bạc Hà, và được
mụ giới thiệu như sau:
Này chàng Bạc Hạnh cháu nhà
Cùng trong thân thích ruột rà chẳng ai
Cửa nhà buôn bán Châu Thai
Thật thà có một đơn sai chẳng hề.
Người đàn bà đội lốt Phật tử Bạc Bà, đích
thị con buôn, đã nói dối hết sức trơ tráo, làm cho người nghe tưởng Bạc Hạnh
cháu mụ là “người chồng lý tưởng”, nhưng thực chất nó là thằng dắt gái chuyện
nghiệp cho nhà chứa Châu Thai! Thằng này vô liêm sỉ không kém khi trong lễ
thành hôn giả vờ với Thúy Kiều, nó ra vẻ chân thành “Quá lời nguyện hết thành
hoàng thổ công”, thực ra là chuẩn bị đưa Kiều đi bán. Không phải chỉ đối với
Thúy Kiều, mà trước đây chính hắn đã dẫn bán nhiều cô gái cho nhà chứa:
Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi
Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày
Ba chữ “nơi mọi ngày” nói đầy đủ rằng công
việc này, địa bàn này quá quen thuộc đối với hắn, nên chỉ cần thỏa thuận giá cả
là xong:
Xem người định giá vừa rồi
Mối hàng một đã ra mười thì buông.
Phải chăng trong phi vụ “một vốn mười lời”
này, tiền vốn mua Kiều, Bạc Hạnh bỏ ra thì đưa cho Bạc Bà, vì Giác Duyên không
hề dính dáng? Một điều chắc chắn rằng, chỉ vì những đồng tiền bẩn thỉu mà bọn
con buôn Bạc Bà, Bạc Hạnh đã đưa nàng Kiều trở lại vũng lầy lầu xanh!
Con buôn thứ năm trong Truyện Kiều là mụ chủ chứa ở lầu xanh
Châu Thai.
Nguyễn Du không cần nhắc tên mụ, mà chỉ gợi bằng bốn câu:
Kiệu hoa đặt trước thềm hoa
Bên trong thấy một mụ ra vội vàng
Đưa nàng vào lạy gia đường
Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh…
Bạn đọc sẽ tự hình dung ra hình dáng cũng
như đức tính con buôn của mụ chủ chứa này từ Tú Bà ở Lâm Tri. Và có điều đáng
nói, có lẽ mụ ta đã “trúng quả đậm”, khi
được Từ Hải mua lại nàng Kiều:
Ngỏ lời nói với băng nhân
Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn
Lợi nhuận mụ chủ chứa này thu được chắc
hơn hẳn món Tú Bà đã hưởng lợi, vì “tiền trăm nguyên ngân” của Từ Hải chắc vượt
xa số tiền chàng Thúc mê gái “quen thói
bốc rời”!
Những con buôn ta vừa điểm tới là những kẻ
buôn người. Trong Truyện Kiều có một
con buôn (trong Kim Vân Kiều Truyện
thì hai) không buôn người mà buôn…tơ. Con buôn này được Nguyễn Du gọi là “thằng
bán tơ”. Ở thằng này, Truyện Kiều
khai thác tính cách gian dối của con buôn là có thể bịa đặt đổ tội cho người
khác, để hòng làm nhẹ tội cho mình. Và tác hại của điều đó thì tất cả chúng ta
đã tỏ: gây nên cảnh gia biến của Vương Ông, khiến Thúy Kiều phải bán mình chuộc
cha!
Buôn bán là một khâu hết sức quan trọng
trong dịch vụ phân phối sản phẩm, có tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển,
nâng cao đời sống cộng đồng. Dân ta từ xưa đến nay luôn coi trọng việc kinh
doanh này, thể hiện trong câu thành ngữ “Phi thương bất phú”. Theo tôi, câu này
có hai ý. Thứ nhất người không kinh doanh, buôn bán thì khó giàu. Thứ hai, một
đất nước, một nền kinh tế mà kinh doanh, buôn bán không phát triển thì khó mà
giàu có được. Buôn bán quan trọng là vậy, nhưng nhân dân, đất nước cần những
người buôn bán đàng hoàng, và không chấp nhận bọn lừa đảo, buôn gian bán lậu,
thiếu hẳn văn hóa kinh doanh. Đọc lại Truyện
Kiều thấy rằng cụ Nguyễn Du còn muốn nhắn lời với những người làm nghề này
không chỉ trong thời đại của Cụ: Muốn được xã hội nể trọng thì buôn bán phải đàng
hoàng xứng với hai chữ THƯƠNG GIA, còn nếu vì đồng tiền bẩn thỉu che mất tầm
nhìn, lừa đảo, buôn gian bán lận…thì muôn đời mang theo lời chê trách, phỉ nhổ
cùng hai chữ CON BUÔN!
8 - 2017